Phân tích trường hợp thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản

phan-tich-truong-hop-thuc-hien-hop-dong-khi-hoan-canh-thay-doi-co-ban

Trong thực tế nảy sinh nhiều trường hợp mà trong quá trình thực hiện hợp đồng thì xuất hiện hoàn cảnh thay đổi cơ bản, dẫn đến quyền lợi của một bên bị thiệt hại nặng nề, thậm chí không thể tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Do đó, Bộ luật dân sự 2015 đã dành một điều luật để quy định về việc thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Đây là một quy định mới được bổ sung ở BLDS 2015. Việc bổ sung quy định về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi là để bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên trong hợp đồng và phù hợp với thông lệ quốc tế. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích trường hợp thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật dân sự năm 2015.

1. Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản là gì?

Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản có thể được hiểu là trong trường hợp xuất hiện những sự kiện khách quan không lường trước được dẫn đến khó khăn đặc biệt trong việc thực hiện hợp đồng hoặc làm cho việc thực hiện hợp đồng ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của một bên, các bên được quyền đàm phán để sửa lại nội dung hợp đồng đã giao kết.

Khác với sự kiện bất khả kháng làm cho nghĩa vụ của một bên trong hợp đồng không thể thực hiện được, trong trường hợp này hợp đồng vẫn có thể thực hiện, tuy nhiên để bảo đảm cân bằng lợi ích của các bên trong hợp đồng và giữ ổn định quan hệ hợp đồng giữa các bên, các bên có thể điều chỉnh nội dung điều khoản trong hợp đồng cho phù hợp với hoàn cảnh sau khi có thay đổi cơ bản.

2. Sự cần thiết phải điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản?

– Thứ nhất, điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản là nhằm bảo đảm công bằng giữa các bên. Cho dù điều khoản về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản được quy định dưới hình thức nào trong pháp luật quốc gia cũng như ở cấp độ quốc tế, nội dung căn bản và thiết yếu nhất của điều khoản này là nhằm tránh việc thực hiện hợp đồng dẫn đến bát công bằng. Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản ngoài dự kiến và ngoài tầm kiểm soát của các bên, sự cân bằng giữa quyền và lợi ích mà các bên đã thiết lập có thể bị ảnh hưởng, khiến cho một bên bị đặt vào vị thế bất lợi hơn rất nhiều so với khi hợp đồng được giao kết. Khi đó, việc tiếp tục thực hiện đúng nội dung như đã thỏa thuận sẽ là không công bằng đối với bên chịu thiệt hại.

– Thứ hai, điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản đảm bảo duy trì hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng được điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh mới để không bị chấm dứt, bởi lẽ hoàn cảnh thay đổi có thể tác động mạnh đến sự cân bằng lợi ích trong quan hệ hợp đồng, khiến việc tiếp tục thực hiện theo hợp đồng bỗng dưng trở thành bất lợi lớn mà bên bị thiệt hại không đáng phải chịu. Điều này không chỉ bất hợp lý, không công bằng mà còn trái với mục đích ban đầu của các bên. Do đó, điều chỉnh hợp đồng được coi là giải pháp để các bên thiết lập lại nội dung của hợp đồng sao cho phù hợp với hoàn cảnh mới, từ đó hợp đồng vẫn có thể tiếp tục được thực hiện.

– Ngoài ra, việc điều chỉnh lại hợp đồng còn là cách thức tiết kiệm thời gian và công sức hơn so với việc giao kết hợp đồng mới trong trường hợp các bên không cần thiết phải có sự điều chỉnh đáng kể về bản chất của hợp đồng.

3. Các điều kiện để điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản

Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về điều kiện dẫn đến hoàn cảnh thay đổi cơ bản:

Điều 420. Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản

1. Hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;

b) Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;

c) Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;

d) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;

đ) Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.”

Để đảm bảo tính pháp lý, tránh việc các chủ thể lạm dụng hoàn cảnh khách quan để trục lợi cho mình mà gây bất lợi cho bên còn lại, pháp luật đã quy định hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi đáp ứng đủ 05 điều kiện sau:

– Một là, sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng. Sự thay đổi xảy ra phải do yếu tố khách quan như: thiên tai, bão lũ, đình công,…mà không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các chủ thể trong hợp đồng. Bên cạnh đó, sự thay đổi đó phải diễn ra sau khi các bên giao kết hợp đồng, tức đang trong giai đoạn thực hiện hợp đồng, vì nếu diễn ra trước hoặc tại thời điểm giao kết hợp đồng, thì các bên phải nhận thức được điều đó để thỏa thuận nội dung hợp đồng cho phù hợp, hoặc không xác lập hợp đồng để bảo vệ lợi ích cho nhau.

– Hai là, tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh. Quy định này rất quan trọng, bởi sự kiện khách quan xảy ra cũng có thể dự báo trước, như dự báo về việc sẽ xảy ra bão lũ, sạt lở đất,…

Vậy nên để đảm bảo tính khách quan, và chắc chắn rằng không có sự can thiệp ý chí của các bên vào sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh, thì sự thay đổi đó phải đảm bảo các bên không thể lường trước được sẽ xảy ra. Nếu tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên đã lường trước được sự thay đổi đó sẽ xảy ra trong tương lai mà vẫn thỏa thuận giao kết những nội dung như lúc không có sự thay đổi về hoàn cảnh, thì các bên không được hưởng những lợi ích chính đáng như chấm dứt hoặc thay đổi nội dung của hợp đồng. Vì quy định là nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của các bên trong trường hợp xảy ra sự kiện bất ngờ có khả năng gây thiệt hại cho các bên.

– Ba là, hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác. Quy định này hướng đến xác định mức độ ảnh hưởng của sự thay đổi hoàn cảnh thực hiện hợp đồng đối với các bên trong hợp đồng. Theo đó, hoàn cảnh thay đổi phải có sự tác động mạnh mẽ đến mức làm cho những nội dung bên đã thỏa thuận trong hợp đồng không thể thực hiện được, hoặc nếu thay đổi thì nội dung hoàn toàn khác với nội dung cũ. Quy định chặt chẽ về mức độ thay đổi hoàn cảnh tránh việc các bên lợi dụng để chấm dứt, thay đổi nội dung của hợp đồng.

– Bốn là, việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên. Quy định dựa trên cơ sở mức độ ảnh hưởng của hợp đồng, nếu các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng thì sẽ dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho một bên. Bởi khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản các bên quyền thay đổi nội dung hợp đồng, hoặc chấm dứt hợp đồng. Điều đó có nghĩa pháp luật đã lường trước được nếu các bên tiếp tục duy trì hợp đồng mà không thay đổi nội dung, thì không những không đạt được lợi ích gì từ hợp đồng mà còn thiệt hại nặng nề.

– Năm là, bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích. Bên có lợi ích bị thiệt hại phải chủ động ngăn chặn thiệt hại xảy ra, đây là nghĩa vụ của họ khi bị ảnh hưởng bởi sự tác động của thay đổi hoàn cảnh. Quy định này cũng một phần chứng minh mức độ ảnh hưởng của sự thay đổi đó.

Bên bị thiệt hại là bên có quyền yêu cầu chấm dứt, thay đổi hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản, nên họ cũng có nghĩa vụ chứng minh sức ảnh hưởng sự thay đổi đó. Vậy nên, việc áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn thiệt hại không chỉ là nghĩa vụ của bên bị thiệt hại, mà còn là căn cứ để chứng minh sự kiện xảy ra có phải là hoàn cảnh thay đổi cơ bản hay không.

4. Chủ thể điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản

Theo Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, chủ thể tiến hành điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản là các bên tham gia giao kết hợp đồng hoặc Tòa án.

Theo đó, các bên thỏa thuận không thành công về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý thì một trong các bên có quyền yêu cầu Tòa án:

– Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định, việc xác định thời điểm chấm dứt hợp đồng có ý nghĩa trong việc xác định ràng buộc pháp lý của các bên về quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng. Tuy nhiên, BLDS vẫn chưa quy định cụ thể về việc xác định thời điểm chấm dứt hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản sẽ được xác định theo ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực hay xác định theo một thời điểm mà tòa án ấn định trong bản án, quyết định của tòa án. Do đó, để thực thi BLDS thống nhất trên thực tế thì cần có quy định hướng dẫn về vấn đề này.

– Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Hợp đồng là sự thỏa thuận và thống nhất ý chí của các bên tham gia giao kết, ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên, do đó chỉ các bên tham gia hợp đồng mới là chủ thể có quyền được sửa đổi, hủy bỏ, chấm dứt sự tồn tại của hợp đồng.

Đây là lần đầu tiên Bộ luật dân sự năm 2015 trao thẩm quyền cho một chủ thể thứ ba không phải là các bên trong quan hệ hợp đồng chính là Tòa án được phép sửa đổi hợp đồng. Theo đó, Tòa án được quyền sửa đổi hợp đồng để cân bằng lợi ích hợp pháp của các bên do tác động của hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về trường hợp thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon