Cầm giữ tài sản là một trong những cách thức bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là quyền được pháp luật quy định của người có quyền trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ. Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nói chung và biện pháp cầm giữ tài sản nói riêng sẽ nâng cao ý thức thực hiện đúng và đầy đủ của bên có nghĩa vụ, khắc phục và ngăn chặn những rủi do và giúp cho bên có quyền luôn ở thế chủ động trong việc bảo vệ lợi ích của mình trong các giao dịch đã ký kết. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích về biện pháp cầm giữ tài sản, quyền và nghĩa vụ của các bên cầm giữ tài sản.
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật dân sự năm 2015.
1. Cầm giữ tài sản
1.1. Khái niệm cầm giữ tài sản
Điều 346 Bộ luật dân sự 2015 đưa ra khái niệm cầm giữ tài sản như sau:
Điều 346. Cầm giữ tài sản
“Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.”
Như vậy, có thể hiểu, cầm giữ tài sản là cách thức bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, là quyền được pháp luật quy định của bên có quyền trong trường hợp bên có nghĩa vụ không không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ như đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Mục đích của cầm giữ tài sản là nâng cao trách nhiệm của bên có nghĩa vụ, đồng thời bảo vệ quyền lợi của bên bị vi phạm nghĩa vụ.
1.2. Đặc điểm của cầm giữ tài sản
– Thứ nhất, đây là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự được áp dụng mà không dựa trên sự thỏa thuận của các chủ thể trong giao dịch.
Cầm giữ tài sản là một biện pháp tự vệ trong quan hệ dân sự nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của bên có quyền. Mặc dù, cũng xác lập một quyền trên tài sản của bên có nghĩa vụ nhưng cầm giữ tài sản không phát sinh trên cơ sở thỏa thuận mà do pháp luật quy định. Trong khi đó, các biện pháp bảo đảm còn lại như thế chấp hay bảo lãnh hoặc cầm cố chỉ áp dụng trong trường hợp các bên có thoả thuận từ trước.
Đối với biện pháp này, pháp luật cho phép bên có quyền được cầm giữ tài sản của bên có nghĩa vụ mà không cần xem xét nguyên nhân khiến cho bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ đã thỏa thuận. Trên cơ sở kế thừa quy định về cầm giữ tài sản trong thực hiện hợp đồng song vụ tại Bộ luật dân sự năm 2005, Bộ luật dân sự năm 2015 đã phát triển cầm giữ tài sản thành một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản theo luật định.
– Thứ hai, nghĩa vụ được bảo đảm phải là nghĩa vụ phát sinh trực tiếp từ tài sản cầm giữ, những nghĩa vụ không phát sinh một cách trực tiếp từ tài sản này thì bên có quyền không được cầm giữ nó. Ví dụ: A cho B vay 5 triệu đồng. Trước đó, B cho A mượn một chiếc đồng hồ trị giá 6 triệu đồng. Nếu đến hạn mà B chưa trả đủ tiền cho mình thì A cũng không được tự ý bán tài sản trên để bù trừ nghĩa vụ. Vì nghĩa vụ của B phải thực hiện không phát sinh từ tài sản này.
– Thứ ba, bên cầm giữ tài sản có quyền từ chối hoàn trả tài sản đang chiếm giữ khi bên có nghĩa vụ chưa thực hiện xong nghĩa vụ của mình. Luật không giới hạn khoảng thời gian mà bên có quyền được quyền cầm giữ tài sản. Ví dụ: A có nghĩa vụ phải thanh toán cho B 15 triệu đồng. Nếu A đã thanh toán cho B 10 triệu đồng thì B vẫn có quyền chiếm giữ tài sản của A đã nắm giữ từ trước cho đến lúc A trả đủ 15 triệu đồng.
2. Quyền và nghĩa vụ của bên cầm giữ tài sản
2.1. Nghĩa vụ của bên cầm giữ
Theo quy định của pháp luật, khi bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình, bên có quyền được cầm giữ tài sản của bên vi phạm nghĩa vụ. Việc cầm giữ tài sản dựa trên nguyên tắc công bằng, không phụ thuộc vào ý chí của bên vi phạm nghĩa vụ. Việc cầm giữ của bên có quyền có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên có nghĩa vụ hoặc người thứ ba. Do đó, bên cầm giữ phải tuân thủ các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật và các quy định của Bộ luật khác có liên quan. Điều 349 Bộ luật dân sự năm 2015 thì bên cầm giữ tài sản có các nghĩa vụ:
– Giữ gìn, bảo quản tài sản cầm giữ:
Việc bên cầm giữ chiếm hữu tài sản trong một thời gian nhất định sẽ làm phát sinh nghĩa vụ giữ gìn, bảo quản tài sản đối với họ. Bên cầm giữ tài sản phải giữ gìn, bảo quản tài sản cầm giữ như của chính mình trong suốt thời gian chiếm hữu, nếu không bảo quản tài sản dẫn đến thiệt hại sẽ phải chịu thiệt hại. Tùy từng loại tài sản mà có cách bảo quản khác nhau. Có những tài sản chỉ cần bên cầm giữ giữ gìn, bảo quản trong điều kiện thông thường nhưng có những loại tài sản cần được bảo quản trong điều kiện đặc biệt về kỹ thuật – môi trường…thì bên cầm giữ cần phải thực hiện nghĩa vụ bảo quản theo điều kiện tiêu chuẩn của tài sản này.
Thông thường, điều kiện về bảo quản tài sản sẽ do bên có nghĩa vụ yêu cầu, bởi chính họ mới là người hiểu về tính chất của tài sản đang được bên có quyền cầm giữ. Vì vậy, nếu bên cầm giữ (bên có quyền) làm mất hoặc hư hỏng tài sản cầm giữ thì họ phải bồi thường thiệt hại cho bên có tài sản bị cầm giữ (bên cỏ nghĩa vụ).
– Không được thay đổi tình trạng của tài sản cầm giữ:
Trong quá trình cầm giữ tài sản của bên có nghĩa vụ, bên cầm giữ phải bảo đảm tình trạng của tài sản cầm giữ được giữ nguyên trạng thái như tại thời điểm được chuyển giao. Ngay sau khi nghĩa vụ được thực hiện, bên cầm giữ phải trả lại tài sản cho bên có nghĩa vụ đúng với tình trạng ban đầu. Nếu đối tượng là vật cùng loại thì có thể thay thế để trả bằng số lượng vật cùng loại với chất lượng tương đương với vật cầm giữ ban đầu.
– Không được chuyển giao, sử dụng tài sản cầm giữ nếu không có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ:
Trong quan hệ này, bên cầm giữ tài sản chỉ có quyền chiếm hữu đối với tài sản cầm giữ. Việc đưa tài sản vào hoạt động mua bán, trao đổi, tặng cho là chủ thể đang thực hiện quyền định đoạt tài sản. Mà pháp luật quy định, quyền định đoạt tài sản là quyền của chủ sở hữu, người được chủ sở hữu ủy quyền, hoặc theo quy định của pháp luật. Trong quan hệ cầm giữ, tài sản cầm giữ chỉ được dịch chuyển từ bên có nghĩa vụ sang bên có cầm giữ (bên có quyền) chiếm hữu mà không có thêm bất kì quyền năng nào khác đi kèm. Việc chuyển giao này không làm phát sinh quyền sở hữu cho bên cầm giữ đối với tài sản cầm giữ. Do đó, trong thời gian cầm giữ, nếu bên cầm giữ chuyển giao, sử dụng tài sản cầm giữ mà không có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ thì sẽ bị coi là hành vi bất hợp pháp.
Với loại quan hệ cầm giữ tài sản này, bên có nghĩa vụ giao tài sản cho bên có quyền cầm giữ nhằm mục đích bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình. Do đó, bên cầm giữ tài sản có nghĩa vụ phải giao lại tài sản cho bên có nghĩa vụ sau khi họ đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình.
– Bồi thường thiệt hại nếu làm mất hoặc hư hỏng tài sản cầm giữ:
Bất cứ người nào cầm giữ tài sản cũng phải có nghĩa vụ bảo quản, giữ gìn tài sản. Do đó, nếu tài sản cầm giữ bị hư hỏng hoặc giảm sút giá trị dữ dụng do vi phạm về quy định bảo quản của bên cầm giữ thì họ phải tự mình sửa chữa tài sản hoặc bồi thường thiệt hại cho bên có nghĩa vụ. Nghĩa vụ này là một dạng trách nhiệm bồi thường thiệt hại, vì vậy việc yêu cầu bồi thường thiệt hại của bên cầm giữ được áp dụng theo nguyên tắc chung được quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015 về trách nhiệm dân sự. Nghĩa vụ của bên cầm giữ thể hiện dưới dạng hành vi phải thực hiện và hành vi không được phép thực hiện. Bất cứ sự vi phạm nào của bên cầm giữ liên quan đến tài sản sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự trước bên có nghĩa vụ tùy theo mức độ vi phạm.
2.2. Quyền của bên cầm giữ
Việc chuyển giao tài sản cầm giữ từ bên có nghĩa vụ cho bên có quyền, quan hệ vật quyền của bên có nghĩa vụ tạm thời không thực hiện được. Bên có nghĩa vụ từ thế chủ động trong việc thực hiện đối với vật trở thành chủ thể trái quyền trong quan hệ cầm giữ tài sản. Do đó, Điều 348 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về quyền của bên cầm giữ đều xác định bắt đầu bằng thuật ngữ “yêu cầu”, bên có nghĩa vụ là người phải thực hiện yêu cầu đó Điều 348 Bộ luật dân sự năm 2015 thì bên cầm giữ tài sản có các quyền:
– Yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng song vụ:
Cầm giữ tài sản là một cách thức gây áp lực buộc bên vi phạm nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ của mình đối với bên cầm giữ (bên có quyền). Yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng song vụ là một quyền không phải là đặc trưng của bên cầm giữ. Bởi ngay cả khi không phát sinh cầm giữ, khi có sự vi phạm nghĩa vụ xảy ra thì bên có quyền cũng có quyền yêu cầu bên vi phạm thực hiện nghĩa vụ của mình.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 350 Bộ luật dân sự năm 2015, bên có quyền được chiếm giữ tài sản cho đến khi bên có nghĩa vụ hoàn thành nghĩa vụ. Như vậy, cho dù nghĩa vụ đã được thực hiện một phần thì bên có quyền vẫn được tiếp tục cầm giữ tài sản.
– Yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thanh toán chi phí cần thiết cho việc bảo quản, giữ gìn tài sản cầm giữ:
Trước khi chuyển giao cho bên có quyền chiếm giữ và sau khi biện pháp cầm giữ chấm dứt, bên có nghĩa vụ là người được hưởng những lợi ích từ tài sản mà mình chiếm hữu và phải bỏ ra chi phí để bảo quản, giữ gìn tài sản trong quá trình sử dụng tài sản. Nhưng trong thời gian tài sản do bên cầm giữ chiếm hữu thì họ phải bỏ ra chi phí để bảo quản tài sản”.
Thực chất, họ đã thực hiện việc bảo dưỡng, duy trì tài sản thay cho bên có nghĩa vụ. Do đó, dù tài sản do bên có quyền giữ thì bên có nghĩa vụ vẫn phải thanh toán chi phí cần thiết cho việc bảo quản, giữ gìn tài sản này. Đương nhiên, việc thanh toán này chỉ được áp dụng khi các bên không có thỏa thuận nào khác.
– Được khai thác tài sản cầm giữ để thu hoa lợi, lợi tức nếu được bên có nghĩa vụ đồng ý:
Giá trị của việc khai thác tài sản cầm giữ được bù trừ vào giá trị nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ. Bên cầm giữ tài sản không phải là chủ sở hữu của tài sản. Ngoài quyền chiếm hữu thực tế, họ không có quyền năng nào khác nếu không được bên có nghĩa vụ đồng ý. Do đó, khai thác tài sản cầm giữ để thu hoa lợi, lợi tức không phát sinh đương nhiên.
Các bên có thể thỏa thuận khoản hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản cầm giữ được coi là khoản trả trước cho nghĩa vụ mà bên vi phạm nghĩa vụ phải thực hiện trước bên có quyền. Đây là quyền tự định đoạt của các chủ thẻ trong hợp đồng. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán khoản nợ đối với bên cầm giữ và giúp bên cầm giữ bù đắp được các chi phí phát sinh trong quá trình cầm giữ tài sản, nhất là khi tài sản có khối lượng lớn (chẳng hạn cần có kho, bãi chứa hàng) hay trong trường hợp bên có nghĩa vụ cố tình không thực hiện nghĩa vụ khiến thời gian cầm giữ kéo dài
Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về biện pháp cầm giữ tài sản. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.