Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng qua hoạt động xét xử của Tòa án

tranh-chap-ve-boi-thuong-thiet-hai-ngoai-hop-dong-qua-hoat-dong-xet-xu-cua-toa-an

Theo quy định của pháp luật người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường; tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại; trừ trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Vì vậy, hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu về Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thông qua hoạt động xét xử của Toán án.

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật dân sự 2015.

1. Về xác định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

Bộ luật dân sự quy định xác định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

– Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Bộ luật dân sự hiện hành quy định xác định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được hiểu có thiệt hại về vật chất là chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại và thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại về tinh thần là một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu mức tối đa không quá mười lần mức lương cơ sở. Nếu Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng “nguyên đơn không chứng minh được chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại cũng như thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút” thì phải xử không chấp nhận khoản bồi thường thiệt hại về vật chất này.

Ngoài ra, bồi thường thiệt hại về tinh thần hoàn toàn do định tính của Thẩm phán với mức tối đa không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Bộ luật dân sự quy định mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định; mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Vấn đề đặt ra là Tòa án nhân dân tối cao có cần hướng dẫn mức bồi thường thiệt hại riêng từng loại thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm hay không. Song việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần làm căn cứ xác định mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần Tòa án nhân dân tối cao cần có hướng dẫn cụ thể.

2. Về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra khi người thi công có lỗi

Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường”. Như vậy, “người thi công” được hiểu là người tiến hành xây dựng nhà cửa, công trình xây dựng khác; người thi công phải có lỗi gây ra thiệt hại một cách vô ý là “để” nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại và người thi công không phải chịu hoàn toàn trách nhiệm bồi thường mà trong trường hợp này là trách nhiệm liên đới giữa người thi công và chủ sở hữu nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại. Theo quy định của Luật Xây dựng thì: “Thi công xây dựng công trình gồm xây dựng và lắp đặt thiết bị đối với công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi; phá dỡ công trình; bảo hành, bảo trì công trình xây dựng”. Theo đó, người thi công xây dựng nhà cửa, công trình xây dựng khác có thể tiến hành xây dựng công trình mới, có thể sau khi công trình xây dựng xong được đưa vào sử dụng phải sửa chữa, cải tạo, bảo hành, bảo trì, bảo dưỡng. Vì vậy, “Người thi công là người thực hiện các hoạt động nhằm xây dựng mới, sữa chữa, bảo trì, … hoặc phá dỡ một công trình theo cách thức đã thể hiện trên bản vẽ kỹ thuật hoặc một kế hoạch đã được vạch sẵn8 là hoàn toàn chính xác.

Đối với thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra khi người thi công có lỗi là thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

– Tài sản bị mất, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng;

– Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút;

– Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

Có thể hiểu rằng: “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra không phát sinh yếu tố lỗi. Tài sản gây ra thiệt hại là tài sản hữu hình đang chịu sử quản lý, sử dụng hay trông coi của chủ thể nhất định. Do đó, chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng và trông coi phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi”. Song quy định tại Điều 605 BLDS 2015 thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thi công được xác định trên cơ sở có lỗi của họ đối với thiệt hại xảy ra.

Tuy nhiên, “Điều 627 BLDS 2005 trước đây chưa phân định rõ nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với nhà cửa, công trình đang xây dựng chưa hoàn thành; chưa xác định rõ ràng được trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người sử dụng, quản lý nhà cửa, công trình xây dựng khác với trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người quản lý thi công công trình” thì Điều 605 BLDS 2015 đã bổ sung quy định về trách nhiệm liên đới của người thi công.

Đối với tài sản bị mất, bị hủy hoại, bị hư hỏng sẽ được xác định trên cơ sở giám định của cơ quan có thẩm quyền là toàn bộ giá trị còn lại của nhà cửa, công trình xây dựng đó là giá thị trường tại thời điểm giải quyết bồi thường. Đối với lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút được hiểu là toàn bộ lợi ích chủ sở hữu không thu được do tài sản bị xâm phạm, nếu tài sản không bị xâm phạm thì chủ sở hữu chắc chắn sẽ thu được những khoản lợi ích này từ việc sử dụng tài sản, khai thác tài sản là lợi ích gián tiếp như chi phí thuê nhà. Đối với chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại được bồi thường thì trước hết, đây phải là những chi phí thực tế mà người bị thiệt hại phải bỏ ra để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại. Những chi phí này phải thật sự cần thiết, mà nếu không áp dụng thì thiệt hại sẽ lớn hơn.

Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn chi phí hợp lý được xác định: “Là chi phí thực tế cần thiết, phù hợp với tính chất, mức độ của thiệt hại”  cho thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, thiệt hai do tính mạng bị xâm phạm và thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Nhưng quy định này không áp dụng đối với việc xác định chi phí hợp lý trong trường hợp tài sản bị xâm phạm. Do đó, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần có Nghị quyết hướng dẫn cụ thể chi phí hợp lý được bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm.

3. Về bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra

BLDS năm 2015 quy định BTTH do nhiều người cùng gây ra: “Trường hợp nhiều người cùng gây ra thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người, nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau”. Theo đó, trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại được hiểu là nhiều người cùng gây thiệt hại; trách nhiệm từng người xác định theo mức độ lỗi; nếu không xác định mức độ lỗi thì trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.

Ngoài ra, Bộ luật dân sự quy định: “Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại, nếu để nhà cửa, công trình xây dựng khác đó bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng”. Hay “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác

4. Về bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng

Theo quy định Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 thì: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức” và Luật thương mại quy định về nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng: “1. Thương nhân thực hiện hoạt động thương mại có nghĩa vụ thông tin đầy đủ, trung thực cho người tiêu dùng về hàng hóa và dịch vụ mà mình kinh doanh và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin đó. 2. Thương nhân thực hiện hoạt động thương mại phải chịu trách nhiệm về chất lượng, tính hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mà mình kinh doanh”. Bộ luật dân sự quy định: “Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”.

Như vậy, việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng mà gây thiệt hại là vi phạm đến quyền lợi người tiêu dùng thì người sản xuất, kinh doanh hàng hóa phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng của hàng hóa mình đã bán. Song để có căn cứ bồi thường thiệt hại thì việc xác định hàng hóa không đảm bảo chất lượng và xác định có thiệt hại xảy ra do hàng hóa không đảm bảo chất lượng là không dễ dàng.

Hiện nay, Bộ luật dân sự năm 2015 mới quy định chung bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng, nhưng cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như thế nào được xác định là không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ, cũng như xác định như thế nào được coi là thiệt hại cho người tiêu dùng để phải bồi thường chưa có văn bản hướng dẫn.

Trên đây là nội dung phân tích về “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng qua hoạt động xét xử của Tòa án”. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về nội dung trên hoặc những vấn đề pháp luật khác hãy liên hệ Luật Dương Gia qua Hotline 1900.6586 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon