Một số vấn đề pháp lý về tài sản ảo trong giai đoạn hiện nay tại Việt Nam

mot-so-van-de-phap-ly-ve-tai-san-ao-trong-giai-doan-hien-nay-tai-viet-nam

Tài sản ảo là một trong những thành tựu nổi bật của Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ trong thời đại số. Tuy nhiên, sự ra đời và phát triển của tài sản ảo cũng đồng thời kéo theo nhiều tranh cãi và quan điểm trái chiều, đặc biệt là về mặt pháp lý. Tại Việt Nam, việc quản lý và quy định các vấn đề pháp lý liên quan đến tài sản ảo vẫn còn gặp nhiều khó khăn và bất cập. Bài viết này sẽ phân tích bốn vấn đề pháp lý quan trọng về tài sản ảo trong bối cảnh hiện nay, đồng thời đưa ra những định hướng cơ bản nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến loại tài sản này.

1. Tài sản ảo trong thời đại công nghệ 4.0 và những vấn đề pháp lý đặt ra

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã diễn ra và ngày càng phát triển trên phạm vi toàn cầu, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số với nhiều thành tựu có thể kể đến như: Internet kết nối vạn vật (IoT), Cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), Điện toán đám mây (Cloud Computing), Trí tuệ nhân tạo (AI)… Những công nghệ trên không chỉ góp phần đẩy mạnh quá trình hiện đại hoá, tự động hoá, giúp cho cuộc sống của con người được cải thiện về mọi mặt mà còn là nền tảng cho nhiều nghiên cứu, ứng dụng khác ra đời.

Một trong những sản phẩm của Cách mạng 4.0 vừa thể hiện rõ sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ nhưng đồng thời cũng gây ra nhiều tranh cãi về bản chất, tính năng và các ưu, nhược điểm là các tài sản ảo được tạo ra trong môi trường kỹ thuật số. Giờ đây, con người không còn cảm thấy xa lạ với các thuật ngữ tương tự hoặc gần gũi với tài sản ảo như “tài sản kỹ thuật số”, “tài sản mã hoá”, “tiền ảo”, “tiền mã hoá”… Tuy nhiên, dù được tiếp cận dưới thuật ngữ nào, những tranh luận, ý kiến trái chiều phần lớn đều xoay quanh bốn vấn đề sau đây về tài sản ảo:

(i) Bản chất pháp lý của loại tài sản này;

(ii) Quản lý nhà nước đối với các giao dịch sử dụng hoặc có đối tượng là tài sản ảo;

(iii) Quản lý nhà nước đối với các hoạt động, loại hình gọi vốn bằng tài sản ảo;

(iv) Cách xác định thuế đối với các hoạt động liên quan đến tài sản ảo.

2. Xác định bản chất pháp lý của tài sản ảo

2.1. Các mô hình quản lý tài sản ảo tại các quốc gia trên thế giới

Hiện nay, Việt Nam chưa có văn bản pháp luật trực tiếp ghi nhận khái niệm cũng như xác định bản chất của tài sản ảo. Tương tự như vậy, đối với các thuật ngữ “tài sản kỹ thuật số” (hay “tài sản số”), “tài sản mã hoá”, “tiền kỹ thuật số”, “tiền ảo”, “tiền mã hoá” cũng đều chưa được ghi nhận chính thức trong các văn bản pháp luật ở nước ta. Ngay cả trên bình diện quốc tế, việc xác định nội hàm các khái niệm này ở các nước khác nhau cũng có những điểm khác biệt.

Chẳng hạn, tại Nhật Bản – một trong những quốc gia tiên phong trong công tác xây dựng pháp luật quản lý các vấn đề về loại tài sản này – cũng không quy định khái niệm “tài sản ảo” nói chung mà phân loại và xác định mỗi loại “tài sản ảo” theo chức năng và phương thức sử dụng đặc thù của chúng, cụ thể:

– Các loại tiền mã hóa (cryptocurrencies) và xu tiện ích (utility tokens) như BTC, ETH… được ghi nhận là tài sản mã hóa (Crypto Assets) theo quy định của Luật Dịch vụ thanh toán (Payment Services Act – PSA). Các doanh nghiệp tham gia vào hoặc môi giới cho hoạt động chuyển nhượng, trao đổi, hoặc cung cấp các ứng dụng lưu trữ các loại tài sản này (như các loại ví điện tử) đều phải đăng ký với Nhà nước dưới tư cách là một Nhà cung cấp dịch vụ trao đổi tài sản mã hóa (Provider of Crypto Asset Exchange Services).

– Các loại token chứng khoán (security tokens), có giá trị như trái phiếu, cổ phiếu do Luật Công cụ tài chính và Sàn giao dịch (Financial Instruments and Exchange Act – FIEA) như là một loại chứng khoán mã hóa. Doanh nghiệp trực tiếp thực hiện hoặc môi giới các hoạt động chào bán, chuyển nhượng hoặc trao đổi các loại chứng khoản mã hóa này phải đăng ký với Nhà nước dưới tư cách Nhà cung cấp các công cụ tài chính loại I (Type I Financial Instruments Business Operators).

– Các loại token với ý nghĩa là “stablecoin” – “đồng tiền ổn định”, dựa trên tiêu chí có được quy đổi ra tiền pháp định hay không mà được chia làm hai loại: tài sản mã hóa hoặc phương tiện thanh toán trong các giao dịch tiền gửi qua đường bưu điện.

– Một số loại tài sản mã hóa đặc thù như NFTs (Non-Fungible Tokens – Tạm dịch: Tài sản không thể thay thế) không phải là phương tiện thanh toán, về nguyên tắc không chịu sự điều chỉnh của pháp luật.

Tương tự như Nhật Bản, Singapore cũng không đưa ra định nghĩa cụ thể về “tài sản ảo” mà tập trung xác định và quản lý một loại hình cụ thể là “digital payment token” (token – hay “xu” – thanh toán kỹ thuật số), được hiểu là một giá trị đại diện dưới dạng kỹ thuật số của tài sản thoả mãn các điều kiện:

(a) Được thể hiện bằng một đơn vị thanh toán cụ thể;

(b) Không trùng tên gọi với đồng tiền nào; không được nhà phát hành định giá bằng tiền;

(c) Là, hoặc dự định trở thành, một phương tiện trao đổi được công chúng hoặc một bộ phận công chúng chấp nhận như một công cụ thanh toán cho hàng hóa hoặc dịch vụ hoặc để thanh toán khoản nợ;

(d) Có thể chuyển giao, lưu trữ hoặc chuyển nhượng trong môi trường điện tử;

(e) Đảm bảo các điều kiện khác do Cơ quan Quản lý Tiền tệ của Singapore quy định.

Mặt khác, theo quan điểm của Hiệp hội Kế toán Quốc tế (IFAC), “tài sản ảo” (virtual asset) có thể hiểu là “một giá trị đại diện dưới dạng kỹ thuật số có thể chuyển giao hoặc sử dụng để thanh toán mà không bao gồm các loại tiền pháp định dưới dạng kỹ thuật số.” Như vậy, có thể thấy, mỗi tổ chức, quốc gia khác nhau đưa ra khái niệm, tiêu chí khác nhau khi đề cập tới tài sản ảo tuỳ theo mục đích quản lý cụ thể.

2.2. Sự cần thiết của việc ghi nhận tài sản ảo là tài sản mang tính pháp lý

Tại Việt Nam, thuật ngữ này lần đầu tiên được xác định về mặt nội hàm một cách có hệ thống và tương đối toàn diện tại Báo cáo số 255/BC-BTP của Bộ Tư pháp ngày 29/10/2018 về việc rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và quốc tế; nhận diện, đề xuất các định hướng hoàn thiện, trong đó nêu rõ:

“…Trong Báo cáo này, thuật ngữ “tài sản ảo” và “tài sản mã hóa” hay “xu mã hóa” hay “xu kỹ thuật số” được sử dụng tương tự; “thuật ngữ “tiền ảo” và “tiền mã hóa” hay “xu thanh toán” có thể được sử dụng thay thế lẫn nhau trong những ngữ cảnh cụ thể, trừ khi có sự phân biệt khác được giải thích rõ. Trong đó cần lưu ý thuật ngữ “tài sản mã hóa” (crypto asset) là tài sản có thể giao dịch, được tạo ra qua việc áp dụng công nghệ sổ cái phân tán mà phổ biến hiện nay là công nghệ blockchain kết hợp kỹ thuật mã hóa; các loại “xu mã hóa” được xác định là “tài sản mã hóa” bao gồm: xu chứng khoán (security token), xu thanh toán (payment token) và xu tiện ích (utility token).”

Như vậy, có thể thấy, Báo cáo đã xác định “tài sản mã hoá” (hay “tài sản ảo”) được coi là tài sản – một quan điểm được tác giả đánh giá là rất tiến bộ và phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, học hỏi từ kinh nghiệm quản lý của các quốc gia, Báo cáo cũng đã phân loại tài sản ảo thành ba loại (dựa trên chức năng, cách sử dụng).

Tuy nhiên, đối với vấn đề xác định “tài sản ảo” và “tài sản mã hoá” là tương tự nhau, tác giả chưa thực sự nhất trí và cho rằng, hai khái niệm này có sự khác biệt nhất định về phạm vi nội hàm. “Tài sản ảo” nên được hiểu theo nghĩa rộng, nhằm chỉ toàn bộ các “tài sản” được tạo ra thông qua các chuỗi thông tin khác nhau trong môi trường kỹ thuật số (như các loại “vũ khí”, “trang bị”, “đá quý” khác nhau trong các tựa game online, hoặc các loại điểm thưởng trong các hệ thống siêu thị, nhà hàng; các loại “tiền ảo” được tạo ra từ các công nghệ tập trung – centralized – lẫn phi tập trung – decentralized…). Bên cạnh đó, “tài sản mã hoá” là một loại tài sản ảo cụ thể, được tạo ra từ công nghệ phi tập trung (mà điển hình là công nghệ Blockchain).

“Tiền mã hoá”, do đó, có thể coi là một loại “tài sản mã hoá.” Đối chiếu với các quy định pháp luật hiện nay, có thể dễ dàng nhận thấy, “tài sản ảo” hiện nay chưa được công nhận là “tài sản” về mặt pháp lý. Do đó, việc phân loại “tài sản ảo” là vật, tiền, giấy tờ có giá hay quyền tài sản cũng chưa được đặt ra. Thậm chí, nhiều dạng thức có thể coi là “tài sản ảo” hiện nay đang không được pháp luật công nhận là tài sản, từ đó dẫn đến những hạn chế rất lớn về các giao dịch trao đổi hoặc chuyển nhượng.

Chẳng hạn, Điều 7 Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 29/12/2014 quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng quy định:

“…4. Vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng chỉ được sử dụng trong phạm vi trò chơi điện tử và theo đúng mục đích mà doanh nghiệp đã báo cáo. Vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng không phải là tài sản, không có giá trị quy đổi ngược lại thành tiền, thẻ thanh toán, phiếu thưởng hoặc các hiện vật có giá trị giao dịch bên ngoài trò chơi điện tử.

5. Không mua, bán vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng giữa những người chơi với nhau.”

Như vậy, có thể thấy, nền tảng của khung pháp lý quản lý các vấn đề về tài sản ảo cần xuất phát từ việc xác định bản chất pháp lý của loại tài sản này. Theo quan điểm của tác giả, sự ghi nhận tài sảo ảo nói chung hoặc một số loại tài sản ảo cụ thể (như chứng khoán mã hoá, token thanh toán…) là tài sản tuỳ theo mục đích quản lý của Nhà nước là thực sự cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Sự ghi nhận này của Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng các quy định về quản lý giao dịch, các hoạt động gọi vốn và vấn đề thuế đối với tài sản ảo. Quan điểm này cũng đã được Bộ Tư pháp phần nào khẳng định tại Báo cáo số 70/BC-BTP ngày 23/3/2020 về Rà soát khung khổ pháp lý liên quan đến việc ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ được phát triển trên nền tảng công nghệ Blockchain và một số đề xuất, theo đó, tài sản mã hóa phát triển từ nền tảng công nghệ blockchain cũng là một sản phẩm từ hoạt động sáng tạo của con người, được sử dụng để phục vụ cho nhu cầu của người sở hữu trong một cộng đồng nhất định cùng chấp nhận; những tài sản này có thể được chiếm hữu, sử dụng và chuyển nhượng cho người khác.

Do đó, tài sản mã hóa là khách thể của quyền dân sự; việc xác lập quyền và thực hiện các giao dịch liên quan đến loại khách thể này cũng có thể làm phát sinh các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý cho các chủ thể tham gia giao dịch theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.

3. Quản lý các giao dịch liên quan đến tài sản ảo

Hiện nay, các giao dịch có liên quan hoặc có đối tượng là tải sản ảo nói chung và tài sản mã hoá nói riêng diễn ra khá phổ biến trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và cả ở quy mô xuyên quốc gia. Căn cứ theo công nghệ tạo ra các tài sản ảo này, có thể tạm phân loại các giao dịch làm hai loại: Giao dịch sử dụng tài sản mã hoá (tạo ra từ công nghệ sổ cái phân tán – phi tập trung) và giao dịch sử dụng tài sản ảo khác (được tạo ra từ công nghệ tập trung).

3.1. Các giao dịch sử dụng tài sản mã hoá (như các đồng tiền BTC, ETH, LTC…);

Về cơ bản có hai hình thức trao đổi, mua bán phổ biến: thông qua các sàn giao dịch và thông qua các ví điện tử cá nhân. Nhiều quốc gia (như Nhật Bản, Singapore…) lựa chọn phương án tập trung quản lý các giao dịch trên các sàn giao dịch tài sản mã hoá. Để thực hiện được nhiệm vụ này, các văn bản pháp luật chuyên ngành đều quy định rất cụ thể, chi tiết những tiêu chí, điều kiện đặt ra đối với sàn giao dịch, chỉ những sản nào đáp ứng được những điều kiện luật định mới được cấp phép hoạt động tại các quốc gia này.

Chẳng hạn, tại Nhật Bản, các yêu cầu được đặt ra cho các sàn giao dịch chủ yếu liên quan đến loại hình công ty (phải là công ty cổ phần), vốn pháp định, cơ cấu tổ chức, cơ chế kiểm soát nội bộ và định danh khách hàng (eKYC). Một khi quản lý được bên trung gian (đồng thời là đầu mối) là các sàn giao dịch, cơ quan có thẩm quyền sẽ dễ dàng hơn trong công tác kiểm soát các giao dịch trên các sàn này. Ngoài ra, đối với loại giao dịch thứ hai (thông qua các ví điện tử cá nhân), kinh nghiệm quốc tế cho thấy, phương án “bỏ ngỏ”, không quản lý được ưu tiên lựa chọn, chủ yếu là do việc kiểm soát các giao dịch này gần như không khả thi.

Nguyên nhân cơ bản xuất phát từ việc các ví cá nhân có thể tồn tại dưới rất nhiều hình thức khác nhau (ví “nóng”, ví “lạnh”…), do nhiều công ty khác nhau cung cấp, mang tính xuyên quốc gia, vì vậy một cá nhân có thể lập và “sở hữu” cùng lúc nhiều ví điện tử khác nhau. Mỗi ví lại được định danh bởi một dãy mật mã riêng, khó xác định danh tính người dùng (ẩn danh) gây ra khó khăn rất lớn cho cơ quan nhà nước nếu muốn quản lý các loại ví này.

Các quốc gia (điển hình là Nhật Bản và Hoa Kỳ) thường lựa chọn phương án chỉ đưa ra các khuyến nghị nêu bật các rủi ro pháp lý đối với các giao dịch qua ví ẩn danh, đồng thời cảnh báo người dùng sẽ phải tự chịu trách nhiệm với các giao dịch do mình thực hiện do không tuân thủ các cảnh báo từ phía cơ quan nhà nước. Kinh nghiệm pháp luật quốc tế nói trên có thể là một gợi ý, định hướng hợp lý cho Việt Nam trong quá trình nghiên cứu, tiến tới xây dựng khung pháp lý quản lý giao dịch có đối tượng là tài sản mã hoá.

3.2. Các giao dịch sử dụng tài sản ảo khác

Các giao dịch sử dụng tài sản ảo khác được tạo ra từ các công nghệ tập trung, có thể thấy rủi ro từ hoạt động trao đổi, mua bán, đầu tư hoặc đầu cơ các tài sản này chủ yếu thuộc về phía người mua hoặc các nhà đầu tư. Không ít các tổ chức phát hành các loại tài sản này trên thực tế đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng thông qua hoạt động “thổi giá” tài sản ảo do họ phát hành (điển hình là trường hợp dự án OneCoin vào năm 2017 – 2019).

Ngay cả trong thời gian gần đây, dù các cơ quan Nhà nước đã có nhiều khuyến cáo, một số dự án kêu gọi khách hàng sử dụng, trao đổi tài sản ảo do chủ dự án phát hành có dấu hiệu nghi vấn vẫn tồn tại và thậm chí có dấu hiệu phát triển ở nhiều địa phương. Một ví dụ tiêu biểu là dự án Pi Network với giá trị quy đổi được cộng đồng người “đào” Pi tự xác định ở mức 314.159 USD/Pi (tức 1 đồng Pi tương đương hơn 7 tỷ VNĐ). Bộ Công an đã khẳng định “không có hoạt động kinh doanh nào có mức lợi nhuận cao như vậy” và sẽ tiến hành điều tra về đồng tiền này.

Như vậy, có thể thấy, các rủi ro về pháp lý đối với các nhà đầu tư, những người tham gia giao dịch các tài sản ảo nói trên là rất lớn, với nguy cơ gây ra thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế. Do đó, quá trình xây dựng khung pháp lý về các loại tài sản ảo nói chung cần phân định rõ bản chất của từng loại tài sản này, cơ chế pháp lý của Nhà nước đối với các giao dịch liên quan đến loại tài sản tương ứng để tạo thuận lợi cho công tác quản lý của cơ quan có thẩm quyền, đồng thời giúp người dân có thể tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bản thân thông qua việc tự tìm hiểu, nghiên cứu chính sách, pháp luật có liên quan.

Còn tiếp… 

Trên đây là bài viết của Luậ Dương Gia về “Một số vấn đề pháp lý về tài sản ảo trong giai đoạn hiện nay tại Việt Nam”. Trường hợp bạn đang còn thắc mắc hoặc sử dụng dịch vụ pháp lý, liên hệ ngay Hotline: 079.497.8999 hoặc 093.154.8999 để đươc tư vấn và hỗ trợ sớm nhất!

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon