Việc gia tăng loại tội phạm về làm giả và sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức ngoài gây thiệt hại về tài sản cho người dân, còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước và làm giảm hiệu lực quản lý của cơ quan hành chính Nhà nước, là khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ. Vì vậy, cần phải xử lý nghiêm, triệt để hành vi phạm tội này đề đảm bảo hoạt động của hành chính Nhà nước được diễn ra một cách bình thường, xuyên suốt, đúng quy định pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật trong quần chúng nhân dân.
Căn cứ pháp lý:
1. Căn cứ pháp lý để xử lý tội phạm về làm giả và sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
Hành vi phạm tội này được quy định tại Điều 341, thuộc Chương XXII các tội xâm phạm về hoạt động quản lý hành chính của Bộ luật Hình sự.
“1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”
Theo quy định của Điều 341 BLHS trích dẫn ở trên thì thấy, đây là tội danh ghép của hai tội trong cùng một điều luật nên tương ứng với mặt khách thể và khách quan khác nhau thì sẽ bị xử lý về tội danh khác nhau. Hành vi cơ bản của tội danh này là hành vi “làm” hoặc hành vi “sử dụng”.
2. Thực tiễn xử lý tội phạm về làm giả và sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
Đối với hành vi, thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội như đã nêu trên, thực tiễn xử lý các vụ án, vụ việc này của các cơ quan tiến hành tố tụng có xu hướng chung là xử lý về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và không xử lý các đối tượng về tội “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Bởi vì, đối với hành vi của người trực tiếp liên hệ, cung cấp thông tin cá nhân, hình ảnh chân dung để đặt làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là hành vi đồng phạm với người trực tiếp làm giả vì vậy phải xử đối tượng đặt làm giả về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Hiện nay, các vụ việc mà đối tượng có hành vi trực tiếp đặt lên mạng xã hội đặt làm giả các con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức rồi sử dụng tài liệu giả này đều bị xử lý về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo Điều 341 BLHS. Tuy nhiên, giữa các quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng vẫn có nhiều quan điểm khác nhau về xác định tội danh của người trực tiếp đặt lên mạng xã hội đặt làm giả, sử dụng tài liệu giả để xử lý.
Điều 341 BLHS là tội danh ghép của hai tội trong cùng một điều luật nên tương ứng với mặt khách thể và khách quan khác nhau thì sẽ bị xử lý về tội danh khác nhau. Hành vi cơ bản của 02 tội này là hành vi “làm” hoặc hành vi “sử dụng”. Như vậy, vấn đề được đặt ra là cần xác định đúng tội danh để áp dụng xử lý nhằm xác định đúng thẩm quyền điều tra và thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì, theo khoản 3 Điều 27 BLHS quy định: “Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện…” nên đã có các quan điểm khác nhau như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Nên xử lý hành vi này về tội “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Bởi vì, về hành vi khách quan của tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”: là hành vi của người không có thẩm quyền cấp, sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức nhưng đã thông qua việc sử dụng máy móc, thiết bị, công cụ phương tiện,… trực tiếp tạo ra con dấu, giấy tờ, tài liệu giả khác của cơ quan, tổ chức. Việc làm giả này có thể là giả toàn bộ, giả từng phần (làm giả toàn bộ con dấu; làm giả từng phần trong giấy tờ, tài liệu như tiêu đề, chữ ký, nội dung,…).
Hành vi phạm tội này hoàn thành kể từ khi người phạm tội làm ra được con dấu, tài liệu giả đó, điều luật không quy định hay yêu cầu người phạm tội đã sử dụng hay phải sử dụng vào mục đích trái pháp luật như tội “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Mặt khác, nếu người phạm tội bán lại cho người khác để thu lợi bất chính thì áp dụng số tiền thu lợi bất chính có được để định khung tăng nặng đối với người phạm tội. Về hành vi khách quan của tội “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”: Khi có được con dấu, tài liệu giả thông qua nhiều hình thức như: mượn, thuê người khác làm giả,…người phạm tội sử dụng con dấu, tài liệu giả đó để thực hiện hành vi trái pháp luật, tính trái pháp luật không chỉ giới hạn ở các quy định của Bộ luật hình sự mà có thể là các văn bản pháp luật khác,…
Nếu người phạm tội sử dụng con dấu, tài liệu giả đó để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc thực hiện hành vi phạm tội khác thì sẽ bị áp dụng xử lý thêm tội danh tương ứng. Như vậy, hành vi làm giả và hành vi sử dụng là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, không bao trùm nhau. Ý thức chủ quan của người đặt mua con dấu, tài liệu giả là nhằm mục đích về sử dụng, không có thỏa thuận gì từ trước với đối tượng làm giả. Trong khi đó, mục đích của người làm giả ra con dấu tài liệu là để bán cho bất kỳ người nào nhằm mục đích thu lợi bất chính từ những người thuê, nhờ làm giả, có tính chất vụ lợi. Như vậy, mục đích của người làm giả ra con dấu, tài liệu và người sử dụng con dấu, tài liệu giả là hoàn toàn khác khau, không liên quan đến nhau và không cùng ý chí với nhau, “không cố ý thực hiện một tội phạm”.
Mặt khác, khoản 1 Điều 17 BLHS quy định: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.”. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên thì người đặt làm giả và người trực tiếp làm giả không cùng ý chí, không thực hiện cùng một tội phạm nên không thể coi là đồng phạm. Hơn nữa, tại Công văn số 1648/VKSTC-V7 ngày 27/4/2021 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn về xử lý hành vi thuê người làm giả giấy tờ để thực hiện các vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau: “Trường hợp không xác định được người trực tiếp làm giả mà chỉ sử dụng thì xử lý tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.”.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Người trực tiếp liên hệ, cung cấp thông tin cá nhân, hình ảnh chân dung để đặt làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là hành vi đồng phạm với đối tượng đã trực tiếp làm giả ra các tài liệu đó nên phải xử đối tượng đặt làm giả về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Thời hiệu xử lý hành vi này là kể khi cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ tài liệu giả đó và thẩm quyền giải quyết vụ việc là nơi quan phát hiện. Bởi vì, hành vi phạm tội này xuyên suốt, chuỗi sự việc liên tiếp với nhau về mặt thời gian kể từ lúc đối tượng lên mạng xã hội đặt làm giả rồi mang về tiếp tục sử dụng và bị phát hiện.
Quan điểm thứ ba về thẩm quyền điều tra và thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự: Khi đã xác định các đối tượng trên thực hiện hành vi làm giả thì địa điểm thực hiện hành vi phạm tội là chính nơi đối tượng đó thực hiện hành vi sử dụng điện thoại, máy tính, các phương tiện khác truy cập vào mạng Internet, mạng xã hội để tìm kiếm, cung cấp thông tin, trao đổi với đối tượng trực tiếp làm giả, chứ không phải là nơi đối tượng sử dụng giấy tờ, tài liệu giả bị phát hiện.
Bởi vì, khi đối tượng có được loại giấy tờ giả đó thì tội phạm đã hoàn thành nên khi đối tượng sử dụng các loại giấy tờ này và bị phát hiện ở các địa điểm khác nhau thì không thể coi là tội phạm xảy ra liên tục hoặc được thực hiện ở nhiều địa điểm nên cũng không thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt mà thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra tại nơi mà bị can có hành vi cung cấp thông tin, trao đổi với người trực tiếp làm giả.
3. Khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng pháp hình sự hay pháp luật hành chính xử lý hành vi hành vi làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
Hiện nay, chế tài xử lý hình sự và xử lý hành chính về các hành vi này còn chưa rõ ràng, các hành vi này vừa được quy định xử lý hành chính, vừa được quy định trong BLHS nên dẫn đến việc áp dụng còn chưa thống nhất. Cụ thể một số hành vi làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức vẫn được quy định chế tài xử lý hành chính như:
– Tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ được quy định xử phạt về hành vi làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu giả như sau: “Hành vi sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp (điểm a khoản 5 Điều 21); điều khiển xe gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc); hành vi sử dụng Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường không do cơ quan có thẩm quyền cấp (điểm d khoản 5 Điều 16) và hành vi sử dụng Giấy đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp (điểm b khoản 2 Điều 17)”.
– Nghị định 144/2013/NĐ-CP của Chính phủ: “Làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả về cư trú để được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo thông tin về cư trú, cấp giấy tờ khác liên quan đến cư trú hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật khác (điểm b khoản 4 Điều 9); làm giả, sử dụng sổ hộ khẩu giả, sổ tạm trú giả để đăng ký thường trú, tạm trú, cấp giấy tờ khác liên quan đến cư trú hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật khác (điểm c khoản 4 Điều 9); làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả để được cấp Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân (điểm a khoản 3 Điều 10);
Làm giả Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (điểm a khoản 4 Điều 10) và sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân giả (điểm b khoản 3 Điều 10)”.
– Nghị định số: 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 04/2022/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ quy định:
“Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng giấy tờ giả trong thực hiện thủ tục hành chính và các công việc khác liên quan đến đất đai mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (khoản 3 Điều 35)”.
Trong khi đó, tại Điều 341 BLHS quy định về tội “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” quy định chỉ cần người nào có hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật thì đã cấu thành tội này. Như vậy, vấn đề đặt ra trường hợp nào và vi phạm đến mức độ nào thì bị xử lý hành vi và trường hợp nào thì xử lý hình sự. Đến nay, liên ngành Trung ương vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.
4. Những khó khăn, vướng mắc khác trong việc áp dụng pháp luật để xử lý các hành vi khác có liên quan
Một vấn đề khác được đặt ra, đó là hành vi đặt làm tài liệu giả là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn (hàng trăm triệu đồng) nhưng chưa chiếm đoạt được tài sản thì bị phát hiện, ngăn chặn kịp thời (bị phát hiện do đi công chứng hợp đồng).
Theo quy định tại Điều 15 BLHS thì các đối tượng này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 BLHS với hành vi phạm tội chưa đạt.
Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ xử lý hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức mà không xử lý hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
5. Hướng dẫn giải quyết
– Tại mục 2, Công văn số 1648/VKSTC-V7 ngày 27/4/2021 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về trả lời thỉnh thị, giải đáp vướng mắc trong giải quyết án hình sự của VKSND tỉnh Bình Phước đã hướng dẫn:
“Đối với hành vi thuê người làm giả giấy tờ để thực hiện các vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau: “Trường hợp người phạm tội có hành vi làm giả giấy tờ nhưng chưa sử dụng thì bị xử lý về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Trường hợp không xác định được người trực tiếp làm giả mà chỉ sử dụng thì xử lý tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Nếu chứng được người trực tiếp làm giả sau đó sử dụng giấy tờ giả đó để thực hiện hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì bị xử lý hai tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và áp dụng nguyên tắc tội ghép”.
– Tại mục 10, Phần I, Công văn số: 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 của Tòa án nhân dân tối cao đã giải đáp:
“Hành vi làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã xâm phạm vào 02 khách thể khác nhau được Bộ luật Hình sự bảo vệ (quy định tại Điều 174 và Điều 341 của Bộ luật Hình sự), nên nếu hành vi đó có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì bị xử lý hình sự cả về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174) và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341).”