Những chủ thể của Luật quốc tế khi tham gia vào quan hệ pháp luật Quốc tế không chỉ cần đảm bảo đáp ứng về mặt chủ thể mà còn phải tuân theo các nguyên tắc cơ bản do Luật Quốc tế ban hành. Bài viết dưới đây là nội dung liên quan đến Các nguyên tắc cơ bản của Luật Quốc tế. Đây là một trong những phần quan trọng trong quá trình sinh viên tham gia học phần Công pháp quốc tế.
1. Khái niệm các nguyên tắc cơ bản của Luật Quốc tế
Các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế là những quy phạm pháp luật mang tính chỉ đạo, bao trùm và có giá trị bắt buộc chung đối với các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật Quốc tế.
2. Đặc điểm của các nguyên tắc cơ bản của Luật Quốc tế
Những nguyên tắc cơ bản của Luật Quốc tế được hình thành dựa trên các đặc điểm cơ bản sau:
– Có tính bắt buộc chung;
– Có tính chất phổ biến;
– Có tính kế thừa khoa học;
– Có mối quan hệ tương hỗ lần nhau trong một chỉnh thể thống nhất.
3. Hệ thống các nguyên tắc cơ bản của Luật Quốc tế
– Nguyên tắc cấm dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
– Nguyên tắc giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình.
– Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác.
– Nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ phải hợp tác với nhau.
– Nguyên tắc quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc.
– Nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia.
– Nguyên tắc tôn trọng cam kết quốc tế (Pacta sunt servanda).
– Nguyên tắc cấm dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế
3.1. Nguyên tắc cấm dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế
– Khái niệm vũ lực trong quan hệ quốc tế
- Thuật ngữ vũ lực được hiểu trước tiên là sức mãnh vũ trang; Dùng vũ lực là sử dụng lực lượng vũ trang để chống tại quốc gia độc lập có chủ quyền;
- Việc dùng các phương tiện khác như kinh tế, chính trị chỉ được coi là dùng vũ lực nếu kết quả của nó dẫn đến việc sử dụng vũ lực.
- Đe doạ dùng vũ lực là hành động không dùng lực lượng vũ trang không nhằm tấn công xâm lược nhưng để gây sức ép, đe doạ quốc gia khác như tập trung quân đội (hải, lục, không quân) với số lượng lớn ở biên giới giáp với các quốc gia khác; tập trận ở biên giới giáp với các quốc gia khác; tập trận ở biên giới nhằm biểu dương lực lượng đe doạ quốc gia láng giềng; gửi tối hậu thư đe doạ quốc gia khác,…
– Khái niệm xâm lược
- Dùng lực lượng vũ trang xâm nhập hoặc tấn công chiếm đóng lãnh thổ của quốc gia khác, hoặc thậm chí là cuộc bao vây quân sự dù ngắn hay dài nếu nó là kết quả của việc dùng lực lượng vũ trang trong chiếm đóng, thôn tính toàn bộ hay một phần lãnh thổ của quốc gia khác;
- Không kích bằng lực lượng vũ trang hoặc sử dụng bất kỳ vũ khí nào vào lãnh thổ quốc gia khác;
- Dùng lực lượng vũ trang phong toả hải cảng hoặc bờ biển quốc gia khác.
– Nội dung của nguyên tắc
- Cấm xâm chiếm lãnh thổ quốc gia hoặc dùng vũ lực vũ trang vượt qua biên giới tiến vào lãnh thổ quốc gia khác;
- Cấm cho quân vượt qua giới tuyến quốc tế, trong đó có giới tuyến ngừng bắn hoặc giới tuyến hoà giải;
- Cấm các hành vi đe doạ, trấn áp bằng vũ lực.
- Không cho phép các quốc gia khác dùng lãnh thổ của mình để tiến hành xâm lược chống quốc gia thứ 3;
- Cấm tổ chức, khuyến khích, xúi giục, giúp đỡ hay tham gia vào nội chiến hay các hành vi khủng bố tại các quốc gia khác;
- Không tổ chức hoặc giúp đỡ các nhóm vũ trang, lính đánh thuê đột nhập vào phá hoại trong lãnh thổ quốc gia khác
– Ngoại lệ của nguyên tắc
- Hội đồng bảo an Liên hợp quốc dùng vũ lực để duy trì hoà bình và an ninh quốc tế (Điều 42 Hiến chương Liên hợp quốc);
- Quyền tự vệ của quốc gia khi quốc gia đó bị tấn công vũ trang (Điều 51 Hiến chương Liên hợp quốc)
- Các dân tộc đang đấu tranh giành độc lập được dùng vũ lực để tự giải phóng mình. (Nội dung nguyên tắc các dân tộc bình đẳng và tự quyết)
3.2. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình
– Các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp
- Đàm phán trực tiếp;
- Điều tra, môi giới/ trung gian, hoà giải;
- Các biện pháp tư pháp: trọng tài, toà án;
- Thông qua các tổ chức và Hiệp định khu vực;
- Các biện pháp hoà bình khác do các bên lựa chọn.
– Nội dung của nguyên tắc
- Các quốc gia có nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp chỉ bằng phương pháp hoà bình;
- Các quốc gia có quyền lựa chọn những phương pháp hoà bình cụ thể như đàm phán, điều tra, trung gian; hoà giải, trọng tài, toà án, thông qua các tổ chức hoặc hiệp định khu vực hoặc bằng những phương pháp hoà bình khác mà các bên tự chọn;
- Các quốc gia giải quyết tranh chấp trên cơ sở bình đẳng về chủ quyền, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
3.3. Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác
– Khái niệm
Công việc nội bộ là công việc nằm trong thẩm quyền giải quyết của mỗi quốc gia độc lập xuất phát từ chủ quyền của mình;
Công việc nội bộ của quốc gia bao gồm cả công việc đối nội và công việc đối ngoại.
– Nội dung của nguyên tắc
- Can thiệp trực tiếp: dùng áp lực quân sự, chính trị, kinh tế…khống chế quốc gia khác trong việc thực hiện các quyền thuộc chủ quyền để nhằm ép buộc quốc gia đó phải phụ thuộc vào mình;
- Can thiệp gián tiếp: là các biện pháp quân sự, kinh tế, tài chính,…do quốc gia tổ chức; khuyến khích các phần tử phá hoại hoặc khủng bố nhằm mục đích lật đổ chính quyền hợp pháp của quốc gia đó hoặc gây mất ổn định cho tình hình chính trị, kinh tế, xã hội quốc gia này.
- Cấm can thiệp vũ trang và các hình thức can thiệp hoặc đe doạ can thiệp khác nhằm chống tại quyền năng chủ thể hoặc nền tảng chính trị, kinh tế và văn hoá của quốc gia khác;
- Cấm dùng những biện pháp kinh tế, chính trị, và các biện pháp khác để buộc các quốc gia khác phải phụ thuộc vào mình;
- Cấm tổ chức hoặc khuyến khích, giúp đỡ các nhóm vũ trang vào hoạt động phá hoại, khủng bố trên lãnh thổ nước khác nhằm lật đổ chính quyền của quốc gia đó;
- Cấm can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác;
- Tôn trọng quyền của mỗi quốc gia tự chọn cho mình chế độ kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội không có sự can thiệp của các quốc gia khác.
– Ngoại lệ của nguyên tắc
Ngoại lệ 1
Nếu có xung đột vũ trang hoặc xung đột kéo dài có khả năng dẫn đến xung đột vũ trang tại quốc gia nào đó thì HĐBA có quyền can thiệp (Điều 39 Hiến chương LHQ) bằng các biện pháp:
- Cấm vận (Điều 41 Hiến chương LHQ)
- Can thiệp quân sự (Điều 42 Hiến chương LHQ)
Ngoại lệ 2
Nếu có vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền (các tội ác diệt chủng, tội ác chiến tranh, tội ghiết người hàng loạt) tại quốc gia nào đó thì HĐBA có quyền can thiệp bằng cách:
- Cấm vận (Điều 41 Hiến chương LHQ)
- Can thiệp quân sự (Điều 42 Hiến chương LHQ)
- Thành lập toà hình sự đặc biệt xét xử công dân của quốc gia đó.
3.4. Nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ phải hợp tác với nhau
Nội dung của nguyên tắc
- Các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau trong lĩnh vực duy trì hoà bình và an ninh quốc tế;
- Các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác trong việc thúc đẩy các vấn đề toàn cầu như quyền con người và các quyền tự do cơ bản khác, và loại bổ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc và tôn giáo;
- Các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, kỹ thuật và thương mại phù hợp với nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ;
- Các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc có nghĩa vụ liên kết và chia sẻ hành động hợp tác với Liên hiệp quốc phù hợp với Hiến chương.
3.5. Nguyên tắc quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc
Nội dung của nguyên tắc
- Có quyền sử dụng mọi biện pháp cần thiết để giành độc lập;
- Được thành lập quốc gia độc lập;
- Tự lựa chọn chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá – xã hội cho dân tộc mình;
- Tự giải quyết vấn đề đối nội và đối ngoại không có sự can thiệp từ bên ngoài;
- Tự lựa chọn con đường phát triển.
3.6. Nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia
– Khái niệm chủ quyền quốc gia
Chủ quyền quốc gia là thuộc tính chính trị – pháp lý vốn có của quốc gia, thể hiện quyền tối cao của quốc gia trong lãnh thổ của mình và quyền độc lập trong quan hệ quốc tế.
Trong lãnh thổ của mình, quốc gia có quyền tối cao về lập pháp, hành pháp và tư pháp, tự do lựa chọn cho mình phương thức thích hợp nhất để thực thi quyền lực. Trong quan hệ quốc tế, mỗi quốc gia có quyền tự quyết định chính sách đối ngoại mà không cần sự can thiệp của quốc gia khác.
– Khái niệm bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia
Các quốc gia có địa vị pháp lý ngang nhau trong quan hệ quốc tế, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ khi tham gia vào các quan hệ quốc tế.
3.7. Nguyên tắc tôn trọng cam kết quốc tế (Pacta sunt servanda)
– Nội dung của nguyên tắc
- Mỗi quốc gia có nghĩa vụ phải thực hiện một cách tận tâm, thiện chí và đầy đủ các nghĩa vụ của mình, đó là:
- Các nghĩa vụ phát sinh từ Hiến chương Liên hợp quốc;
- Các nghĩa vụ phát sinh từ các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế;
- Các nghĩa vụ phát sinh từ các điều ước quốc tế mà quốc gia là thành viên;
- Mọi quốc gia phải tuyệt đối tuân thủ việc thực hiện nghĩa vụ điều ước quốc tế, tuân thủ một cách triệt để, không do dự. Các sự kiện khách quan như thay đổi chính phủ, lãnh thổ, thiên tai…không thể là lý do không thực hiện điều ước quốc tế.
– Ý nghĩa của nguyên tắc
- Là cơ sở để xây dựng các quy phạm pháp luật của các quốc gia;
- Là cơ sở để thực hiện các quan hệ pháp luật quốc tế;
- Là cơ sở để giải quyết các tranh chấp quốc tế;
- Là quy phạm của Luật quốc tế mang tính chủ đạo.
Trên đây là nội dung liên quan đến Những nguyên tắc cơ bản của Luật Quốc tế, một trong những nội dung quan trọng của học phần Công pháp quốc tế. Trường hợp có thắc mắc vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 1900 6568 để được hỗ trợ.