Do điều kiện kinh tế – xã hội ở mỗi địa phương khác nhau nên công tác TGPL cũng có những đặc trưng nhất định. Với bài viết “Đặc điểm của tỉnh Đắk Lắk và hoạt động trợ giúp pháp lý” tác giả sẽ tập trung nghiên đặc điểm của tỉnh Đắk Lắk và liên hệ trực tiếp với hoạt động trợ giúp pháp lý tại địa phương này. Qua đó góp phần tìm ra các giải pháp khoa học để nâng cao chất lượng của công tác TGPL trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, nhằm bảo đảm tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người được TGPL.
1. Điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý và tình hình kinh tế xã hội của tỉnh Đắk Lắk
Tỉnh Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, đầu nguồn của hệ thống sông Sêrêpôk và một phần của sông Ba, nằm trong khoảng tọa độ địa lý từ 107o28’57” đến 108o59’37” độ kinh Đông và từ 12o9’45” đến 13o25’06” độ vĩ Bắc, có độ cao trung bình 400 – 800 mét so với mặt nước biển, nằm cách Hà Nội 1.410 km và cách Thành phố Hồ Chí Minh 350 km.
Phía Bắc giáp tỉnh Gia Lai; Phía Đông giáp Phú Yên và Khánh Hoà; Phía Nam giáp Lâm Đồng và Đắk Nông; Phía Tây giáp Campuchia.
Đắk Lắk có diện tích 13.125,37 km2, dân số toàn tỉnh tính đến năm 2016 đạt 1.796.666 người, mật độ dân số đạt hơn 137 người/km². Trong đó, dân số sống tại thành thị đạt 432.458 người, dân số sống tại nông thôn đạt 1.364.208 người. Dân số nam đạt 906.619 người, dân số nữ đạt 890.047 người.
Cộng đồng dân cư Đắk Lắk gồm 47 dân tộc. Trong đó, người Kinh chiếm trên 70%; các dân tộc thiểu số như Ê Đê, M’nông, Thái, Tày, Nùng… chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh. Dân cư tỉnh Đắk Lắk phân bố không đều trên địa bàn các huyện, tập trung chủ yếu ở thành phố Buôn Ma Thuột, thị trấn, huyện lỵ, ven các trục Quốc lộ 14, 26, 27 chạy qua như Krông Búk, Krông Pắk, Ea Kar, Krông Ana. Các huyện có mật độ dân số thấp chủ yếu là các huyện đặc biệt khó khăn như Ea Súp, Buôn Đôn, Lắk, Krông Bông, M’Đrắk, Ea Hleo.
Đắk Lắk có 01 thành phố, 12 huyện và 184 xã, trong những năm trở lại đây, ngoài các dân tộc thiểu số tại chỗ còn, một số dân tộc khác di cư từ các tỉnh phía Bắc và miền Trung đến Đắk Lắk sinh sống, lập nghiệp làm cho dân số của Đắk Lắk có nhiều biến động, điều này đã gây nên sức ép lớn cho tỉnh về giải quyết đất ở, đất sản xuất và các vấn đề đời sống xã hội, an ninh trật tự và môi trường sinh thái.
Về kinh tế, với điều kiện tự nhiên thuận lợi nằm ở trung tâm vùng Tây nguyên, tỉnh Đắk Lắk có diện tích tự nhiên hơn 13.000 Km2, trong đó gần như là 40% đất bazan màu mỡ, khí hậu ôn hòa phù hợp với các loại cây công nghiệp có giá trị cao như: cà phê, ca cao, hồ tiêu, cao su…
Hệ thống giao thông tương đối thuận lợi, kết nối với nhiều vùng kinh tế lớn trong nước như: thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương… Đặc biệt, trong những năm gần đây tỉnh Đắk Lắk được Đảng và Nhà nước có chính sách quan tâm, đầu tư nên đời sống kinh tế của nhân dân đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên Đắk Lắk vẫn là một tỉnh khó khăn, kinh tế vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, công nghiệp và các hoạt động kinh doanh, dịch vụ còn hạn chế.
2. Về nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân
Đắk Lắk là tỉnh có số dân tộc cùng sinh sống nhiều nhất cả nước (47/54 dân tộc, chiếm 1/3 dân số toàn tỉnh), đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao (toàn tỉnh có 435.688 hộ, trong đó hộ nghèo là 66.956 hộ, chiếm tỷ lệ 15,37%; hộ cận nghèo là 24.704 hộ, chiếm 9,8%), nhiều địa phương vẫn thuộc vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (46 xã, 662 thôn). Theo số liệu của Sở lao động – Thương binh và Xã hội, Cục Thống kê và Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk thì tỷ lệ người thuộc diện TGPL chiếm khoảng 47% trong tổng số 1.796.666 người sinh sống tại địa bàn.
Bên cạnh đó, Đắk Lắk còn là địa phương có nhiều diễn biến phức tạp về an ninh, chính trị,xã hội.Số vụ việc vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp và tinh vi. Trong đó nổi lên là các vụ việc vi phạm pháp luật về giết người, trộm cắp, cướp giật tài sản, buôn bán vận chuyển ma túy, tham nhũng, buôn lậu, khai thác gỗ trái phép… các vụ việc tranh chấp đất đai, khiếu kiện đông người, khiếu kiện kéo dài.
Năm 2015 xảy ra 1.348 vụ vi phạm pháp luật về trật tự xã hội (tăng 115 vụ so với năm 2014). Năm 2016 xảy ra 1.117 vụ vi phạm pháp luật về trật trự xã hội. Năm 2017 xảy ra 1.130 vụ vi phạm pháp luật về trật tự xã hội. Năm 2018 toàn tỉnh xảy ra 1.224 vụ vi phạm pháp luật về trật trự xã hội.
Trong 4 năm (2015 – 2018) toàn tỉnh xảy ra 4.819 vụ vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, làm chết 112 người, bị thương 1.791 người, thiệt hại về tài sản 119 tỷ đồng. Viện kểm sát nhân dân hai cấp đã thụ lý thực hành công tố và kiểm sát điều tra 5.156 vụ/9.929 bị can; thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm 5.132 vụ/9.725 bị cáo; phúc thẩm 2.056 vụ/3.401 bị cáo.
Số vụ việc khiếu nại, tranh chấp cũng gia tăng, chỉ riêng trong năm 2018 tổng số đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh các cấp, các ngành tiếp nhận và xử lý là 5.066 đơn. Trong đó có 60 vụ tranh chấp, khiếu kiện liên quan tới đất đai, mâu thuẫn về quyền và lợi giữa người dân và doanh nghiệp, 35 đợt/2.442 lượt người khiếu kiện kéo lên trụ sở cơ quan chính quyền các cấp, cơ quan doanh nghiệp, trong đó cấp Trung ương 04 đợt/90 lượt người, cấp tỉnh 25 đợt/1.578 lượt người, cấp huyện, xã 02 đợt/196 lượt người; công ty, doanh nghiệp 05 đợt/435 lượt người.
Với đặc thù về xã hội và tình hình vi phạm pháp luật, khiếu nại, tranh chấp đất đai…như đề cấp ở trên, cho thấy nhu cầu về TGPL của người dân rất cao, vì vậy cần phải có chính sách quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa công tác TGPL, qua đó nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, giảm bớt các vụ việc vi phạm pháp luật, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, đảm bảo sự ổn định về chính trị, an ninh trật tự ở địa phương, đồng thời đảm bảo công bằng xã hội cho công dân, đây là yêu cầu hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
3. Thành tựu hoạt động trợ giúp pháp lý tại tỉnh Đắk Lắk giai đoạn từ năm 2015 – 2019
Sau khi Luật TGPLđược ban hành, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức nhiều hội nghị giới thiệu Luật TGPL đến bộ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Qua quá trình triển khai, thực hiện tại địa phương, Luật TGPL đã trở thành cầu nối giữa chính quyền với nhân dân, tác động tích cực trong việc thực thi pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống, nhất là đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần đáng kể vào sự ổn định, phát triển nhiều mặt đời sống xã hội, điều đó được thể hiện qua các mặt sau:
3.1. Về tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý
Thực hiện Đề án “Quy hoạch mạng lưới Trung tâm TGPL nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2008 – 2010, định hướng đến năm 2015” và Đề án số 34/ĐA-STP ngày 09/9/2009 của Sở Tư pháp về kiện toàn tổ chức bộ máy và biên chế của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt (Quyết định số 3636/QĐ-UBND ngày 10/12/2009 của UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt Đề án số 34/ĐA-STP ngày 09/9/2009 của Sở Tư pháp về kiện toàn tổ chức bộ máy và biên chế của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Đắk Lắk).
Đến nay,bộ máy Trung tâm TGPL nhà nước tỉnhĐắk Lắk đã từng bước được cũng cố và kiện toàn.Hiện tại Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh có 03 phòng chuyên môn và 03 Chi nhánh phụ thuộc (Chi nhánh số 01 tại huyện Krông Pắk; Chi nhánh số 02 tại huyện Cư Kuin; Chi nhánh số 03 tại huyện Krông Búk). Trong thời gian tới tiếp tục thành lập mới thêm 02 chi nhánh TGPL tại huyện Ea Súp và tại huyện M’Đrắk).
Bên cạnh lực lượng chính tham gia vào hoạt động TGPL là Trung tâm TGPL nhà nước, Sở Tư pháp Đắk Lắk đã vận động các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật trên địa bàn tham gia vào hoạt động TGPL. Kết quả đã có 13 tổ chức đăng ký tham gia TGPL, trong đócó 12 văn phòng luật sư với 12 luật sư ký hợp đồngthực hiệnTGPL, 01 Trung tâm tư vấn pháp luật.
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu hỗ trợ về pháp luật cho người dân, đặc biệt là những địa bàn vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn, mô hình Câu lạc bộ TGPL(CLB) cũng được đẩy mạnh, tính đến đầu năm 2019 toàn tỉnh có 24 CLB, trong đó số thành viên CLB là 126 người, CLB có thành viên ban chủ nhiệm là CTVTGPL là 03 CLB.
Như vậy, có thể thấy hệ thống tổ chức TGPL tại tỉnh Đắk Lắk khá phát triển, đặc biệt là mạng lưới TGPL ở cơ sở được cũng cố và tăng cường, điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có thể tiếp cận kịp thời các thông tin về tổ chức TGPL cũng như các văn bản pháp luật của nhà nước để nâng cao nhận thực về pháp luật, tháo gỡ ngay những vướng mắc pháp luật đơn giản tại cộng đồng dân cư, góp phần hình thành thói quen sống và làm việc theo pháp luật trong nhân dân.
3.2. Về người thực hiện trợ giúp pháp lý
Với mục tiêu hướng tới việc bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích cho người được TGPL, cùng với tổ chức bộ máy TGPL, đội ngũ người TGPL tại Đắk Lắk thời gian qua cũng được chú trọng, quan tâm theo hướng tăng cường về số lượng, đảm bảo về chất lượng.
Tính đến thời điểm hiện tại, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh có 28 cán bộ(gồm 27 biên chế, 01 hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp), gồm có Giám đốc, 03 Trưởng phòng, 03 Trưởng Chi nhánh, 16 chuyên viên, 01 kế toán, 01 văn thư lưu trữ kiêm thủ quỹ, tạp vụ và 01 lái xe.
Về đội ngũ TGVPL, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh và các Chi nhánh TGPL phụ thuộc có tổng số 15 TGVPL (Trung tâm TGPL 07 TGVPL, các Chi nhánh 08 TGVPL), các TGPL đều có trình độ cử nhân luật trở lên, 11 TGVPL đã qua đào tạo nghề luật sư, 04 TGVPL đang tham gia khóa đào tạo nghiệp vụ luật sư do Học viện Tư pháp tổ chức, 01 chuyên viên đang tham gia lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp TGVPL hạng II, 05 chuyên viên đang tập sự TGPL. Đây sẽ là nguồn nhân lực bổ sung cho hoạt động TGPL của Trung tâm TGPL trong thời gian tới.
Để nâng cao chất lượng hoạt động TGPL đối với đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số, trên cơ sở thực hiện chương trình phối hợp số 01/CTPH/STP-BDT ngày 31/7/2012 giữa Sở Tư pháp và Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk về thực hiện TGPL đối với người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã tăng cường đội ngũ TGVPL và ký kết với CTVTGPL là người dân tộc thiểu số, cử cán bộ đi đào tạo bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số. Cụ thể Trung tâm TGPL có 05 cán bộ là người dân tộc thiểu số, số người thực hiện TGPL biết tiếng dân tộc thiểu số là 11 người, số CTVTGPL người dân tộc thiểu số là 08 người, số người thực hiện TGPL được cử đi đào tạo bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số là 06 người.
Về luật sư tham gia TGPL, Trung tâmđã ký hợp đồng với 12 luật sư thực hiện TGPL, ngoài ra còn có 29 TVVPL thuộc 04 Trung tâm tư vấn pháp luật của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp;145 CTVTGPL là cán bộ, người nghỉ hưu ở các cơ quan pháp luật… trong đó có 44 CTVTGPL là cán bộ Tư pháp – Hộ tịch đang công tác tại Phòng Tư pháp các huyện, phường, xã, thị trấn tham gia TGPL.
Thời gian qua, đội ngũ thực hiện TGPL đóng vai trò hết sức quan trọng rong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL, góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật và chấp hành pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương, nhất là các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa, nơi có nhu cầu cao về TGPL. Thông qua nhiều vụ việc TGPL cụ thể, đội ngũ thực hiện TGPL đã giúp đỡ cho hàng ngàn lượt người tìm lại công lý, tháo gỡ nhiều vướng mắc pháp luật, tranh chấp không đáng có, để lại trong lòng người được TGPL niềm tin vào hệ thống tư pháp của đất nước.