Hướng dẫn cách tra cứu, đặt tên doanh nghiệp

huong-dan-cach-tra-cuu-dat-ten-doanh-nghiep

Thành lập một doanh nghiệp hay một công ty thì điều đầu tiên ta nghĩ đến là sẽ là cái tên mà mình muốn đặt cho doanh nghiệp mình. Việc đặt tên doanh nghiệp là một bước quan trọng trong quá trình thành lập doanh nghiệp. Vậy tên của một doanh sẽ được đặt ra như thế nào? Và có phải tên nào cũng có thể đặt cho doanh nghiệp. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ vấn đề về cách tra cứu, đặt tên doanh nghiệp hay, ý nghĩa và đúng quy định.

Căn cứ pháp lý

1. Quy định về tên doanh nghiệp

Đầu tiên thì tên doanh nghiệp không phải có thể tùy tiện đặt mà phải tuân theo pháp luật theo quy định tại Điều 37 Luật doanh nghiệp 2020 về tên doanh nghiệp.

Theo đó, tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:

(1) Loại hình doanh nghiệp;

+ Được viết là “Công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “Công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn;

+ Được viết là “Công ty cổ phần” hoặc “Công ty CP” đối với công ty cổ phần;

+ Được viết là “Công ty hợp doanh” hoặc “Công ty HD” đối với công ty hợp doanh;

+ Được viết là “Doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “Doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân;

(2) Tên riêng.

Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu

Đồng thời, tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.

Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

Căn cứ vào quy định tại Điều này và các Điều 38, 39 và 41 của Luật doanh nghiệp 2020, Cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền từ chối chấp thuận tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp.

1.1. Ngoài ra, Pháp luật còn quy định những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp

Theo Điều 38 Luật doanh nghiệp 2020 thì những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp bao gồm:

– Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký được quy định tại Điều 41 của Luật doanh nghiệp 2020.

– Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

– Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

1.2. Tên trùng và tên gây nhầm lẫn

Được quy định rõ tại Điều 41 Luật doanh nghiệp 2020 như sau:

– Tên trùng là tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký.

– Các trường hợp được coi là tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký bao gồm:

+ Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống tên doanh nghiệp đã đăng ký;

+ Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;

+ Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;

+ Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, một số thứ tự hoặc một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, chữ F, J, Z, W được viết liền hoặc cách ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;

+ Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một ký hiệu “&” hoặc “và”, “.”, “,”, “+”, “-”, “_”;

+ Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc từ “mới” được viết liền hoặc cách ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;

+ Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một cụm từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông”;

+ Tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.

– Các trường hợp quy định tại các điểm d, đ, e, g và h khoản 2 Điều 41 Luật doanh nghiệp 2020 không áp dụng đối với công ty con của công ty đã đăng ký.

Tại Điều 39 Luật doanh nghiệp 2020 còn quy định các điều khoản về tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt của doanh nghiệp như sau:

Điều 39. Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt của doanh nghiệp

1. Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.

2. Trường hợp doanh nghiệp có tên bằng tiếng nước ngoài, tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp hoặc trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

3. Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài.

2. Hướng dẫn tra cứu tên doanh nghiệp

Các chủ sỡ hữu doanh nghiệp có thể chủ động tra cứu tên doanh nghiệp để tránh các điều cấm và trùng, nhầm lẫn với các tên doanh nghiệp đã đăng ký bằng các cách sau đây:

Cách 1: Tra cứu tên doanh nghiệp trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

Bước 1: Truy cập vào Trang chủ của Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/Pages/Trangchu.aspx

Bước 2: Nhập tên doanh nghiệp bản thân đang muốn đặt cho doanh nghiệp mình và tìm kiếm vào ô Tìm doanh nghiệp và bấm vào nút tìm kiếm. Nếu không thấy hiển thị kết quả nào thì tên doanh nghiệp đó không bị trùng.

Cách 2: Tra cứu tên doanh nghiệp có bị trùng không bằng tài khoản đăng ký kinh doanh

Với việc kiểm tra bằng cách này sẽ đem lại kết quả chính xác nhất, kể cả việc bạn muốn kiểm tra tên viết tắt của doanh nghiệp mình.

Với cách kiểm tra này bạn cần có tài khoản đăng ký kinh doanh để thực hiện tra cứu. Trường hợp chưa có bạn phải thực hiện đăng ký qua các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào địa chỉ theo đường link sau: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/

Bước 2: Sau đó click chọn mục “Đăng ký doanh nghiệp trực tuyến”.

Bước 3: Đăng nhập tài khoản đăng ký kinh doanh đã được tạo ở trước đó.

Bước 4: Truy cập vào mục “Đăng ký doanh nghiệp”.

Bước 5: Tick chọn mục “Nộp hồ sơ sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh”. Rồi nhấn chọn Tiếp theo.

Bước 6: Tick chọn mục “Thành lập mới doanh nghiệp/đơn vị trực thuộc”. Rồi tiếp tục nhấn chọn Tiếp theo.

Bước 7: Bạn tiếp tục chọn loại hình doanh nghiệp kinh doanh phù hợp mà mình chuẩn bị đăng ký thành lập. Và chọn Tiếp theo.

Bước 8: Dò lại tất cả các thông tin vừa mới đăng ký xem đã chính xác hay chưa. Sau đó chọn Bắt đầu.

Bước 9: Lúc này bạn chọn mục “Tên doanh nghiệp/đơn vị trực thuộc”

Bước 10: Tiến hành nhập tên công ty mình muốn thành lập vào 3 ô tương ứng và nhấn chọn “Kiểm tra trùng tên”.

Nếu mục thông báo hiển thị thông tin “Tên đã bị trùng không đăng ký được”.  Trường hợp này bạn sẽ không đăng ký tên này được.

Nếu mục thông báo hiển thị thông tin “Tên không bị trùng”. Trường hợp này bạn có thể dùng tên này để đăng ký kinh doanh.

3. Gợi ý các cách đặt tên doanh nghiệp hay, ý nghĩa

3.1. Thông thường mọi người sẽ có xu hướng đặt tên công ty theo tên chủ doanh nghiệp hoặc người thân

Điều này hoàn toàn hợp pháp và đúng quy định của pháp luật. Doanh nghiệp có thể sử dụng họ tên của chủ doanh nghiệp hoặc tên người thân để đặt tên cho doanh nghiệp của mình chỉ cần tên đó không bị trùng với các tên doanh nghiệp đã đăng ký trước đó và độ nhầm lẫn của tên doanh nghiệp không cao. Thậm chí các chủ doanh nghiệp còn có thể sử dụng tên của các vị anh hùng liệt sĩ hoặc người mà mình hâm mộ để đặt tên cho công ty. Các ví dụ có thể kể đến như: “Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo được đặt theo tên của vị anh hùng Trần Hưng Đạo.”

3.2. Đặt tên theo chữ cái hoặc số

Một số chủ sở hữu muốn tên theo cách ghép các chữ số hoặc cụm chữ cái để đặt tên cho công ty với các nghĩa nhất định thì điều này là hoàn toàn có thể. Pháp luật không cấm dùng các cụm chữ số hoặc chữ cái để đặt tên cho doanh nghiệp. Hiện cũng có các doanh nghiệp dùng các cụm chữ số, chữ cái để đặt tên cho công ty mình như: “Công ty TNHH 789 có nghĩa là “phát – trường – cửu”, tượng trưng cho sự phát triển bền vững. Hay Công Ty TNHH MTV Bánh Kẹo á Châu có tên viết tắt là ABC.”

3.3. Đặt tên theo ngành nghề kinh doanh

Các doanh nghiệp cũng có thể đặt tên công ty theo ngành nghề kinh doanh mà mình kinh doanh. Đây là một cách đặt tên đơn giản nhất. Nó không chỉ giúp cho khách hàng và đối tác dễ nhớ, dễ nhận biết mà khả năng bị trùng lặp của tên doanh nghiệp cũng được hạn chế.

3.4. Đặt tên công ty bằng những từ viết tắt

Trường hợp với những doanh nghiệp có tên riêng dài thì cách xử lý thường các doanh nghiệp đặt tên doanh nghiệp kèm theo đăng ký tên viết tắt. Tên viết tắt có thể là cụm từ tiếng Anh hoặc tiếng Việt. Việc sử dụng tên viết tắt không những giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc trao đổi thông tin mà còn giúp doanh nghiệp dễ dàng  quảng bá, xây dựng thương hiệu rộng rãi hơn. Ví dụ: “ Vinamilk là tên viết tắt của Công ty cổ phần sữa Việt Nam. Hay VNPT là viết tắt tiếng anh của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam Vietnam Posts and Telecommunications Group.”

3.5. Đặt tên công ty theo địa danh nổi tiếng

Một đề xuất về cách đặt tên cho doanh nghiệp là lấy tên công ty theo địa danh nổi tiếng. Điều này đặc biệt có lợi đối với những doanh nghiệp muốn nhắm đến thị trường theo khối phân khúc. Một số ví dụ về đặt tên dựa vào địa danh nổi tiếng như: “Sữa tươi Mộc Châu, Nước mắm Phú Quốc, Yến sào Khánh Hòa…”

3.6. Đặt tên công ty theo phong thủy

Một số chủ Doanh nghiệp sẽ muốn đặt tên cho công ty mình theo những tên phong thuỷ, hợp mệnh với ý nghĩa để cầu mong công việc được thuận lợi gặp nhiều may mắn. Những cái tên thường được các chủ doanh nghiệp đặt như:Lộc Phát, Thành Đạt, Hưng Phát với mong muốn mang đến may mắn, tài lộc cho công ty. Hay những cái tên hợp mệnh với người chủ doanh nghiệp như hợp với mệnh thổ (An Khang, An Cường, An Phát…), mệnh thuỷ (Hưng Phát, Hưng Vượng, Đại Ngân…), mệnh hoả (Thắng Lợi, Thịnh Phát, Toàn Thắng…)”

3.7. Đặt tên công ty theo nguồn cảm hứng

Doanh nghiệp hoàn toàn có thể đặt tên công ty dựa vào một biểu tượng có ý liên tưởng, truyền cảm hứng đến bạn như là: các loài hoa, danh lam thắng cảnh, con vật, vị thần, vì sao… Đặc biệt nếu liên quan đến ngành nghề kinh doanh của công ty thì càng thêm phần phù hợp. Chẳng hạn như: “Công ty TNHH Du Lịch Hạ Long Tourist lấy cảm hứng từ Vịnh Hạ Long. Hay Công ty TNHH thời trang Venus lấy cảm hứng từ thần Vệ Nữ một vị thần trong thần thoại La Mã.”

 

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon