Giám hộ là một chế định quan trọng trong pháp luật dân sự Việt Nam, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước và xã hội ta đối với người chưa thành niên có hoàn cảnh đặc biệt, người mất năng lực hành vi dân sự và người có khó khăn trọng nhận thức, làm chủ hành vi. Việc áp dụng chế định giám hộ nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của những người yếu thế này, đồng thời, đảm bảo sự tương đồng khi họ tham gia các quan hệ dân sự với những cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích cụ thể về giám hộ, phân loại giám hộ và điều kiện để cá nhân làm người giám hộ, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật dân sự năm 2015;
1. Giám hộ là gì?
Khoản 1 Điều 46 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
“Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này (sau đây gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ)”.
Từ quy định của Bộ luật Dân sự có thể hiểu giám hộ là quan hệ pháp luật được xác lập giữa người được giám hộ và người giám hộ theo quy định của pháp luật, do Ủy ban nhân dân cấp xã cử, do Tòa án chỉ định hoặc theo lựa chọn của người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ. Mục đích của việc giám hộ nhằm đảm bảo cho những người thuộc đối tượng được giám hộ được chăm sóc, giáo dục và được bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp.
Thuật ngữ giám hộ trong tiếng Anh là “Guardian”.
2 Đặc điểm của giám hộ
– Thứ nhất, trong quan hệ giám hộ thì người được giám hộ luôn luôn là cá nhân và ở trong tình trạng yếu thế.
Người được giám hộ bao gồm: Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ. Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ; người mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đã lựa chọn người giám hộ cho mình và người giám hộ đồng ý khi họ ở tình trạng cần được giám hộ.
Người được giám hộ là những người không thể tự mình hoặc ở tình trạng không thể tự mình xác lập, thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình nên cần phải có cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự hoặc pháp phân thực hiện thay người được giám hộ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.
Người giám hộ chỉ có thể là cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hoặc pháp nhân. Người giám hộ có thể được xác định theo quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, theo chỉ định của Tòa án, do Ủy ban nhân dân cấp xã cử hoặc do người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn, trường hợp này phải có sự đồng ý của người được lựa chọn làm người giám hộ.
– Thứ hai, trong quan hệ giám hộ thì người được giám hộ chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp cha, mẹ cùng giám hộ cho con hoặc ông, bà cùng giám hộ cho cháu.
Trong quan hệ giám hộ, người giám hộ là người thay người được giám hộ hay nói cách khác người giám hộ là người đại diện cho người được giám hộ để xác lập, thực hiện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được giám hộ.
Do đó, để thuận lợi cho việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ thì chỉ cần một người giám hộ. Điều này nhằm tránh trường hợp có nhiều người giám hộ có thể dẫn đến không thể thống nhất về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ. Hoặc có thể dẫn đến quyền, nghĩa vụ của những người giám hộ đối nghịch nhau. Ngoại trừ, trường hợp cha, mẹ cùng giám hộ cho con hoặc ông, bà cùng giám hộ cho cháu.
Vì trong trường hợp này, người giám hộ được xác định theo huyết thống nên cha, mẹ, ông, bà sẽ thường có tình thương yêu đối với con và cháu. Hơn nữa, mối quan hệ thân thích được coi là mối quan hệ vững chắc, đáng tin cậy.
– Thứ ba, quan hệ giám hộ làm phát sinh quan hệ đại diện của người giám hộ với người thứ ba.
Để xác lập, thực hiện các quyền, nghĩa vụ cho người được giám hộ thì người giám hộ đại diện cho người được giám hộ tham gia xác lập các giao dịch dân sự và thực hiện các quyền, nghĩa vụ phát sinh từ các giao dịch dân sự với người thứ ba. Tuy nhiên, không phải giao dịch dân sự nào người giám hộ cũng phải là người tham gia xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự. Việc xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự phải vì lợi ích của người được giám hộ.
– Thứ tư, trong quan hệ giám hộ thì người giám hộ không có nghĩa vụ dùng tài sản của mình để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.
Bởi vì nghĩa vụ chính của người giám hộ là chăm sóc, quản lý tài sản, đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.
3. Ý nghĩa của việc giám hộ
– Giám hộ là chế định nhằm giúp cho người được giám hộ thực hiện tốt các quyền dân sự, cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ một cách tốt nhất có thể.
– Chế định giám hộ đã góp phần bảo đảm tính bình đẳng giữa các công dân trong xã hội về việc được hưởng các quyền năng do luật định và thực thi hóa các quyền đó trên thực tế.
– Chế định giám hộ cũng góp phần phát huy truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, tinh thần tương thân, tương ái, xây dựng và củng cố tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, tình người trong xã hội, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của Nhà nước đối với những người yếu thế trong xã hội.
4. Phân loại giám hộ
Theo quy định của pháp luật hiện hành, người giám hộ có thể được chia thành người giám hộ đương nhiên và người giám hộ được cử.
4.1 Người giám hộ đương nhiên
Giám hộ đương nhiên là hình thức giám hộ do pháp luật quy định, người giám hộ đương nhiên chỉ có thể là cá nhân. Quan hệ giám hộ dạng này được xác định bằng các quy định về người giám hộ, người được giám hộ, quyền và nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ và tài sản của họ.
Người giám hộ đương nhiên chỉ có thể là cá nhân. Dựa vào nhân thân của người được giám hộ mà chia người giám hộ đương nhiên thành 2 loại là: Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên và người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự.
4.2 Người giám hộ được cử
Giám hộ cử là hình thức giám hộ theo trình tự do pháp luật quy định. Giám hộ cử được đặt ra trong trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ.
Giám hộ cử có những đặc điểm sau:
– Thứ nhất, giám hộ cử được đặt ra trong trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên theo quy định của các Điều 52, 53 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
– Thứ hai, thẩm quyền cử người giám hộ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã (Ủy ban nhân dân xã; Ủy ban nhân dân phường; Ủy ban nhân dân thị trấn) nơi cư trú của người được giám hộ. Đây là quy định hợp lý, vì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giám hộ cư trú là cơ quan có các điều kiện thuận lợi để nắm bắt tình hình của người được giám hộ, cũng như những người có thể được cử làm người giám hộ.
– Thứ ba, việc cử người giám hộ cho người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của người này. Quy định này nhằm bảo đảm người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi trở lên có quyền thể hiện nguyện vọng muốn ở với ai.
– Thứ tư, việc cử người giám hộ phải được sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ. Bởi vì người được cử làm người giám hộ không phải là người thân thích với người chưa thành niên hay người mất năng lực hành vi dân sự. Do vậy, phải có sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ, vì họ không đương nhiên có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được giám hộ.
– Thứ năm, việc cử người giám hộ phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do cử người giám hộ, quyền, nghĩa vụ cụ thể của người giám hộ, tình trạng tài sản của người được giám hộ. Điều này có ý nghĩa bảo đảm thực hiện tốt trách nhiệm của người giám hộ trên tinh thần tự nguyện, tự giác.
5. Điều kiện của cá nhân làm người giám hộ
Người giám hộ là cá nhân hoặc pháp nhân, thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ người được giám hộ và đại diện cho người giám hộ trong các giao dịch dân sự vì lợi ích của người được giám hộ. Người giám hộ được xác định theo quy định của pháp luật nhưng đề cao tính tự nguyện, bởi ngoài nghĩa vụ làm người đại diện thì việc chăm sóc, bảo vệ, chữa bệnh cho người được giám hộ muốn đạt hiệu quả cao thì cần đến cái tâm của người giám hộ.
Đối với trường hợp người giám hộ là cá nhân thì phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
– Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
– Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.
– Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.
Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về giám hộ. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.