Thời gian gần đây, số lượng người bị lừa đảo qua mạng ngày càng tăng, các vụ việc có tính chất nghiêm trọng, tinh vi, số tiền bị thiệt hại cũng rất lớn. Lợi dụng tâm lý người bị lừa đảo, nhiều công ty, đơn vị mạo danh đã mọc lên như nấm với tiêu chí “hoàn tiền 100%”, “ đảm bảo thu hồi vốn”. Tuy nhiên, trên thực tế, đây thường là lời lứa hẹn hão huyền để lừa đảo thêm tiền của bạn.
Vậy “Sự thật về các công ty đảm bảo thu hồi vốn, hoàn tiền bị lừa đảo” sẽ như thế nào? Cùng Luật Dương Gia tìm hiểu qua bài viết sau đây.
1. Sự thật đằng sau các đơn vị, công ty đảm bảo thu hồi vốn, hoàn tiền bị lừa đảo
Ngày 15/04/2024, Bộ Công an đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng gia tăng tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Thời gian qua, nhiều vụ việc lừa đảo tinh vi với thủ đoạn đa dạng đã được ghi nhận, khiến cho không ít người dân mất tiền oan uổng. Các đối tượng lừa đảo lợi dụng lòng tham, sự thiếu hiểu biết và cả sự cả tin của nạn nhân để thực hiện hành vi phạm pháp của mình. Cụ thể các nạn nhân thường tham gia “làm nhiệm vụ hưởng hoa hồng”, đầu tư tài chính hoặc sập bẫy lừa đảo tình cảm…..
Càng đáng lo ngại hơn, lợi dụng tâm lý hoang mang, lo lắng những người đã từng là nạn nhân lừa đảo, các đối tượng lừa đảo tiếp cận họ với những mánh khóe tinh vi, nhằm lừa đảo lần thứ hai.
Để đánh lừa lòng tin của nạn nhân, các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều thủ đoạn mới. Một trong những mánh khóe phổ biến hiện nay là tạo lập các tài khoản mạng xã hội, Fanpage, Website mang tên “Công ty đảm bảo thu hồi vốn”, “Hoàn tiền bị lừa đảo” hoặc mạo danh các đơn vị như công ty luật, văn phòng luật sư, thậm chí là cơ quan Công an.
Với những lời hứa hẹn hấp dẫn như “tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ lấy lại tiền bị treo”, “thu hồi tiền lừa đảo”, “thu hồi tiền treo trên sàn thương mại điện tử”, “thu hồi tiền treo không cần cọc”, cùng cam kết chỉ thu phí sau khi người dân lấy lại được tiền, các đối tượng này dễ dàng lừa đảo những người đang gặp khó khăn về tài chính.
Để lừa đảo đảo các nạn nhân chúng không ngừng sáng tác các thủ đoạn để chiếm đoạt được tài sản của người dân. Một trong những mánh khóe được ghi nhận là lợi dụng tâm lý tiếc tiền, mong muốn lấy lại tài sản đã mất của những nạn nhân bị lừa đảo để thực hiện hành vi lừa đảo lần thứ hai.
Cụ thể, các đối tượng này thường sử dụng các hình thức sau:
- Tạo dựng hình ảnh “công ty uy tín”: Sử dụng tên miền, logo, thông tin giả mạo “Công ty đảm bảo thu hồi vốn”, “Hoàn tiền bị lừa đảo” hoặc mạo danh các công ty luật, văn phòng luật sư có uy tín.
- Đăng tải thông tin “đáng tin cậy”: Chia sẻ video, bài viết cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo, cắt ghép phát biểu của luật sư, cán bộ công an, đưa hình ảnh hoạt động của các công ty luật thật… nhằm tạo niềm tin cho nạn nhân.
- Hứa hẹn “giải cứu”: Cam kết “thu hồi vốn treo”, “đòi lại tiền bị lừa đảo” với chi phí thấp, thậm chí không thu phí trước để tạo lòng tin cho nạn nhân.
Để tiếp cận và đánh lừa nạn nhân một cách hiệu quả, các đối tượng lừa đảo sử dụng những thủ đoạn tinh vi sau:
- Quảng cáo: Chi tiền chạy quảng cáo để các video, bài viết về “Công ty hoàn tiền”, “Luật sư” hay “Thu hồi vốn” liên tục xuất hiện trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý của người dùng khi họ truy cập.
- Bình luận “ảo”: Sử dụng nhiều tài khoản giả mạo để bình luận, tương tác ảo với các bài viết, tạo hiệu ứng “nhiều người quan tâm”, “đã được hỗ trợ thành công”.
- “Bám víu” nơi uy tín: Thường xuyên tham gia bình luận vào các bài viết trên các trang Thông tin uy tín như Fanpage Bộ Công an, giả vờ là “khách hàng đã được hỗ trợ”, “nạn nhân được hoàn tiền” để tăng độ tin tưởng và thu hút sự chú ý của người dân.
Sau khi thu hút sự chú ý của nạn nhân bằng các thủ đoạn tinh vi như quảng cáo, bình luận “ảo”, kẻ lừa đảo sẽ tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo để chiếm đoạt thông tin và tiền bạc của họ:
– Yêu cầu cung cấp thông tin:
- Khi người dân chủ động liên hệ, kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu họ cung cấp thông tin cá nhân chi tiết, bao gồm: họ tên, số điện thoại, địa chỉ, căn cước công dân, email,…
- Kẻ lừa đảo cũng sẽ yêu cầu cung cấp thông tin về vụ việc đã bị lừa đảo, bao gồm: số tiền bị lừa, hình thức lừa đảo, thông tin về đối tượng lừa đảo,…
– Lợi dụng lòng tin:
- Sau khi có được thông tin đầy đủ, kẻ lừa đảo sẽ sử dụng những lời nói ngọt ngào, thể hiện sự thấu hiểu và cam kết sẽ giúp đỡ nạn nhân lấy lại tiền.
- Chúng có thể giả vờ là nhân viên của các công ty uy tín, luật sư, cán bộ công an,… để tạo lòng tin cho nạn nhân.
– Yêu cầu cài đặt ứng dụng:
- Kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu nạn nhân cài đặt, tải các ứng dụng khác như Zalo, Telegram,… để “tiện liên hệ” và “theo dõi tiến độ vụ việc”.
- Mục đích thực sự là để kiểm soát thông tin liên lạc của nạn nhân, dễ dàng theo dõi và thao túng họ.
– Yêu cầu chuyển tiền:
- Sau khi đã chiếm đoạt được lòng tin và thông tin của nạn nhân, kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu họ chuyển tiền để “làm thủ tục”, “lệ phí hồ sơ”,…
- Chúng có thể đưa ra nhiều lý do khác nhau để yêu cầu chuyển tiền, ví dụ như: chi phí điều tra, chi phí luật sư, chi phí “bôi trơn”…
– Biến mất:
- Sau khi nhận được tiền của nạn nhân, kẻ lừa đảo sẽ biến mất.
- Họ có thể chặn liên lạc, xóa tài khoản mạng xã hội và không thực hiện bất kỳ cam kết nào trước đó.
2. Cảnh báo người dân cần cẩn trọng!
Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C506) – Bộ Công an Việt Nam đã đưa ra cảnh báo về các đối tượng lừa đảo quảng cáo dịch vụ “tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ lấy lại tiền bị treo”, “thu hồi tiền lừa đảo” trên mạng xã hội.
Khuyến cáo cho người dân:
Tuyệt đối không tin tưởng và liên hệ với các trang web, fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo dịch vụ này.
Không chuyển tiền cho bất kỳ đối tượng nào để được hướng dẫn hoặc hoàn thiện hồ sơ.
Bộ Công an khẳng định: Hiện nay, Bộ Công an và các cơ quan chức năng không phối hợp hay ủy quyền cho bất kỳ đơn vị nào thực hiện các dịch vụ nêu trên.
Cách thức trình báo vụ lừa đảo:
Trực tiếp đến cơ quan Công an: Đây là cách thức chính thức và hiệu quả nhất để trình báo vụ việc.
Gửi đơn, thư qua đường bưu điện: Nên ghi rõ thông tin chi tiết về vụ lừa đảo, bao gồm: tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của bị hại; hành vi lừa đảo của đối tượng; số tiền bị lừa; các tài liệu, chứng cứ liên quan (nếu có).
Lưu ý:
- Nên sao lưu lại các bằng chứng liên quan đến vụ lừa đảo như: tin nhắn, email, hình ảnh, video,… để cung cấp cho cơ quan Công an khi trình báo.
- Cung cấp thông tin trung thực, chính xác để phục vụ công tác điều tra.
3. Cần phải làm gì khi đã bị lừa đảo tiền qua mạng?
Rất nhiều cảnh báo, phóng sự, bài viết đã đề cập đến vấn đề này. Khi đã bị lừa đảo, không có bất kỳ đơn vị, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nào có thể “Chắc chắn lấy lại được tiền” cho bạn. Những việc cần làm khi đã bị lừa đảo:
- Tuyệt đối không chuyển tiền cho bất kỳ tài khoản nào.
- Liên hệ ngay với ngân hàng để đề nghị phong tỏa tài khoản nhận tiền hoặc phong tỏa giao dịch (nếu có thể).
- Nộp đơn tố cáo tới Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận, huyện nơi bạn đang cư trú hoặc nơi thực hiện lệnh chuyển khoản.
- Cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu chứng cứ có liên quan như tin nhắn, thông tin tài khoản bên nhận tiền, số điện thoại liên hệ.
- Lưu ý: Ngay cả Cơ quan Công an cũng không thể đảm bảo tuyệt đối, chắc chắn lấy lại được tiền. Cơ quan điều tra chỉ có thể tiếp nhận, thụ lý tin báo để điều tra xác minh theo thẩm quyền. Mặc dù khả năng không cao nhưng khi điều tra ra các đối tượng vẫn có thể xử lý theo quy định.
- Do đó, cách duy nhất là gửi đơn tố cáo tới Cơ quan Công an.
Trường hợp cần tư vấn, soạn thảo đơn tố cáo, vui lòng liên hệ Công ty luật Dương Gia để được hỗ trợ.
CÔNG TY LUẬT TNHHH DƯƠNG GIA - CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG
Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng
Điện thoại: 0931548999; 02367300899