Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

can-cu-phat-sinh-trach-nhiem-boi-thuong-thiet-hai-ngoai-hop-dong

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một chế định quan trọng trong pháp luật dân sự, là căn cứ pháp lý quan trọng để giải quyết các tranh chấp trong giao lưu dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho các chủ thể khi bị xâm hại. Để áp dụng chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì phải xác định đúng các căn cứ làm phát sinh trách nhiệm. Theo đó, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ sinh khi có đủ căn cứ do pháp luật quy định, đó là các điều kiện sau: có thiệt hại xảy ra, có hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật, có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích nội dung về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật dân sự năm 2015;

– Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP.

1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là loại trách nhiệm dân sự phát sinh bên ngoài, không phụ thuộc hợp đồng mà chỉ cần tồn tại một hành vi vi phạm pháp luật dân sự, cố ý hay vô ý gây thiệt hại cho người khác và hành vi này cũng không liên quan đến bất cứ một hợp đồng nào có thể có giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm dân sự. Do đó nó mang đầy đủ các đặc điểm của trách nhiệm dân sự đó là: Là sự cưỡng chế của Nhà nước và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng; chỉ áp dụng khi có hành vi vi phạm pháp luật và chỉ áp dụng đối với người có hành vi vi phạm; luôn mang lại hậu quả bất lợi cho người có hành vi vi phạm. Ngoài ra, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng còn mang một số đặc điểm sau:

– Thứ nhất, chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng không được xác định trước, chỉ khi phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì khi đó chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và chủ thể được bồi thường mới được xác định.

– Thứ hai, trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng có thể áp dụng đối với người thứ ba theo như quy định tại Điều 586 BLDS năm 2015, theo đó có nhiều trường hợp người gây ra thiệt hại không phải bồi thường thiệt hại mà chủ thể bồi thường là người thứ ba. Đối với cá nhân, nếu cá nhân dưới 18 tuổi và không có tài sản đề bồi thường thì cha, mẹ sẽ bồi thường. Tương tự, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình nếu những người này không có đủ tài sản để bồi thường.

– Thứ ba, trách nhiệm dân sự nói chung và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói riêng có thể thực hiện theo ý chí của cá nhân và luôn liên quan tới tài sản. Nội dung của đặc điểm này được thể hiện rõ ràng tại khoản 1 Điều 585 BLDS năm 2015 như sau: Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Theo đó, về nguyên tắc, khi phát sinh quan hệ bồi thưởng thiệt hại ngoài hợp đồng, các chủ thể có quyền thỏa thuận về mọi vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ đỏ, ví dụ như mức bồi thường là bao nhiêu, phương thức bồi thường, hình thức bồi thường như thế nào. Việc thỏa thuận này có thể được xảy ra trước, trong hoặc sau khi tranh chấp về bồi thường thiệt hại đã được Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận, các vấn đề pháp lý có liên quan đến bồi thường thiệt hại sẽ được giải quyết theo quy định pháp luật.

– Thứ tư, hậu quả của người bị áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại luôn mang tính vật chất thể hiện chức năng khôi phục những hậu quả về mặt vật chất cho người bị thiệt hại. Xuất phát từ đặc điểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khắc phục thiệt hại đã gây ra thì cụ thể hóa khả năng khắc phục thiệt hại chính là những những giá trị vật chất mà người gây thiệt hại phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Hay nói cách khác là những thiệt hại mà bên gây thiệt hại gây ra sẽ được quy đổi thành giá trị vật chất nhất định như tiền để thực hiện việc đền bù nhằm cho bên bị thiệt hại nhằm khắc phục thiệt hại đã xảy ra.

2. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

BLDS hiện hành quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như sau:

Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

Theo đó, căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường gồm 3 điều kiện là: (i) Có thiệt hại xảy ra trên thực tế; có hành vi gây thiệt hại trái pháp luật và có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Cụ thể:

– Có thiệt hại xảy ra trên thực tế:

Thiệt hại xảy ra trên thực tế là căn cứ không thể thiếu được trong việc áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Chỉ có thiệt hại mới phải bồi thường, chỉ khi nào biết được thiệt hại là bao nhiêu mới có thể ấn định người gây thiệt hại phải bồi thường bao nhiêu. Vì vậy, muốn áp dụng trách nhiệm này thì việc đầu tiên là phải xem xét có thiệt hại xảy ra hay không và phải xác định được thiệt hại là bao nhiêu.

Thiệt hại là những tổn thất, mất mát về mặt vật chất, hoặc tinh thần mà người có hành vi gây thiệt hại đã gây ra cho người bị thiệt hại hay thậm chí cho cả những người có liên quan. Theo đó, thiệt hại được hiểu là “sự giảm bớt những lợi ích vật chất của cả nhân, tổ chức và nhà nước về tài sản, sức khỏe, tính mạng, uy tín, danh dự, nhân phẩm, mồ mả, thi thể,… được xác định bằng một khoản tiền cụ thể, và những chi phí hợp lý, phù hợp để nhằm khắc phục những tổn thất về vật chất và tinh thần của chủ thể bị gây thiệt hại.” Thiệt hại về tài sản là những tổn thất vật chất thực tế được tính thành tiền mà người có hành vi trái pháp luật đã gây ra cho người khác; thiệt hại về thể chất là sự giảm sút về sức khoẻ, mất mát về tính mạng, hình thể của người bị thiệt hại; thiệt hại về tinh thần là sự ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín hoặc suy sụp về tâm lý, tình cảm của người bị thiệt hại.

Để có cơ sở cho việc áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại, các thiệt hại do xâm phạm đến sức khoẻ, tính mạng, danh dự, uy tín, nhân phẩm cũng phải được xác định thành một khoản tiền cụ thể.

– Có hành vi gây thiệt hại trái pháp luật: Hành vi trái pháp luật là những xử sự cụ thể của con người được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động trái với quy định (yêu cầu) của pháp luật. Hành vi trái pháp luật mà gây ra thiệt hại, xâm phạm lợi ích của các chủ thể dân sự có thể là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, luật hành chính, luật dân sự… Trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, hành vi trái pháp luật là những hành vi xâm hại tới tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác và đa phần được thể hiện dưới dạng hành động.

Người có hành vi trái pháp luật có trách nhiệm bồi thường những thiệt hại do mình gây ra cho người bị thiệt hại theo nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời. Mức bồi thường thiệt hại mà người có hành vi trái pháp luật phải thực hiện đối với người bị thiệt hại dựa trên những thiệt hại thực tế xác định được và theo quy định của pháp luật hoặc các bên có thỏa thuận về mức bồi thường thiệt hại để phù hợp với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội.

–  Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra:

Quá trình phát sinh, phát triển và chấm dứt giữa các sự vật và hiện tượng bao giờ cũng có mối liên hệ nội tại, trong đó, sự vật, hiện tượng này là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của sự vật, hiện tượng kia. thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật phải là nguyên nhân trực tiếp hoặc có ý nghĩa quyết định đối với thiệt hại xảy ra. Cụ thể theo Điều 584, hành vi “xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác” là nguyên nhân và “thiệt hại” của những hành vi xâm phạm đó chính là hậu quả. Vì vậy, để xác định chính xác người phải bồi thường thiệt hại cần phải dựa vào cặp phạm trù: Nguyên nhân và kết quả và tìm ra mối liên hệ giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra, trong đó, thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại, hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại.

– BLDS năm 2015 không quy định về yếu tố lỗi là căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo đó, người bị thiệt hại không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của bên gây thiệt hại nữa, họ chỉ cần xác định được hành vi xâm phạm của người gây thiệt hại là đã có thể yêu cầu bồi thường. Trách nhiệm chứng minh lỗi sẽ thuộc về người gây thiệt hại trong trường hợp muốn được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại (Khoản 2 Điều 585 BLDS năm 2015) hoặc được giảm mức bồi thường (Khoản 2, 4 Điều 586 BLDS năm 2015).

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon