Trong quá trình thực hiện hợp đồng, hợp đồng có thể bị các bên chấm dứt, hủy bỏ. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng là gì? Điều kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng pháp luật? Hậu quả pháp lý của bên vi phạm thỏa thuận về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng được quy định như thế nào? Cùng tìm hiểu quy định pháp luật đối với nội dung trên.
Căn cứ pháp lý
Luật Thương mại 2005
1. Quy định pháp luật
Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng có thể hiểu là việc một bên trong quan hệ hợp đồng có thể tự mình chấm dứt hợp đồng mà không phụ thuộc vào ý chí của bên còn lại. Quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng được quy định tại Điều 428 Bộ luật Dân sự 2015.
1.1. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng
Khác với hủy bỏ hợp đồng, đơn phương chấm dứt hợp đồng là việc một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không chỉ phụ thuộc vào yếu tố lỗi của bên vi phạm. Để bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng luật phải đáp ứng một trong các trường hợp sau:
– Khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng.
– Khi bên kia vi phạm vào điều kiện đã thỏa thuận để đơn phương chấm dứt hợp đồng.
– Pháp luật có quy định trường hợp có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đúng luật không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng không thuộc các trường hợp nêu trên đều bị coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật. Quy định này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích cho bên bị vi phạm. Khi thấy có vi phạm xảy ra, do lỗi chủ quan của bên vi phạm, bên bị vi phạm có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng theo đúng quy định pháp luật
Ngoài ra, bên đơn phương chấm dứt hợp đồng phải thực hiện nghĩa vụ thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng. Nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Tuy nhiên, cụ thể về thời hiệu thông báo, nội dung thông báo thì chưa được pháp luật quy định rõ.
Hậu quả pháp lý
Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì:
– Hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt.
– Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp.
– Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản. Nếu các bên cùng có nghĩa vụ hoàn trả thì việc hoàn trả phải được thực hiện cùng một thời điểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện.
– Bên bị thiệt hại do hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng của bên kia được bồi thường.
1.2. Đơn phương chấm dứt trái luật
Các trường hợp không được quy định tại khoản 1 Điều 428 Bộ luật Dân sự 2015 thì được coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luât. Khi bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn hay thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ thì đều bị coi là vi phạm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng.
Hậu quả pháp lý
Căn cứ tại Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ như sau:
– Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.
– Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về ‘sự kiện bất khả kháng’ là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Theo đó, một sự kiện được xem là sự kiện bất khả kháng khi có đủ 3 yếu tố: mang tính khách quan; hậu quả không thể lường trước được và không thể khắc phục được.
Hậu quả do sự kiện bất khả kháng gây ra thì việc bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng hợp đồng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Hay nói cách khác, nếu bên có nghĩa vụ (bên vi phạm) chứng minh được hành vi vi phạm do sự kiện bất khả kháng gây ra thì không phải chịu trách nhiệm đối với hành vi đó.
– Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.
1.3. Thời hiệu khởi kiện
Căn cứ theo Điều 429 Bộ luật Dân sự 2015 quy định khi một trong các bên không chấp nhận về việc bên còn lại đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc việc này gây thiệt hại thì có thể khởi kiện ra Tòa án. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
2. Trách nhiệm của bên vi phạm trong Luật Thương mại 2005
2.1. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 Luật này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi đáp ứng đủ các yếu tố sau:
– Có hành vi vi phạm hợp đồng;
– Có thiệt hại thực tế;
– Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.
Dựa trên ba yếu tố trên, người yêu cầu bồi thường thiệt hại phải có nghĩa vụ chứng minh đối với yêu cầu của mình. Nếu thiếu một trong ba yếu tố trên chưa đủ để làm căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
2.2. Trách nhiệm của bên vi phạm nghĩa vụ
Thứ nhất, về phạt vi phạm:
Đây là hình thức trách nhiệm dân sự do các bên thỏa thuận trong hợp đồng. Quy định phạt vi phạm nhằm buộc bên có hành vi vi phạm gây ra thiệt hại phải khắc phục hậu quả cho bên bị thiệt hại.
Nếu trong hợp đồng có thỏa thuận thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng, trừ trường hợp miễn trách nhiệm theo quy định pháp luật.
Mức phạt vi phạm do các bên tự thỏa thuận. Tuy nhiên không được vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp vi phạm, trừ trường hợp vi phạm hợp đồng dịch vụ giám định.
Thứ hai, về bồi thường thiệt hại:
Khác với phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại khi thiệt hại xảy ra là trách nhiệm của bên vi phạm. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại phụ thuộc vào nội dung thỏa thuận trong hợp đồng. Trách nhiệm này nhằm bồi hoàn, khôi phục lợi ích bị thiệt hại cho bên bị vi phạm
– Bên vi phạm phải chịu bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm.
– Tại Điều 360 Bộ luật Dân sự 2015 cũng có quy định trong trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
– Tại Khoản 2 Điều 419 BLDS 2015 chỉ đề cập thiệt hại là lợi ích mà lẽ ra bên bị vi phạm sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại và các chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ làm chấm dứt hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.
Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm
– Giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải gánh chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
– Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự 2015 cũng có quy định bên có quyền (bên bị vi phạm) phải áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý, kịp thời để hạn chế tối đa thiệt hại có thể xảy ra. Trường hợp, thiệt hại xảy ra do lỗi cố ý, do ý muốn của bên có quyền và bên vi phạm chứng minh được thì không phải bồi thường.
2.3. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng không bị phạt vi phạm
Căn cứ theo Điều 294 Luật Thương mại 2005 quy đinh
Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau:
– Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;
– Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
– Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
– Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
– Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm làm căn cứ để xác định miễn trách nhiệm trong từng trường hợp nhất định,
3. Tình huống minh họa
Công ty A kí kết hợp đồng mua 10 tấn gạo loại 1 trị giá 120 triệu đồng của công ty B. Theo thỏa thuận, ngày 12/4/2023, công ty B phải giao đủ 10 tấn gạo như đã cam kết tại kho bãi của công ty A. Công ty A có trách nhiệm kiểm tra và thanh toán đủ số tiền hàng cho công ty B sau khi xác nhận giao đủ hàng.
Ngày 12/4/2023, công ty B giao gạo đúng với thỏa thuận. Sau khi kiểm trả, công ty phát hiện lô gạo này không đúng chất lượng mà từ đầu công ty B cam kết. Công ty A đề nghị trả lại toàn bộ lô hàng nói trên, không đồng ý thanh toán tiền cho công ty B lí do là công ty B vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Xác định tính hợp pháp trong đề nghị của công ty A.
Gợi ý câu trả lời:
Căn cứ theo quy định của pháp luật về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Việc công ty B giao gạo sai chất lượng như đã cam kết không phải là điều kiện phát sinh quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của công ty A.
Trong trường hợp này, các bên có thể tiến hành thỏa thuận, gia hạn thời hạn thực hiện nghĩa vụ. Trong thời hạn nhất định, công ty B phải giao lại lô gạo đúng với thỏa thuận cho công ty A. Nếu trường hợp, vì công ty B không giao hàng đúng hạn dẫn đến việc gây thiệt hại cho công ty A thì công ty B phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định.
Ngoài ra, nếu giữa hai bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì công ty B còn phải chịu khoản tiền phạt vi phạm cho công ty A (nhưng không quá 8% phần hợp đồng bị vi phạm).
Trên đây là nội dung Luật Dương Gia giải đáp về vấn đề đơn phương chấm dứt hợp đồng. Nếu quý vị có bất kì thắc mắc nào vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ. Xin cảm ơn!