Kế toán là gì? Chức năng nhiệm vụ của kế toán

ke-toan-la-gi-chuc-nang-nhiem-vu-cua-ke-toan

Trong hoạt động của bất kỳ doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nào đều phải được thực hiện theo quy định của luật Kế toán. Người hay phòng ban làm những công việc này được gọi chung là kế toán. Kế toán là một ngành nghề rất phổ biến và có tính ổn định cao, có vai trò quan trọng, không thể thiếu trong hoạt động của doanh nghiệp. Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu kế toán là gì? Cũng như chức năng, nhiệm vụ của Kế toán.

Căn cứ pháp lý

Luật kế toán năm 2015;

1. Kế toán là gì?

Căn cứ theo quy định tại khoản 8 Điều 3 của Luật kế toán năm 2015, kế toán được hiểu là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính dưới hình thức giá trị, hiện vật và thời gian lao động. Theo cách hiểu thông thường, kế toán là người thực hiện công việc ghi chép, thu thập thông tin từ chứng từ, phân tích và xử lý thông tin tài chính và thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến thuế tại cơ quan, tổ chức kế toán làm việc.

Kế toán được xem là một công việc gắn liền với sổ sách và con số, đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ. Dưới dạng thuật ngữ có thể hiểu kế toán là việc đo lường, xử lý và truyền đạt thông tin tài chính và phi tài chính về các thực thể kinh tế như các doanh nghiệp và tập đoàn.

Dù được định nghĩa theo thực tế hay theo quy định của pháp luật thì kế toán vẫn đóng vai trò quan trọng trong các cơ quan, tổ chức. Kế toán đo lường kết quả hoạt động kinh tế của một tổ chức và chuyển tải thông tin này đến người dùng, bao gồm các nhà đầu tư, chủ nợ, ban quản lý và các cơ quan quản lý.

Tùy thuộc vào quy mô của cơ quan, tổ chức mà số lượng nhân viên kế toán được phân bố ít hay nhiều. Ngoài ra, mỗi cơ quan tổ chức với quy trình kế toán riêng mà bộ phận kế toán được phân chia thành các phần hành như: kế toán tổng hợp, kế toán quản trị, kế toán thuế, kế toán nội bộ, kế toán công nợ,…

Những người hành nghề kế toán được gọi chung là kế toán viên. Kế toán có thể được chia thành nhiều lĩnh vực khác nhau như kế toán tài chính, kế toán quản trị, kế toán thuế, kể toán chi phí… Hệ thống thông tin kế toán được thiết kế để hỗ trợ các chức năng kế toán và các hoạt động liên quan.

Chẳng hạn, kế toán tài chính tập trung vào việc báo cáo thông tin tài chính của một tổ chức, bao gồm cả việc lập báo cáo tài chính, cho những người sử dụng thông tin bên ngoài, như các nhà đầu tư, cơ quan quản lý và nhà cung cấp; kế toán quản trị tập trung vào việc đo lường, phân tích và báo cáo thông tin để quản lý sử dụng nội bộ. Việc ghi chép các giao dịch tài chính, để các bản tóm tắt tài chính có thể được trình bày trong các báo cáo tài chính, được gọi là kế toán ghi sổ, trong đó phương pháp ghi sổ kép là hệ thống phổ biến nhất.

2. Chức năng, nhiệm vụ của kế toán

Kế toán có ba chức năng quan trọng sau:

Một là chức năng phản ánh: thể hiện ở việc kế toán sẽ theo dõi, ghi chép, phân loại và tổng hợp các số liệu có liên quan đến các giao dịch kinh tế, tài chính phát sinh trong doanh nghiệp một cách khoa học và có hệ thống.

Hai là chức năng kiểm tra: từ những số liệu được ghi nhận, kế toán có thể nắm bắt một cách có hệ thống tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Từ đó tiến hành phân tích, đánh giá để đem lại hiệu quả kinh doanh tốt nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ba là cung cấp thông tin: bằng cách thu thập và xử lý thông tin theo các phương pháp khoa học, kế toán có thể cung cấp những thông tin tài chính quan trọng cho các đối tượng khác nhau để họ đưa ra quyết định phù hợp.

Về nhiệm vụ, kế toán có nhiệm vụ được quy định tại Điều 4 của Luật kế toán năm 2015 như sau:

Điều 4. Nhiệm vụ kế toán

1. Thu thập, xử lý thông tin, số liệu kế toán theo đối tượng và nội dung công việc kế toán, theo chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.

2. Kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi tài chính, nghĩa vụ thu, nộp, thanh toán nợ, kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản và nguồn hình thành tài sản; phát hiện và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán.

3. Phân tích thông tin, số liệu kế toán; tham mưu, đề xuất các giải pháp phục vụ yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán.

4. Cung cấp thông tin, số liệu kế toán theo quy định của pháp luật.

Với chức năng phản ảnh và kiểm tra, cung cấp thông tin toàn bộ các hoạt động kinh tế của doanh nghiệp, kế toán có những nhiệm vụ như sau:

– Thu thập, xử lý thông tin, số liệu kế toán theo đối tượng và nội dung công việc kế toán, theo chuẩn mực và chế độ kế toán. Tuỳ theo cơ cấu hoạt động của từng doanh nghiệp khác nhau mà các thông tin, số liệu kế toán phải thu thập sẽ cụ thể theo từng quy định riêng. Nhưng về cơ bản, những đối tượng và nội dung này phải đáp ứng theo chuẩn mực và chế độ kế toán.

– Ghi chép, tính toán, phản ánh số hiện có, tình hình luân chuyển và sử dụng tài sản, vật tư, tiền vốn; quá trình và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) và tình hình sử dụng kinh phí (nếu có) của đơn vị. Sau khi đã thu thập và xử lý thông tin, số liệu nêu trên, kế toán sẽ bắt đầu tính toán và thống kê các số liệu đó để đưa ra phản ánh số hiện có, tình hình luân chuyển và sử dụng tài sản, vật tư, tiền vốn… Từ đó đưa ra được kết quả hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Nhiệm vụ này đòi hỏi người kế toán phải có thao tác thật cẩn thận và tỉ mỉ để tránh những sai sót dẫn đến hậu quả to lớn.

– Kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch thu chi tài chính, kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi phí tài chính, các nghĩa vụ thu, nộp, thanh toán nợ; kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản và nguồn hình thành tài sản; phát hiện và ngăn ngừa các hành vi vi phạm phát luật về tài chính, kế toán.

– Cung cấp các số liệu, tài liệu cho việc điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm tra và phân tích hoạt động kinh tế, tài chính, đề xuất các giải pháp phục vụ yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán.

– Cung cấp thông tin, số liệu kế toán theo quy định của pháp luật.

Từ đó cho thấy nhiệm vụ chuyên môn thực tiễn của kế toán có thể được hiểu như sau:

(1) Ghi chép, tính toán, và báo cáo tình hình hiện có. Ghi chép tình hình luân chuyển và sử dụng tài sản, tiền vốn. Ghi chép lại toàn bộ quá trình sử dụng vốn của công ty.

(2) Kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh. Kiểm tra kế hoạch thu chi tài chính. Kiểm tra việc giữ gìn và sử dụng tài sản, vật tư, tiền vốn.

(3) Phát hiện kịp thời những hiện tượng lãng phí. Ngăn ngừa những vi phạm chế độ, quy định của Công ty.

(4) Phổ biến chính sách, chế độ quản lý của nhà nước với các bộ phận liên quan khi cần thiết.

(5) Cung cấp các số liệu, tài liệu cho việc điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Kiểm tra, phân tích hoạt động kinh tế tài chính, phục vụ công tác lập và theo dõi kế hoạch. Cung cấp số liệu báo cáo cho các cơ quan theo chế độ kế toán hiện hành.

(6) Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh cho ban tổng giám đốc Công ty.

3. Vai trò, nguyên tắc của kế toán

Một người kế toán viên có vai trò rất quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp. Nhờ kế toán mà người quản lý điều hành trôi chảy các hoạt động của đơn vị, nhờ nó tạo cho sự quản lý lành mạnh, tránh những hiện tượng thâm lạm tài sản vì qua nó thực hiện việc kiểm soát nội bộ.

Nhờ kế toán mà người quản lý tính được hiệu quả công việc mình làm đồng thời cũng qua đó vạch ra hướng hoạt động cho tương lai. Kế toán giúp cho người quản lý điều hoà tình hình tài chính của doanh nghiệp. Kế toán là cơ sở để giải quyết sự tranh tụng khiếu tô’, được toà án chấp nhận là bằng chứng về hành vi thương mại. Kế toán là cơ sở đảm bảo vững chắc trong giao dịch buôn bán.

Nhờ kế toán mà kết quả sản xuất kinh doanh mà doanh nghiệp đem lại có tính cách đối kháng với nhân viên với cổ đông hay viên chức của Nhà nước. Do sự phát triển của khoa học kỹ thuật – tự động hoá trong sản xuất – các công cụ do các ngành toán và khoa học thống kê cung cấp như lập phương trình, phân tích, xác suất … đã giúp cho người quản lý hạ giá thành sản phẩm và quản lý doanh nghiệp kịp thời, ra quyết định phù hợp … trên cơ sở số liệu của kế toán. Kế toán cho biết một kết quả tài chính rõ rệt không ai chối cãi được.

Đối với các doanh nghiệp, kế toán giúp doanh nghiệp theo dõi thường xuyên tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như việc sản xuất sản phẩm, bán sản phẩm, cung cấp nguyên vật liệu …, giúp theo dõi thị trường để sản xuất, tích trữ hàng hóa nhằm kịp thời cung cấp cho thị trường theo nhu cầu và thị hiếu của người tiêu thụ. Ngoài ra, kế toán còn cung cấp tài liệu cho doanh nghiệp làm cơ sở hoạch định chương trình hoạt động cho từng giai đoạn từng thời kỳ để doanh nghiệp tiến tới hay lùi bước.

Ngoài vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp, kế toán còn đóng vai trò to lớn đối với nhà nước. Nhờ kế toán, Nhà nước có thể theo dõi được sự phát triển của các ngành sản xuất kinh doanh để từ đó tổng hợp được sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.

Nhờ số liệu kế toán, Nhà nước làm trọng tài giải quyết sự tranh chấp về quyền lợi giữa các doanh nghiệp. Nhờ kế toán, Nhà nước tìm ra một cách tính thuế tốt nhất hạn chế thất thu thuế, hạn chế sai lầm trong chính sách thuế. Kế toán cung cấp các dữ liệu hữu ích cho các quyết định kinh tế, chính trị, xã hội … xác định được khả năng trách nhiệm, cương vị quản lý và cung cấp các dữ liệu hữu ích cho việc đánh giá khả nang tổ chức và lãnh đạo.

Đối với nền kinh tế quốc gia, kế toán lưu ý với chính quyền trong việc soạn thảo và ban hành những luật lệ về thuế, thiết lập những chính sách kinh tế cho phù hợp với tình hình thương mại và kinh tế nước nhà. Qua kết quả tổng hợp các báo cáo tài chính của ngành, chính quyền có thể biết được tình hình thịnh suy của nền kinh tê nước nhà, biết được sự thành công hay thất bại của các ngành, doanh nghiệp đồng thời biết được nguồn lợi về thuế sẽ thu được cho ngân sách.

Bất cứ một ngành nghề nào đều sẽ có một nguyên tắc riêng phù hợp với tính chất của công việc, kế toán cũng không ngoại lệ. Nguyên tắc kế toán là những chuẩn mực, quy ước, chỉ dẫn, hướng dẫn cơ bản nhất mà tất cả các tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện xuyên suốt trong quá trình thực hiện các công việc kế toán và lập các báo cáo tài chính nhằm đảm bảo độ tin cậy thông tin tài chính kế toán cung cấp cho nhiều đối tượng khác nhau. Theo quy định tại Điều 6 của Luật kế toán năm 2015, các quy định về nguyên tắc của kế toán được đặt tên theo từng quy định như sau:

– Các nghiệp vụ kinh tế tài chính liên quan đến tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu, doanh thu, chi phí được kế toán ghi sổ kế toán vào thời điểm phát sinh, không căn cứ vào thời điểm thực tế thu hay chi tiền, các báo cáo tài chính được lập trên cơ sở dồn tích giúp phản ánh tình hình tài chính của doanh nghiệp ở nhiều thời điểm khác nhau như quá khứ, hiện tại và tương lai. Thông qua đây, mọi nghiệp vụ kinh tế của doanh nghiệp đều được ghi chép vào sổ kế toán từ thời điểm phát sinh giao dịch chứ không căn cứ vào thực tế thu chi. Đây được gọi là nguyên tắc cơ sở dồn tích.

– Về nguyên tắc giá gốc căn bản, tài sản của doanh nghiệp phải được ghi nhận theo giá gốc. Giá gốc được tính dựa trên số tiền hoặc khoản giá trị tương đương với tiền đã thanh toán, phải trả hoặc theo giá trị hợp lý của tài sản xác định vào điểm tài sản được ghi nhận.

– Với nguyên tắc hoạt động liên tục, nội dung nguyên tắc này yêu cầu báo cáo tài chính phải được lập trên cơ sở giả sử doanh nghiệp đang hoạt động và sẽ tiếp tục trong tương lai gần, tức là doanh nghiệp không có ý định hoặc bị bắt buộc ngừng hoạt động. Trường hợp nếu thực tế khác với giả định đưa ra thì báo cáo phải được lập trên một cơ sở khác, đồng thời đưa ra các giải thích về cơ sở mới để lập báo cáo tài chính.

– Kế toán doanh nghiệp cần làm rõ sự thống nhất trong một kỳ kế toán giữa các chính sách và phương pháp kế toán mà doanh nghiệp đã lựa chọn để áp dụng. Các chính sách, phương pháp kế toán doanh nghiệp đã chọn phải được áp dụng nhất quán từ kỳ này sang kỳ khác và chỉ nên thay đổi khi có lý do đặc biệt và ít nhất phải chuyển sang kỳ kế toán sau. Những công việc này được gọi tên là nguyên tắc nhất quán.

– Nguyên tức phù hợp nhắc nhở người sử dụng phải có sự phù hợp trong việc ghi nhận doanh thu và chi phí. Trường hợp khi ghi nhận khoản doanh thu thì cần có sự tương ứng với khoản chi phí liên quan. Khoản chi phí tương ứng với doanh thu bao gồm khoản chi phí của kỳ trước hoặc khoản chi phí liên quan đến doanh thu của kỳ đó.

– Khi ghi nhận các khoản chi phí hợp lý tương ứng với khoản doanh thu trong kỳ phát sinh sẽ giúp doanh nghiệp phân tích và tính toán chính xác các phần thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp. Điều này chính là cơ sở giúp doanh nghiệp tính được khoản thuế thu nhập doanh nghiệp cần phải nộp nhà nước.

– Đối với nguyên tắc thận trọng, yêu cầu cần đưa ra sự phán đoán, xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng để lập các ước tính kế toán trong điều kiện mình không chắc chắn.

– Một trong các nguyên tắc kế toán quan trọng đó chính là nguyên tắc trọng yếu. Tính trọng yếu phụ thuộc vào độ lớn và tính chất của thông tin hoặc các sai sót trọng hoàn cảnh cụ thể. Trường hợp htuees thông tin hoặc thông tin không chính xác có thể làm sai lệch thông tin báo cáo tài chính. Tính trọng yếu của thông tin được xem xét dựa trên 2 phương diện là định tính và định lượng.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Dương Gia về kế toán là gì, chức năng, nhiệm vụ của kế toán và một số vấn đề liên quan. Trường hợp có thắc mắc bạn vui lòng liên hệ theo số hotline 19006586 để được hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon