Mối quan hệ giữa BLDS với luật khác về quyền khác đối với tài sản

moi-quan-he-giua-blds-voi-luat-khac-ve-quyen-khac-doi-voi-tai-san

Quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của các chủ thể khác. Bao gồm: quyền đối với bất động sản liền kề; quyền hưởng dụng; quyền bề mặt. Theo đó các quyền này được quy định cụ thể trong Bộ luật dân sự 2015.

Tuy nhiên bên cạnh đó các quyền này còn được quy định tại các luật khác có liên quan. Vậy mối quan hệ giữa bộ luật dân sự năm 2015 với các luật khác về các quyền khác đối với tài sản được quy định như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý:

1. Khái quát quy định BLDS năm 2015 về quyền khác đối với tài sản và quy định của pháp luật hiện hành về vị trí, vai trò của Bộ luật dân sự so với các luật khác

Thứ nhất, quy định pháp luật Việt Nam hiện hành về vị trí, vai trò của BLDS năm 2015 so với các luật khác.

Theo quy của khoản 2, điều 4 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì Bộ Luật dân sự hay các Luật khác có quy định về quyền khác đối với tài sản đều là Luật và là văn bản do Quốc hội ban hành: “2. Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.”

Theo quy định này, vị trí của BLDS năm 2015 và các Luật khác có liên quan đến quyền khác đối với tài sản có vị trí ngang nhau trong hệ thống pháp luật Việt Nam. BLDS năm 2015 và các Luật khác quy định về tài sản nói chung và các loại tài sản khác nhau đều do Quốc hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam ban hành.

Theo đó, việc áp dụng BLDS năm 2015 hay Luật khác có liên quan về quyền khác đối với tài sản không thể xác định theo hướng văn bản nào có hiệu lực cao hơn văn bản nào. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3, điều 156, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.”

Như vậy, các quy định của BLDS năm 2015 về quyền khác đối với tài sản sẽ có được ưu tiên áp dụng hơn so với các văn bản được ban hành trước BLDS năm 2015, ví dụ như so với Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Xây dựng năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.

Đối với những Luật có liên quan đến quyền khác đối với tài sản được ban hành sau BLDS năm 2015 cần phải rà soát các quy định của BLDS năm 2015 và các văn bản khác có liên quan để tạo ra sự thống nhất trong các quy định về quyền khác đối với tài sản.

Thứ hai, khái quát quy định của BLDS năm 2015 về quyền khác đối với tài sản

Theo quy định của BLDS năm 2015 thì quyền khác đối với tài sản được định nghĩa là: “quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác” (khoản 1, điều 159.Theo quy định của BLDS năm 2015 thì quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể không phải chủ sở hữu đối với tài sản.

BLDS năm 2015 quy định quyền khác đối với tài sản bao gồm: (1) Quyền đối với bất động sản liền kề được quy định từ điều 245 đến điều 256; (2) Quyền hưởng dụng được quy định từ điều 257 đến điều 266; (3) Quyền bề mặt được quy định từ điều 267 đến điều 273.

2. Mối quan hệ giữa BLDS năm 2015 và các Luật khác về quyền đối với bất động sản liền kề và đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật

Theo quy định tại khoản 1, điều 107, BLDS năm 2015 thì bất động sản:

“1. Bất động sản bao gồm:

a) Đất đai;

b) Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai;

c) Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng;

d) Tài sản khác theo quy định của pháp luật.”

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành, những văn bản điều chỉnh về tài sản là bất động sản bao gồm: Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Luật Xây dựng năm 2014; Luật Bảo vệ phát triển Rừng năm 2014; Luật quản lý tài sản công năm 2017; Luật Thủy Sản năm 2017.

Mối quan hệ của BLDS năm 2015 với Luật đất đai năm 2013

BLDS năm 2015 trong phần quy định về căn cứ xác lập quyền đối với bất động sản liền kề có quy định dẫn chiếu về căn cứ xác lập quyền năng này còn có thể  “do luật khác quy định”. Một trong những “luật khác” được nhắc đến chính là Luật Đất đai cũng là một trong những đối tượng mà BLDS năm 2015 hướng tới. Rà soát quy định của Luật Đất đai năm 2013 chúng tôi nhận thấy văn bản này đã có quy định về quyền khác đối với bất động sản liền kề tại điều 171:

“Điều 171. Quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề

  1. Quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề bao gồm quyền về lối đi; cấp, thoát nước; tưới nước, tiêu nước trong canh tác; cấp khí ga; đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý trên thửa đất liền kề.
  2. Việc xác lập quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự và phải thực hiện đăng ký theo quy định tại Điều 95 của Luật này.”

Tuy nhiên điều luật này mới chỉ liệt kê các quyền đối với bất động sản liền kề; quy định quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề nên cần có hướng dẫn hoặc quy định cụ thể hơn đề triển khai quy định của BLDS năm 2015. Bên cạnh đó, điểm I, khoản 4, điều 95, Luật Đất đai năm 2013 quy định “Xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề;” cũng phải được tiến hành đăng ký tại cơ quan quản lý đất đai. Theo quy định trên cho thấy, những quy định về qyền đối với bất động sản liền kề cụ thể như: quyền cấp thoát nước sẽ tuân thủ theo quy định của BLDS năm 2015 và được đăng ký theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.

3. Mối quan hệ giữa BLDS năm 2015 và các Luật khác về quyền bề mặt và đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật

Theo quy định của một số chuyên gia, Luật Đất đai năm 2013 đã ghi nhận sự hình thành của quyền bề mặt trong một số trường hợp tại quy định các điều luật như điều 174,175,178,180 theo đó chủ thể được nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời hạn thuê hoặc tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập được nhà nước cho thuê đất để xây dựng công trình ngầm… được phép xác lập quyền sở hữu đối với tàu sản hình thành trên đất thuê của nhà nước, các chủ thể khác có nghĩa vụ phải tôn trọng, bảo vệ quyền năng này.

Mặc dù được nhận định là những quy định trên đã bước đầu có dấu hiệu của sự tồn tại quy định về quyền bề mặt trong Luật Đất đai năm 2013, tuy nhiên, đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học chứng minh quyền sử dụng đất trong hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất dài hạn hay hợp đồng thuê quyền sử dụng đất trả tiền một lần với quyền bề mặt có nhiều điểm không tương đồng nhau.

Theo đó, quyền sử dụng đất trong những trường hợp nói trên xuất phát từ hợp đồng, nên còn mang nặng tính chất trái quyền, chịu sự điều chỉnh của pháp luật dân sự về hợp đồng và có nhiều rủi ro nếu bên cho thuê đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Trong khi đó, BLDS năm 2015 quy định về quyền bề mặt theo hướng vật quyền, quyền theo đuổi vật, quyền năng này sẽ không dễ dàng chấm dứt trước thời hạn trong hợp đồng giống như quyền sử dụng đất trong hợp đồng cho thuê lâu dài.

4. Mối quan hệ giữa BLDS năm 2015 và các Luật khác về quyền hưởng dụng và đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật

BLDS năm 2015 quy định quyền hưởng dụng có thể được xác lập dựa trên ba căn cứ: thỏa thuận, di chúc, hoặc quy định của Luật khác. Một trong những ý tưởng của việc ban hành quy định về quyền hưởng dụng trong BLDS năm 2015 là nhằm xác lập quyền năng này cho những chủ thể đặc biệt, những chủ thể như “cha già, mẹ yếu, vợ dại, con thơ” của chủ sở hữu. Tuy nhiên, trong quá trình đánh giá, rà soát các quy định của Luật chúng tôi nhận thấy chưa có văn bản nào đề cập trực tiếp đến quyền hưởng dụng tài sản. Cụ thể:

 Mối quan hệ với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:

Như đã khẳng định trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 hiện chưa có quy định nào xác lập quyền hưởng dụng tài sản của người thân tích chủ sở hữu tài sản đối với tài sản, mà chỉ có những điều luật quy định chung về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ với con và ngược lại. Theo quy định tại điều 71, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“Điều 71. Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng

  1. Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
  2. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.”

Nhưng quy định này thực chất là quy định về trái quyền, không phải là quy định về vật quyền. Quy định này dẫn tới một thực trạng, người cha hoặc mẹ hoặc con không có khả năng lao động, mất năng lực hành vi dân sự có được bảo vệ hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự thiện trí của bên có nghĩa vụ. Quy định này chưa tạ ra cơ chế bảo đảm quyền lợi của những người “yếu thế” trong chính gia đình của mình.

Theo quy định tại Khoản 2, điều 70, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ của con cái với cha, mẹ: “Có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.” Và khoản 5 điều luật này quy định con “được hưởng quyền về tài sản tương xứng với công sức đóng góp vào tài sản của gia đình.”

Những quy định này quá chung chung và khái quát, theo đó, con chỉ có quyền đối với tài sản mà người con này đã đóng góp công sức tạo lập nên tài sản gia đình, còn trong những trường hợp con bị mất năng lực hành vi dân sự thì Luật không quy định người con có mặc nhiên được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản của cha, mẹ mình để đảm bảo nhu cầu tối thiểu không? Cũng tương tự như vậy, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng không có quy định về quyền của cha, mẹ hay bất kỳ thành viên nào trong gia đình có quyền hưởng dụng đối với tài sản của con.

Do đó, những nội dung, ý nghĩa về quyền hưởng dụng mà chúng tôi nghiên cứu trước đó vẫn chưa được hiện thực hóa trên thực tế do thiếu quy định của pháp luật về quyền hưởng dụng. Vì vậy, để những quyền năng này được thực hiện, Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi nên quy định cụ thể hóa về quyền hưởng dụng của người thân chủ sở hữu đối với tài sản của người này.

Mối quan hệ của BLDS năm 2015 với Luật Lâm nghiệp năm 2017, Luật về bảo vệ và phát triển rừng năm 2004.

Theo quy định của khoản 6, điều 3, Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004: “Quyền sử dụng rừng là quyền của chủ rừng được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ rừng; được cho thuê quyền sử dụng rừng thông qua hợp đồng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng và pháp luật dân sự.” Tại điều 56 của Luật này còn quy định chủ rừng được khai thác gỗ và các thực vật khác của rừng sản xuất là rừng tự nhiên, chỉ trừ những các loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm bị cấm khai thác theo quy định của Chính phủ về Chế độ quản lý, bảo vệ những loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Danh mục những loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

Những quy định này đã cho thấy Ban soạn thảo Luật này đã có tư duy về quyền hưởng dụng đối với rừng. Những quy định này cần mở rộng và cụ thể hơn nhằm phân biệt với quyền sử dụng thông qua hợp đồng cho thuê tài sản. Hiện nay, Luật bảo vệ và phát triển Rừng năm 2004 đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Luật Lâm nghiệp năm 2017. Theo khoản 11, Luật Lâm nghiệp năm 2017: “11. Quyền sử dụng rừng là quyền của chủ rừng được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ rừng.”

Chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; giao đất, cho thuê đất để trồng rừng; tự phục hồi, phát triển rừng; nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng theo quy định của pháp luật. Luật này quy định, đối với rừng sản xuất là rừng trồng  chủ rừng có quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt đối với cây trồng, vật nuôi và tài sản khác gắn liền với rừng do chủ rừng đầu tư trong thời hạn được giao, được thuê để trồng rừng. Cách định nghĩa này lại cho thấy quyền sử dụng rừng được hiểu giống như quyền bề mặt mà không còn là quyền hưởng dụng đơn thuần như quy địn của Luật bảo vệ và phát triển Rừng năm 2004.

Trên đây là những phân tích về “Mối quan hệ giữa BLDS với luật khác về quyền khác đối với tài sản”. Hy vọng qua bài viết của chúng tôi, giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này. Nếu có bất kỳ thắc mắc về nội dung trên hoặc những vấn đề về pháp luật khác hãy liên hệ hotline 1900.6568 để được chuyên viên tư vấn và hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon