Quyền hưởng dụng theo quy định của pháp luật hiện hành

quyen-huong-dung-va-quyen-be-mat-theo-quy-dinh-cua-phap-luat-hien-hanh

Quyền hưởng dụng là một chế định quan trọng và phức tạp trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin đưa đến cho quý bạn đọc một số khía cạnh của quyền hưởng dụng trong quy định của pháp luật hiện hành cũng như trong thực tiễn.

Căn cứ pháp luật:

1. Một số vấn đề lí luận của quyền hưởng dụng

Quyền hưởng dụng là một chế định pháp luật mới được quy định tại Mục 2 – Quyền hưởng dụng, Chương XIV – Quyền khác đối với tài sản từ Điều 257 đến 266 của Bộ luật dân sự 2015 mà các Bộ luật dân sự 1995, Bộ luật dân sự 2005 trước đây chưa đề cập.

Theo quy định tại Điều 257 Bộ luật dân sự năm 2015, quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời gian nhất định. Có thể hiểu rằng, quyền hưởng dụng là quyền của người được nắm giữ, sử dụng tài sản nhưng họ không phải là chủ sở hữu nên không có quyền quyết định, định đoạt tài sản đó.

Ví dụ: A và B là hai vợ chồng, có con là C (9 tuổi). Ông A viết di chúc để lại tài sản cho con là C, nhưng muốn bà B có quyền hưởng dụng tài sản đó trong thời gian bà B còn sống.

Quyền hưởng dụng cho phép người hưởng dụng được giao tài sản để sử dụng và hưởng hoa lợi trong một khoảng thời gian nhất định và trao trả lại tài sản sau khoảng thời gian đó, tạo ra khả năng thực hiện các quyền dân sự của chủ sở hữu, đồng thời tạo điều kiện cho các chủ thể không phải là chủ sở hữu khai thác tài sản.

Mặt khác việc quy định quyền này là cơ sở để xác định quyền chiếm hữu thực tế đối với tài sản đồng thời xác định thời điểm thụ hưởng các quyền liên quan. Quy định này cũng tạo cơ sở pháp lý để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn như việc hưởng dụng đất ở Việt Nam hiện nay có thể truyền lại cho người thừa kế. Hơn nữa, việc trao trả tài sản trong tình trạng nào phụ thuộc vào tình trạng của tài sản khi nhận.

1.1. Căn cứ xác lập quyền hưởng dụng

Quyền hưởng dụng được được xác lập theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc (Điều 258 Bộ luật dân sự năm 2015).

Quyền hưởng dụng được được xác lập theo quy định của luật, trong trường hợp vợ hoặc chồng chết trước, người vợ hoặc người chồng còn sống có quyền quản lý tài sản của người đã chết là di sản thừa kế chưa chia và hưởng hoa lợi, lợi tức từ việc khai thác tài sản này hoặc sử dụng phần nhà là di sản thừa kế chưa chia của người chồng hoặc của người vợ quá cố.

Quyền hưởng dụng được được xác lập theo thỏa thuận, quy định này đáp ứng được kịp thời nhu cầu của chủ thể và là một biện pháp tiết kiệm trong việc khai thác tài sản, mà không phải khi nào cũng phải thông qua các hợp đồng thuê, mượn. Giảm được rất nhiều những chi phí về tài sản và thời gian.

Quyền hưởng dụng được được xác lập theo theo di chúc, quy định này là một cải cách căn bản trong việc khai thác tài sản của người đã chết bằng hưởng dụng, mà không phải là người được chuyển giao tài sản và quyền sở hữu tài sản theo thừa kế. Căn cứ xác lập quyền hửng dụng theo di chúc đã tạo ra khả năng duy trì khối di sản của người chết để lại và bảo đảm quyền của những người thừa kế theo pháp luật, khi người hưởng dụng đầu tiên qua đời hoặc hết thời hạn hưởng dụng tối đa theo luật định là 30 năm.

1.2. Hiệu lực của quyền hưởng dụng

Quyền hưởng dụng được xác lập từ thời điểm nhận chuyển giao tài sản vì để thực hiện được việc khai thác công dụng của tài sản thì chủ thể thực hiện phải thực tế chiếm hữu nó. Tuy nhiên nếu các bên có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác thì thời điểm xác lập quyền hưởng dụng sẽ phụ thuộc vào những sự kiện tương xứng đó. Quyền hưởng dụng đã được xác lập sẽ có hiệu lực đối với mọi cá nhân, pháp nhân, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. (Điều 259 Bộ luật dân sự năm 2015).

1.3. Thời hạn của quyền hưởng dụng

Thời hạn của quyền hưởng dụng do các bên thỏa thuận hoặc do luật quy định nhưng tối đa đến hết cuộc đời của người hưởng dụng đầu tiên nếu người hưởng dụng là cá nhân và đến khi pháp nhân chấm dứt tồn tại nhưng tối đa 30 năm nếu người hưởng dụng đầu tiên là pháp nhân. Như vậy, thời hạn hưởng dụng tối đa đối với cá nhân đến thời điểm cá nhân qua đời và đối với pháp nhân tối đa 30 năm.

Mặt khác, người hưởng dụng có quyền cho thuê quyền hưởng dụng, nhưng thời điểm để tính thời hạn bắt đầu từ người hưởng dụng đầu tiên. Quy định này nhằm khai thác triệt để tài sản là đối tượng hưởng dụng, tránh lãng phí trong trường hợp người hưởng dụng không có nhu cầu hoặc không khai thác hết giá trị kinh tế của tài sản hưởng dụng. Quy định này phù hợp với đời sống trong xã hội phát triển nền kinh tế thị trường, đặc biệt đối với việc khai thác những tư liệu sản xuất trong sản xuất, kinh doanh mà tài sản là sản nghiệp như các nhà máy, hệ thống dây chuyền trong sản xuất hàng hóa và các tư liệu sản xuất khác.

1.4. Nội dung của quyền hưởng dụng

Nội dung của quyền hưởng dụng được quy định tại Điều 264 Bộ luật dân sự năm 2015, người hưởng dụng có quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng trong thời gian quyền này có hiệu lực. Trường hợp quyền hưởng dụng chấm dứt mà chưa đến kỳ hạn thu hoa lợi, lợi tức thì khi đến kỳ hạn thu hoa lợi, lợi tức, người hưởng dụng được hưởng giá trị của hoa lợi, lợi tức thu được tương ứng với thời gian người đó được quyền hưởng dụng.

1.5. Chấm dứt quyền hưởng dụng

Điều 265, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định rõ các căn cứ chấm dứt quyền hưởng dụng:

Thứ nhất, thời hạn của quyền hưởng dụng đã hết, quyền hưởng dụng được xác lập trong một thời gian nhất định cho nên hết thời hạn này quyền hưởng dụng sẽ chấm dứt.

Thứ hai, theo thỏa thuận của các bên, trong trường hợp thời hạn chưa hết nhưng các bên vẫn có thể thỏa thuận lại để chấm dứt quyền hưởng dụng. Ví dụ: A thỏa thuận cho B quyền hưởng dụng căn nhà của A trong thời gian A đi nước ngoài là 5 năm, tuy nhiên mới được 3 năm thì A đã trở về nước nên thỏa thuận lại với B để lấy lại căn nhà.

Thứ ba, người hưởng dụng trở thành chủ sở hữu tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng. Chủ sở hữu tài sản có thể chuyển giao quyền sở hữu cho người hưởng dụng thông qua hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho hoặc thông qua thừa kế. Cho nên, khi chủ sở hữu tài sản và người hưởng dụng là một thì quyền hưởng dụng cũng chấm dứt. Ví dụ: A cho B (con trai A) hưởng dụng chiếc xe ô tô nhãn hiệu Toyota và viết di chúc để lại chiếc ô tô này cho B. Như vậy, sau khi A chết, B là chủ sở hữu của chiếc ô tô này và quyền hưởng dụng của B cũng chấm dứt.

Thứ tư, người hưởng dụng từ bỏ hoặc không thực hiện quyền hưởng dụng trong thời hạn do luật quy định. Việc không thực hiện quyền hưởng dụng trong một khoảng thời gian dài liên tục có thể là lý do chấm dứt quyền hưởng dụng để bảo đảm không lãng phí tài sản xã hội và coi như người có quyền hưởng dụng không có nhu cầu hưởng dụng…

Thứ năm, tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng không còn, là trường hợp tài sản bị tiêu hủy hoặc hưởng dụng mặt nước để khai thác nuôi trồng thủy sản nhưng đã cạn kiệt do bị sa mạc hóa, bị ô nhiễm nặng hoặc cây ăn quả không còn khả năng ra hoa kết trái do bị già cỗi, bị đổ gãy, bị hỏa hoạn, diện tích đốt rừng bị lở, xói mòn do mưa lũ cuốn trôi,…

Thứ sáu, theo quyết định của Tòa án và căn cứ khác theo quy định của luật. Trường hợp tài sản theo quyết định của Tòa án để trả nợ hoặc bị tịch thu, sung công quỹ nhà nước thì quyền hưởng dụng cũng sẽ bị chấm dứt. Ví dụ: A cho B hưởng dụng 1 căn nhà. A nợ tiền C đến thời hạn mà chưa trả, C kiện A ra tòa án. Tòa án tuyên buộc A phải trả tiền nợ cho C và căn nhà B đang được hưởng dụng bị kê biên, bán đấu giá để thi hành án. Như vậy, theo quyết định của Tòa án quyền hưởng hưởng dụng của B cũng bị chấm dứt.

Khi quyền hưởng dụng chấm dứt thì tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng phải được hoàn trả cho chủ sở hữu khi chấm dứt quyền hưởng dụng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác (Điều 266 Bộ luật dân sự năm 2015).

1.6. Quyền và nghĩa vụ của các bên

Trong quan hệ hưởng dụng đối với một tài sản, có hai chủ thể là chủ sở hữu và người có quyền hưởng dụng.

Đối với chủ sở hữu tài sản, Điều 263 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định quyền và nghĩa vụ như sau:

– Định đoạt tài sản nhưng không được làm thay đổi quyền hưởng dụng đã được xác lập.

– Yêu cầu Tòa án truất quyền hưởng dụng trong trường hợp người hưởng dụng vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình.

– Không được cản trở, thực hiện hành vi khác gây khó khăn hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người hưởng dụng.

– Thực hiện nghĩa vụ sửa chữa tài sản để bảo đảm không bị suy giảm đáng kể dẫn tới tài sản không thể sử dụng được hoặc mất toàn bộ công dụng, giá trị của tài sản.

Đối với người hưởng dụng, Điều 261 và Điều 262 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định quyền và nghĩa vụ như sau:

– Khi thực hiện quyền hưởng dụng thì chủ thể có quyền đối với tài sản là tự mình hoặc cho phép người khác khai thác, sử dụng, thu hoa lợi, lợi tức từ đối tượng. Người hưởng dụng có quyền yêu cầu chủ sở hữu tài sản thực hiện nghĩa vụ sửa chữa đối với tài sản. Người hưởng dụng có quyền yêu cầu chủ sở hữu tài sản hoàn trả chi phí khi thực hiện nghĩa vụ thay chủ tài sản và cho thuê quyền hưởng dụng đối với tài sản.

– Người hưởng dụng cũng phải có nghĩa vụ là tiếp nhận tài sản theo hiện trạng và đăng ký tài sản nếu luật có quy định, khai thác tài sản đúng mục đích, giữ gìn, bảo quản, bảo dưỡng, sữa chữa tài sản, và hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu khi hết thời hạn hưởng dụng.

Việc ghi nhận quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản là quyền hưởng dụng trong Bộ luật dân sự năm 2015 có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giao lưu dân sự trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường. Qua đó, bảo đảm tốt hơn cho tài sản trong giao lưu dân sự được tối đa hóa giá trị không chỉ bởi chủ sở hữu mà còn bởi cả người không phải là chủ sở hữu; hạn chế được rủi ro pháp lý, giữ được sự ổn định của các quan hệ dân sự và các quan hệ khác có liên quan.

1.7. Phân biệt quyền hưởng dụng với hợp đồng thuê khoán tài sản

Cần phân biệt quyền hưởng dụng với các quy định khác dễ gây nhầm lẫn với quyền hưởng dụng như hợp đồng thuê khoán tài sản “là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê khoán giao tài sản cho bên thuê khoán để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản thuê khoán và bên thuê khoán có nghĩa vụ trả tiền thuê” (Điều 483, Bộ luận dân sự năm 2015).

Điểm tương đồng của quyền hưởng dụng và hợp đồng thuê khoán tài sản là bên hưởng quyền hoặc thuê tài sản là cả hai đều khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản. Đây là điểm dễ gây nhầm lẫn giữa quyền hưởng dụng và hợp đồng thuê khoán tài sản.

Tuy nhiên, giữa quyền hưởng dụng và hợp đồng thuê khoán tài sản có điểm khác biệt là:

Thứ nhất, về căn cứ xác lập. Hợp đồng thuê khoán tài sản chỉ được xác lập theo sự thỏa thuận của các bên, còn quyền hưởng dụng được xác lập theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc.

Thứ hai, về đối tượng. Đối tượng của quyền hưởng dụng theo quy định của luật là tài sản của chủ thể khác và tài sản đó là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; bất động sản và động sản; bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Ngược lại, đối tượng của hợp đồng thuê khoán là đất đai, rừng, mặt nước chưa khai thác, gia súc, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tư liệu sản xuất khác cùng trang thiết bị cần thiết để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức. Như vậy, đối tượng của quyền hưởng dụng có phạm vi rộng hơn đối tượng của hợp đồng thuê khoán.

Thứ ba, quyền hưởng dụng khác hợp đồng thuê khoán tài sản là chủ thể của quyền hưởng dụng có quyền cho thuê quyền hưởng dụng đối với tài sản, trong khi đó, bên thuê khoán tài sản khi được bên cho thuê khoán đồng ý mới được cho thuê khoán lại.

Thứ tư, về nghĩa vụ của các bên. Bên thuê khoán buộc phải trả tiền thuê cho bên cho thuê khoán, trong khi đó người hưởng dụng không có nghĩa vụ trả tiền cho chru sở hữu.

2. Thực tiễn

Trong cuộc sống, quyền hưởng dụng tồn tại rất đa dạng và phức tạp dưới các hình thức khác nhau như để cho con có thể đảm bảo cuộc sống riêng, cha mẹ cho con quyền hưởng dụng ô tô, nhà ở hay được thu hoa lợi từ việc trồng trọt trên đất mà cha mẹ là chủ sở hữu quyền sử dụng đất đó,… Ở đây thấy rằng, chủ sở hữu tài sản và chủ thể được hưởng dụng tài sản tách bạch với nhau. Vậy trên thực tế, nếu có thiệt hại do tài sản được hưởng dụng gây ra hoặc được hưởng dụng bị mất, hủy hoại thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm đối với tài sản đó?

Trường hợp có thiệt hại do tài sản được hưởng dụng gây ra, Điều 604 bộ luật dân sự năm 2015, quy định: “chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra”; Điều 605 Bộ luật dân sự quy định: “chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác”. Tương tự, khoản 3 Điều 584 Bộ luật dân sự quy định: “trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại”. Những quy định trên cho thấy, Bộ luật dân sự năm 2015 không có bất kỳ ưu tiên nào giữa trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu, người chiếm hữu. Như vậy, chưa có căn cứ pháp luật rõ ràng để biết ai trong hai người (chủ sở hữu và người có quyền hưởng dụng) chịu trách nhiệm cuối cùng.

Trường hợp tài sản có quyền hưởng dụng bị mất, hủy hoại, khoản 1 Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định “thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm tài sản bị mất, bị huỷ hoại”. Trong trường hợp này, việc bồi thường thiệt hại có thể được thực hiện bằng tiền hoặc tài sản tương đương. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là ai (chủ sở hữu hay người có quyền hưởng dụng) được bồi thường? Đây là trường hợp cả chủ sở hữu và người có quyền hưởng dụng bị ảnh hưởng, cụ thể: (i) đối với chủ sở hữu, khi tài sản được tiêu dùng hoặc bị tiêu huỷ thì quyền sở hữu đối với tài sản đó chấm dứt (Điều 242, Bộ luật dân sự năm 2015); (ii) đối với người có quyền hưởng dụng, người có quyền hưởng dụng cũng không còn khả năng khai thác, sử dụng tài sản nữa vì quyền hưởng dụng chấm dứt trong trường hợp tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng không còn (khoản 5 Điều 265 Bộ luật dân sự năm 2015). Vì vậy, ai sẽ là người được bồi thường hay cả hai đều được bồi thường thì vẫn chưa được pháp luật quy định.

Trên đây là những thông tin chúng tôi mang đến cho quý bạn đọc về quyền hưởng dụng theo quy định pháp luật hiện hành. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ theo Hotline 1900.6568 để được hỗ trợ tư vấn.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon