Ôn thi Luật sư Môn Kỹ năng nghề nghiệp luật sư – Đề số 3

on-thi-luat-su-mon-ky-nang-nghe-nghiep-luat-su-do-so-3

Tiếp nối bài viết trước cung cấp cho bạn đọc một số đề ôn tập môn Kỹ năng nghề luật sư – có đáp án, Luật Dương Gia xin gửi đến quý vị một số đề khác nhằm hỗ trợ quý vị trong quá trình ôn tập.

Bộ đề ôn tập này bao gồm các dạng bài tập thường gặp trong các kỳ thi Kỹ năng nghề luật sư – có đáp án, với mức độ khó đa dạng từ cơ bản đến nâng cao. Các đề bài được tổng hợp dựa trên tài liệu học tập và đề thi chính thức, bám sát chương trình giảng dạy hiện hành.

Hy vọng với bộ đề ôn tập này, các bạn sẽ có thêm tài liệu hữu ích để củng cố kiến thức và kỹ năng nghề luật sư, tự tin bước vào kỳ thi và đạt được kết quả tốt nhất.

Lưu ý:

  • Bộ đề ôn tập này chỉ mang tính chất tham khảo, quý anh/chị có thể điều chỉnh nội dung và mức độ khó phù hợp với nhu cầu và khả năng của bản thân.
  • Quý anh/chị có thể tham khảo thêm các tài liệu học tập khác để có được sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.

Chúc các bạn ôn tập hiệu quả và đạt được thành công!

ĐỀ ÔN TẬP SỐ 03

Môn: Kỹ năng nghề luật sư

Thời gian làm bài : 180 phút

Ôn về lý thuyết

– Phần chung : Quy định về di chúc chung của vợ chồng theo BLDS 2005. So sánh với BLDS 2015

– Đề tự chọn 1 (hình sự) : Phân tích dấu hiệu tội danh của tội giết người, tội cướp tài sản và tội trộm cắp tài sản theo quy định của BLHS ; Các trường hợp phải thay đổi người tiến hành tố tụng theo quy định của BLTTHS

– Đề tự chọn 2 (thương mại) : Thủ tục để được cấp QSDĐ đối với Doanh nghiệp làm dự án BĐS và thành lập Doanh nghiệp có thành viên là tổ chức nước ngoài theo quy định của LDN 2014, 2020 ; Luật Đầu tư 2014, 2020); Các hình thức huy động vốn để thực hiện dự án. 

CÂU 1: Phần chung 5,0 điểm

Cụ L đến VP Luật sư trình bày: Cụ và chồng là cụ E có tạo lập được căn nhà cấp 4 nằm trên diện tích 800m2 tọa lạc tại đường TQC, phường T, thị xã N, tỉnh H. Hai cụ sinh được 4 người con là ông G, ông H, bà M và bà N, trong đó bà N xuất cảnh theo chồng định cư ở Nhật Bản, bị tai nạn giao thông chết năm 2005. Bà N sinh được 3 người con là anh X, chị Y và chị Z đều sinh sống ở Nhật Bản.

Ngày 18/12/2002, cụ L và cụ E lập di chúc có nội dung: “…Khi chúng tôi qua đời, căn nhà và diện tích 800m2… để lại cho con trai là G…hưởng trọn quyền thừa kế…G phải thực hiện bổn phận nuôi dưỡng cha mẹ cho đến ngày cả 2 chúng tôi đều mãn phần… Di chúc này chỉ có hiệu lực sau khi cả 2 vợ chồng chúng tôi đều qua đời”. Di chúc có chứng nhận của phòng công chứng số 1, tỉnh H.

Ngày 16/12/2004, cụ E chết. Ngày 6/3/2006, cụ L đến phòng công chứng số 1 lập di chúc với nội dung “…Nay G không thực hiện bổn phận…, tôi quyết định hủy di chúc chúng tôi lập ngày 18/12/2002… và giao lại quyền thừa kế cho con gái là M”. Hiện cụ L vẫn đang ở tại căn nhà này. Đầu năm 2017, ông G khởi kiện đến Tòa án yêu cầu được hưởng phần di sản của cụ E.

Cụ L không chấp nhận yêu cầu của ông G và yêu cầu luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho cụ trong giai đoạn xét xử sơ thẩm.

1. Anh/Chị, hãy xác định tư cách tham gia tố tụng của các đương sự trong vụ án này?

2. Theo Anh/Chị vụ án này có bắt buộc phải hòa giải tại UBND phường T, thị xã N trước khi khởi kiện đến Tòa án hay không? Giải thích tại sao?

3. Tại phiên tòa sơ thẩm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nguyên đơn vắng mặt lần thứ hai. Theo Anh/Chị, trong trường hợp này HĐXX sẽ xử lý như thế nào? Tại sao?

4. Với tư cách là LS của cụ L, Anh/Chị hãy trình bày nội dung cơ bản của luận cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cụ L.

CÂU 2: Phần tự chọn – chọn 1 trong 2 đề sau 5,0 điểm

ĐỀ 1:

Khoảng 19h ngày 20/9/2018, L.T.D lấy một con dao nhọn tự tạo bỏ vào túi quần đến quán cà phê gần nhà gặp bạn bè tán gẫu. Đến khoảng 24h cùng ngày, trên đường về nhà D nảy sinh ý định trộm cắp tiền của bà N.T.S cùng thôn để trả nợ nên không về nhà mà nên đạp xe thẳng đến quán của bà S. Khi cách quán khoảng 50 mét, D bỏ xe đạp ven đường rồi đi bộ đến quán.

Khoảng 01 giờ ngày 21/9/2018, quan sát xung quanh thấy không có ai và đèn điện trong quán đã tắt, D vén tấm bạt che cửa đi vào và đến chỗ ngăn kéo đựng tiền lấy 1.200.000đ (một triệu hai trăm nghìn đồng) cất vào túi quần.

Khi chuẩn bị bước ra cửa thì nghe tiếng võng kêu và sợ bà S tỉnh giấc có thể phát hiện vụ việc nên D rút dao đâm nhiều nhát vào người bà S. Do bị đâm bất ngờ, bà S vùng vẫy và rơi từ trên võng xuống đất. D đâm tiếp 1 nhát nữa vào người bà S, thấy bà S nằm im bất động, D chạy ra ngoài vứt dao bên vệ đường rồi chạy đến lấy xe về nhà ngủ. Đến khoảng 7h sáng ngày 21/9/2018, D đem 1.200.000đ đến trả nợ cho ông L, sau đó D đi xe buýt đến nhà T là người quen để trốn.

Tại bản giám định pháp y số 1250 ngày 10/11/2018 của Trung tâm giám định pháp y tỉnh HB kết luận: Bà S bị đa chấn thương, vỡ lách, cắt bỏ lá lách; tổn hại sức khỏe vĩnh viễn 35%.

Ngày 22/9/2018, Cơ quan điều tra tỉnh HB đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đồng thời ra lệnh truy nã đối với D. Ngày 23/9/2018, biết sự việc xảy ra và D đang bị truy nã, T đã khuyên D trở về trình báo sự việc và thăm hỏi gia đình nạn nhân và nhờ chị M (vợ D) mang 15.000.000đ đến nhà bà S xin lỗi và xin được bồi thường toàn bộ viện phí cho gia đình bà S. Sau đó D đến cơ quan công an đầu thú, tại cơ quan điều tra, D khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Ngày 28/7/2019, VKS nhân dân tỉnh HB đã ban hành cáo trạng truy tố D ra Tòa án nhân dân tỉnh để xét xử D về hai tội:

– “Giết người” theo điểm n, khoản 1, điều 123 Bộ luật Hình sự

– “Cướp tài sản” theo khoản 1, điều 168 Bộ luật Hình sự

Luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị hại có văn bản kiến nghị VKS nhân dân tỉnh HB truy tố thêm bị can D về tội “Trộm cắp tài sản”. Là LS của D, Anh/Chị:

1. Có nhận xét gì về kiến nghị nêu trên của luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị hại?

Trước khi mở phiên Tòa sơ thẩm, chị M vợ D cho LS biết, Kiểm sát viên K được phân công giải quyết vụ án và thực hành công tố tại phiên tòa là con rể của bà S.

2. Hãy nêu cách xử lý tình huống này thế nào? Tại sao?

3. Hãy nêu những điểm chính trong luận cứ bào chữa cho bị cáo D.

ĐỀ 2:

Công ty AA là một công ty có 100% vốn trong nước, dự định đầu tư xây dựng nhà ở để bán (sau đây gọi là “Dự án”) tại một khu đất có diện tích 2 ha tại tỉnh Y (sau đây gọi là “Khu đất”). Công ty AA đã được UBND tỉnh Y cấp quyết định chủ trương đầu tư cho Dự án tại khu đất này. Liên quan khu đất, lưu ý:

– Khu đất sẽ được giao cho Công ty AA theo hình thức nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất.

– Khu đất này đang có dân cư sinh sống và chưa thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; tuy nhiên, Khu đất này đã được quy hoạch xây dựng làm nhà ở và khu dân cư.

– Khu đất không thuộc trường hợp bị Nhà nước thu hồi đất.

1. Là LS của Công ty AA, Anh/Chị cần tư vấn cho khách hàng những trình tự, thủ tục gì để Công ty AA được ghi nhận là người sử dụng đất hợp pháp đối với khu đất theo quy định pháp luật?

2. Là LS của Công ty AA, Anh/Chị cần tư vấn cho khách hàng những thủ tục gì để thành lập Công ty LD (chỉ cần nêu các bước và các chấp thuận, không cần nêu các hồ sơ tài liệu phải nộp) và chuyển quyền sử dụng khu đất từ Công ty AA sang Công ty LD?

3. Vốn điều lệ ban đầu của Công ty LD là 200 tỷ VNĐ, trong đó Công ty AA nắm 60% vốn điều lệ và Công ty Singapore nắm 40% vốn điều lệ. Ngoài vốn điều lệ do Công ty AA và Công ty Singapore góp, Công ty LD cần huy động thêm 200 tỷ VNĐ để thực hiện Dự án. Mặc dù Công ty AA ủng hộ việc huy động vốn, tuy nhiên Công ty AA sẽ không có khả năng tài chính để tham gia vào bất kỳ việc huy động thêm vốn này. Anh/Chị hãy tư vấn cho khách hàng các hình thức huy động vốn mà Công ty LD có thể thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam (Không cần liệt kê tài liệu giấy tờ).

ĐÁP ÁN ĐỀ ÔN TẬP SỐ 04

Môn: Kỹ năng nghề luật sư

Thời gian làm bài : 180 phút

ĐÁP ÁN CÂU 1: Phần chung

1: Anh/Chị, hãy xác định tư cách tham gia tố tụng của các đương sự trong vụ án này? (1,0 điểm)

– Nguyên đơn: Ông G (k.2 đ.68 BLTTDS 2015) (0.25đ)

– Bị đơn: Cụ L (k.3 đ.68 BLTTDS 2015) (0.25đ)

– Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

+ Ông H, bà M (k.4 đ.68 BLTTDS 2015)(0.25đ)

+ Các con của bà N là X, chị Y, chị Z và chồng bà N (k.4 đ.68 BLTTDS 2015) (0.25đ)

2: Theo Anh/Chị vụ án này có bắt buộc phải hòa giải tại UBND phường T, thị xã N trước khi khởi kiện đến Tòa án hay không? Giải thích tại sao? (1,0 đ)

– Không bắt buộc phải tiến hành hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND phường T  (0,25đ)

– Giải thích: Vì đây là tranh chấp di sản thừa kế chứ không phải tranh chấp quyền sử dụng đất để xác định ai có quyền sử dụng đất (0,5đ)

– Căn cứ: Khoản 3, điều 8, Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. (0,25đ)

3: Tại phiên tòa sơ thẩm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nguyên đơn vắng mặt lần thứ hai. Theo Anh/Chị, trong trường hợp này HĐXX sẽ xử lý như thế nào? Tại sao? (0,75 đ)

– Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vụ án, trừ trường hợp sự vắng mặt của người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn do sự kiện bất khả kháng. (0.25đ)

– Giải thích:

Hội đồng xét xử căn cứ quy định tại K3, Đ228 và K2, điểm d, Đ.227 BLTTDS 2015 (0,25đ)

Và hướng dẫn tại khoản 3, điều 28, Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. (0,25đ)

4: Với tư cách là LS của cụ L, Anh/Chị hãy trình bày nội dung cơ bản của luận cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợ pháp cho cụ L. (2,25 điểm)

– Di chúc chung của cụ L và cụ E lập ngày 18/12/2002 là hợp pháp (0,5đ)

– Di chúc chung của vợ chồng chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ chồng cùng chết (Điều 671 BLDS 1995). Trong di chúc chung lập ngày 18/12/2002 cũng ghi rõ “Di chúc này chỉ có hiệu lực sau khi cả hai vợ chồng chúng tôi đều đã qua đời”. (0.25đ)

Do đó, khi cụ L còn sống thì di chúc chung của cụ L và cụ E chưa có hiệu lực. (0,25đ)

– Cụ L có quyền sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản thuộc quyền sở hữu của mình (Khoản 2, điều 664 BLDS 2005). (0,25đ)

– Đối với di chúc liên quan đến phần di sản của cụ E, tuy cụ L không có quyền thay đổi, nhưng cũng chỉ có hiệu lực khi cụ L chết. (0,25đ)

– Cụ L còn sống, nên việc ông G khởi kiện yêu cầu hưởng di sản của cụ E để lại là chưa đủ điều kiện khởi kiện. (0,25đ)

(Lưu ý : Theo quy định của BLDS 2015, việc lập di chúc chung của vợ chồng đã bị bãi bỏ)

– Đề nghị Tòa án: Căn cứ điểm g k.1 đ.217 BLTTDS 2015 và k.1 đ.3 NQ 04/2017/NQ-HĐTP: Đình chỉ giải quyết vụ án. (0,25đ)

ĐÁP ÁN CÂU 2: Phần tự chọn – chọn 1 trong 2 đề sau

ĐỀ 1: 1 điểm

1.Kiến nghị của LS bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị hại là không có căn cứ. Bởi lẽ: (0.25đ)

+ Xét về hành vi: D có hành vi lén lút bí mật trộm tiền của bà S; (0.25đ)

+ Xét về định lượng hậu quả: Số tiền D lấy trộm là dưới 2 triệu đồng (0.25đ)

+ Nên việc D lấy trộm 1,2 triệu đồng của bà S không đủ căn cứ truy tố D về tội “Trộm cắp tài sản” (k.1 đ. 173 BLHS 2015) (0.25đ)

(* Lưu ý: xem Nghị quyết 01- HĐTP/NQ ngày 19/4/1989 về một số trường hợp chuyển hóa tội danh)

2. Luật sư tư vấn cho D viết đơn gửi Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh HB về việc yêu cầu thay đổi kiểm sát viên K hoặc (0.25đ)

– Luật sư tự mình làm văn bản gửi Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh HB đề nghị thay đổi kiểm sát viên K. (0.25đ)

Giải thích:

+ Bị can, bị cáo, người bào chữa có quyền yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng nếu xét thấy người đó có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ. (0.25đ)

+ Căn cứ theo quy định tại k.2 đ.52; k.3 đ.49; k.2, k.3 đ.50 BLTTHS 2015   (0,25đ)

3. Cáo trạng truy tố D về tội “Cướp tài sản” theo khoản 1, điều 168 BLHS là không có căn cứ. Bởi lẽ (1đ)

+ Hành vi chiếm đoạt 1.2 triệu đồng của bà S đã hoàn thành trước khi D đâm bà S (0.25đ)

+ D không có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay từ đầu để chiếm đoạt tiền của bà S. (0.25đ)

+ D dùng dao đâm nhiều nhát vào người bà S là do sợ bị phát hiện, bắt giữ chứ không phải nhằm chiếm đoạt tài sản. (0.25đ)

+ D chỉ phải chịu TNHS về tội “Giết người” theo điểm n, K1, Đ123 BLHS 2015 0.25đ

+ Các tình tiết giảm nhẹ cho D về tội “Giết người”:

(i) Bị cáo D đã đề nghị chị M là vợ mình đến gia đình nạn nhân S xin lỗi và tự nguyện bồi thường thiệt hại. Điều đó thể hiện bị cáo và gia đình đã tích cực và mong muốn khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại là tình tiết giảm nhẹ theo điểm b, khoản 1, điều 46 BLHS (điểm b, khoản 1, điều 51 BLHS 2015). (0.25đ)

(ii) Bị cáo D khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải về việc làm sai trái của mình là tình tiết giảm nhẹ, theo điểm p khoản 1, điều 46 của BLHS (điểm s, khoản 1, điều 51 BLHS 2015) ( 0.25đ)

(iii) Đã ra đầu thú (Khoản 2, điều 46 BLHS) (Khoản 2, điều 51 BLHS 2015) (0.25đ)

(iv) Do có hai tình tiết giảm nhẹ, theo quy định tại khoản 1, điều 46 nên đề nghị áp dụng điều 47 BLHS. (Khoản 1, điều 54 BLHS 2015) (0.25đ)

ĐỀ 2:

Trình tự thủ tục xin cấp GCNQSDĐ, QSHNO7 và TS gắn liền với đất như sau:

Vì Khu đất không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất nên Công ty AA phải:

Tự thỏa thuận với tổ chức, hộ gia đình hoặc cá nhân hiện đang sinh sống trên khu đất; và (0.25đ)

Ký kết hợp đồng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nằm trong phạm vi khu đất. Hợp đồng này phải được công chứng, chứng thực (hồ sơ công chứng, chứng thực phải bao gồm bản gốc các Giấy chứng nhận của tổ chức, hộ gia đình hoặc các nhân hiện đang sinh sống trên Khu đất. (0.25đ)

Sau khi hoàn tất việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại 1.1 trên, Cty AA nộp hồ sơ đến Sở tài nguyên và Môi trường tỉnh Y để xin giao đất có thu tiền sử dụng đất. (0.25đ)

Hồ sơ xin giao đất gồm: (0.25đ)

– Đơn xin giao đất (theo mẫu);

– Bản sao giấy chứng nhận đầu tư hoặc văn bản chấp thuận đầu tư kèm theo bản thuyết minh dự án đầu tư;

– Văn bản thẩm định như cầu sử dụng đất và thẩm định điều kiện giao đất;

– Trích lục bản đồ địa chính thửa đất

Công ty AA thanh toán tiền sử dụng đất đối với khu đất của dự án khi nhận được thông báo nộp tiền sử dụng đất từ cơ quan thuế tỉnh Y. (0.25đ)

Các khoản tiền do Cty AA thanh toán cho việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với những lô đất nằm trong phạm vi khu đất được trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp, mức trừ không vượt quá số tiền sử dụng đất phải nộp. Trong trường hợp khoản tiền thanh toán cho các tổ chức, hộ gia đình và các người nhân chuyển nhượng đất lơn hơn số tiền sử dụng đất phải nộp cho Nhà nước, thì khoản chênh lệch đó được tính vào vốn đầu tư của dự án. (0.25đ)

Nộp hồ sơ xin giấy chứng nhận (0.25đ)

Công ty AA nộp hồ sơ xin giấy chứng nhận lần đầu cho khu đất của Dự án tại Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở tài nguyên và Môi trường tỉnh Y.

Hồ sơ bao gồm: (0.25đ)

(i) Đơn đăng ký, cấp giấy chứng nhận (theo mẫu)

(ii) Giấy tờ về quyền sử dụng đất như quyết định giao đất; và

(iii)Chứng từ đã thực hiện nghĩa vụ tài chính.

1. Điều kiện thành lập Công ty LD:

Do có hai thành viên góp vốn vào Công ty LD, nên loại hình doanh nghiệp của Công ty LD sẽ là Công ty TNHH hai thành viên; (0.25đ)

Công ty AA phải có Giấy chứng nhận đối với khu đất;

Ngành nghề kinh doanh của Cty LD là ngành nghề kinh doanh bất động sản;

Vốn pháp định của Công ty LD tối thiểu là 20 tỷ đồng.

(Vốn điều lệ của Cty LD không thấp hơn mức vốn pháp định là 20 tỷ đồng) (0.5đ)

(Theo Luật Đầu tư 2020, điều kiện về vốn pháp định 20 tỷ đồng đã được điều chỉnh bỏ – Điều 75 LDT 2020)

2. Thủ tục thành lập Công ty LD như sau:

Thứ nhất: Công ty Singapore xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để thực hiện Dự án theo quy định của Luật đầu tư. Theo Luật đầu tư, Cty AA là Công ty trong nước, không cần phải xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Đồng thời, Cty AA và Cty Singapore xin điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư cho Dự án trên Khu đất ghi nhận Cty Singapore và Cty AA là chủ đầu tư của Dự án.    (0.25đ)

Thứ hai: Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư và quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, Công ty AA và Công ty Singapore nộp hồ sơ xin thành lập Công ty LD. Sở KHĐT tỉnh Y sẽ cấp giấy đăng ký doanh nghiệp cho Công ty LD, ghi nhận một số nội dung trong đó có ghi nhận Công ty Singapore và Công ty AA là thành viên góp vốn. (0.25đ)

Thứ ba: Cty LD hoàn tất các thủ tục sau khi cấp GCN đăng ký kinh doanh (như thông báo con dấu cho cơ quan công an và Sở KHĐT, đăng ký thuế, đăng báo (0.25đ)

Thứ tư:

a) Công ty AA và Cty LD ký kết hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với khu đất

b) Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất này phải được công chứng.

c) Việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất này phải đăng ky tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.

d) Cơ quan đăng ký đất đai sẽ điều chỉnh giấy chứng nhận của Công ty AA ghi nhận Công ty AA đã góp Khu đất vào Công ty LD. (0.25đ)

3. Là LS của Công ty LS, Anh/Chị hãy tư vấn cho khách hàng các hình thức huy động vốn mà Công ty LD có thể thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam (Không cần liệt kê tài liệu giấy tờ) (1đ)

a) Tăng vốn điều lệ của Công ty LD lên 400 tỷ đồng và Cty Singapore sẽ góp toàn bộ phần tăng thêm. Do đó, tỷ lệ sở hữu trong công ty LD sẽ thay đổi như sau:

– Công ty AA: 120 tỷ đồng

– Công ty Singapore: 280 tỷ đồng (0.25đ)

b) Cty LD tăng vốn điều lệ thông qua nhận thêm thành viên góp vốn mới. (0.25đ)

c) Cty LD đi vay từ ngân hàng hoặc có thể vay từ thành viên góp vốn Cty Singapore. Tuy nhiên, lưu ý rằng nếu vay của Cty Singapore, sẽ được coi là khoản vay nước ngoài và phải đăng ký với Ngân hàng nhà nước trước khi giải ngân. (0.25đ)

d) Cty LD có thể phát hành trái phiếu để huy động vốn. (0.25đ)

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon