Hiện nay, quấy rối tình dục là một vấn nạn ngày càng xảy ra ở khắp mọi nơi nói chung cũng như tại môi trường công sở nói riêng. Đây là một hình thức phân biệt đối xử dựa trên giới tính làm ảnh hưởng xấu tới môi trường làm việc, sự bình đẳng giữa người lao động nam và nữ, gây ra những ảnh hưởng về tâm lý, gây lo lắng, căng thẳng cho nạn nhân dẫn đến moi trường làm việc không an toàn, hiệu suất làm việc cũng như năng suất lao động bị giảm sút và cần phải ngăn chặn.
Giữa hiện trạng xã hội đó, để có cơ sở pháp lý xây dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh và bình đẳng, Bộ luật Lao Động năm 2012 đã quy định nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, đồng thời đã ban hành một số quy định liên quan đến việc phòng chống hành vi này. Tuy nhiên, các quy định nêu trên được đặt ra vẫn còn chung chung so với thực tiễn. Do đó, thông qua bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ phân tích chi tiết để làm rõ cũng như cụ thể hóa vấn đề này trong môi trường làm việc.
1. Khái niệm về quấy rối tình dục
Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể định nghĩa như thế nào là quấy rối tình dục và những hành vi nào được xem là hành vi quấy rối tình dục.
Tuy nhiên, căn cứ tại khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 định nghĩa về quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể được hiểu như sau:
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận, làm xúc phạm đối với người nhận và tạo ra môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu.
Quấy rối tình dục (Sexual harassment) là hình thức quấy nhiễu có tính chất tình dục, gây khó chịu, tổn thương và ảnh hưởng đến nhân phẩm của người khác. Quấy rối, làm phiền, tán tỉnh dù bằng lời nói hay hành động có tính chất liên quan đến tình dục mà không được sự đồng ý hoặc trái ý đối phương đều được xếp vào nhóm quấy rối tình dục.
Những hành vi liên quan đến tình dục gây cảm giác khó chịu, làm tổn thương nhân phẩm, gây bất lợi hoặc đe dọa đối phương đều là hành vi quấy rối tình dục dù cho người thực hiện hành vi ấy có ý định làm tổn thương đối phương hay không.
2. Các hành vi liên quan đến quấy rối tình dục
Tại Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định quấy rối tình dục có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối. Trên cơ sở đó, quấy rối tình dục tại nơi làm việc được thể hiện dưới nhiều dạng hành vi khác nhau.
2.1. Hành vi quấy rối tình dục
Nhiều người cho rằng, động chạm vào vùng nhạy cảm hay có quan hệ tình dục mới được xem là hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, chứ không chỉ đơn giản là những cái nhìn gợi tình hay nháy mắt…Thực tế, hành vi này được biểu hiện ở 3 dạng chính, gồm có hành vi liên quan đến thể chất, lời nói và phi lời nói.
– Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục;
– Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;
– Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.
– Quấy rối tình dục “trao đổi” (nhằm mục đích đánh đổi) diễn ra khi người sử dụng lao động, người giám sát, người quản lý hay đồng nghiệp thực hiện hay cố gắng thực hiện nhằm gây ảnh hưởng đến quy trình tuyển dụng, thăng chức, đào tạo, kỷ luật, sa thải, tăng
lương hay các lợi ích khác của người lao động để đổi lấy sự thỏa thuận về tình dục.
– Hình thức tồi tệ nhất của hành vi quấy rối tình dục là những hành vi tấn công có tính chất tình dục hoặc hiếp dâm được quy định trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật hình sự.
2.2. Hành vi không được coi là quấy rối tình dục
Bộ Luật Lao động 2019 cũng như các văn bản pháp luật khác có liên quan đã có những hướng dẫn chi tiết về vấn đề này để người lao động, người sử dụng lao động cũng như các cơ quan chức năng có căn cứ cụ thể để giải quyết.
Theo đó, không phải hành vi thân mật gần gũi nào cũng bị cho là quấy rối. Đối với những lời khen hoặc khích lệ thông thường được chấp nhận hoặc phù hợp về mặt văn hóa, xã hội không bị coi là hành vi quấy rối tình dục. Hành vi giao cấu đồng thuận (trừ hành vi pháp luật cấm như giao cấu với trẻ em, giao cấu với người chưa thành niên…), tiếp nhận hay đáp lại đều không được xem là hành vi quấy rối tình dục.
Trên cơ sở này, không phải tất cả những sự gần gũi, thân mật nơi công sở, môi trường việc làm đều là hành vi quấy rối mà chỉ những hành vi nào nằm trong khuôn khổ quy định của pháp luật cũng như trái với ý muốn của người bị quấy rối mới bị xem là quấy rối tình dục.
3. Các hình thức xử phạt đối với quấy rối tình dục
Hiện nay, hành vi quấy rối tình dục đã xuất hiện ở nhiều nơi, kể cả ở nông thôn và thành phố, đặc biệt là tại nơi làm việc. Đã có không ít các vụ quấy rối tạo những làn sóng phẫn nộ mạnh mẽ trong dư luận. Tuy nhiên, pháp luật lại chưa có những hình phạt xử lý thích đáng những đối tượng này.
Theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, người thực hiện hành vi quấy rối tình dục sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội; Phòng chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy chữa cháy; Phòng ngừa và kiểm soát bạo lực gia đình. Cụ thể, tại điểm a khoản 1 Điều 5, Nghị định này quy định những người có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Ở đây, cử chỉ thô bạo, trêu ghẹo, khiêu khích, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác đều được xem là tội quấy rối tình dục.
Ngoài ra, trường hợp hành vi quấy rối xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị xử lý hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ Luật Hình sự 2015: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”. Người phạm tội có thể bị xử lý các khung hình phạt cao hơn nếu có các yếu tố tăng nặng.
Không chỉ vậy, để xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần phải báo trước khi bị quấy rối và người lao động sẽ bị sa thải nếu có hành vi quấy rối người khác tại nơi làm việc.
Với những phân tích trên, nhận thấy đây là một hình thức phân biệt đối xử liên quan đến giới tính, dẫn đến những tác động xấu về tâm lý, thậm chí gây lo lắng, căng thẳng và tổn thương sâu sắc về cả thể xác lẫn tinh thần cho người bị hại. Hậu quả là làm cho môi trường công sở trở nên thiếu sự an toàn, hiệu suất cũng như năng suất làm việc bị giảm sút. Vì vậy, cần đấu tranh mạnh mẽ để ngăn chặn và loại bỏ, tạo điều kiện cho tất cả mọi lao động phát huy tối đa khả năng để cống hiến hết mình cho nơi mà họ đã lựa chọn gắn bó.
Trên đây là bài viết của Luật Dương Gia liên quan đến Hành vi quấy rối tình dục. Trường hợp bạn còn đang thắc mắc hãy liên hệ ngay Luật Dương Gia qua số hotline: 093 154 8999 – 079 497 8999 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất!