Tội hành nghề mê tín, dị đoan

toi-hanh-nghe-me-tin-di-doan

Mê tín, dị đoan là một hiện tượng phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. Nhiều người xem đây là chỗ dựa tinh thần khi bản thân gặp điều không may. Lợi dụng vấn đề trên, người phạm tội đã khiến người dân tin vào thần thánh, ma quỷ một cách mù quáng khiến nhiều người “tiền mất tật mang” thậm chí là “tan cửa, nát nhà”. Vậy thế nào là mê tín dị đoan? Việc hành nghề mê tín, dị đoan bị xử lý như thế nào? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý:

1. Mê tín dị đoan, hành nghề mê tín dị đoan là gì?

Mê tín dị đoan là hoạt động biến tướng của nhiều hình thức như: tôn giáo, tín ngưỡng… Theo nghĩa Hán Việt mê tín được lấy từ hai từ “say mê” và “tín tưởng”, dị đoan được hiểu là chỉ những điều quỷ dị, ma biến. Khái niệm nội hàm của mê tín không mang ý nghĩ xấu nhưng nếu thêm từ dị đoan thì lại mang ý nghĩa không tốt. Cụm từ mê tín dị đoan chỉ việc đặt niềm tin một cách mù quáng vào những điều mơ hồ, không phù hợp với lẽ tự nhiên dẫn tới hậu quả xấu cho cá nhân, gia đình, cộng đồng về sức khoẻ, thời gian và tính mạng.

Mê tín dị đoan bao gồm những hành vi như tin xin xăm bói quẻ, tin ngày lành tháng dữ, tin số mạng sang hèn, tin coi tay xem tướng…

Mê tín dị đoan khác với tín ngưỡng tôn giáo. Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng động. Được thể hiện thông qua hoạt động thờ cúng ông bà, lễ nghi dân gian. Nhà nước cho phép và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của công dân nhưng nghiêm cấm mọi hoạt động mê tín dị đoan nhằm đảm bảo trật tự xã hội.

Hành nghề mê tín dị đoan dưới góc độ pháp luật được hiểu là hành vi dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác để thu lợi nhuận và xem đó là một nghề kiếm sống. Hành nghề mê tín dị đoan có thể có tính chất nguy hiểm, trong một số trường hợp sẽ bị coi là tội phạm.

Luật sư tư vấn pháp luật tại Đà Nẵng

2. Các dạng hành nghề mê tín, dị đoan

Hoạt động hành nghề mê tín dị đoan được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó phổ biến một số dạng sau đây:

Xem bói, lên đồng: xem bói bao gồm nhiều loại có thể bao gồm bói thẻ, bói quẻ, bói dịch, bói Kiều. Theo đó, đây là hình thức dựa vào ngày tháng năm sinh hoặc nốt ruồi, hoặc tướng mặt, chỉ tay để đoán mệnh, phán quá khứ, tương lai của người đó. Đối với lên đồng, đây là hình thức cúng lễ cho thần thánh để hồn ma người chết nhập vào người lên đồng. Từ đó đoạn vận hạn, mệnh số của gia chủ. Hình thức này thường được diễn ra ở đền, chùa, phổ biến nhất là ở nhà riêng của các bà đồng.

Bài trừ bệnh từ ma thuật: một số người tin rằng bệnh của mình đến do bị người âm xúi quở, do đó người hành nghề mê tín dị đoan đã lợi dụng vấn đề đó để viện lý do trừ tà ma, yểm bùa,…nhằm thu tiền từ các hoạt động phi khoa học.

Các hình thức cúng tế, lễ bái: hình thức này thường được diễn ra phổ biến nhất vào đầu năm. Nhiều người tin rằng tồn tại một số năm vận hạn, do đó họ tìm đến người hành nghề mê tín dị đoan để giải vận hạn, cúng sao, xin xăm, xin số, cầu tài lộc,…

3. Chế tài xử lý đối với hoạt động mê tín, dị đoan

Hoạt động mê tín, dị đoan đã được nhà nước kiểm soát và hạn chế thông qua các quy định của pháp luật. Theo đó, tuỳ vào tính chất mức độ khác nhau mà hành vi liên quan đến mê tín, dị đoan sẽ bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.

3.1. Xử phạt hành chính

Theo khoản 4, khoản 7 Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP có quy định xử phạt đối với hành vi hoạt động mê tín dị đoan như sau:

Điều 14. Vi phạm quy định về tổ chức lễ hội

“4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

b) Tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội.

7. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

đ) Tổ chức hoạt động mê tín dị đoan.”

Theo khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:

“2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, điểm c khoản 4, điểm a khoản 5 và khoản 6 Điều 6; các điểm c, đ, e và g khoản 4 Điều 8; các khoản 1, 2 và 3 Điều 9; Điều 10; điểm a khoản 2, các khoản 3, 5 và 6, các điểm a, b, c và d khoản 7 Điều 14; các khoản 1, 2, 3, 4 và điểm b khoản 5 Điều 21; các khoản 1, 2, 3, 4 và điểm b khoản 5 Điều 23; khoản 1 Điều 24; các Điều 30, 38, 39 và 40 Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức.

3. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.”

Theo đó, mức phạt tiền quy định tại điểm b khoản 4 và điểm đ khoản 7 Điều 14 Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Như vậy, cá nhân tổ chức hoạt động mê tín, dị đoan có thể bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, người tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội cũng có thể bị phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo quy định trên.

3.2. Xử lý hình sự

Trong trường hợp nếu người hành nghề mê tín dị đoan đã bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự theo điều 320 Bộ luật hình sự năm 2015. Cụ thể:

Điều 320. Tội hành nghề mê tín, dị đoan

1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết người;

b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”

Như vậy tội hành nghề mê tín dị đoan có hai khung hình phạt, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt bổ sung từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

4. Các yếu tố cấu thành tội hành nghề mê tín dị đoan

Cũng giống các loại tội phạm khác, tội hành nghề mê tín dị đoan theo quy định tại Điều 320 Bộ luật hình sự có 4 yếu tố để cấu thành tội phạm, bao gồm: chủ thể, khách thể, mặt chủ quan và mặt khách quan.

4.1. Chủ thể

Chủ thể của tội hành nghề mê tín, dị đoan là chủ thể thường, có năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi theo quy định của pháp luật. Theo đó, năng lực trách nhiệm hình sự là năng lực nhận thức được ý nghĩa xã hội của hành vi của mình và điều khiển được hành vi theo đòi hỏi của xã hội.

Người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này quy định tại Khoản 2 của điều luật; người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật. Nếu chưa gây hậu quả nghiêm trọng theo luật định thì người có hành vi hành nghề mê tín, dị đoan phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới là chủ thể của tội phạm này.

4.2. Khách thể

Khách thể của tội hành nghề mê tín dị đoan là quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ mà tội phạm xâm phạm, cụ thể là tội phạm đã xâm phạm đến trật tự, nề nếp sống văn minh của xã hội, thậm chí trong một số trường hợp còn xâm phạm đến sức khoẻ, tính mạng, tài sản của công dân.

4.3. Mặt chủ quan

Mặt chủ quan là những biểu hiện bên trong của tội phạm. Nó biểu hiện trạng thái tâm lý, ý chí chủ quan của người phạm tội đối với hành vi và hậu quả nguy hiểm mà họ gây ra. Theo đó, chủ thể thực hiện việc hành nghề mê tín dị đoan biết được hành vi của mình là gây nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả, mong muốn/ không mong muốn nhưng vẫn để cho hậu quả xảy ra. Đây là lỗi cố ý.

4.4. Mặt khách quan

Mặt khách quan là biểu hiện bên ngoài của tội phạm, bao gồm: hành vi, hậu quả và mối quan hệ nhân quả.

Hành vi: bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín dị đoan khác ( chữa bệnh, cúng trừ tà ma, yếm bùa,…)

Hậu quả: là những thiệt hại nghiêm trọng về vật chất hoặc phi vật chất cho xã hội. Đối với tội phạm này, hậu quả có thể là dấu hiệu bắt buộc hoặc không bắt buộc. Cụ thể: đối với trường hợp chưa bị xử phạt hành chính, chưa bị kết án hoặc đã bị kết án mà đã xoá án tích thì hậu quả là dấu hiệu bắt buộc. Ngược lại, không phải là dấu hiệu bắt buộc nếu đã bị xử phạt hành chính, đã bị kết án mà chưa được xoá án tích.

Mối quan hệ nhân quả: Hành vi hành nghề mê tín dị đoan trực tiếp dẫn đến hậu quả là gây thiệt hại nghiêm trọng về vật chất hoặc phi vật chất cho xã hội.

5. Tác hại, ảnh hưởng của hoạt động mê tín dị đoan

Mê tín dị đoan không chỉ ảnh hưởng đến đời sống vật chất tinh thần của cá nhân, mà còn tác động đến kinh tế, văn hoá, xã hội của nước ta.

5.1. Đối với cá nhân, gia đình:

Mê tín dị đoan xuất phát từ việc cả tin hoặc thiếu hiểu biết dẫn đến nhiều hệ luỵ khôn lường. Việc bám víu vào một niềm tin nào đó không có thật khiến cho người dân vừa mất thời gian, tiền bạc lẫn sức khoẻ. Bên cạnh đó, họ thường xuyên có những tư tưởng lệch lạc, tinh thần sa sút, mơ hồ tin vào những thứ không có thật. Tồn tại nhiều trường hợp người dân mù quáng tin tưởng vào những trò mê tín dị đoan đã phải tan cửa nát nhà, thậm chí mất mạng hoặc tước đoạt mạng sống của người khác.

5.2. Đối với kinh tế – văn hoá, xã hội: 

– Mê tín dị đoan làm người ta mất đi động lực hoặc gây trì trệ cho việc phát triển sản xuất, kinh doanh. Có những cơ quan, xí nghiệp do thủ trưởng quan niệm ngày tốt, ngày xấu, giờ “hoàng đạo”, giờ “hắc đạo” mà làm lỡ dịp ký kết hoặc thực hiện hợp đồng kinh tế. Có những công ty làm ăn bằng cách phân biệt đối tác không dựa trên cơ sở tính toán tối đa hóa lợi nhuận mà dựa trên cơ sở dịch lý âm dương. Nhiều gia đình, nhiều vùng, địa phương lâm vào tình trạng đình đốn cũng vì quan niệm ngày giờ tốt xấu trong kỳ thu hoạch… những vấn đề này đã gây nhiều sự thất thoát lớn trong việc tích lũy nhằm phát triển nền kinh tế quốc dân.

– Gây tâm lý hoang mang trong dư luận xã hội mà còn ảnh hưởng đến những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Tính nhân đạo sẽ bị huỷ bỏ mà thay vào đó là sự hiềm khích nghi kỵ giữa người với người có chiều hướng tăng lên.

Trên đây là nội dung bài viết của Luật Dương Gia về “Tội hành nghề mê tín, dị đoan” Nếu có bất kì khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi theo số Hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon