Các chức danh, chức vụ trong Viện kiểm sát nhân dân

cac-chuc-danh-chuc-vu-trong-vien-kiem-sat-nhan-dan

Trong mọi tổ chức, việc quy định về chức danh, chức vụ là một trong những cách để đảm bảo sự vận hành hiệu quả, khoa học và thống nhất. Tùy vào từng đặc thù lĩnh vực mà mỗi một tổ chức có sự cơ cấu phân chia các chức danh, chức vụ khác nhau phù hợp với khả năng, trình độ của vị trí đảm nhận, việc tổ chức hợp lý công tác nhân sự là khung sườn vững chắc cho những hoạt động của tổ chức đó. Hệ thống chức danh, chức vụ không chỉ thể hiện rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng cá nhân mà còn phản ánh sự phân cấp, chuyên môn hóa trong công tác công tố, kiểm sát. Với vai trò là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các chức danh, chức vụ trong Viện kiểm sát nhân dân được quy định chặt chẽ, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Bài viết này chia sẻ thông tin về các chức danh, chức vụ trong Viện kiểm sát nhân dân với mục đích giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về từng chức danh tư pháp trong Viện kiểm sát nhân dân.

1. Viện kiểm sát nhân dân

1.1. Viện kiểm sát nhân dân là gì?

Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Khoản 1 Điều 2 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014).

Ngày 15 tháng 7 năm 1960, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 1960 được Quốc hội Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua và đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 20/LCT ngày 26/7/1960 công bố. Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam được thành lập lần đầu tiên vào năm 1960 và 26 tháng 7 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam, được Quốc hội ghi nhận tại Khoản 1 Điều 11 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014.

Theo quy định tại Điều 40 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định về hệ thống Viện kiểm sát nhân dân bao gồm:

– Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

– Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.

– Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh).

– Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (sau đây gọi là Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện).

– Viện kiểm sát quân sự các cấp.

1.2. Nhiệm vụ, chức năng của Viện kiểm sát nhân dân

Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ: bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất (Khoản 2 Điều 2 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014).

Viện kiểm sát nhân dân có chức năng:

– Chức năng thực hành quyền công tố: là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự ( Khoản 1 Điều 3 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014).

– Chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:  là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự; trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật ( Khoản 1 Điều 4 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014).

2. Các chức danh tư pháp trong Viện kiểm sát nhân dân

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 quy định các chức danh tư pháp trong Viện kiểm sát nhân dân gồm có:

Một là, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự các cấp;

Hai là, Kiểm sát viên;

Ba là, Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra;

Bốn là, Điều tra viên;

Năm là, Kiểm tra viên.

2.1. Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp

– Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là người giữ chức vụ cao nhất trong Viện kiểm sát nhân dân. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch nước. Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Điều 62 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân tối cao 2014).

– Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao: do Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Nhiệm kỳ của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là 05 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm ( Điều 64 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014).

– Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao: do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao là 05 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm ( Điều 65 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014).

– Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh: do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh là 05 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm ( Điều 66 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014).

– Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện: do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện là 05 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm ( Điều 67 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014).

– Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện: do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Nhiệm kỳ của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện là 05 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm ( Điều 68 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014).

– Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương: là Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương là 05 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm ( Điều 69 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014).

– Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương: do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương. Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương là 05 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm ( Điều 70 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014).

– Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực: do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương. Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực là 05 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm ( Điều 71 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014).

– Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương, Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Viện kiểm sát quân sự khu vực: do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương. Nhiệm kỳ của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực là 05 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm ( Điều 72 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014).

Tùy thuộc vào chức danh mà Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tổ chức thực hiện quyền công tố và nhiệm vụ khác nhau theo quy định của pháp luật.

Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp trong thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp có trách nhiệm: Phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi, quyết định của mình trong việc khởi tố, bắt, giam, giữ, truy tố, tranh tụng, kháng nghị và các hành vi, quyết định khác thuộc thẩm quyền; nếu làm trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

2.2. Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát nhân dân

– Kiểm sát viên: Kiểm sát viên là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp ( Điều 74 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014). Kiểm sát viên được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 05 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì thời hạn là 10 năm (Điều 82 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014).

Tiêu chuẩn chung để trở thành Kiểm sát viên: Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; Có trình độ cử nhân luật trở lên; Đã được đào tạo về nghiệp vụ kiểm sát; Có thời gian làm công tác thực tiễn theo quy định của Luật này; Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân.

Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân gồm có các ngạch: Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Kiểm sát viên cao cấp; Kiểm sát viên trung cấp; Kiểm sát viên sơ cấp.

– Kiểm tra viên: là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để giúp Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân. Tiêu chuẩn bổ nhiệm, điều kiện nâng ngạch Kiểm tra viên do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ( Điều 90 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014).

Kiểm tra viên có nhiệm vụ Giúp Kiểm sát viên thực hiện hoạt động khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.

Kiểm tra viên có các ngạch sau đây: Kiểm tra viên; Kiểm tra viên chính; Kiểm tra viên cao cấp.

2.3. Thủ trưởng, phó thủ trưởng, Điều tra viên và các chức danh khác của cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương

– Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình ( Điều 91 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014).

– Điều tra viên và các chức danh khác của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương: Tiêu chuẩn bổ nhiệm, điều kiện nâng ngạch, các ngạch Điều tra viên và các chức danh khác của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương do luật định. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công của Thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Điều tra viên và các chức danh khác của Cơ quan điều tra phải tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ trưởng Cơ quan điều tra, sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tương tự đối với Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương dưới sự phân công của Thủ trưởng cơ quan điều tra, sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

3. Ý nghĩa của các chức danh tư pháp trong Viện kiểm sát nhân dân

Viện kiểm sát Nhân dân là cơ quan quan trọng có chức năng thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để thực hiện tốt công tác nhiệm vụ cần có một hệ thống phân cấp nhiệm vụ rõ ràng, hiệu quả phản ánh qua từng chức danh tư pháp.

Mỗi một chức danh, chức vụ trong hệ thống Viện kiểm sát nhân dân đảm nhận một vai trò, nhiệm vụ đặc thù nhưng bổ trợ lẫn nhau, điều này giúp cho công tác công tố và kiểm sát trở nên dễ dàng và khoa học. Các chức danh, chức vụ cũng đóng vai trò là động lực để mỗi công chức không ngừng phấn đấu và hoàn thiện bản thân. Việc thăng tiến không chỉ là sự ghi nhận năng lực, thành tích, mà còn là cơ hội để từng công chức thể hiện trách nhiệm lớn hơn, đóng góp nhiều hơn sự thúc đẩy vai trò của Viện kiểm sát đối với Nhà nước Việt Nam.

Trên đây là bài viết của Luật Dương Gia về “Các chức danh, chức vụ trong Viện kiểm sát nhân dân”. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào hoặc đang gặp phải, đừng ngần ngại liên hệ ngay với Luật Dương Gia. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn giải quyết các vấn đề pháp lý một cách nhanh chóng và hiệu quả. Hãy liên hệ với chúng tôi qua các thông tin dưới đây để nhận được sự tư vấn và sự hỗ trợ kịp thời từ đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm của chúng tôi.

CÔNG TY LUẬT TNHHH DƯƠNG GIA - CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG

Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: 0931548999; 02367300899

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon