Quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản là những quyền cơ bản trong hệ thống pháp luật dân sự, là tiền đề vật chất tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế – xã hội nên đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, cũng như các hoạt động cơ quan nhà nước. Do đó, việc xác lập thực hiện các quyền này không chỉ tuân theo ý chí của chủ thể mà còn phải phù hợp với những nguyên tắc theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo trật tự, công bằng và lợi ích chung của xã hội.
Chính vì vậy, trong phạm vi phải viết này, Luật Dương Gia sẽ làm rõ những nguyên tắc cụ thể về việc xác lập, thực hiện cũng như những vấn đề liên quan đến quyền sở hữu, các quyền khác đối với tài sản, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các quan hệ dân sự hiện hành.
Căn cứ pháp lý:
1. Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là gì?
1.1. Quyền sở hữu đối với tài sản
Quyền sở hữu là một phạm trù pháp lí phản ánh các quan hệ sở hữu trong một chế độ sở hữu nhất định, bao gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh những quan hệ về sở hữu trong xã hội. Theo quy định tại Điều 158 Bộ luật Dân sự 2015, Quyền sở hữu đối với tài sản của chủ sở hữu được cấu thành bởi 03 nhóm quyền sau đây: (i) Quyền chiếm hữu; (ii) Quyền sử dụng; (iii) Quyền định đoạt. Trong đó:
– Quyền chiếm hữu: Theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, chi phối tài sản của mình nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội. Điều này được hiểu theo một cách đơn giản và thông thường nhất là sự nắm giữ, quản lý cũng như chi phối đối với một hay nhiều tài sản. Quyền chiếm hữu được phân loại cụ thể là chiếm hữu ngay tình (chiếm hữu có căn cứ pháp luật) và việc chiếm hữu không ngay tình (chiếm hữu không có căn cứ pháp luật).
– Quyền sử dụng: Theo quy định tại Điều 189 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì quyền sử dụng là quyền trong việc khai thác công dụng, cũng như hưởng các hoa lợi, lợi tức của tài sản. Có thể hiểu một cách đơn giản, quyền sử dụng của chủ sở hữu tài sản là việc khai thác cũng như việc hưởng lợi ích từ khối tài sản khai thác được trong phạm vi pháp luật cho phép. Về nguyên tắc, chủ sở hữu được sử dụng tài sản theo ý chí của mình nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
– Quyền định đoạt: Quyền định đoạt là một trong các quyền năng của chủ sở hữu để quyết định số phận của tài sản. Căn cứ theo Điều 192 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì quyền định đoạt là quyền thực hiện việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản. Chủ sở hữu tài sản thực hiện quyền định đoạt của mình trên hai phương diện: Thứ nhất, định đoạt về số phận thực tế của tài sản như tiêu dùng hết, hủy bỏ hoặc từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản; thứ hai, định đoạt về số phận pháp lý của tài sản là việc làm chuyển giao quyền sở hữu đối với tài sản từ người này sang người khác.
1.2. Quyền khác đối với tài sản
Bộ luật quy định chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật; chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó. Cụ thể, Điều 159 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“Điều 159. Quyền khác đối với tài sản
1. Quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác.
2. Quyền khác đối với tài sản bao gồm:
a) Quyền đối với bất động sản liền kề;
b) Quyền hưởng dụng;
c) Quyền bề mặt.
Theo căn cứ pháp lý nêu trên, có thể hiểu:
– Quyền đối với bất động sản liền kề: Đây là quyền được thực hiện trên một bất động sản (gọi là bất động sản chịu hưởng quyền) nhằm phục vụ cho việc khai thác một bất động sản khác thuộc quyền sở hữu của người khác (gọi là bất động sản hưởng quyền); được xác lập do địa thế tự nhiên, theo quy định của luật, theo thoả thuận hoặc theo di chúc; có hiệu lực đối với mọi cá nhân, pháp nhân và được chuyển giao khi bất động sản được chuyển giao, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
– Quyền hưởng dụng: Đây là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định; có thể được xác lập theo quy định của luật, theo thoả thuận hoặc theo di chúc; quyền hưởng dụng được xác lập từ thời điểm nhận chuyển giao tài sản và có hiệu lực đối với mọi cá nhân, pháp nhân, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Tuy nhiên, khi chấm dứt quyền hưởng dụng thì tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng phải được hoàn trả cho chủ sở hữu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
– Quyền bề mặt: Đây là quyền của một chủ thể đối với mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác; trường hợp quyền bề mặt được chuyển giao một phần hoặc toàn bộ thì chủ thể nhận chuyển giao được kế thừa quyền bề mặt theo điều kiện và trong phạm vi tương ứng với phần quyền bề mặt được chuyển giao.
2. Nguyên tắc xác lập, thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản?
Tại Điều 160 Bộ luật Dân sự 2015 đã đặt ra những quy định cụ thể về nguyên tắc xác lập, thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản như sau:
“Điều 160. Nguyên tắc xác lập, thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản
1. Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản được xác lập, thực hiện trong trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.
Quyền khác đối với tài sản vẫn có hiệu lực trong trường hợp quyền sở hữu được chuyển giao, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được trái với quy định của luật, gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
3. Chủ thể có quyền khác đối với tài sản được thực hiện mọi hành vi trong phạm vi quyền được quy định tại Bộ luật này, luật khác có liên quan nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản hoặc của người khác.”
Trên cơ sở những nguyên tắc theo luật định, Chủ sở hữu có toàn quyền thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, hoặc những quyền khác đối với tài sản đó. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền này phải tuân thủ các quy định của pháp luật, không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác.
Điều này nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa quyền lợi của các chủ thể có liên quan, tránh xung đột lợi ích trong quá trình sử dụng tài sản, đồng thời giữ cân bằng giữa quyền tự do định đoạt tài sản của chủ sở hữu với trách nhiệm bảo vệ lợi ích chung của xã hội.
3. Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản?
Nội dung này đã được quy định cụ thể tại Điều 161 Bộ luật Dân sự 2015:
‘Điều 161. Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản
1. Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thực hiện theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; trường hợp luật không có quy định thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên; trường hợp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là thời điểm tài sản được chuyển giao.
Thời điểm tài sản được chuyển giao là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ chiếm hữu tài sản.
2. Trường hợp tài sản chưa được chuyển giao mà phát sinh hoa lợi, lợi tức thì hoa lợi, lợi tức thuộc về bên có tài sản chuyển giao, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Như vậy, Thời điểm xác lập quyền sở hữu sẽ theo các thứ tự xác định sau:
– Theo quy định luật đối với các trường cụ thể;
– Nếu không có quy định cụ thể của luật về thời điểm xác lập quyền thì thời điểm này do các chủ thể thỏa thuận;
– Nếu các chủ thể không thỏa thuận thì đó là thời điểm tài sản được chuyển giao.
Và thời điểm chuyển giao được giải thích là thời điểm chủ thể có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ chiếm hữu tài sản. Đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu thì có 2 thời điểm thường được lựa chọn để xác định thời điểm xác lập quyền sở hữu là thời điểm chuyển giao về mặt pháp lý (là thời điểm sang tên chủ sở hữu) hoặc thời điểm chuyển giao về mặt thực tế (là thời điểm trực tiếp nắm giữ tài sản).
Theo đó, quyền này chỉ phát sinh khi hoàn tất thủ tục đăng ký theo quy định. Các quyền khác đối với tài sản, chẳng hạn như quyền sử dụng, quyền thế chấp, quyền hưởng dụng, cũng được xác lập theo cơ chế pháp lý riêng, đảm bảo tính hợp pháp và rõ ràng trong quan hệ tài sản giữa các bên.
Đồng thời, tại Khoản 2 Điều 161 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hoa lợi, lợi tức được xác lập cho ai khi tài sản chưa được chuyển giao, đó là xác lập cho bên có tài sản chuyển giao. Những quy định về thời điểm xác lập quyền đối với tài sản giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các chủ thể, đảm bảo tính minh bạch, ổn định trong giao dịch dân sự và thương mại.
Nhận thấy, trong bối cảnh hội nhập kinh tế và toàn cầu hóa, việc quy định và thực thi chặt chẽ các nguyên tắc xác lập quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản không chỉ giúp hạn chế tối đa các tranh chấp, xung đột lợi ích giữa các cá nhân, tổ chức, mà còn tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc để giải quyết các tranh chấp khi có phát sinh, để từ đó góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, tăng cường tính tự chủ và trách nhiệm trong quản lý, sử dụng tài sản của mỗi cá nhân.
Trên đây là toàn bộ những nội dung và các vấn đề liên quan đến nguyên tắc xác lập, thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. Trong trường hợp bạn cần tư vấn thêm vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được hỗ trợ.
CÔNG TY LUẬT TNHHH DƯƠNG GIA - CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG
Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng
Điện thoại: 0931548999; 02367300899