Nguyên tắc chia tài sản chung của hai vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân?

Nguyen-tac-chia-tai-san-chung-cua-hai-vo-chong-trong-thoi-ky-hon-nhan

Về nguyên tắc, khi hôn nhân còn tồn tại thì tài sản chung vẫn còn tồn tại, chế độ tài sản này có thể chấm dứt khi quan hệ hôn nhân chấm dứt hoặc đề nghị chia tài sản sau khi đã ly hôn. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều cặp vợ chồng muốn được chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bởi vợ chồng có mẫu thuẫn trong quản lý tài chính hoặc nhiều lý do khác. Do đó, kể cả trong thời kỳ hôn nhân, vợ, chồng có nhu cầu thì có quyền thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân cũng như những vấn đề pháp lý có liên quan.

Căn cứ pháp lý:

– Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;

1. Tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là gì?

Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra; thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng; và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung; hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Trừ trường hợp, chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng; được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Ngoài ra, các khoản thu nhập hợp pháp khác cũng là tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân gồm:

– Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp.

– Tài sản mà vợ, chồng được xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước.

– Thu nhập hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là gì?

Căn cứ theo quy định tại Điều 38. Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc chia tài sản chung của vợ, chồng trong thờ kì hôn nhân:

Điều 38. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

“1. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.

3. Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này.”

Theo đó, chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân được hiểu là việc phân chia tài sản chung của vợ chồng khi hôn nhân vẫn tồn tại dựa trên sự thỏa thuận của vợ chồng hoặc quyết định có hiệu lực của Tòa án trong trường hợp vợ chồng có yêu cầu Tòa án giải quyết.

3. Nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân

Nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng như sau:

– Vợ, chồng tự thỏa thuận phân chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung;

– Vợ, chồng yêu cầu Tòa án giải quyết.

Hình thức của thỏa thuận: Thỏa thuận chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân bắt buộc là văn bản và được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.

Việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân sẽ bị vô hiệu nếu:

– Việc chia ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình, quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình

– Việc chia tài sản nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại, thanh toán khi bị tòa tuyên bố phá sản, trả nợ cho cá nhân, tổ chức, nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với nhà nước và nghĩa vụ khác về tài sản.

4. Quyền yêu cầu chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

Để chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thì:

– Vợ chồng tự thỏa thuận về việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.

– Trường hợp vợ chồng không thể tự thỏa thuận với nhau về việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết:

+ Vợ hoặc chồng đơn phương yêu cầu Tòa án giải quyết

+ Cả hai vợ chồng cùng yêu cầu Tòa án giải quyết.

5. Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

Căn cứ theo quy định tại Điều 39. Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì thời điểm có hiệu lực của thỏa thuận tài sản vợ chồng được xác định như sau:

Điều 39. Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân

“1. Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng là thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được ghi trong văn bản; nếu trong văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản.

2. Trong trường hợp tài sản được chia mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định.

3. Trong trường hợp Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng thì việc chia tài sản chung có hiệu lực kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

4. Quyền, nghĩa vụ về tài sản giữa vợ, chồng với người thứ ba phát sinh trước thời điểm việc chia tài sản chung có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”

Như vậy, có thể chia làm hai trường hợp để xác định thời điểm có hiệu lực của thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân:

– Trường hợp vợ chồng thỏa thuận chia:

+ Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân do vợ chồng thỏa thuận và được ghi trong văn bản thỏa thuận.

+ Nếu văn bản thỏa thuận không xác định thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì ngày có hiệu lực chính của thỏa thuận được tính là ngày lập văn bản.

+ Trường hợp vợ chồng chia tài sản mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì việc chia tài sản có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định.

– Trường hợp vợ chồng yêu cầu Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thì thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung được tính kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

6. Hậu quả của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 126/2014/ND – CP hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và gia đình thì hậu quả pháp lý của việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân được quy định cụ thể như sau:

– Việc chia tài sản không làm chấm dứt chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định

– Phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản được chia là tài sản riêng của vợ chồng, trừ trường hợp vợ, chồng có thỏa thuận khác.

– Nếu tài sản có được từ việc khai thác tài sản riêng của vợ, chồng mà không xác định được đó là thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của vợ, chồng hay là hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng đó thì thuộc sở hữu chung của vợ chồng

– Vợ, chồng chỉ chia một phần tài sản chung thì phần tài sản chung còn lại không chia và hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó thuộc tài sản chung hợp nhất của vợ chồng

– Quyền và nghĩa vụ về tài sản giữa vợ, chồng với người thứ ba phát sinh trước thời điểm chia tài sản chung có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

7. Chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

Căn cứ theo quy định tại Điều 41. Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân.

Theo đó, hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng sẽ chấm dứt trong các trường hợp sau:

– Sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung. Hình thức của thỏa thuận cũng phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật

– Kể từ ngày thỏa thuận chấm dứt của vợ chồng có hiệu lực thì việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng được thực hiện theo quy định về Tài sản chung (Điều 33) và Tài sản riêng (Điều 43) của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Phần tài sản mà vợ, chồng đã được chia vẫn thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

– Quyền, nghĩa vụ về tài sản phát sinh trước thời điểm chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

– Trong trường hợp việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thì thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung phải được Tòa án công nhận.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân và một số vấn đề liên quan đến việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon