Một số kiến nghị về nguồn pháp luật tại Việt Nam

mot-so-kien-nghi-ve-nguon-phap-luat-tai-viet-nam

Trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam và hội nhập quốc tế hiện nay, việc nghiên cứu và tìm những giải pháp để phát huy hiệu quả sử dụng các loại nguồn trên thực tế là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng; góp phần nâng cao vai trò điều chỉnh quan hệ xã hội bằng pháp luật, hình thành thói quen thượng tôn pháp luật.

Từ việc nghiên cứu những vấn đề lý luận về nguồn của pháp luật, thực tiễn sử dụng nguồn của pháp luật ở Việt Nam hiện nay, tác giả bài viết mạnh dạn kiến nghị cần phải mở rộng và đa dạng hóa việc sử dụng các loại nguồn ở nước ta hiện nay. Theo đó, thay vì việc đóng khung việc sử dụng chủ yếu, phổ biến loại nguồn văn bản quy phạm pháp luật đồng thời hạn chế việc sử dụng các loại nguồn khác bằng việc đa dạng hóa các loại nguồn, tạo điều kiện để mỗi loại nguồn có thể phát huy tối đa những điểm mạnh và hạn chế phần nào điểm yếu trong quá trình điều chỉnh quan hệ xã hội.

Để có thể mở rộng và đa dạng hóa các loại nguồn của pháp luật ở Việt Nam hiện nay, trong thời gian tới cần triển khai một số vấn đề sau:

1. Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả của nguồn văn bản quy phạm pháp luật

Việc tiếp tục nâng cao chất lượng và tạo điều kiện cho văn bản quy phạm pháp luật được sử dụng rộng rãi trong đời sống xã hội không đồng nghĩa với việc độc tôn sử dụng loại nguồn này. Bởi, việc coi trọng văn bản quy phạm pháp luật ở mức thái quá hay tư duy phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong mọi trường hợp để điều chỉnh quan hệ xã hội sẽ dẫn tới những hậu quả nhất định, thậm chí làm giảm hiệu quả điều chỉnh của các qui định pháp luật thành văn. Trong khi thực tế, cần phải thấy được rằng không phải trường hợp nào cũng có thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh: vì có những trường hợp chỉ hãn hữu mới xảy ra; hoặc cũng có những trường hợp tính ổn định của các quan hệ xã hội còn thấp; hoặc có những quan hệ trong thời gian này chưa cần điều chỉnh bằng qui định pháp luật thành văn… với những trường hợp vừa kể trên, nếu chúng ta cứ cố phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh thì chắc chắn hiệu quả điều chỉnh không cao, thậm chí có thể dẫn đến phản tác dụng.

Do vậy, việc đề cao vai trò, vị thế của văn bản quy phạm pháp luật không phải là sai, là không hợp lý bởi so với các loại nguồn khác của pháp luật hiện nay thì đương nhiên văn bản quy phạm pháp luật là nguồn có nhiều ưu thế và là nguồn tiến bộ nhất, mức độ sử dụng tương đối phổ biến. Tuy nhiên, việc sử dụng văn bản quy phạm pháp luật cần đặt trong hoàn cảnh, tình hình cụ thể để bảo đảm tính hiệu quả của điều chỉnh các quan hệ xã hội. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, và như vậy nhiều quan hệ xã hội cũng ở giai đoạn đang phát triển, tính ổn định thấp, … điều này có thể chưa phù hợp với ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh. Giải pháp với những trường hợp này là có thể kết hợp sử dụng các nguồn khác như tập quán pháp hoặc án lệ.

2. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển án lệ – với tư cách một loại nguồn chính thức

Hiện nay, án lệ đã chính thức được thừa nhận là một loại nguồn của pháp luật Việt Nam. Việt Nam cũng đã công bố 39 án lệ (tính đến tháng 10/2020). Tuy nhiên, án lệ ở Việt Nam mới chỉ dừng ở việc giải thích các qui định của pháp luật thành văn, án lệ tạo ra quy phạm pháp luật chưa được thừa nhận và đang trong quá trình nghiên cứu, việc áp dụng án lệ ở nước ta hiện nay còn hạn chế (cả về mặt pháp lý và cả trên thực tiễn) … Như vậy, để tạo điều kiện cho án lệ có thể tồn tại và phát triển rộng rãi cần:

2.1. Trao thẩm quyền giải thích pháp luật cho Tòa án để thực hiện quyền bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân hiệu quả

Hiện nay, hoạt động giải thích pháp luật vẫn chưa được trao cho tòa án. Thực tế hoạt động giải thích pháp luật của UBTVQH cũng như hướng dẫn áp dụng pháp luật của hệ thống cơ quan hành pháp hoặc chưa đảm bảo được hiệu quả, hoặc mang tính cục bộ, thiếu thống nhất dẫn đến nguy cơ vi phạm quyền, tự do của con người, quyền cơ bản của công dân.

Ngoài ra, hoạt động xét xử là hoạt động xuất phát từ thực tế năng động, biến đổi của xã hội, trong khi đó quy phạm trong văn bản pháp luật lại cần có thời gian (đôi khi là rất dài) và quy trình sửa đổi kể từ khi phát hiện ra nhu cầu của xã hội. Trong trường hợp này, án lệ là sự bổ sung phù hợp và cần thiết để bảo vệ con người trong nhà nước pháp quyền. Nhà nước pháp quyền với pháp luật luôn có vị trí thượng tôn và là phương tiện đáng tin cậy nhất, hữu hiệu nhất để bảo vệ, điều chỉnh các hành vi của con người. Nếu không có pháp luật, hoặc pháp luật không phù hợp thì các cá nhân, tổ chức trong xã hội vẫn sẽ phải tìm cách bảo vệ mình, nhưng khi đó sẽ bằng những con đường phi chính thức, phi pháp luật. Trong bối cảnh ấy, không thể có nhà nước pháp quyền.

2.2. Thay đổi tư duy, nhận thức của các chủ thể trong xã hội về việc sử dụng án lệ

Có thể thấy, trong cả một thời gian dài từ trong lịch sử khi nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập cho đến hiện nay, các chủ thể có thẩm quyền chịu ảnh hưởng nặng bởi tư tưởng coi trọng văn bản quy phạm pháp luật, xem nhẹ việc sử dụng án lệ, án lệ chỉ được đặt ra khi không có pháp luật thành văn, không có tập quán. Điều đó, dẫn tới thực tiễn hiện nay, khi nước ta đã công bố được 39 bản án lệ (xây dựng án lệ bước đầu có những kết quả khả quan) nhưng việc áp dụng án lệ còn hạn chế, nhìn chung chưa được áp dụng trên thực tế. Một phần nguyên nhân từ tư duy của các chủ thể, từ việc thiếu cơ chế cho việc áp dụng án lệ, … từ đó làm cho việc sử dụng còn hạn chế, gây ít nhiều ảnh hưởng tới sự phát triển của án lệ trong tương lai. Như vậy, để tạo điều kiện cho án lệ có thể tồn tại, phát triển và trở thành nguồn bổ sung quan trọng cho pháp luật thành văn, điều quan trọng đặt ra là cần phải thay đổi tư duy, nhận thức, quan niệm về vị trí, vai trò của án lệ trong hệ thống nguồn của pháp luật Việt Nam hiện nay.

2.3. Tham khảo kinh nghiệm của một số nước có truyền thống pháp luật tương tự như Việt Nam

Đều là những nước chịu ảnh hưởng nhiều của hệ thống pháp luật Civil Law nhưng án lệ đã được sử dụng và phát triển ở các quốc gia trên. Chẳng hạn: các nước như Pháp, Đức, Nhật, … tiền lệ pháp được sử dụng là nguồn bổ sung quan trọng trong hệ thống pháp luật quốc gia[1].

3. Tiếp tục phát triển, nâng cao vị thế và vai trò của tập quán pháp

Tập quán pháp cả trên phương diện pháp lý lẫn thực tiễn đã được coi là nguồn của pháp luật Việt Nam hiện nay. Dù vậy, do còn có nhiều những điểm chưa rõ ràng về mặt lý luận, điều kiện, phương thức, phạm vi áp dụng, trình độ nhận thức, hiểu biết của thẩm phán cũng như thiếu những thông tin về tập quán, cho đến nay việc áp dụng tập quán như là nguồn pháp luật trên thực tế còn nhiều bất cập và chưa được áp dụng phổ biến[2]

Việc phát triển, nâng cao vị trí và vai trò của tập quán pháp trong hệ thống nguồn của pháp luật Việt Nam là phù hợp với đặc thù của một quốc gia với hơn 54 dân tộc cùng sinh sống; phù hợp với truyền thống giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc; phù hợp với việc xây dựng một nhà nước dân chủ, tư tưởng lấy dân làm gốc; … và cũng phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, xây dựng nhà nước pháp quyền bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Để nâng cao vị trí, vai trò của tập quán pháp trong hệ thống nguồn của pháp luật cần tiếp tục tiến hành tổng hợp, lên danh mục các tập quán tốt đẹp, phù hợp với nhà nước, với xã hội, lựa chọn thừa nhận bằng việc ghi vào các điều luật trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc thừa nhận nguyên tắc áp dụng tập quán trong hoạt động xét xử của Tòa án để biến một tập quán trở thành tập quán pháp.

4. Nghiên cứu việc thừa nhận và phát triển các tập quán quốc tế, thói quen thương mại quốc tế

Thực tế cho thấy, việc tham gia vào các tiến trình hội nhập văn hóa, chính trị, kinh tế và vào các chuỗi cung ứng toàn cầu buộc Việt Nam phải thực thi các cam kết quốc tế của mình. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy việc công nhận các tập quán thương mại, các thói quen thương mại giữa các chủ thể có quốc tịch khác nhau là nhu cầu cấp thiết xuất phát từ lợi ích của mỗi chủ thể. Nhà nước với tư cách là chủ thể điều tiết cần thiết và có nghĩa vụ thừa nhận, bảo đảm thực thi các tập quán để tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển kinh tế và tạo lợi thế cho các tổ chức, cá nhân mà nhà nước bảo trợ. Như vậy, trong xu hướng hiện nay, các nước nói chung bao gồm cả Việt Nam cần thừa nhận và tạo điều kiện cho các tập quán quốc tế, thói quen thương mại quốc tế, … tồn tại và phát triển mạnh hơn. Đó là nhu cầu tất yếu khách quan của mỗi quốc gia trong xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu và rộng.

5. Tạo điều kiện thuận lợi cho các loại nguồn khác như lẽ phải, lẽ công bằng, các học thuyết pháp lý tồn tại và phát triển

Hiện nay, lẽ phải, công bằng được coi là nguồn bổ sung của pháp luật thành văn ở Việt Nam[3]. Có thể thấy, lẽ phải, công bằng cùng với sự phát triển của tư tưởng pháp luật tự nhiên đã dần dần chiếm vị trí quan trọng trong tư tưởng pháp lý Việt Nam. Rõ ràng, pháp luật đã không còn được coi đươn thuần là ý chí của giai cấp thống trị, mà pháp luật đã dần được coi là hiện thân của chân lý, công bằng và cái thiện. Với xu thế phát triển hiện nay, công bằng, lẽ phải và tư tưởng pháp lý có cơ hội rất lớn để trở thành nguồn bổ sung quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, nhất là bổ sung trong những trường hợp khiếm khuyết, lỗ hổng của pháp luật Việt Nam.

Tóm lại: Nguồn pháp luật là một trong những vấn đề quan trọng không chỉ trong khoa học pháp lý mà còn ở thực tiễn xây dựng và thực thi pháp luật của mỗi quốc gia. Có thể thấy, quan niệm về nguồn của pháp luật luôn gắn liền một cách hữu cơ với quan niệm về pháp luật và ngược lại. Nghiên cứu về nguồn của pháp luật nói chung có thể thấy nổi bật ba loại nguồn là tập quán pháp, tiền lệ pháp (án lệ) và văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra còn có những loại nguồn khác như hợp đồng, điều ước quốc tế, các quan niệm đạo đức xã hội, các tín điều tôn giáo hay pháp luật nước ngoài. Mức độ sử dụng các loại nguồn ở các quốc gia trên thế giới là khác nhau do chịu sự tác động của nhiều yếu tố như truyền thống pháp luật quốc gia, các điều kiện về chính trị, kinh tế, xã hội và cả yếu tố quốc tế cũng ít nhiều có sự tác động đến vị thế, vai trò của các loại nguồn. Trong xu thế hội nhập quốc tế và xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay gắn với đề cao vị trí, vai trò của pháp luật, việc nghiên cứu và đưa ra những giải pháp để nâng cao vị thế, hiệu quả các loại nguồn của pháp luật ngày càng quan trọng và được đề cao hơn. Trước yêu cầu đó, Việt Nam nói riêng cũng như các quốc gia nói chung đều xác định việc mở rộng và đa dạng hóa các loại nguồn của pháp luật là vấn đề tất yếu và cần được chú trọng. Chỉ khi mở rộng và thực hiện việc đa dạng hóa các loại nguồn của pháp luật mới góp phần nâng cao hiệu quả của chúng, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và xây dựng thành công nhà nước pháp quyền ở qui mô quốc gia và trên phạm vi toàn cầu./.

[1] Xem thêm trên: Tạp chí Toà án nhân dân tháng 2-2006 (số 3):  Án lệ ở Nhật Bản; Tìm hiểu hệ thống án lệ của Cộng hòa Pháp…

[2] Cụ thể xem thêm: Báo cáo nghiên cứu: Tập quán pháp – Thực trạng ở Việt Nam và một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả của áp dụng tập quán ở Việt Nam. Dự án tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam (00058492), Vụ hợp tác quốc tế, TANDTC, 2013 do Nguyễn Như Quỳnh, Nguyễn Quốc Việt và Nguyễn Hoàng Phương thực hiện.

[3] Xem: Điều 6 Bộ luật đân sự năm 2015

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon