Lịch sử phát triển của chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

boi-thuong-thiet-hai-ngoai-hop-dong

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một chế định rất quan trọng trong Bộ luật Dân sự. Trong suốt quá trình phát triển quy định này cũng có những thay dổi, bổ sung theo từng thời kỳ khác nhau. Chúng ta cũng tìm hiểu về lịch sử phát triển cũng như vị trí vai trò của chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong bài viết dưới đây.

1. Khái quát lịch sử phát triển và vị trí, vai trò của chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng 

Trước khi được hiểu là một loại trách nhiệm pháp lý chịu sự điều chỉnh của Luật tư như hiện nay thì trách nhiệm BTTH đã trải qua một quá trình phát triển với nhiều giai đoạn thể hiện bản chất khác biệt: (1) Giai đoạn 1- Chế độ tư nhân phục thù (tự ý trả thù để trừng phạt đối phương) (2) Giai đoạn 2- Chế độ thục kim (nộp tiền phạt để bồi thường), (3) Giai đoạn 3- Bồi thường dân sự.

Pháp luật của các nước trên thế giới đều trải qua quá trình phát triển của chế độ bồi thường qua từng giai đoạn. Trong thời kỳ hiện đại ngày nay, chế định bồi thường ở các nước theo truyền thống Civil Law được ghi nhận là một chế định độc lập, quan trọng trong Bộ luật dân sự. Ở các nước Common Law, Luật về bồi thường (tort law) cũng được thừa nhận là một ngành luật thuộc luật tư và điều chỉnh việc khắc phục tổn thất gây ra do vi phạm nghĩa vụ ngoài hợp đồng.

Ở Việt Nam, trong cổ luật, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã được quy định trong Quốc triều Hình luật và Hoàng Việt luật lệ. Phù hợp với các giai đoạn phát triển của lịch sử, Bộ luật Hồng Đức và Bộ luật Gia Long đều chưa có sự phân biệt rõ nét về trách nhiệm bồi thường dân sự. Các điều luật trong bộ Quốc triều Hình luật hay Hoàng Việt Luật lệ đều quy định các điều khoản trách nhiệm về luật hình. Ví dụ: Điều 582 Quốc triều hình luật đã quy định “Nếu những súc vật và chó đã húc, đá và cắn người mà cách làm hiệu và ràng buộc không đúng phép – (theo đúng phép vật nào hay húc người thì phải cắt hai sừng, đá người thì phải buộc hai chân, cắn người thì phải cắt hai tai)- hay là chó dại mà không giết thì người chủ phải phạt 60 lượng. Nếu vì cớ trên, có người chết hay bị thương thì phải tội quá thất. Nếu cố ý thả ra để làm cho người chết hay bị thương thì phải tội kém tội đánh người bị thương hay đánh chết người một bậc. Người được thuê đến để chữa bệnh cho súc vật, hay là người cố trêu trọc những vật kia, mà bị thương hay chết, thì người chủ không phải tội”

Sự phân biệt rạch ròi giữa trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự chỉ ra đời trên cơ sở ba bộ luật đầu tiên (Bộ luật Nam Kỳ ban hành ngày 10/3/1883; bộ Dân luật Bắc Kỳ ban hành ngày 01/4/1931; bộ Dân luật Trung Kỳ ban hành ngày 31/10/1936) và các nguyên lý chung về trách nhiệm bồi thường dân sự lần đầu được ghi nhận một cách cụ thể tại Điều 712 đến Điều 716 (Bộ Dân luật Bắc Kỳ); Điều 761 đến Điều 767 (Bộ Dân luật Trung Kỳ) và cho đến năm 1972 chính quyền Sài Gòn có ban hành bộ Dân luật Sài Gòn từ Điều 729 đến Điều 739 đề cập về trách nhiệm bồi thường dân sự.

Sau khi Nhà nước Việt Nam dân chủ ra đời chúng ta chưa thể ban hành được các văn bản quy phạm pháp luật ngay, để điều chỉnh các quan hệ xã hội diễn ra hàng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lần lượt ký Sắc lệnh số 90/SL ngày 10/10/1945 và Sắc lệnh số 97/SL ngày 22/5/1950 thừa nhận luật lệ cũ trên tinh thần không trái với nguyên tắc độc lập và chính thể dân chủ cộng hòa của Nhà nước ta. Những quy định trong Sắc lệnh số 97/SL đã đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của luật dân sự. Bên cạnh đó, qua thực tiễn xét xử, vận dụng và kế thừa những quy định pháp luật đã có, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư 173/UBTP ngày 23/3/1972 hướng dẫn công tác xét xử, trong đó nói rõ điều kiện phát sinh, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nguyên tắc, cách xác định thiệt hại…Thông tư số 03 ngày 5/4/1983 bổ sung giải quyết bồi thường thiệt hại trong các vụ tai nạn giao thông… Tuy nhiên, các văn bản trên đều là văn bản dưới luật, lại ban hành trong điều kiện nền kinh tế tập trung bao cấp nên nhiều nội dung chỉ mang tính định hướng, chưa cụ thể…

Năm 1995, BLDS đầu tiên của nước ta ra đời là một bước tiến quan trọng pháp điển hóa pháp luật trong lĩnh vực tư, thống nhất các quy định nhằm khắc phục những tình trạng tản mạn, trùng lặp, mâu thuẫn của pháp luật dân sự trước đó. Trong BLDS năm 1995, trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm dân sự, được áp dụng với những người có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại cho người khác. Bộ luật đã dành một chế định độc lập quy định về “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” từ Điều 609 đến Điều 633 trong đó chia thành hai mục là quy định chung về trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng và BTTH trong một số trường hợp cụ thể.

Qua 10 năm thực hiện, trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, BLDS năm 1995 không còn phù hợp và được thay thế bằng BLDS năm 2005. Trong BLDS năm 2005, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng vẫn giữ vị trí quan trọng và được ghi nhận tại chương V, phần thứ 3 từ Điều 604 đến Điều 630 làm cơ sở pháp lý quan trọng trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. BLDS năm 2005 về cấu trúc và nội dung cơ bản vẫn có sự kế thừa quy định của BLDS năm 1995 về trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng, có sửa đổi, bổ sung một số điểm cho phù hợp với lý luận và thực tiễn áp dụng.

Sau khi Hiến pháp năm 2013 ra đời, Đảng và Nhà nước ta chủ trương cải cách pháp luật, cải cách tư pháp nhằm mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, BLDS năm 2005 đã được thay thế bằng BLDS năm 2015 với nhiều sửa đổi và bổ sung quan trọng. Trong BLDS năm 2015, BTTH ngoài hợp đồng được ghi nhận là một chế định độc lập cũng bao gồm phần quy định chung, xác định thiệt hại và phần các trường hợp bồi thường cụ thể nhưng đã được quy định hợp lý hơn về điều kiện phát sinh trách nhiệm, về nguyên tắc bồi thường, về xác định thiệt hại, năng lực chịu trách nhiệm và một số quy định về các trường hợp cụ thể… Chế định này là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân của các chủ thể khác, góp phần bảo đảm công bằng xã hội và định hướng hành vi xử sự của con người trong xã hội dân sự hiện đại, văn minh.

2. Kết cấu của chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Bộ luật Dân sự năm 2015

Như trên đã trình bày, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một chế định quan trọng của pháp luật dân sự Việt Nam. Chế định này đã được hình thành rất sớm và được phát triển qua các giai đoạn khác nhau. Qua các thời kỳ thì các quy tắc về BTTH ngoài hợp đồng đều được ghi nhận cụ thể.

Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tại Chương XX của Bộ luật (thuộc phần thứ Ba: “Nghĩa vụ và Hợp đồng”), gồm 25 điều (từ Điều 584 tới Điều 608). So sánh với quy định của BLDS năm 1995 và BLDS năm 2005 có thể thấy hầu hết các quy định trong BLDS năm 2015 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là sự kế thừa những nội dung còn hợp lý đã được quy định trong hai bộ luật dân sự trước đó. Nội dung sửa đổi, bổ sung không quá lớn.

Chế định BTTH ngoài hợp đồng trong BLDS năm 2015 được quy định thành 3 phần: phần quy định chung, phần xác định thiệt hại và phần bồi thường thiệt hại trong một số trường hợp cụ thể.

Quy định chung của mỗi chế định luật thường được thiết kế cho các chế định có tính phức tạp; bởi quy định chung này có ý nghĩa như nguyên tắc, tư tưởng định hướng, chỉ đạo chung cho tất cả các vụ việc có tranh chấp về trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Phần xác định thiệt hại được coi là quy định xương sống của chương này bởi nó là căn cứ để các bên đi đến mục đích là tìm kiếm mức bồi thường thế nào cho thoả đáng với ý nghĩa: không những khôi phục lại tình trạng như trước khi bị xâm phạm (đối với những thiệt hại không thể khôi phục thì cũng là những bồi thường về vật chất nhằm xoa dịu những tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại hoặc nhưngc người thân thích của người bị thiệt hại) mà còn nhằm giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật và biết tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác.

Phần quy định về các trường hợp cụ thể là hết sức cần thiết bởi tính phổ biến và phức tạp của các vụ việc bồi thường thiệt hại. Trong phần này có những quy định liên quan đến một số luật chuyên ngành như Luật Bảo vệ môi trường (Điều 602 – BTTH do làm ô nhiễm môi trường); luật Giao thông đường bộ (Điều 601 – BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra); luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Điều 608 – BTTH do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng); luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước (Điều 598 – BTTH do người thi hành công vụ gây ra); luật Xây dựng (Điều 605 – BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra)… Phần bồi thường thiệt hại trong các trường hợp cụ thể này được các nhà làm luật thiết kế trên cơ sở tư duy: xác định TNBTTH dựa trên nguyên nhân gây ra thiệt hại. Tựu chung có 2 nguyên nhân dẫn đến thiệt hại trong các trường hợp cụ thể này là: thiệt hại gây ra do hành vi của con người và thiệt hại gây ra do tài sản. Từ đó, các giải pháp được thiết kế trong mỗi điều luật đi theo nguyên tắc: nếu thiệt hại gây ra do hành vi của con người thì chủ thể gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm bồi thường và chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường, trừ trường hợp chính chủ thể phải bồi thường chứng minh mình không có lỗi bằng cách chỉ ra nguyên nhân gây ra thiệt hại từ các nguồn khác như: do sự kiện bất khả kháng, do lỗi của người bị thiệt hại; do lỗi của người thứ ba.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon