BLHS năm 2015 ra đời đánh dấu một bước tiến mới trong kỹ thuật lập pháp, phần nào đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế cũng như phù hợp với tình hình thực tiễn về phát triển kinh tế – xã hội của nước ta. Một trong những điểm mới đáng chú ý của BLHS năm 2015 là việc ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.
Đây là một điểm nổi bật, mang tính đột phá của BLHS năm 2015 so với hai Bộ luật trước đó. Việc ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong BLHS năm 2015 xuất phát từ những đòi hỏi cấp bách của thực tiễn. Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu về Khái quát chung về pháp nhân thương mại phạm tội qua nội dung sau đây.
Căn cứ pháp lý:
Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
1. Tính cấp thiết trong việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
Thứ nhất, hiện nay, ngày càng có nhiều vi phạm của pháp nhân trong một số lĩnh vực thể hiện tính nguy hiểm cao, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến nền kinh tế cũng như cuộc sống của người dân. Việc chưa quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là một hạn chế khiến hoạt động áp dụng pháp luật hình sự trong nhiều trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc, dẫn đến những hành vi có dấu hiệu của tội phạm chỉ có thể bị xử phạt hành chính.
Mặc dù vẫn có thể xử lí hình sự đối với các cá nhân đại diện cho pháp nhân trong những trường hợp này, nhưng chế tài áp dụng với các cá nhân không đủ mạnh để răn đe và phần nào hạn chế trong việc khắc phục hậu quả của tội phạm. Mặc dù việc xử lí hành chính đối với các pháp nhân mang tính ưu việt về thời gian, tuy nhiên vấn đề điều tra, chứng minh của các cơ quan có thẩm quyền còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Ngoài ra, nghĩa vụ phải tự chứng minh thiệt hại của người dân để yêu cầu bồi thường cũng làm cho việc xử lý đối với những hành vi vi phạm do pháp nhân gây ra không hiệu quả. Như vậy, nếu không ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân, chỉ xử lí hành chính đối với các pháp nhân có hành vi vi phạm sẽ thiếu tính răn đe nghiêm khắc, chưa tương xứng với tính chất, mức độ nghiệm trọng của hành vi, không ngăn chặn và phòng ngừa được vi phạm trong tương lai.
Thứ hai, trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới, việc ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân là hoàn toàn cần thiết. Nếu không quy định sẽ dẫn đến tình trạng, doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư kinh doanh ở nước ngoài sẽ bị xử lý hình sự khi vi phạm trong khi đầu tư kinh doanh ở Việt Nam thì không và ngược lại, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam vi phạm chỉ dừng ở mức bị xử phạt hành chính trong khi nếu họ đầu tư ở nước ngoài sẽ bị xử lý hình sự.
Thứ ba, hiện nay trên thực tế, các vi phạm pháp luật do pháp nhân thực hiện ngày càng gia tăng, gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế xã hội. Đặc biệt, hai lĩnh vực pháp nhân thực hiện nhiều các hành vi vi phạm pháp luật nhất là về kinh tế và môi trường, tuy vậy chưa có cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Do đó, việc ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân là một đòi hỏi cấp thiết của thực tế trong việc đấu tranh phòng ngừa tội phạm trong giai đoạn hiện nay.
Vì những lí do trên, việc ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong BLHS là việc làm phù hợp với đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm và yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay. Trên cơ sở nghiên cứu toàn diện cả về lý luận và thực tiễn, vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân đã được chính thức ghi nhận trong BLHS năm 2015.
Việc quy định này đòi hỏi phải đáp ứng một số nguyên tắc cơ bản. Một là, ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân phải được thực hiện trên cơ sở đổi mới trong nhận thức về tội phạm và hình phạt so với quan niệm truyền thống. Hai là, việc đổi mới phải được tiến hành đồng bộ và toàn diện thể hiện trong các quy định chung cũng như các quy định cụ thể đối với pháp nhân. Ba là, vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân phải được xác định trên cơ sở hành vi của cá nhân và không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.
BLHS năm 2015 đã phần nào đáp ứng các nguyên tắc trên khi ngoài việc nhóm các quy định về pháp nhân trong 16 điều luật ghi nhận tại Chương XI- Những quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội, còn bổ sung thêm những nội dung cụ thể về pháp nhân trong các điều luật khác có liên quan ở phần chung của BLHS như Điều 2, Điều 3, Điều 8,…
2. Một số quy định có tính nguyên tắc, định hướng chung về pháp nhân thương mại phạm tội
Điều 2 BLHS năm 2015 về cơ sở của trách nhiệm hình sự là quy định mang tính định hướng, làm tiền đề cho các quy định cụ thể trong BLHS về pháp nhân. Khoản 2 Điều 2 đã bổ sung thêm quy định về cơ sở của trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại cụ thể như sau: “Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Quy định này chỉ rõ hai chủ thể của trách nhiệm hình sự là cá nhân và pháp nhân thương mại. Như vậy, BLHS năm 2015 khi quy định về pháp nhân đã giới hạn chủ thể của trách nhiệm hình sự ở đây chỉ là pháp nhân thương mại. Pháp nhân thương mại là “pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác” (Điều 75 BLDS năm 2015).
Với quy định này, không đặt ra vấn đề trách nhiệm hình sự đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị xã hội, các đơn vị lực lượng vũ trang và các tổ chức không có tư cách pháp nhân. Quy định tại Điều 2 BLHS năm 2015 đã xác định pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi phạm tội theo quy định của Điều 76 BLHS năm 2015.
Giới hạn phạm vi các tội danh mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 76 là các tội nằm trong hai nhóm: nhóm tội phạm về kinh tế và nhóm tội phạm về môi trường. Trong 31 tội danh mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự có 22 tội phạm thuộc nhóm các tội phạm về kinh tế và 9 tội phạm thuộc nhóm tội phạm về môi trường.
Như vậy, vấn đề trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra khi pháp nhân thương mại thực hiện một trong những tội phạm đã được liệt kê. Lý do cần phải giới hạn phạm vi các tội danh pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự xuất phát từ quan điểm đây là một vấn đề mới, phức tạp và lần đầu tiên được bổ sung vào BLHS, do vậy, cần xác định phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân ở mức độ vừa phải, phù hợp và sẽ được tiếp tục hoàn thiện trong quá trình áp dụng BLHS.
Bên cạnh đó, yêu cầu hội nhập quốc tế với vai trò là thành viên của nhiều công ước đòi hỏi Việt Nam phải dần tiến hành nội luật hoá các khuyến nghị quốc tế. Tuy nhiên, trước mắt cần dựa vào thực tiễn vi phạm của pháp nhân chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế và môi trường để quy định nhóm các tội phạm mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự.
Nguyên tắc xử lý đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quy định bổ sung trong Điều 3 BLHS năm 2015. Điều 3 ghi nhận bốn nguyên tắc xử lý đối với pháp nhân thương mại. Theo đó, “mọi hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật”.
Bên cạnh đó, nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế được áp dụng đối với mọi pháp nhân thương mại khi thực hiện tội phạm. Nguyên tắc này cũng xác định chính sách hình sự của nhà nước đối với các pháp nhân thương mại phạm tội.
Đối với các pháp nhân thương mại sử dụng thủ đoạn tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng được xác định là đối tượng cần phải nghiêm trị. Đối với các pháp nhân thương mại có thái độ tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại, chủ động ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả sẽ được khoan hồng.
3. Điều kiện và phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
3.1. Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế. Để xác định một tổ chức có phải là pháp nhân hay không cần kiểm tra các điều kiện được quy định tại Điều 75 Bộ luật Dân sự năm 2015, đó là:
+ Được thành lập hợp pháp
+ Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;
+ Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản đó;
+ Nhân danh chính mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Như vậy, phạm vi các tổ chức có thể là chủ thể của trách nhiệm hình sự theo BLHS Việt Nam là tương đối hẹp so với các quy định của nhiều nước khác. Về nguyên tắc, trách nhiệm hình sự có thể được đặt ra cho tất cả các pháp nhân (trừ Nhà nước) và cho cả các tổ chức không phải là pháp nhân. BLHS Việt Nam giới hạn chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự chỉ trong phạm vi một loại pháp nhân đó là pháp nhân thương mại.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 75 BLHS năm 2015 thì pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại. Điều kiện này phản ánh mối quan hệ giữa người thực hiện tội phạm và pháp nhân thương mại, mối quan hệ đặc biệt này là một trong những cơ sở để buộc pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm mà người đó đã thực hiện. Không phải thành viên nào của pháp nhân thương mại cũng có thể nhân danh pháp nhân thương mại.
– Những người này có thể là người đứng đầu pháp nhân thương mại, đại diện cho pháp nhân thương mại theo pháp luật hoặc là người được người đứng đầu trực tiếp ủy quyền. Việc nhân danh này có thể được thể hiện thông qua nhiều hình thức biểu hiện khác nhau như: sử dụng con dấu của pháp nhân thương mại, sử dụng nguồn vốn của pháp nhân thương mại, sử dụng danh nghĩa của pháp nhân thương mại…
– Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Vì vậy, người đã trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội phải hướng đến mục đích là tìm kiếm lợi nhuận cho pháp nhân thương mại của mình.
– Hành vi của người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền của pháp nhân thương mại hoặc các cá nhân là thành viên của pháp nhân thương mại phải hướng đến mục đích là tìm kiếm những lợi ích vật chất, lợi ích kinh tế cho pháp nhân thương mại. Đối với hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của cá nhân hoặc nhóm cá nhân thuộc pháp nhân thương mại thì pháp nhân thương mại đó không phải chịu trách nhiệm hình sự cho dù hành vi phạm tội đó được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại.
– Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại. Điều này được thể hiện ở việc mọi chủ trương, kế hoạch cũng như mọi vấn đề liên quan đến hành vi phạm tội đều phải được quyết định bởi sự quản lý, chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của người đúng đầu pháp nhân thương mại. Hành vi chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của người đứng đầu pháp nhân thương mại có ý nghĩa quyết định đối với hành vi phạm tội đã thực hiện vì nếu không có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận này thì hành vi phạm tội đã không được thực hiện bởi thành viên của pháp nhân thương mại.
– Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 BLHS năm 2015. Theo quy định của BLHS năm 2015, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được hiểu là thời hạn do BLHS quy định mà khi hết thời hạn này thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nữa. Cụ thể, BLHS quy định thời hiệu quy cứu trách nhiệm hình sự là 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng và 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3.2. Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
Điều luật xác định các tội phạm mà pháp nhân thương mại có thể phạm tội thuộc 03 nhóm tội phạm: nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (22/47 tội), nhóm các tội phạm về môi trường (9/12 tội) và nhóm các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng (2/68 tội).
Như vậy, có tổng cộng 33 tội mà pháp nhân thương mại có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Trật tự quản lý kinh tế và môi trường là các lĩnh vực mà hoạt động của các pháp nhân thương mại thường có liên quan trực tiếp. Pháp nhân thương mại là một trong các chủ thể chủ yếu phải tuân thủ các quy định về quản lý kinh tế nên hành vi phạm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế vì pháp nhân thương mại dễ có khả năng xảy ra. Tương tự như vậy, giữa bảo vệ môi trường và lợi nhuận luôn có xung đột nên hành vi phạm tội về môi trường vì pháp nhân thương mại cũng dễ có khả năng xảy ra.
Khi quy định các tội phạm này trong phần các tội phạm của BLHS, cơ quan lập pháp phải bổ sung 01 khoản quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại với các khung hình phạt cụ thể. Khi đó, các cơ quan tư pháp có căn cứ pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.
Trên đây là nội dung về Khái quát chung về pháp nhân thương mại phạm tội. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về nội dung trên hoặc những vấn đề pháp luật khác, hãy liên hệ Luật Dương Gia qua Hotline 1900.6568 để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất.