Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015 không có định nghĩa mang tính học thuật về tài sản mà chỉ xác định các dạng tài sản: Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Để quản lý và thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản, pháp luật đã đưa ra các tiêu chí phân loại tài sản cụ thể.
Việc phân loại tài sản giúp xác định rõ tính chất, giá trị và các quy định pháp lý áp dụng cho từng loại tài sản, từ đó đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong các quan hệ pháp luật.
1. Các dạng tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự
1.1. Tài sản ở dạng vật
Đây là loại tài sản tồn tại trong tự nhiên mà con người có thể nhìn thấy, sờ nắm nhận biết nó thông qua giác quan trực giác và có thể khai thác công dụng, tính năng của nó để thỏa mãn các nhu cầu của mình về tiêu dùng như thực phẩm dùng để ăn uống, thỏa mãn nhu cầu về sinh hoạt như nhà dùng để ở, xe hơi dùng làm phương tiện đi lại, thỏa mãn nhu cầu sản xuất như các nguyên vật liệu.
Một vật chỉ được coi là tài sản nếu mang đầy đủ thuộc tính của tài sản và giá trị của nó có thể được trị giá thông qua một khoản tiền. Tài sản có thể là vật được khai thác từ tự nhiên như khoáng sản, thuỷ sản, có thể do con người tạo ra từ lao động như ngôi nhà, cỗ máy, xe hơi. Như vậy, khái niệm vật được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm tất cả các đồ vật và sinh vật tồn tại ở dạng vật thể.
1.2. Tài sản ở dạng tiền
Là một phương tiện thanh toán đa năng do Nhà nước phát hành có giá trị lưu hành ít nhất tại quốc gia đã phát hành. Tài sản ở dạng tiền phải có các thuộc tính sau đây:
i) Giá trị được xác định thông qua mệnh giá: Nếu như giá trị của tài sản ở dạng vật được trị giá thông qua tiền thì giá trị của tiền bao giờ cũng được thể hiện trên một chất liệu nhất định như tiền giấy, tiền xu mà trên đó, mệnh giá của tiền được xác định. Chỉ thông qua mệnh giá của từng đơn vị tiền tệ mới có thể xác định được một người có lượng tiền là bao nhiêu;
ii) Là phương tiện thanh toán, trao đổi hàng hóa: Trong nền kinh tế hàng hóa thị trường, tiền luôn đóng vai trò là vật ngang giá trong trao đổi hàng hóa. Nói cách khác, tiền luôn được dùng để mua bán hàng hóa, dịch vụ. Chức năng này của tiền tệ như là huyết mạch của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển và tính hiệu quả của quá trình sản xuất, kinh doanh;
iii) Là phương tiện tính toán giá trị: Trong trao đổi hàng hóa, dịch vụ, các bên luôn phải xác định giá trị của loại hàng hóa, dịch vụ đó thành một khoản tiền cụ thể. Tiền tệ biểu hiện giá trị của hàng hóa, vì thế, chức năng này của tiền tệ giúp cho việc so sánh các hàng hóa với nhau về mặt giá trị; Là phương tiện tích lũy giá trị: Việc tích lũy tài sản của các chủ thể có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau nhưng phần nhiều, người ta quy đổi thành tiền để cất giữ. Lượng tiền tạm thời nhàn rỗi được giữ lại cho đến khi có nhu cầu chi tiêu, mua sắm. Trong thời gian đó, tiền có thể sinh lời nếu cho vay hoặc gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng.
1.3. Tài sản ở dạng giấy tờ có giá
Giấy tờ có giá là chứng chỉ hoặc bút toán ghi sổ, trong đó xác nhận quyền tài sản của một chủ thể nhất định (tổ chức, cá nhân) xét trong mối liên hệ pháp lý với các chủ thể khác.
Giấy tờ có giá được hiểu với một nội hàm khá rộng và thường tồn tại theo một trong hai dạng là chứng chỉ hoặc bút toán ghi sổ. Giấy tờ có giá bao gồm nhiều loại khác nhau, miễn là qua đó, “xác nhận quyền tài sản của một chủ thể nhất định”. Tuy nhiên, cần phân biệt sự khác nhau giữa giấy tờ có giá với tư cách là một tài sản và các giấy tờ có giá với tư cách là một chứng thư đơn thuần, không trị giá được thành tiền và không trao đổi, mua bán được.
Chẳng hạn, cũng là giấy tờ có giá ở dạng chứng chỉ nhưng trái phiếu là tài sản (người ta có thể mua bán trái phiếu với tư cách là mua bán giấy tờ có giá) còn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất lại không phải là tài sản (không thể mua bán giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như là mua bán một giấy tờ có giá mà chỉ có thể mua bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất được ghi nhận thông qua giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà đó).
Tóm lại, một giấy tờ có giá chỉ được coi là tài sản, cần phải có các thuộc tính sau:
i) Xác nhận quyền tài sản, lượng tài sản cụ thể của một chủ thể xác định: Để xác nhận quyền tài sản hoặc lượng tài sản cụ thể thường phải thông qua chứng chỉ như trái phiếu, công trái hoặc phải thông qua bút toán ghi sổ đối với cổ phiếu;
ii) Có thể trị giá được thành tiền: Để xác định được thành tiền giá trị của giấy tờ có giá thì giấy tờ có giá đó phải có thị trường trao đổi;
iii) Có thể chuyển giao quyền sở hữu cho chủ thể khác trong các giao dịch dân sự như mua bán, cầm cố, thế chấp, chiết khấu.
1.4. Tài sản ở dạng quyền tài sản
Quyền tài sản hiểu theo nghĩa chung là quyền mà theo đó, chủ thể có được một lợi ích nhất định. Bao gồm: Các quyền đối với tài sản như quyền được dùng tài sản là các loại thực phẩm để thỏa mãn nhu cầu ăn uống, quyền sử dụng xe hơi làm phương tiện đi lại, quyền thu hoa lợi từ một tài sản, quyền sử dụng đất; các quyền đối với người khác như quyền đòi nợ; yêu cầu người khác thực hiện một công việc mà kết quả của công việc đó là một lợi ích vật chất; các quyền đối với kết quả của hoạt động sáng tạo (quyền đối với tác phẩm văn học nghệ thuật và quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp, giống cây trồng).
Tuy vậy, chỉ được coi là tài sản khi quyền tài sản trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, thiếu một trong hai yếu tố này sẽ không được coi là tài sản theo luật định. Chẳng hạn, quyền được cấp dưỡng là một quyền tài sản nhưng không được coi là tài sản bởi nó gắn liền với nhân thân của người được cấp dưỡng nên không thể chuyển giao trong giao dịch dân sự.
2. Phân loại tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự
2.1. Bất động sản và động sản
Có nhiều tiêu chí để phân biệt tài sản thành các loại khác nhau nhưng sự phân biệt căn bản nhất là phân biệt giữa bất động sản và động sản.
Từ thời trung cổ, đất đai là cơ sở vật chất để tổ chức xã hội, là một loại tài sản phổ biến và quan trọng nhất và vì thế sẽ được áp dụng những quy định đặc biệt hơn so với các tài sản nên đã có sự phân biệt giữa bất động sản và động sản. Ngày nay, bên cạnh sự kế thừa cách phân biệt từ thời trung cổ để lại, kết hợp với những tính năng, tính chất khác nhau của các tài sản, mục đích sử dụng tài sản của chủ sở hữu mà bất động sản được xác định bởi nhiều tiêu chí khác nhau.
Theo Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2015 thì bất động sản bao gồm (một cách liệt kê): Đất đai, nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, kể cả các tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đó; các tài sản khác gắn liền với đất đai; các tài sản khác do pháp luật quy định.
Như vậy, BLDS năm 2015 của nước ta dựa trên tiêu chí di dời (tài sản có thể hay không thể di chuyển, dịch dời được) để phân biệt giữa bất động sản và động sản. Vì thế, bất động sản là những tài sản không thể di chuyển, dịch dời từ nơi này sang nơi khác hoặc có thể là bất động sản do luật quy định.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này ở nước ta chưa có một văn bản pháp luật nào có quy định khác về tài sản. Lý do làm cho tài sản không thể di dời được có thể là do bản chất tự nhiên của tài sản (đất đai), có thể là do gắn liền với đất đai (nhà, công trình xây dựng, tài sản khác), có thể là do gắn liền với bất động sản khác như nhà, công trình xây dựng.
Theo quy định tại Điều 107 của BLDS năm 2015, một câu hỏi sẽ được đặt ra là các tài sản ở dạng quyền tài sản, đặc biệt là quyền sử dụng đất là động sản hay bất động sản? Có quan điểm cho rằng nếu căn cứ vào những gì mà BLDS quy định về bất động sản và động sản thì “ở Việt Nam, các vật quyền dù được thiết lập trên bất động sản vẫn được coi là động sản bởi Khoản 2 nói trên có nội dung cho rằng những gì chưa được liệt kê ở Khoản 1 thì đều là động sản.”
Tuy nhiên, về vấn đề này chúng tôi có quan điểm ngược lại bởi dù khoản 2 của điều luật đã viết: “Động sản là những tài sản không phải là bất động sản” nhưng tại điểm c), khoản 1 cùng điều luật đã xác định rằng: “Tài sản khác gắn liền với đất đai” cũng là bất động sản. Trong bối cảnh luật dân sự nước ta đã xác định quyền sử dụng đất là một loại tài sản và đây là tài sản được thiết lập và gắn liền (mặc dù tính gắn liền không mang yếu tố vật lý) với đất đai nên quyền sử dụng đất đương nhiên được xác định là bất động sản.
Điều 107, BLDS năm 2015 được thiết kế theo phương pháp loại trừ. Vì vậy, sau khi khoản 1 liệt kê các tài sản là bất động sản thì khoản 2 của điều luật quy định: “Động sản là những tài sản không phải là bất động sản”. Như vậy, theo tiêu chí di dời thì động sản là những tài sản có thể di chuyển (tự thân) hoặc có thể dịch dời (được tác động bởi ngoại lực) từ nơi này sang nơi khác. Ngoài các tài sản được xác định là bất động sản, tất cả các tài sản còn lại đều là động sản.
Như vậy, tiêu chí duy nhất mà BLDS năm 2015 của nước ta căn cứ vào đó để xác định một tài sản bất động sản là tính không thể di chuyển, dịch dời của tài sản với lý do hoặc là do bản chất tự nhiên của tài sản hoặc là do tính gắn liền của tài sản vào một bất động sản khác, trong đó, tính “gắn liền” có thể mang yếu tố vật lý, có thể mang yếu tố pháp lý.
Bên cạnh tiêu chí không thể dịch dời (do bản chất hoặc sự gắn liền), các Bộ luật dân sự của các nước theo dòng họ Civl Law còn xác định bất động sản thông qua mục đích sử dụng của chủ sở hữu hoặc theo luật định. Chẳng hạn, theo tiêu chí mục đích sử dụng của chủ sở hữu, BLDS Pháp xác định rằng súc vật nuôi trong trang trại là bất động sản nếu chủ trang trại nuôi súc vật đó để lấy sữa hoặc sử dụng sức kéo, là động sản nếu chủ trang trại nuôi nó để lấy thịt.
2.2. Tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai
Với mục đích tạo ra cơ chế pháp lý để các chủ thể có thể đưa các tài sản sẽ hình thành trong tương lai vào các giao dịch hiện thời, ngoài việc xác định tài sản hiện có, Điều 10 BLDS năm 2015 còn xác định về tài sản hình thành trong tương lai:
“1. Tài sản hiện có là tài sản đã hình thành và chủ thể đã xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trước hoặc tại thời điểm xác lập giao dịch.
2. Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm:
a) Tài sản chưa hình thành;
b)Tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch”.
Tiêu chí để xác định tài sản là hiện có hay ở thì tương lai chính là tính hiện hữu của tài sản vào thời điểm xác lập giao dịch mà tài sản là đối tượng của giao dịch đó. Chẳng hạn, nếu vào thời điểm xác lập một hợp đồng mua bán một căn nhà mà căn nhà đã có và đã xác lập quyền sở hữu ở người bán thì căn nhà đó là tài sản hiện có, nếu vào thời điểm xác lập hợp đồng mua bán đó mà căn nhà chưa hình thành hoặc đã hình thành nhưng chưa xác lập quyền sở hữu ở người bán thì căn nhà đó là tài sản hình thành trong tương lai.
Tài sản hình thành trong tương lai có thể được xác định theo một trong hai dạng:
Thứ nhất, Tài sản chưa hình thành vào thời điểm xác lập giao dịch mà chính nó là đối tượng của giao dịch đó. Chẳng hạn như hợp đồng mua bán căn hộ chung cư thuộc dự án nhà ở thương mại mà dự án đó mới ở giai đoạn hoàn thành cơ sở hạ tầng.
Thứ hai, tài sản đã hình thành vào thời điểm xác lập giao dịch nhưng ở thời điểm đó, quyền sở hữu tài sản đối tài sản chưa được xác lập ở chủ thể. Chẳng hạn như hợp đồng mua bán một ngôi nhà do cá nhân xây dựng đã hoàn thiện nhưng cá nhân đó chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà.
Khi đưa tài sản hình thành trong tương lai làm đối tượng của một giao dịch dân sự thì tài sản đó phải đáp ứng được các yêu cầu chung đối với đối tượng của nghĩa vụ, nghĩa là nếu ở dạng thứ nhất thì tài sản hình thành trong tương lai phải có đầy đủ giấy tờ, tài liệu liên quan để có thể xác định được ba vấn đề sau:
Một là, phải được xác định.
Hai là, tài sản đó chắc chắn được hình thành,
Ba là, khi hình thành chắc chắc sẽ xác lập quyền sở hữu ở một chủ thể nhất định (là bên chuyển giao tài sản).
Nếu ở dạng thứ hai thì tài sản hình thành trong tương lai phải có đầy đủ giấy tờ, tài liệu để chắc chắn rằng quyền sở hữu đối với tài sản đó được xác lập ở chủ thể.
3.4. Hoa lợi và lợi tức
Nhằm xác định cụ thể về nội dung của quyền sử dụng tài sản, tài sản còn được phân biệt thành hoa lợi và lợi tức. Điều 109, BLDS năm 2015 xác định:
“1. Hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại.
2. Lợi tức là khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản.”
Như vậy, Luật dân sự Việt Nam dựa vào nguồn gốc hình thành của tài sản để phân biệt hoa lợi với lợi tức. Theo đó, nếu tài sản hình thành từ sự phát triển hữu cơ của tài sản là vật chủ thì được gọi là hoa lợi. Chẳng hạn, cây ăn quả được trồng, phát triển tự nhiên, lớn lên và ra hoa kết trái thì trái cây đó là hoa lợi. Tuy nhiên, “sản vật tự nhiên” chỉ được coi là hoa lợi, nếu nó được hình thành từ một tài sản khác đang thuộc sở hữu của một chủ thể nhất định.
Tài sản hình thành từ việc khai thác công dụng của tài sản trong sản xuất, kinh doanh thì được gọi là lợi tức. Chẳng hạn, khoản lợi thu được từ việc dùng xe tải vào hoạt động kinh doanh vận chuyển hoặc khoản tiền thu được từ hợp đồng thuê tài sản./.