Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy

toi-truyen-ba-van-hoa-pham-doi-truy

Song song với nền văn hoá truyền thống của Việt Nam có lẽ vẫn luôn tồn tại những văn hoá xấu. Cụ thể là văn hoá phẩm đồi trụy. Văn hoá phẩn đồi trụy không còn thuật ngữ quá xa lạ đối với mọi người. Và truyền bá loại văn hoá phẩm này không phải là một tệ nạn xã hội mới trong thời đại hiện nay. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đối tượng mà văn hoá phẩm này hướng đến là giới trẻ. Tình trạng này có thể làm gia tăng việc lạm dụng tình dục ở trẻ em, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tâm sinh lý với giới trẻ. Bài viết này nhằm giúp bạn đọc hiểu về cấu thành tội phạm và chế tài của tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy.

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017;
  • Nghị định 22/2022/NĐ-CP;
  • Thông tư 08/2022/BVHTTDL;

1. Văn hoá phẩm đồi trụy là gì?

Đầu tiên phải hiểu về văn hoá phẩm là gì. Hiện nay, trong quy định pháp luật Việt Nam hiện hành không quy định cụ thể về khái niệm của văn hóa phẩm. Tuy nhiên, căn cứ vào quy định tại Điều 1 của Nghị định số 22/2022/NĐ- CP thì có thể hiểu văn hóa phẩm như sau:

– Các bản ghi âm, ghi hình; các loại phim, băng từ, đĩa mềm, đĩa cứng, đĩa quang đã ghi nội dung; các sản phẩm công nghệ nghe nhìn khác đã ghi thông tin ở dạng chữ viết, âm thanh hoặc hình ảnh;

– Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng, tranh, nhiếp ảnh

– Di sản văn hóa vật thể và các sản phẩm liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể.

Từ quy định trên, tại Thông tư số 08/2022/BVHTTDL quy định cụ thể phim được quy định tại khoản 2 Điều 1 của Nghị định số 22/2022/NĐ-CP bao gồm các loại như phim để chiếu, phát sóng, làm mẫu giới thiệu, trình Hội đồng thẩm định phim, phổ biến, phát hành theo quy định của pháp luật trên các hệ thống rạp, hệ thống truyền hình trong quốc gia.

Tiếp theo, đồi trụy là sự thể hiện bằng hành động, bằng hình ảnh, bằng âm thanh lối sống ăn chơi, tiêu khiển thấp hèn, xấu xa, hư hỏng đến mức tồi tệ về đạo đức, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Từ đó có thể thấy, văn hoá phẩm đồi trụy là những bản ghi âm, ghi hình, phim,… mang tính chất thấp hèn, xấu xa, hư hỏng đến mức tồi tệ về đạo đức, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc.

2. Tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy

Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 có quy định về tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy như sau:

Điều 326. Tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy

1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi truỵ hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dữ liệu được số hoá có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB);

b) Ảnh có số lượng từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh;

c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị đến dưới 100 đơn vị;

d) Phổ biến cho từ 10 người đến 20 người;

đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dữ liệu được số hoá có dung lượng từ 05 gigabyte (GB) đến dưới 10 gigabyte (GB);

c) Ảnh có số lượng từ 200 ảnh đến dưới 500 ảnh;

d) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 100 đơn vị đến dưới 200 đơn vị;

đ) Phổ biến cho từ 21 người đến 100 người;

e) Phổ biến cho người dưới 18 tuổi;

g) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Dữ liệu được số hoá có dung lượng 1- gigabyte (GB) trở lên;

b) Ảnh có số lượng 500 ảnh trở lên;

c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng 200 đơn vị trở lên;

d) Phổ biến cho 101 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Truyền bá là hình thức giới thiệu, phổ biến tới mọi người về thông tin, hoặc các vật,… chưa có tính thông dụng trong cuộc sống. Truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy là hành vi phổ biến cho người khác biết các vật phẩm có tính chất ăn chơi, dâm ô hoặc khêu gợi những ý định thúc đẩy con người thoả mãn lối sống buông thả bằng các thủ đoạn như làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, sử dụng, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến hoặc có hành vi khác truyền bá những vật phẩm văn hoá có tính chất đồi trụy.

Như vậy, dễ dàng nhận thấy rằng tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi mà pháp luật bảo vệ, xâm hại đến các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ.

Chủ thể phạm tội của tội phạm này đạt đến một độ tuổi nhất định và có năng lực trách nhiệm hình sự đều có thể là chủ thể của tội phạm này. Tức họ là người có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi phù hợp với đòi hỏi của xã hội. Về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

Nếu chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì người truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì mới là chủ thể của tội phạm này.

Về mặt khách thể, do tội phạm này được quy định tại chương các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Nên nó xâm phạm đến truyền thống văn hoá của dân tộc, những giá trị vật chất và tinh thần của loài người, xâm phạm đến sự quản lý của Nhà nước về việc duy trì, phát triển nếp văn hoá văn minh, mang đậm bản sắc dân tộc. Đối tượng tác động của tội phạm này là sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có tính chất đồi trụy.

Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm, người phạm tội thực hiện duy nhất một hành vi, đó là truyền bá (phổ biến) cho người khác biết các vật phẩm có tính chất đồi truỵ nhưng bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, sử dụng, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến hoặc có hành vi khác.

Ngoài các hành vi nêu trên thì người phạm tội còn có những hành vi khác phổ biến cho người khác biết các vật phẩm có tính chất ăn chơi,… những ý định thúc đẩy con người thoả mãn lối sống ăn chơi, buông thả.

Nhà làm luật quy định các hành vi khác là nhằm tránh trường hợp để lọt tội phạm. Đối với tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy vậy nhưng nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì tùy trường hợp người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 326 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy là hành vi được người phạm tội thực hiện một cách cố ý. Người phạm tội thực hiện hành vi với mục đích phổ biến văn hoá phẩm đồi trụy cho người khác với nhiều động cơ khác nhau. Đây là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Với trường hợp một người có các hành vi được nêu ở trên nhưng không nhằm phổ biến cho người khác thì cũng không cấu thành tội phạm này.

Từ quy định trên cho thấy hình phạt cơ bản của tội phạm được quy định tại khoản 1 thì phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy mà dữ liệu số hoá có dung lượng từ 01 GB đến dưới 05 GB,…. hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

Ngoài ra, hình phạt tăng nặng được quy định tại khoản 2 Điều này là phạt tù từ 03 năm đến 10 năm khi phạm tội có tổ chức, dữ liệu được số hoá có dung lượng từ 05 GB đến dưới 10 GB,… hoặc phương tiện điện tử để phạm tội, tái phạm nguy hiểm. Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với trường hợp phạm tội mà dư xlieeuj được số hoá có dung lượng từ 10 GB trở lên,…. Hình phạt bổ sung đó là người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

3. Bản án về tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy

Bản án số 26/2020/HS-ST ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Nghệ An

Về “Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy”

Tóm tắt nội dung vụ án:

Vào đầu năm 2018 Hồ Sỹ X mua 01 (một) chiếc điện thoại di động với mục đích liên lạc với người thân và bạn bè. Đến cuối năm 2018, X có nhờ con gái Hồ Thị H lập một địa chỉ facebook mang tên“Hồ X” Vào đầu tháng 1/2019 đến ngày 26/9/2019, X có nhận được một số video, ảnh có nội dung văn hóa phẩm đồi trụy từ ngày 12/3/2019 đến ngày 25/9/2019 đã gửi 26 người về những hình ảnh video về văn hóa phẩm đồi trụy của một số facebook khác chuyển đến (X không nhớ cụ thể địa chỉ của những người này ở đâu và cũng không nhớ địa chỉ facebook).

Sau khi xem xong thông qua địa chỉ facebook mang tên “Hồ X” có đường dẫn www.facebook.com/que.ho.58910. Hồ Sỹ X đã chia sẻ, gửi, phổ biến những video và ảnh có nội dung văn hóa phẩm đồi trụy đó đến 26 nick facebook (26 người) tổng dung lượng là 669MB (megabai), , tất cả những video, hình ảnh có nội dung văn hóa phẩm đồi trụy  mà Hồ Sỹ X đã gửi cho 26 người nêu trên thì những người này đã nhận và đã mở xem, được hiển thị phía dưới hình ảnh và video đồi trụy trên địa chỉ facebook của  người nhận chữ “đã xem”.

Nhận định của tòa án cấp sơ thẩm:

Hành vi của bị cáo đã có đầy đủ yếu tố cấu thành tội: “Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” theo điểm đ, g khoản 2 Điều 326 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Căn cứ vào bản kết luận giám định số 2644/KL-SVHTT ngày 24/10/2019 của Sở văn hóa và thể thao tỉnh Nghệ An kết luận: Toàn bộ video và ảnh mà bị cáo đã gửi cho 26 nick facebook (26 người) nêu trên là văn hóa phẩm đồi trụy, khiêu dâm, kích thích ham muốn tình dục, không rõ nguồn gốc xuất xử, không được lưu hành theo quy định tại Điều 16, khoản 1 Điều 26 Pháp lệnh số 10/2003/PL UBTVQH11 ngày 17/3/2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về phòng chống mại dâm.

Bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng nhì, huân chương chiến sỹ vẻ vang hạng ba. Mẹ của bị cáo được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhì; cả bố và mẹ của bị cáo đều được Nhà nước tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng nhì và Bảng gia đình vẻ vang.

Đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm s, x khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Nên bị cáo sẽ được áp dụng những tình tiết giảm nhẹ này khi Hội đồng xét xử quyết định hình phạt. Xét thấy, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (trong đó có  02 tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự), không có  tình tiết tăng nặng nên cần áp dụng Điều 54 Bộ luật Hình sự để xử bị cáo mức án  dưới mức thấp nhất của khung hình phạt cũng đủ điều kiện cải tạo và giáo dục bị  cáo. Mức án mà Kiểm sát viên đề nghị tại phiên tòa hôm nay là phù hợp và nghiêm  minh nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

Tòa án cấp sơ thẩm tuyên:

Bị cáo Hồ Sỹ X phạm tội “Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy”. Căn cứ vào điểm đ, g khoản 2 Điều 326; điểm s, x khoản 1, khoản 2 Điều 51;  khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 xử phạt bị cáo Hồ Sỹ X 30 (Ba mươi) tháng tù.

Hành vi truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ là hành vi gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, ảnh hưởng đến các giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Trên đây là nội dung về tội truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ, hi vọng bài viết này có thể giúp bạn hiểu hơn và tránh thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật này.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Dương Gia về tội truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ. Trường hợp có thắc mắc bạn vui lòng liên hệ theo số hotline 19006586 để được hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon