Kê biên bất động sản đang thế chấp tại ngân hàng, vướng mắc và đề xuất hoàn thiện

ke-bien-bat-dong-san-dang-the-chap-tai-ngan-hang-vuong-mac-va-hoan-thien

Việc xử lý tài sản để thi hành án tín dụng ngân hàng còn nhiều vướng mắc do hồ sơ thế chấp không chặt chẽ, không thẩm định kỹ khi nhận thế chấp; hoặc do bản án tuyên không phân chia rõ phạm vi, giới hạn nghĩa vụ đảm bảo của từng tài sản thế chấp trong cùng một vụ việc thi hành án; hoặc việc xử lý tài sản thế chấp bị kéo dài do người phải thi hành án, người có nghĩa vụ liên quan bất hợp tác, chống đối… Trong nội dung bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu nội dung: “Kê biên bất động sản đang thế chấp tại ngân hàng, vướng mắc và đề xuất hoàn thiện”

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật Dân sự năm 2015
  • Luật thi hành án dân sự năm 2014;
  • Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu

 1. Kê biên tài sản là bất động sản đang thế chấp tại ngân hàng

Ngay từ ban đầu, việc thẩm định tài sản đảm bảo cho vay giá trị rất lớn nhưng khi kê biên, xử lý tài sản thế chấp giá trị rất nhỏ (không quá 20%) dẫn đến khoảng 80% giá trị không có điều kiện vẫn đang báo cáo vào diện có điều kiện do chưa xử lý xong tài sản đảm bảo dẫn đến tỷ lệ thi hành án thấp… Việc áp dụng, thực hiện các quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 trong công tác kê biên tài sản vẫn còn những vướng mắc bất cập. Đó là, trong số các việc thi hành án phải kê biên, bán đấu giá tài sản, ngoài các việc thi hành án cho các tổ chức tín dụng để xử lý nợ xấu còn có những việc thi hành án không thuộc loại án tín dụng, ngân hàng nhưng tài sản của người phải thi hành án lại đồng thời đang thế chấp, bảo đảm cho khoản nợ của ngân hàng, tổ chức tín dụng và khoản nợ này thuộc nợ xấu. Một số vụ việc thi hành án, ngân hàng, tổ chức tín dụng áp dụng quy định tại Điều 11 của Nghị quyết 42/2017/QH14, không đồng ý cho cơ quan thi hành án và chấp hành viên thực hiện việc kê biên, xử lý tài sản, kể cả trường hợp giá trị tài sản lớn hơn nhiều so với nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án. Trong trường hợp này, cơ sở áp dụng là Điều 90 Luật THADS năm 2014 và theo quy định này thì vẫn đảm bảo cho quyền lợi hợp pháp của người nhận cầm cố, thế chấp tài sản, nhưng khi áp dụng Điều 11 Nghị quyết 42/2017/QH14, trường hợp ngân hàng, tổ chức tín dụng không đồng ý, cơ quan thi hành án sẽ rất khó khăn, không được kê biên tài sản, việc thi hành án khó có thể đưa vào loại việc chưa có điều kiện thi hành án[1].

2. Thi hành án đối với tài sản đang làm thủ tục giải chấp

Tài sản thi hành án là nhà và đất đã được thế chấp, người liên quan đã nộp tiền cho ngân hàng để giải chấp và ký hợp đồng mua bán tài sản nhưng chưa làm xong thủ tục đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì cơ quan thi hành án có quyền kê biên tài sản đã được giải chấp không cũng còn nhiều ý kiến khác nhau dẫn đến kéo dài quá trình thi hành án. 

Theo Quyết định số 09/2015/QĐST-KDTM ngày 22 tháng 05 năm 2015 của Tòa án nhân dân thành phố TH thì: Công ty cổ phần xuất nhập khẩu TH (Công ty CP XNK TH) có trụ sở tại số 02 PCT, phường ĐB, thành phố TH, tỉnh TH phải trả nợ cho Công ty CP Vật tư Nông sản số tiền là: 20.038.234.802 đồng (Hai mươi tỷ, không trăm ba tám triệu, hai trăm ba tư ngàn, tám trăm lẻ hai đồng). Cơ quan thi hành án thành phố TH đã ra Quyết định thi hành án số 171/QĐ – CCTHADS ngày 10/8/2016. Công ty cổ phần xuất nhập khẩu TH có tài sản là nhà làm việc và phục vụ kinh doanh tại số 02 PCT, phường ĐB, thành phố TH đã được thế chấp để vay vốn tại Ngân hàng Vietcombank TH với hạn mức cho vay là 20 tỷ đồng (tính đến ngày 22/6/2017 Công ty CP XNK TH nợ ngân hàng là 9.999.514.914 đồng; Hợp đồng vay được ký kết ngày 22/10/2012).

Ngày 25/7/2017 theo yêu cầu của Ngân hàng Ngoại thương tại buổi làm việc ngày 10/7/2017 các cổ đông của Công ty CP XNK TH đã họp và ban hành Nghị quyết bán toàn bộ tài sản trên đất tại số 02 PCT, phường ĐB, thành phố TH cho Công ty CP tập đoàn HT (gọi tắt là Công ty HT). Cùng ngày, Công ty CP XNK TH có Công văn đề nghị Ngân hàng cho bán toàn bộ tài sản tại số 02 PCT để trả nợ cho ngân hàng và ngày 26/7/2017 Ngân hàng Ngoại thương TH có công văn đồng ý thu nợ trước hạn từ các nguồn tiền hợp pháp của Công ty.

Ngày 27/7/2017 Công ty CP XNK TH đã ký hợp đồng nguyên tắc số 04/2017/XNKTH – HT với Công ty HT, theo đó Công ty HT cho Công ty CP XNK TH vay số tiền 10.000.000 đồng để nộp vào ngân hàng Ngoại thương và là điều kiện để các bên giao kết hợp đồng mua bán tài sản.  

Ngày 28/7/2017 Công ty XNK TH đã bán toàn bộ tài sản tại số 02 PCT cho Công ty HT với giá 5.675.500.000 đồng (theo chứng thư thẩm định giá) và nộp hồ sơ đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường làm thủ tục theo quy định.

Vấn đề đặt ra là khi ngân hàng ngoại thương đã giải chấp tài sản cho Công ty CP XNK TH thì chấp hành viên có được kê biên tài sản tại số 02 PCT không?

Vấn đề này có các quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất: Công ty XNK TH bán tài sản tại số 02 PCT cho Công ty HT sau khi đã có Quyết định thi hành án của Chi cục THADS thành phố TH về việc Công ty XNK Thanh Hóa phải thanh toán số tiền 20.038.234.802 đồng cho Công ty Nông sản. Nhưng trong quá trình thi hành án cho đến thời điểm bán, tài sản nêu trên đang là tài sản thế chấp để đảm bảo cho các Hợp đồng tín dụng mà Công ty XNK TH ký kết tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam. Theo quy định tại Điều 90 Luật THADS, Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP, Điều 4 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BTP thì hợp đồng thế chấp tại Ngân hàng VCB là hợp pháp, có đăng ký giao dịch bảo đảm và thoả mãn các điều kiện trong các quy định trên. Mặt khác, việc công ty XNK Thanh Hóa bán tài sản được sự chấp thuận của Ngân hàng là đơn vị nhận thế chấp; giá chuyển nhượng tài sản được đơn vị thẩm định giá độc lập và chỉ đủ thanh toán một phần tiền nợ cho ngân hàng; về trình tự, thủ tục bán tài sản, Công ty XNK Thanh Hóa đã thực hiện họp đại hội đồng cổ đông, ban hành nghị quyết bán tài sản. Như vậy, việc bán tài sản tại số 02 PCT của Công ty XNK TH đảm bảo đúng hình thức, nội dung, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Do đó, chấp hành viên không được kê biên tài sản.  

Quan điểm thứ hai: Sau khi giải chấp xong, thì Công ty CP XNK TH và công ty HT ký hợp đồng mua bán nhà và đất, có công chứng hợp đồng nhưng chưa làm xong thủ tục đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai. Hiện nay, theo khoản 3 Điều 188 Luật đất đai năm 2013 thì Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính. Như vậy, khi chưa làm xong thủ tục đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì nhà và đất vẫn là của công ty CP XNK TH (người phải thi hành án). Do đó, chấp hành viên có quyền kê biên nhà và đất.

Có thể thấy, tài sản tại số 02 PCT của công ty CP XNK TH đã thế chấp hợp pháp cho ngân hàng ngoại thương trước khi có Quyết định số 09/2015/QĐST-KDTM ngày 22 tháng 05 năm 2015 của Tòa án nhân dân thành phố TH. Theo quy định tại Điều 90 Luật THADS, Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP, Điều 4 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BTP thì nếu tài sản thế chấp cho ngân hàng ngoại thương thoả mãn các điều kiện: (i) Hợp đồng thế chấp hợp pháp, có đăng ký giao dịch bảo đảm; (ii) ngân hàng chưa tiến hành xử lý để thu hồi nợ vay theo quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm; (iii) tài sản thế chấp lớn hơn nghĩa vụ có bảo đảm và các chi phí cưỡng chế thi hành án; (iv) Người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án) thì chấp hành viên có quyền kê biên ngôi nhà và ngân hàng sẽ được ưu tiên thanh toán theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật THADS năm 2014. Còn trong trường hợp tài sản tại số 02 PCT không đủ thanh toán nợ cho ngân hàng thì chấp hành viên không được kê biên. Trên thực tế thì tài sản tại số 02 PCT chỉ đủ thanh toán một phần khoản nợ cho ngân hàng (gần 6 tỷ đồng) cho nên chấp hành viên sẽ không được kê biên. Tuy nhiên, để nhanh thực hiện việc trả nợ cho ngân hàng ngoại thương thì công ty CP XNK TH và công ty HT đã ký hợp đồng nguyên tắc là công ty HT cho công ty CP XNK TH vay 10 tỷ để giải chấp với điều kiện công ty CP XNK TH ký hợp đồng bán nhà và đất cho công HT với sự đồng ý của ngân hàng ngoại thương.

Điều quan trọng ở đây là cần xác định hợp đồng mua bán nhà và đất giữa công ty CP XNK TH và công ty HT có hợp pháp hay không?

Giả sử không có việc thoả thuận công ty HT nộp 10 tỷ cho ngân hàng ngoại thương để giải chấp thì tài sản tại số 02 PCT vẫn là tài sản bảo đảm và ngân hàng ngoại thương có quyền xử lý tài sản đó để thanh toán nợ. Nhưng do tài sản bảo đảm chỉ đủ thanh toán một phần khoản nợ cho ngân hàng ngoại thương nên các bên đã thoả thuận: Công ty CP XNK TH đã ký hợp đồng nguyên tắc số 04/2017/XNKTH – HT với Công ty HT, theo đó Công ty HT cho Công ty CP XNK TH vay số tiền 10.000.000 đồng để nộp vào ngân hàng Ngoại thương và là điều kiện để các bên giao kết hợp đồng mua bán tài sản với sự đồng ý của ngân hàng ngoại thương. Thoả thuận này của các bên xuất phát từ ý chí tự nguyện, không vi phạm điều cấm pháp luật, không trái đạo đức xã hội nên được coi là hợp pháp. Hợp đồng này dù là chưa làm xong thủ tục đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền nhưng hợp đồng này không phải là việc mua bán thông thường giữa công ty CP XNK TH và công ty HT mà hợp đồng mua bán này xuất phát từ việc xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng ngoại thương nên chấp hành viên không được kê biên.

Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của các bên, tránh việc thi hành án bị kéo dài thì các cơ quan có thẩm quyền cần có sự phối hợp để hướng dẫn cụ thể trường hợp này.

3. Thi hành án theo hướng kê biên toàn bộ tài sản

Trên thực tế, thông thường trong các bản án của tòa án tuyên: “Kê biên toàn bộ tài sản của ông A đã thế chấp cho Ngân hàng B theo Hợp đồng thế chấp số để đảm bảo việc thi hành án”. Trong nội dung Hợp đồng có điều khoản “các tài sản phát sinh sau thời điểm thế chấp đều là tài sản thế chấp”. Trong quá trình xác minh hiện trạng tài sản thế chấp thì tài sản này có nhiều thay đổi (phát sinh thêm tài sản so với thời điểm thế chấp) theo hướng làm tăng giá trị tài sản. Vậy, chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý toàn bộ tài sản (kể cả tài sản phát sinh) không? Về vấn đề này cũng gây khó khăn cho chấp hành viên khi tiến hành kê biên tài sản thế chấp.

Về nguyên tắc cơ quan thi hành án sẽ thực hiện đúng nội dung bản án, quyết định của Toà án đã tuyên. Bản án tuyên về kê biên toàn bộ tài sản đã thế chấp cho ngân hàng thì trong bản án thường là phải liệt kê các tài sản thế chấp trong hợp đồng sẽ bị kê biên. Nếu trong hợp đồng có thoả thuận “các tài sản phát sinh sau thời điểm thế chấp đều là tài sản thế chấp” thì Toà án phải xác minh và làm rõ tài sản phát sinh sau thời điểm thế chấp là tài sản nào để tuyên tài sản phát sinh cũng thuộc tài sản thế chấp và bị kê biên. Tuy nhiên, trong bản án lại không liệt kê các loại tài sản thế chấp bị kê biên nên cơ quan thi hành án rất khó để kê biên tài sản phát sinh sau thời điểm thế chấp vì đối tượng thế chấp có thể được mô tả chung nhưng phải xác định được (khoản 2 Điều 295 BLDS năm 2015). Hơn nữa, thế nào là tài sản phát sinh sau thời điểm thế chấp? Ví dụ: thế chấp quyền sử dụng đất nhưng sau đó trên đất có cây ăn quả, cây lây năm hoặc có nhà thì nhà, cây cối có được coi là tài sản phát sinh không? Chắc chắn là không được gọi là tài sản phát sinh để kê biên cùng tài sản thế chấp. Còn tài sản phát sinh như thế chấp cây ăn quả, cây cafe thì quả, hạt cafe sẽ được hiểu là tài sản phát sinh nhưng đó lại là hoa lợi, lợi tức thì theo khoản 1 Điều 321 BLDS năm 2015 các bên phải thoả thuận cụ thể về việc hoa lợi, lợi tức cũng là tài sản thế chấp. Do đó, thủ trưởng cơ quan thi hành án yêu cầu Toà án giải thích bản án, quyết định và cơ quan thi hành án sẽ căn cứ vào văn bản giải thích của Toà án để ra quyết định (Điều 9 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC). Trong trường hợp có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thì thủ trưởng cơ quan thi hành án yêu cầu những người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Tuy nhiên, điều này sẽ làm kéo dài quá trình thi hành án, không bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án. Thiết nghĩ, Toà án cần phải có trách nhiệm trong việc ra phán quyết, đảm bảo các bản án, quyết định thi hành được trên thực tế.

Trên đây là một số vấn đề đặt ra đối với cưỡng chế kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp. Hy vọng trong thời gian tới các cơ quan có thẩm quyền có những hướng dẫn cụ thể để cơ quan thi hành án thống nhất thực hiện, đảm bảo việc thi hành án hiệu quả.

[1] Cục THADS Thành phố Hà Nội (2019), Báo cáo số 16/BC-CTHADS về Kết quả công tác thi hành dân sự 12 tháng năm 2018, phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2019, tr. 5, 6.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon