Tuyên bố chết là nội dung được thể hiện trong quyết định tuyên bố một người là đã chết của Tòa án nhằm xác định ngày chết của người đó và hậu quả pháp lý của việc tuyên bố một người là đã chết khi có đủ các căn cứ luật định. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp một người sau khi bị Tòa án tuyên bố chết lại trở về, làm phát sinh một số hệ quả pháp lý cần giải quyết, nhất là quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa vợ chồng. Vậy việc giải quyết đối với quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản khi một bên vợ hoặc chồng bị tuyên bố chết mà trở về được thực hiện như thế nào, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
– Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
1. Ý nghĩa của việc quy định về hệ quả pháp lý khi một bên vợ hoặc chồng bị Tòa án tuyên bố là đã chết trở về
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã có những quy định cụ thể về việc giải quyết hệ quả của việc một bên vợ hoặc chồng bị Tòa án tuyên bố chết trở về. Việc quy định hệ quả pháp lý khi một bên vợ hoặc chồng bị Tòa án tuyên bố là đã chết lại trở về trong pháp luật có ý nghĩa nhằm xác định quan hệ hôn nhân giữa người bị Tòa án tuyên bố chết trở về với người còn lại, và quan hệ tài sản con người đó với những người có liên quan.
Việc quy định hệ quả này còn nhằm xác định các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của người bị tuyên bố chết trở về với người chồng hoặc vợ của họ, với con đẻ (con nuôi) và với những người có liên quan trọng một số quan hệ pháp luật khác ở những lĩnh vực khác nhau.
Ngoài ra, đây còn là cơ sở để giải quyết các tranh chấp về hôn nhân cũng như tài sản trong thực tế, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cả nhân.
2. Hệ quả pháp lý khi một bên vợ hoặc chồng bị Tòa án tuyên bố là đã chết lại trở về
Hệ quả pháp lý khi một bên vợ hoặc chồng bị tuyên bố là đã chết lại trở về được hiểu là những vấn đề pháp lý điều chỉnh về quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản liên quan đến bản thân người bị tuyên bố là đã chết trở về và giữa người đó với những chủ thể khác có liên quan nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ và các chủ thể đó.
2.1. Về quan hệ hôn nhân
Luật HN&GĐ 2014 quy định về quan hệ hôn nhân của vợ chồng khi một bên bị tuyên bố là đã chết trở về tại Điều 67 như sau:
“Khi Tòa án ra quyết định hủy bỏ tuyên bố một người là đã chết mà vợ hoặc chồng của người đó chưa kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân được khôi phục kể từ thời điểm kết hôn. Trong trường hợp có quyết định cho ly hôn của Tòa án theo quy định tại khoản 2 Điều 56 của Luật này thì quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp vợ, chồng của người đó đã kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân được xác lập sau có hiệu lực pháp luật”.
Như vậy, khi một bên vợ hoặc chồng bị tuyên bố là đã chết trở về thì quan hệ hôn nhân của họ với người kia có được khôi phục hay không còn tùy thuộc vào “tình trạng hôn nhân thực tế” của người còn lại tại thời điểm Tòa án ra quyết định hủy bỏ tuyên bố chết.
Theo đó, tại thời điểm Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố chết mà người vợ hoặc chồng của người đó chưa kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân của họ đương nhiên được khôi phục tại thời điểm đăng ký kết hôn.
Tuy nhiên, quan hệ hôn nhân không được khôi phục trong hai trường hợp sau:
– Một là, trước khi bị tuyên bố là đã chết, người này đã bị tuyên bố mất tích. Trong thời gian tuyên bố mất tích, vợ hoặc chồng của họ đã yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn và Tòa án đã ra quyết định cho ly hôn có hiệu lực pháp luật. Sau đó người này vẫn biệt tích và không có tin tức gì sau ba năm kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích có hiệu lực. Do đó, họ đã bị tuyên bố là đã chết. Người chồng hoặc vợ của người bị tuyên bố là đã chết yêu cầu Tòa án xử ly hôn theo khoản 2 Điều 56 Luật HN&GĐ 2014 thì khi người đó trở về, quyết định ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật.
– Hai là, người chồng hoặc vợ của người bị tuyên bố là đã chết đã kết hôn với người khác thì pháp luật sẽ công nhận mối quan hệ hôn nhân sau là quan hệ hôn nhân hợp pháp.
Trong trường hợp người vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố chết kết hôn với người khác thì pháp luật công nhận quan hệ hôn nhân sau của họ là quan hệ hôn nhân hợp pháp. Bởi khi Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết thì hệ quả pháp lý về quan hệ hôn nhân đối với người bị Tòa án tuyên bố chết được xử lý giống như đối với người chết tự nhiên. Nghĩa là quan hệ hôn nhân của họ đương nhiên chấm dứt mà không cần phải thông qua thủ tục ly hôn tại Tòa án. Khi quyết định tuyên bố chết của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì người chồng hoặc người vợ của người đó trở thành người độc thân và được quyền tự do kết hôn với một người khác.
2.2. Về quan hệ tài sản
Chia tài sản chung của vợ chồng khi Tòa án tuyên một bên là đã chết, thì hôn nhân được coi là chấm dứt kể từ thời điểm quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật hoặc vào ngày ghi trong giấy báo tử. Hậu quả pháp lý về quan hệ tài sản sau khi vợ (chồng) bị tuyên bố là đã chết được giải quyết như trường hợp người vợ (chồng) đã bị chết. Tuy nhiên, trường hợp sau một thời gian vì những lý do nào đó mà người vợ (chồng) bị tuyên bố đã chết mà trở về thì Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên người đó là đã chết hoặc giấy báo tử và phục hồi quan hệ hôn nhân bao gồm quan hệ về tài sản, nếu người vợ hoặc chồng còn sống chưa kết hôn với người khác.
Theo khoản 2 Điều 67 Luật HN&GĐ 2014 quy định về quan hệ tài sản khi một bên vợ hoặc chồng bị Tòa án tuyên bố chết trở về được chia thành 2 trưởng hợp: – Trường hợp thứ nhất: quan hệ hôn nhân của họ được khôi phục thì thời điểm khôi phục quan hệ tài sản của họ được tính từ thời điểm quyết định của Tòa án hủy bỏ tuyên bố chồng, vợ là đã chết có hiệu lực.
Điều 33 Luật HN&GĐ 2014 quy định tài sản chung của vợ chồng bao gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động, sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này. Như vậy, khi một bên vợ hoặc chồng bị tuyên bố là đã chết trở về và quan hệ hôn nhân của họ được phục hồi thì pháp luật thừa nhận quan hệ vợ chồng của họ không bị gián đoạn. Đối với phần tài sản mà người chồng hoặc vợ của người bị tuyên bố là đã chết tự làm ra hoặc hoa lợi, lợi tức phát sinh từ phần tài sản chung trong khoảng thời gian người bị Tòa án tuyên bố chết sẽ được xác định theo Điều 67 Luật HN&GĐ 2014. Cụ thể, tài sản do vợ, chồng có được kể từ thời điểm quyết định của Tòa án về việc tuyên bố chồng, vợ là đã chết có hiệu lực đến khi quyết định hủy bỏ tuyên bố chồng, vợ là đã chết có hiệu lực là tài sản riêng của người đó.
– Trường hợp thứ hai: quan hệ hôn nhân của họ không được khôi phục thì tài sản có được trước khi quyết định của Tòa án về việc tuyên bố vợ, chồng là đã chết có hiệu lực mà chưa chia được giải quyết như chia tài sản khi ly hôn.
Người bị tuyên bố là đã chết mà còn sống có quyền yêu cầu những người đã nhận tài sản thừa kế trả lại tài sản, giá trị tài sản hiện còn.
3. Điều kiện hủy quyết định tuyên bố chết
Khoản 1 Điều 394 Bộ luật tố tụng dân sự quy định như sau: “Khi một người bị tuyên bố là đã chết trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì người đó hoặc người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết”. Như vậy, sau khi có quyết định tuyên bố một người là đã chết mà người đó trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì người đó hoặc người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định hủy quyết định tuyên bố một người là đã chết.
Pháp luật đã tạo điều kiện để người bị tuyên bố là đã chết có cơ hội chủ động yêu cầu Tòa án hủy quyết định tuyên bố là đã chết để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Quyết định của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị tuyên bố là đã chết để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
4. Thủ tục yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ yêu cầu tuyên bố một người là đã chết, bao gồm:
– Đơn yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết
– Tài liệu, chứng cứ để chứng minh người bị tuyên bố là đã chết trở về hoặc chứng minh xác thực là người đó còn sống.
Bước 2: Gửi kèm theo đơn yêu cầu tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp đến Tòa án. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu huỷ bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết, Toà án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu.
Bước 3: Toà án có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận đơn yêu cầu. Trong trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Toà án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết; trong quyết định này, Toà án phải quyết định về hậu quả pháp lý của việc huỷ bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết theo quy định của Bộ luật dân sự.
Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về cách giải quyết quan hệ nhân thân, tài sản trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết mà trở về. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.