Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự. NLPLDS của cá nhân không phải tự nhiên mà có. Mà do Nhà nước quy định cho công dân nước mình và những người tham gia các quan hệ pháp luật dân sự chịu ảnh hưởng của pháp luật nước đó. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích cụ thể năng lực pháp luật của cá nhân là gì, nội dung của năng lực pháp luật, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật dân sự năm 2015;
1. Khái niệm về năng lực pháp luật
Trong đời sống xã hội, để tham gia vào quan hệ xã hội nói chung và quan hệ dân sự nói riêng, cá nhân phải có tư cách chủ thể để tham gia vào các quan hệ dân sự. Đây là năng lực chủ thể được tạo thành bởi năng lực pháp luật và năng lực hành vi.
Điều 16 Bộ luật dân sự quy định:
“1. Năng lực pháp luật dân sự (NLPLDS) của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự
2. Mọi cá nhân đều có NLPLDS như nhau.
3. NLPLDS của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết.”
Như vậy, năng lực pháp luật dân sự của cả nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự. Trong đó, phạm vi các quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự được Nhà nước ghi nhận trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quy định pháp luật khác cho công dân Việt Nam.
Đây được xem là khả năng đương nhiên mà mỗi cá nhân đều được pháp luật thừa nhận từ khi chào đời và chỉ chấm dứt khi cá nhân đó “chết”. Điều đó được quy định rõ ràng tại khoản 3 Điều 16 BLDS năm 2015:“Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết”. Việc cá nhân “chết” ở đây là cái “chết” được pháp luật thừa nhận, tức là chết về mặt sinh học và kể cả trường hợp chết về mặt pháp lý (bị Tòa án tuyên bố chết).
2. Các thuận ngữ tiếng Anh có liên quan
– Civil legal capacity: năng lực pháp luật dân sự;
– Moral rights: quyền nhân thân;
– Right of inheritance: quyền thừa kế;
– Right to process/Proprietary right: quyền sở hữu.
3. Đặc điểm của năng lực pháp luật của cá nhân
– Năng lực pháp luật dân sự ghi nhận trong các văn bản pháp luật.
NLPLDS của cá nhân được Nhà nước ghi nhận trong các văn bản pháp luật mà nội dung của nó phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội; vào hình thái kinh tế – xã hội tại thời điểm lịch sử nhất định.
NLPLDS của công dân mang bản chất giai cấp. Vì vậy, ở những hình thái kinh tế – xã hội khác nhau, NLPLDS cũng được quy định khác nhau. Trong cùng một hình thái kinh tế – xã hội nhưng ở những nước khác nhau thì năng lực pháp luật dân sự của công dân cũng khác nhau, thậm chí khái niệm về quyền dân sự cũng khác nhau.
Trong cùng một nước, cùng một hình thái kinh tế – xã hội, vào những thời điểm lịch sử khác nhau thì năng lực pháp luật dân sự của cá nhân cũng được quy định khác nhau. Điều này phụ thuộc vào đường lối, chính sách của giai cấp thống trị trong xã hội đó mà nội dung phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, chính trị tồn tại trong xã hội vào thời điểm lịch sử đó.
– Mọi cá nhân đều bình đẳng về năng lực pháp luật.
Khoản 2 Điều 16 BLDS quy định: “Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau”. NLPLDS của cá nhân không bị hạn chế bởi bất cứ lí do nào (độ tuổi, địa vị xã hội, giới tính, tôn giáo, dân tộc…). Mọi cá nhân công dân đều có khả năng hưởng quyền như nhau và gánh chịu nghĩa vụ như nhau.
Điều 18 Bộ luật này cũng ghi nhận “Năng lực pháp luật dân sự của cả nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp Bộ luật này. luật khác có liên quan quy định khác”. Từ quy định trên, có thể hiểu một cá nhân không thể tự hạn chế NLPLDS của mình cũng như của của người khác. NLPLDS của cá nhân luôn luôn do Nhà nước quy định cho cá nhân trong các văn bản pháp luật, thể hiện dưới hình thức pháp lý.
– Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân do Nhà nước quy định cho tất cả cá nhân.
NLPLDS của cá nhân là thuộc tính nhân thân của chủ thể và không thể dịch chuyển cho chủ thể khác. Điều 18 BLDS quy định: “NLPLDS của cá nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”. Như vậy, NLPLDS của cá nhân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật. Có hai dạng bị hạn chế sau:
+ Văn bản pháp luật chung quy định một loại người nào đó không được phép thực hiện các giao dịch dân sự cụ thể.
+ Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Tính bảo đảm của năng lực pháp luật dân sự.
Quyền và nghĩa vụ mà pháp luật quy định cho các chủ thể chỉ là những quyền khách quan, mang tính khả năng. Để những quyền và nghĩa vụ quy định trên giấy trở thành các quyền dân sự cụ thể cần phải có những điều kiện khách quan cũng như chủ quan, đó là là những điều kiện kinh tế, xã hội, những chính sách của Đảng và Nhà nước thực hiện trong từng giai đoạn cụ thể.
Nhà nước ta đang thực hiện đường lối xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, định hướng xã hội chủ nghĩa tạo những điều kiện thuận lợi để phát huy mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế nhằm đáp ứng ngày càng cao những nhu cầu của nhân dân.
Đây là những cơ sở chính trị, kinh tế, pháp lí quan trọng nhằm phát huy hiệu quả của nền kinh tế thị trường đồng thời hạn chế những mặt trái của nó. Nhà nước tạo mọi điều kiện để bảo đảm năng lực pháp luật dân sự của công dân được thực hiện, biến những khả năng đó trở thành thực tế, tạo ra hành lang pháp lí thông thoáng, mềm dẻo là tạo điều kiện cho khả năng biến năng lực pháp luật của cá nhân thành các quyền năng dân sự cụ thể.
4. Nội dung năng lực pháp luật của cá nhân
Pháp luật ghi nhận khả năng của cá nhân có quyền và nghĩa vụ dân sự. Tổng hợp các quyền và nghĩa vụ mà pháp luật quy định cho cá nhân gọi là nội dung năng lực pháp luật dân sự của cá nhân. Nội dung của năng lực pháp luật dân sự phụ thuộc vào điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội trong những điều kiện lịch sử nhất định. Những quyền dân sự của cá nhân được ghi nhận ở rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau nhưng quan trọng nhất là Hiến pháp 2013 và được cụ thể hóa trong BLDS.
NLPLDS của cá nhân bao gồm: Quyền nhân thân (quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản), quyền sở hữu, quyền thừa kế và quyển khác đối với tài sản, quyền tham gia quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh tử quan hệ đó.
– Quyền nhân thân gồm quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản.
+ Quyền nhân thân không gắn với tài sản đã được ghi nhận trong các văn bản pháp luật khác (quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tin,..) và các quyền nhân thân lần đầu tiên được ghi nhận (các quyền đối với họ tên, thay đổi họ tên, quyền xác định, xác định lại dân tộc, quyền được khai sinh, khai tử, quyền đảm bảo về an toàn tính mạng, sức khỏe, quyền hiến, nhận môn, bộ phận cơ thể người và hiển, lấy xác, quyền xác định lại giới tính, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình,…).
+ Trường hợp quyền nhân thân gắn với tài sản thường gắn liền với quyền sở hữu trí tuệ (như tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, sáng chế, kiểu dáng, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng, …), vì đây là những loại hình tài sản mà khi được xác lập đồng nghĩa với việc xác lập các quyền nhân thân (quyền tài sản) của tác giả đi kèm. Có thể ví dụ như quyền của cá nhân đối với hình ảnh của những nghệ sỹ nổi tiếng. Bởi những nghệ sỹ đó là người của công chúng nên việc sử dụng hình ảnh của họ để quảng bá cho một sản phẩm cũng có thể khiến sản phẩm đó trở nên được ưa chuộng.
– Quyền sở hữu, quyền thừa kế và các quyền khác đối với tài sản:
Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013, BLDS quy định tài sản thuộc sở hữu tư nhân, không bị hạn chế về số lượng và giá trị bao gồm thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sản xuất, tư liệu sinh hoạt, vốn, hoa lợi, lợi tức và các tài sản hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Mọi cá nhân đều có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình, để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật, hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật hay mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng đi săn theo di chúc hoặc theo pháp luật
– Quyền tham gia quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó:
Một cá nhân, trong đời sống hàng ngày từ khi sinh ra tới khi chết đi sẽ được tham gia rất nhiều quan hệ dân sự thông qua các giao dịch dân sự (hành vi pháp lí đơn phương hoặc hợp đồng) là biện pháp quan trọng và thông dụng nhất làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ dân sự. Các quyền này được thể hiện trong các nguyên tắc của luật dân sự “tự do, tự nguyện cam kết” (Điều 3 BLDS) và được thể hiện cụ thể, chi tiết trong Phần thứ ba của BLDS. Ngoài ra, nghĩa vụ dân sự của các chủ thể còn phát sinh từ các căn cứ khác (bồi thường thiệt hại, thực hiện công việc không có ủy quyền…).
5. Bắt đầu và chấm dứt năng lực pháp luật dân sự của cá nhân
Khoản 3 Điều 16 Bộ luật dân sự quy định:
“Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết”.
Với quy định này, pháp luật thừa nhận năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là thuộc tính gắn liền với cá nhân suốt đời và không bị ảnh hưởng bởi trạng thái tinh thần, tuổi tác, hoàn cảnh, tài sản…
Một trường hợp ngoại lệ được pháp luật quy định là: “Người sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người đế lại di sản thừa kể chết” vẫn được hưởng di sản thừa kế của người chết để lại. Như vậy, thai nhi đã được bảo lưu quyền thừa kế nếu còn sống sau khi sinh ra.
Như vậy, bài viết trên đây đã phân tích về năng lực pháp luật dân sự của cá nhân. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.