Khái niệm tội phạm? Phân loại tội phạm theo quy định của BLHS năm 2015

khai-niem-toi-pham-phan-loai-toi-pham-theo-quy-dinh-cua-blhs-nam-2015

Trước yêu cầu cải cách tư pháp và hoàn thiện hệ thống pháp luật, thời gian qua, một loạt các luật lớn, quan trọng đã được ban hành trong đó có Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội khóa VIII, đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội khóa XIV (viết tắt là Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Đây được xem là một thành tố quan trọng của pháp luật hình sự, là công cụ sắc bén, hữu hiệu để đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, góp phần duy trì trật tự an toàn xã hội, trật tự quản lý kinh tế, bảo đảm cho mọi người được sống trong một môi trường xã hội an toàn, lành mạnh. Trong nội dung bài viết dưới đây sẽ phân tích về khái niệm tội phạm và phân loại tội phạm

1) Tội phạm là gì?

Tội phạm là hiện tượng xã hội được nhiều ngành khoa học nghiên cứu dưới các góc độ khác nhau. Khoa học luật hình sự nghiên cứu tội phạm dưới góc độ đặc điểm và cấu trúc của nó cũng như nghiên cứu sự phản ánh hiện tượng này trong luật. Khái niệm tội phạm không chỉ được định nghĩa trong các tài liệu giảng dạy, nghiên cứu mà còn được định nghĩa trong BLHS của nhiều quốc gia. Mỗi tài liệu cũng như mỗi BLHS có thể có cách định nghĩa riêng nhưng về cơ bản, các định nghĩa là thống nhất và có đặc điểm chung. Các định nghĩa đều xác định tội phạm là hành vi được quy định trong luật hình sự. Trên cơ sở xác định tội phạm là hành vi được luật hình sự quy định, có định nghĩa bổ sung đặc điểm giải thích tại sao hành vi lại được luật hình sự quy định.

Khái niệm tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 8 BLHS năm 2015: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của bộ luật này phải xử lý hình sự”. Theo đó tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm những quan hệ xã hội nhất định được luật hình sự bảo vệ.

Như vậy, theo quy định này thì khái niệm tội phạm trong Bộ Luật Hình sự 2015 đã được mở rộng về chủ thể của tội phạm bao gồm cả cá nhân và pháp nhân thương mại. Đây là điểm khác biệt hoàn toàn với Khoản 1 Điều 8 BLHS năm 1999, qua đó tạo cơ sở vững chắc để truy cứu TNHS đối với pháp nhân thương mại. So sánh với khái niệm tội phạm tại Điều 8 BLHS năm 1999 cho thấy khái niệm tội phạm trong BLHS năm 2015 kế thừa của BLHS năm 1999 những nội dung sau: 1) Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội; 2) Tội phạm là hành vi được quy định trong BLHS; 3) Tội phạm do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý; 4) Tội phạm xâm phạm các khách thể được luật hình sự bảo vệ là “độc lập, chủ quyền…”. Bên cạnh đó có ba nội dung mới nổi bật trong định nghĩa khái niệm tội phạm tại Điều 8 BLHS năm 2015 là: Thứ nhất, BLHS năm 2015 bổ sung chủ thể của hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS là “pháp nhân thương mại”; Thứ hai, BLHS năm 2015 sửa đổi và quy định khái quát nhóm khách thể bị tội phạm xâm hại từ “xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân” thành “xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân”.

Cần lưu ý, vì khái niệm tội phạm trong Bộ Luật Hình sự 2015 đã được mở rộng nên dấu hiệu đặc trưng của tội phạm theo định nghĩa này cũng có sự thay đối, cụ thể là: Ngoài bốn đặc trưng truyền thống của tội phạm là tính nguy hiểm cho xã hội, tính trái pháp luật hình sự, tính có lỗi, tính phải chịu hình phạt thì đối với pháp nhân còn phải đảm bảo theo quy định tại Điều 74 Bộ Luật Hình sự 2015 (phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương XI; theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương XI).

2. Phân loại tội phạm

Tội phạm có chung dấu hiệu là tính nguy hiểm cho xã hội nhưng mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội không phải như nhau mà có sự khác nhau giữa các tội phạm cũng như giữa các trường hợp phạm tội của tội cụ thể. Chính do sự khác nhau như vậy mà vấn đề phân hóa và cá thể hóa hình phạt nói riêng cũng như trách nhiệm hình sự nói chung đã được đặt ra và được coi là nguyên tắc của luật hình sự Việt Nam. Trong đó, phân hóa trách nhiệm hình sự là sự phân hóa trong luật còn cá thể hóa trách nhiệm hình sự là sự phân hóa trong áp dụng. Trước hết đòi hỏi phải có sự phân hóa trách nhiệm hình sự trong luật và sự phân hóa này là cơ sở để có thể cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong áp dụng. Thể hiện nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự, luật hình sự Việt Nam phân tội phạm thành bốn nhóm tội phạm: Tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Sự phân hóa thành bốn nhóm tội phạm như vậy vừa là biểu hiện cơ bản của sự phân hóa trách nhiệm hình sự vừa là cơ sở thống nhất cho sự phân hóa trách nhiệm hình sự trong BLHS.

Luật hình sự Việt Nam chia tội phạm thành 04 loại dựa theo tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Đó là tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Cụ thể tại Điều 9 BLHS năm 2015 quy định như sau:

 + Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do BLHS quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm.

+ Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do BLHS quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù.

+ Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do BLHS quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù.

+ Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do BLHS quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Trước khi có BLHS năm 1999, trong Luật hình sự Việt Nam, Tội phạm mới chỉ được phân ra làm hai loại: Tội phạm nghiêm trọng và Tội phạm ít nghiêm trọng. Nhằm thể hiện nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự, từ khi có BLHS năm 1999 đến nay Tội phạm được phân thành bốn nhóm tội khác nhau: Tội phạm ít nghiêm trọng, Tội phạm nghiêm trọng, Tội phạm rất nghiêm trọng và Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. sự phân hóa thành 4 nhóm tội phạm như vậy vừa là biểu hiện cơ bản của sự phân hóa trách nhiệm hình sự vừa là cơ sở thống nhất cho sự phân hóa trách nhiệm hình sự trong BLHS. Sự phân hóa này là cơ sở thống nhất cho việc xây dựng các khung hình phạt cho các tội phạm cụ thể cũng như cho việc xây dựng trong luật hình sự và trong các ngành luật khác có liên quan các quy định thể hiện sự phân hóa trong chống các loại tội phạm khác nhau. Đó là căn cứ pháp lý thống nhất để các chủ thể áp dụng pháp luật thực hiện nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự khi áp dụng luật hình sự.

Cách phân loại theo BLHS năm 2015 nhìn chung giống như cách phân loại tội phạm được quy định tại BLHS 1999. Tuy nhiên, BLHS 2015 quy định đầy đủ và chính xác các đặc điểm về mặt nội dung chính trị xã hội và đặc điểm về hậu quả pháp lý của từng loại tội phạm đã được phân loại. Cụ thể như sau:

+ Về đặc điểm nội dung chính trị xã hội (tính nguy hiểm cho xã hội) của từng loại tội. Nếu như BLHS quy định đặc điểm “gây nguy hại không lớn (lớn, rất lớn, đặc biệt lớn) cho xã hội” tương ứng với mỗi loại tội phạm là ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì BLHS năm 2015 sửa lại là “có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn”; “có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn”; “có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn”; “có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn” tương ứng với mỗi loại tội phạm là ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Quy định mới này của BLHS năm 2015 về đặc điểm nội dung chính trị xã hội của từng loại tội phạm vừa rõ ràng, chính xác, vừa phản ánh đầy đủ đặc điểm chính trị xã hội của từng loại tội phạm. Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tinh chất và tầm quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm hại; tính chất của hành vi phạm tội (tính chất của công cụ, phương tiện, phương pháp, thủ đoạn, hoàn cảnh thực hiện hành vi phạm tội”; tính chất và mức độ của thiệt hại đã gây ra hoặc đe dọa gây ra cho xã hội; hình thức và mức độ lỗi; động cơ mục đích của người phạm tội; nhân thân người có hành vi phạm tội… chứ không phải chỉ phụ thuộc vào thiệt hại gây ra cho xã hội không lớn, lớn, rất lớn hay đặc biệt lớn.

+ Về đặc điểm hậu quả pháp lý (tính chất phải chịu trách nhiệm hình sự – hình phạt) của từng loại tội. Việc BLHS năm 2015 quy định bổ sung hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ vào định nghĩa tội phạm ít nghiêm trọng; cụm từ trên 03 năm tù vào định nghĩa tội phạm nghiêm trọng, cụm từ trên 07 năm tù vào định nghĩa tội phạm rất nghiêm trọng đã làm cho các quy định của luật vừa rõ ràng, vừa đầy đủ và chính xác hơn. Nội dung mới này giúp cho việc nhận biết và xác định chính xác từng loại tội đã được phân loại.

Khoản 2 Điều 9 BLHS năm 2015 quy định:

2. Tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều này và quy định tương ứng trong các tội phạm đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này”.

Việc bổ sung nội dung mới này xuất phát từ quan niệm cho rằng có tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện nên phải có các quy định cho tội phạm này tương ứng với các quy định cho tội phạm do cá nhân thực hiện. Theo đó, cần phải có quy định về phân loại tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện bên cạnh quy định về phân loại tội phạm do cá nhân thực hiện.

Khoản 2 tuy đưa ra nhiều thông tin về phân loại tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện nhưng các thông tin này trùng nhau, trong đó dấu hiệu “theo quy định tại khoản 1 Điều này” đã bao trùm các dấu hiệu còn lại nên “không đưa ra được cách phân loại tội phạm riêng cho pháp nhân thương mại phạm tội như mục đích được đặt ra mà coi cách phân loại tội phạm tại khoản 1 được áp dụng chung cho cả cá nhân và pháp nhân thương mại… Việc bổ sung khoản 2 Điều 9 chỉ mang tính hình thức, không mang lại sự thay đổi về mặt nội dung. Khoản 2 có nội dung là phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại phạm tội, trong khi đó, khoản 1 không xác định là phân loại tội phạm đối với cá nhân mà chỉ xác định phân loại tội phạm. Theo đó, khoản 1 đã bao hàm cả trường hợp được nói tại khoản 2.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon