Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

cac-tinh-tiet-giam-nhe-trach-nhiem-hinh-su

Cùng với tội danh, tình tiết định khung thì tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là những yếu tố quan trọng để hội đồng xét xử xem xét một cách khách quan, toàn diện, đưa ra phán quyết, bản án, mức án cho người phạm tội. Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định tổng cộng 22 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại khoản 1 của Điều 51. Bài viết dưới đây sẽ phân tích toàn bộ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định hiện hành.

Căn cứ pháp lý:

  • – Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;
  • – Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP về hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của Bộ Luật Hình sự

1. Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là gì?

Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TNHS) là tình tiết có trong vụ án cụ thể, theo đó sẽ làm giảm trách nhiệm hình sự của người phạm tội khi lượng hình. Đây có thể là hành động của người phạm tội hoặc nhân thân của người phạm tội. Việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ nhằm thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. 

Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 theo đó các tình tiết được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được liệt kê tại khoản 1. Ngoài ra, khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

Chúng ta cũng cần lưu ý, đối với các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật hình sự 2015 quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt. Điều này đảm bảo việc công bằng giữa các bị cáo, giữa các vụ việc có nội dung, tính chất tương tự. Khẳng định tính loại trừ giữa dấu hiệu định tội, dấu hiệu định khung và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

2. Phân tích cách tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cụ thể

Dựa vào quy định của BLHS và thực tiễn áp dụng luật hình sự, có thể khái quát nội dung cũng như ý nghĩa của từng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đã được liệt kê tại Khoản 1 Điều 51 như sau:

a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

Đây là trường hợp người phạm tội đã thực hiện tội phạm và nếu không có gì ngăn cản thì tác hại của tội phạm sẽ xảy ra hoặc xảy ra lớn hơn nhưng người phạm tội đã ngăn chặn không để cho tác hại xảy ra hoặc đã hạn chế được tác hại của tội phạm. Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự do có tình tiết này không chỉ phụ thuộc vào thái độ chủ quan của người phạm tội đối với hành vi ngăn chặn hoặc giảm bớt tác hại ( như có tự nguyện, tích cực hay không…) mà còn phụ thuộc vào thực tế tác hại được ngăn chặn hoặc hạn chế như thế nào.

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

Đây là trường hợp người phạm tội đã gây ra hậu quả thiệt hại và đã tự nguyện (không phải vì ép buộc) thực hiện các hành vi khắc phục hậu quả của tội phạm và sử chữa tài sản bị hư hỏng, bồi thường về vật chất thiệt hại về tài sản, thể chất, tinh thần, hoặc có những hành vi khắc phục hậu quả của tội phạm.

c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

Đây là trường hợp phạm tội có động cơ là phòng vệ. Hành vi phạm tôi xảy ra là do người phòng vệ đã vượt quá giới hạn luật cho phép.

d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

Đây là trường hợp phạm tội có động cơ hành động trong tình thế cấp thiết – gây ra thiệt hại để tránh thiệt hại khác lớn hơn đang đe dọa. Hành vi phạm tội xảy ra là do người được hành động trong tình thế cấp thiết đã gây ra thiệt hại rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết mà Luật cho phép.

đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;

Đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới được quy định trong BLHS năm 2015. Người phạm tội trong trường hợp này có động cơ bắt giữ người phạm tội nhưng khi thực hiện việc này họ đã dùng vữ lực, gây thiệt hại cho người bị bắt giữ vượt quá mức cần thiết.

e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;

Đây là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi trong tình trạng bị hạn chế khả năng kiểm soát và khả năng điều khiển hành vi trái pháp luật của nạn nhân. Mức độ giảm nhẹ trong từng trường hợp cụ thể tùy thuộc trước hết vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi tác động…

g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

Đây là trường hợp người phạm tội đã thực hiện tội phạm do bị chi phối bởi hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do khách quan đưa lại. trong đó, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hiểu là hoàn cảnh khó khăn hơn nhiều so với mức bình thường, có thể do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn, hoặc do nguyên nhân khách quan khác. Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong trường hợp này phụ thuộc vào mức độ khó khăn và mức độ cố gắng tìm cách khắc phục của người phạm tội.

h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

Trường hợp chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn có nguyên nhân là nguyên nhân khách quan nằm ngoài ý muốn của người phạm tội; còn trong trường hợp ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm , người phạm tội đã có hành động tích cực để có được kết quả đó. Do hậu quả của tội phạm cũng là yếu tố quyết định mức đọ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội nên luật hình sự coi trường hợp chưa gây thiệt hại hoặc thệt hại gây ra không lớn là trường hợp được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

Đây là trường hợp lần đầu tiên phạm tội và tội phạm đã được thực hiện phải là loại tội phạm ít nghiêm trọng. Trường hợp bị cáo trước đó đã phạm tội, dù có được xóa án tích nhưng cũng không được xem xét áp dụng tình tiết phạm tội lần đầu. Việc đánh giá tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự này được thực hiện thống nhất trong ngành Tòa án nhân dân từ khi công văn này được ban hành.

k) Phạm tội vì bị người khác đe doạ hoặc cưỡng bức;

Theo từ điển tiếng Việt, Viện ngôn ngữ học thì:

Đe dọa là tạo ra nỗi lo sợ về một tai họa có thể xảy ra.

Cưỡng bức là dùng vũ lực hoặc thủ đoạn dồn người khác vào thế bắt buộc phải làm, dù không muốn cũng không được.

Như vậy, “Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức” được hiểu là:

– “Phạm tội vì bị người khác đe doạ” là trường hợp một người thực hiện hành vi phạm tội do lo sợ về một tai hoạ có thể xảy ra đối với mình hoặc đối với người thân nếu không thực hiện hành vi phạm tội theo yêu cầu của người đe dọa như dọa sẽ gây thương tích, dọa sẽ hủy tài sản…

– “Phạm tội vì bị người khác cưỡng bức” là trường hợp một người thực hiện hành vi phạm tội do bị người khác dùng vũ lực hoặc thủ đoạn dồn vào thế bắt buộc phải phạm tội, dù không muốn cũng không được ví dụ như đánh đập hoặc giam giữ người bị cưỡng bức…

Mức độ đe dọa, cưỡng bức càng nghiêm trọng dẫn đến mức độ sợ hãi càng cao thì mức giảm nhẹ hình phạt (chuyển hình phạt nhẹ hơn, giảm mức hình phạt tù hoặc phạt tiền hoặc thời gian cải tạo không giam giữ) cho người phạm tội được hưởng tình tiết này càng nhiều và ngược lại.

l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;

Đây là tình tiết mới được quy định trong BLHS năm 2015. Người phạm tội trong trường hợp này đã thực hiện tội phạm trong tình trạng bị hạn chế khả năng nhận thức hành vi và tình trạng này không phải do lỗi của chủ thể như do bị lừa dối nên đã sử dụng nhầm chất kích thích mạnh. Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phụ thuộc vào mức độ hạn chế khả năng nhận thức hành vi của người phạm tội.

m) Phạm tội do lạc hậu;

Lạc hậu là: Bị tụt lại phía sau về nhận thức, không theo kịp đà tiến bộ, đà phát triển chung

“Phạm tội do lạc hậu” là trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội thiếu hiểu biết pháp luật, hoặc hành động theo phong tục, tập quán, tín ngưỡng, thói quen cổ hủ, lạc hậu mà không biết là mình phạm tội (mặc dù pháp luật quy định buộc phải biết). Nguyên nhân dẫn đến trình độ lạc hậu có thể do không có điều kiện để học tập, tiếp cận, cập nhật thông tin, hoặc do tín ngưỡng, tôn giáo, môi trường sống lạc hậu…

Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phụ thuộc vào mức độ hạn chế khả năng nhận thức hành vi của người phạm tội. Người phạm tội và môi trường sống của họ càng lạc hậu thì mức giảm nhẹ hình phạt (chuyển hình phạt nhẹ hơn, giảm mức hình phạt tù hoặc phạt tiền hoặc thời gian cải tạo không giam giữ) cho họ càng nhiều và ngược lại.

n) Người phạm tội là phụ nữ có thai;

“Người phạm tội là phụ nữ có thai” là trường hợp phụ nữ thực hiện hành vi phạm tội khi đang mang thai. Người có thai thường có những biểu hiện khác thường về tâm lý, tinh thần. Vì thế tình trạng có thai lúc gây án làm ảnh hưởng đến nhận thức của người phạm tội đối với mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và hậu quả gây ra.

Tiểu mục 2.3 mục 2 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12 tháng 5 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành hướng dẫn xác định tình tiết “Phụ nữ có thai” như sau:

“2.3. “Phụ nữ có thai” được xác định bằng cách chứng cứ chứng minh là người phụ nữ đó đang mang thai, như: bị cáo và mọi người đều nhìn thấy được hoặc bị cáo nghe được, biết được từ các nguồn thông tin khác nhau về người phụ nữ đó đang mang thai. Trong trường hợp thực tế khó nhận biết được người phụ nữ đó đang mang thai hay không hoặc giữa lời khai của bị cáo và người bị hại về việc này có mâu thuẫn với nhau thì để xác định người phụ nữ đó có thai hay không phải căn cứ vào kết luận của cơ quan chuyên môn y tế hoặc kết luận giám định.”

Có thể nói, tình tiết này được quy định chủ yếu là xuất phát từ chính sách nhân đạo nhưng cũng có phần là do tình trạng sức khỏe và tình trạng tâm – sinh lý của người phụ nữ có thể bị ảnh hưởng khi mang thai.

o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;

Đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định thay cho tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đã được quy định trong BLHS năm 1999 “Người phạm tội là người già”. Việc quy định tình tiết này là tình tiết giảm nhẹ xuất phát chủ yếu từ nguyên tắc nhân đạo và có tính đến đặc điểm tâm – sinh lý ở lứa tuổi này. Ở độ tuổi này thì khả năng nhận thức suy giảm, tâm sinh lý thay đổi làm ảnh hưởng tới khả năng nhận thức về mức độ nguy hiểm cũng như hậu quả của hành vi phạm tội.

p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

Người khuyết tật: là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn (khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật 2010)

– Người khuyết tật nặng: là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày (Điểm b Khoản 2 Điều 3 Luật Khuyết tật 2010);

– Người khuyết tật đặc biệt nặng: là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày (điểm a khoản 2 Điều 3 Luật Khuyết tật 2010);

Người phạm tội có tỷ lệ thương tật càng cao thì mức độ giảm nhẹ hình phạt (chuyển hình phạt nhẹ hơn, giảm mức hình phạt tù hoặc phạt tiền hoặc thời gian cải tạo không giam giữ) cho họ càng nhiều và ngược lại.

q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

“Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức” là trường hợp khi phạm tội người đó đang mắc bệnh mà bệnh đó làm cho họ nhận thức không đầy đủ được tính chất nguy hiểm cũng như hậu quả của hành vi phạm tội. 

“Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng điều khiển hành vi” là trường hợp khi phạm tội người đó mắc bệnh mà bệnh đó làm cho họ bị hạn chế khả năng điều khiển được hành vi. 

Trong trường hợp này, lỗi của người phạm tội là lỗi hạn chế nên họ được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phụ thuộc vào mức độ hạn chế khả năng nhận thức hoặc mức độ hạn chế khả năng điều khiển hành vi của người phạm tội.

r) Người phạm tội tự thú;

Tự thú: là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện.

Đây là trường hợp tuy chưa bị phát hiện là người phạm tội nhưng chủ thể đã tự đến cơ quan có thẩm quyền trình diện và khai báo về hành vi phạm tội của mình. Trong quá trình áp dụng tình tiết giảm nhẹ này cần thiết phải hiểu và áp dụng chính xác, thống nhất hai khái niệm “Tự thú”“Đầu thú” để đảm bảo nguyên tắc pháp chế cũng như đảm bảo quyền lợi cao nhất cho bị can, bị cáo.

s) Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải;

Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải được hiểu là:

– “Người phạm tội thành khẩn khai báo” là trường hợp người phạm tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã khai với cơ quan có thẩm quyền đầy đủ và đúng sự thật về hành vi phạm tội của mình.

– “Người phạm tội ăn năn hối cải” là trường hợp sau khi thực hiện tội phạm, người phạm tội thể hiện sự cắn rứt, dày vò lương tâm về tội lỗi của mình không chỉ bằng lời nói mà còn cả bằng những hành động, việc làm cụ thể để chứng minh cho việc mình muốn sửa chữa, cải tạo thành người tốt; bù đắp những tổn thất, thiệt hại do hành vi phạm tội của mình gây ra. 

Người phạm tội càng thành khẩn, càng ăn năn hối cải thì mức giảm nhẹ hình phạt (chuyển loại hình phạt nhẹ hơn, giảm mức hình phạt tù hoặc phạt tiền hoặc thời gian cải tạo không giam giữ) cho họ càng nhiều và ngược lại.

t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;

Đây là trường hợp người phạm tội đã tích cực cung cấp các bằng chứng, tài liệu, tin tức cho cơ quan có trách nhiệm hoặc làm mọi việc theo yêu cầu của cơ quan đó để phát hiện hoặc xử lý tội phạm mà họ tham gia thực hiện hoặc về tội phạm khác hoặc người phạm tội khác có liên quan mà họ biết. Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự do có tình tiết này phụ thuộc chủ yếu vào hiệu quả của hành vi tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện hoặc trong quá trình giải quyết vụ án.

u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;

Theo quy định tại điểm b Mục 5 Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP về hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của Bộ Luật Hình sự năm 1999 do Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ban hành thì:

“Đã lập công chuộc tội”  là trường hợp sau khi thực hiện tội phạm cho đến trước khi bị xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm), người phạm tội không những ăn năn hối cải, tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm do họ thực hiện, mà họ còn có những hành động giúp đỡ các cơ quan có thẩm quyền phát hiện, ngăn chặn các tội phạm khác, tham gia phát hiện tội phạm, bắt kẻ phạm tội, có hành động thể hiện sự quên mình vì lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích chính đáng của người khác… được cơ quan có thẩm quyền khen thưởng hoặc chứng nhận”.

v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;

Người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu học tập hoặc công tác là người được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen, bằng lao động sáng tạo hoặc có sáng chế phát minh có giá trị lớn hoặc nhiều năm được công nhận là chiến sỹ thi đua…

x) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.

“Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ” được hiểu là người phạm tội là người có công với cách mạng; cha, mẹ đẻ của liệt sỹ; cha, mẹ nuôi của liệt sỹ; vợ, chồng hợp pháp theo quy định của pháp luật của liệt sỹ; con nuôi, con đẻ của liệt sỹ. Đây cũng là tình tiết mới được quy định trong BLHS năm 2015, nhưng đã được thừa nhận trong thực tiễn xét xử từ nhiều năm. Việc quy định tình tiết này chủ yếu xuất phát từ chính sách của Nhà nước đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ Quốc.

Khoản 2 của điều luật cho phép Tòa án có thể xác định tình tiết khác ngoài các tình tiết được liệt kê tại khoản 1 là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Để định hướng cho việc áp dụng quy định này, điều luật lấy ví dụ tình tiết đầu thú là tình tiết tương tự như tình tiết tự thú (chỉ khác nhau ở chỗ chưa hoặc đã bị phát hiện) để nhấn mạnh, tình tiết mà Tòa án coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải có tính chất tương tự như các tình tiết đã liệt kê trong luật. Khi tự xác định tình tiết cụ thể là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Tòa án phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon