Thực tiễn và vướng mắc trong áp dụng tương tự pháp luật dân sự

thuc-tien-va-vuong-mac-trong-ap-dung-tuong-tu-phap-luat-dan-su

Quan hệ dân sự vốn là quan hệ phức tạp, sự phát sinh, thay đổi của nó trong xã hội luôn không ngừng. Quy phạm pháp luật được xây dựng để điều chỉnh thường bị chậm so với tốc độ biến thiên của các quan hệ xã hội. Thêm vào đó, tính dự liệu pháp luật của chúng ta chưa thực sự cao nên đòi hỏi cần phải có các phương án kịp thời khắc phục, xử lý các tranh chấp của đời sống xã hội. Có như vậy, nhà nước mới có thể kiểm soát, quản lý các quan hệ trong xã hội, đồng thời xây dựng, định hướng các quan hệ này phát sinh, thay đổi, chấm dứt theo ý chí của nhà nước.

1. Thực tiễn áp dụng tương tự pháp luật dân sự

Hầu hết các quan hệ dân sự đều được các nhà soạn luật dự liệu điều chỉnh bằng quy định của pháp luật. Song, có nhiều loại quan hệ mang tính chất đặc thù, lại gắn kết với các yếu tố về tư tưởng tôn giáo, văn hoá truyền thống chưa thể xây dựng, pháp điển hoá thành luật. Do đó, định hướng và cho phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng đa dạng các loại nguồn của luật dân sự trong đó có áp dụng quy định của pháp luật để giải quyết quan hệ dân sự tương tự là việc làm phù hợp và cần thiết. Ví dụ: Vận dụng tinh thần và các nguyên tắc cơ bản của BLDS năm 2015 hay quy định của những ngành luật khác hoặc các văn bản dưới luật có quy định để giải quyết các tranh chấp về mồ mả, tranh chấp về sở hữu nhà từ đường, nhà thờ của dòng họ, các thánh thất tôn giáo; các tranh chấp quyền sử dụng đất đai là ruộng họ (ruộng hương hoả, bao gồm cả hương hỏa tổ truyền và hương hỏa sơ lập)…

Mặc dù nguyên tắc chung luật đã cho phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, các hoạt động nghiệp vụ cụ thể hoá cho việc triển khai áp dụng tương tự pháp luật trên thực tế là chưa có. Hầu hết các trường hợp phát sinh áp dụng tương tự pháp luật, các thẩm phán được giao nhiệm vụ xét xử đều phải xin chỉ đạo từ cấp trên hoặc lúng túng trong việc chủ động lựa chọn quy phạm tương tự để xét xử. Điều này dễ dẫn tới sự bị động trong xét xử và kéo dài thời gian của vụ án. Chúng tôi xin đơn cử trường hợp diễn ra tại tỉnh Quảng Bình năm 2001, bốn phiên toà xét xử những vẫn chưa đi tới hồi kết xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về ai[1]. Nội dung vụ án là: Anh Thực bắt được một con còn ngoài đồng. Trong lúc chơi đùa đã để con cò mổ vào mắt cháu Dũng con chị Lan, chị Lan yêu cầu anh Thực bồi thường thiệt hại nhưng khi xác định nguồn gốc sở hữu, chị Hiền là chủ sở hữu của con cò. Đây là vụ án diễn ra khi BLDS năm 2015 chưa được ban hành. Sự thiếu sót của BLDS năm 2005 là không quy định trong phần chung trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây thiệt hại. BLDS năm 2015 đã điều chỉnh và bổ sung thêm quy định này tại khoản 3 Điều 584. Theo đó: “Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại”. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, kể cả BLDS năm 2015 có ghi nhận điều khoản mới này là nguyên tắc để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng chưa đủ thuyết phục, chưa đủ chỉ dẫn để có thể giải quyết tình huống nêu trên. Tương tự với các loại tài sản khác (ngoài nguồn nguy hiểm cao độ, súc vật, nhà cửa, công trình xây dựng, cây cối đổ gẫy) gây thiệt hại cũng chưa có quy định chung chi tiết xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các trường hợp cụ thể. Điều này cũng chỉ phản ánh thực trạng của một trong số rất nhiều quan hệ dân sự trong xã hội. Do đó, chúng tôi kiến nghị, đề xuất cần thiết phải rà soát và xây dựng hành lang pháp lý mang tính nguyên tắc cho việc áp dụng từng loại nguồn khi giải quyết tranh chấp, đặc biệt đối với việc áp dụng tương tự pháp luật. Nguyên tắc trích dẫn luật, quy định, nguyên tắc như thế nào; mô phỏng tình huống tương tự ra sao; mức độ của việc áp dụng là gì… Đó là các nội dung cần phải đề cập trong văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý chuẩn cũng như kịp thời cho cơ quan xét xử khi giải quyết tranh chấp. 

2. Áp dụng án lệ hay áp dụng tương tự pháp luật?

Bên cạnh vấn đề pháp lý nêu trên, chúng tôi xin đề cập nội dung thứ hai có liên quan đến hoạt động áp dụng tương tự pháp luật và hoạt động áp dụng án lệ trong giải quyết tranh chấp dân sự. Cụ thể như sau: Khoản 2 Điều 6 BLDS năm 2015 quy định: “Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng”. Điều 1 Nghị quyết số 04/2019/NQ – HĐTPTANDTC quy định về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ có đề cập “Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”. Đồng thời, Khoản 2 Điều 8 Nghị quyết này có quy định việc áp dụng án lệ trong xét xử như sau: “Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án”. Với quy định này, áp dụng án lệ để giải quyết các tình huống pháp lý tương tự là việc làm được phép của cơ quan xét xử. Đặt trong sự so sánh việc áp dụng tương tự pháp luật, cả hai trường hợp này đều có những điểm tương đồng nhất định. Mặc dù, theo thứ tự ưu tiên để áp dụng các loại nguồn của luật dân sự khi giải quyết tranh chấp, án lệ xếp sau tương tự pháp luật. Vấn đề pháp lý đặt ra ở đây là, khi có tình huống tương tự như nội dung của án lệ, Thẩm phán, Hội thẩm sẽ xét xử và ra phán quyết tương tự như án lệ. Xét về mặt lý luận, hoạt động này được coi là áp dụng tương tự pháp luật hay áp dụng tương tự án lệ? Và có nên ghi nhận nguyên tắc áp dụng án lệ trong BLDS để định hướng việc áp dụng tương tự án lệ giống như áp dụng pháp luật để giải quyết quan hệ tương tự hay không?

3. Nội dung của án lệ và tình huống tương tự, đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật

Nội dung án lệ số 04/2016:

“Về hợp đồng mua bán nhà, đất ngày 26-4-1996: Việc chuyển nhượng nhà, đất diễn ra từ năm 1996, sau khi mua nhà, đất, ông Tiến, bà Tý đã trả đủ tiền, nhận nhà đất, tôn nền đất, sửa lại nhà và cho các cháu đến ở. Trong khi đó gia đình ông Ngự, bà Phấn vẫn ở trên diện tích đất còn lại, liền kề với nhà ông Tiến, bà Tý. Theo lời khai của các người con ông Ngự, bà Phấn thì sau khi bán nhà, đất cho vợ chồng bà Tý, ông Ngự, bà Phấn đã phân chia vàng cho các người con. Mặt khác, sau khi chuyển nhượng và giao nhà đất cho ông Tiến, bà Tý thì ngày 26-4-1996, ông Ngự còn viết “giấy cam kết” có nội dung mượn lại phần nhà đất đã sang nhượng để ở khi xây dựng lại nhà trên phần đất còn lại và trong thực tế vợ chồng bà Phấn, ông Ngự đã sử dụng phần nhà đất của bà Tý, ông Tiến khi xây dựng nhà. Như vậy, có cơ sở xác định bà Phấn biết có việc chuyển nhượng nhà, đất giữa ông Ngự với vợ chồng ông Tiến và bà Tý, bà Phấn đã đồng ý, cùng thực hiện nên việc bà Phấn khiếu nại cho rằng ông Ngự chuyển nhượng nhà đất cho vợ chồng bà Tý bà không biết là không có căn cứ.” Theo nội dung án lệ này, quyền của bên nhận chuyển nhượng tài sản là quyền sử dụng đất được ghi nhận dựa trên việc chứng minh ý chí đích thực của các bên, đặc biệt bên chuyển nhượng đã rõ ràng. Bên chuyển nhượng biết và nhận số vàng, có xác nhận… điều này chứng tỏ bên chuyển nhượng biết nhưng không phản đối việc chuyển nhượng.

Tương tự vụ án này, chúng tôi đặt ra trường hợp tương tự, A và B là vợ chồng, tài sản hai người có là quyền sử dụng đất, A đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi kí hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất để vay ngân hàng X chỉ A đứng ra hoàn tất hợp đồng theo quy định. Hết thời hạn vay, A không trả được tiền cho Ngân hàng nên Ngân hàng phát mại tài sản quyền sử dụng đất cua A, B. Lúc này, B khởi kiện yêu cầu Toà án tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu do người xác lập hợp đồng không có năng lực pháp luật. Giả sử, Ngân hàng chứng minh được B (vợ) biết rõ về việc hai bên kí hợp đồng thế chấp tài sản nhưng không phản đối thì theo nội dung án lệ số 04/2016 nói trên, hợp đồng thế chấp giữa A với ngân hàng phải được công nhận hiệu lực.

Như vậy, mục đích của việc áp dụng án lệ để giải quyết các tình huống tương tự cũng là việc tăng khả năng lấp đầy lỗ hổng mà pháp luật chưa dự liệu được hết khi điều chỉnh các quan hệ xã hội. Điều này giống với tinh thần của việc áp dụng quy định của pháp luật để điều chỉnh các quan hệ dân sự tương tự. Nhưng đối chiếu quy định hiện hành đang tạo ra một số bất cập về nhận thức cũng như áp dụng như sau:

Một là, thự tự áp dụng của tương tự pháp luật dân sự và án lệ đang khác nhau.

Dựa theo quy định tại Điều 4, 5, 6 BLDS năm 2015 cho thấy, các loại nguồn của luật dân sự được sử dụng để giải quyết tranh chấp tương đối rõ ràng. Đặc biệt, việc áp dụng quy định của pháp luật để điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự[2] được sắp xếp sử dụng trước. Sau đó, trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng. Điều này chứng tỏ, việc áp dụng án lệ hay tương tự pháp luật dân sự là hai hoạt động khác nhau. Việc áp dụng tương tự được luật định về nguyên tắc, điều kiện áp dụng còn việc áp dụng án lệ cũng đã được ghi nhận trong Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP.

Hai là, việc hiểu về án lệ cũng như áp dụng án lệ đang khá độc lập so với việc áp dụng quy định của pháp luật để giải quyết quan hệ tương tự.

Về nội dung này, nhiều quan điểm cho rằng án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Do đó, nội dung của án lệ chính là quan điểm xét xử của Hội đồng thẩm phán giải quyết vụ án vì chưa có luật điều chỉnh trực tiếp, không có thoả thuận, không có tập quán được áp dụng, không có nguyên tắc điều chỉnh quan hệ đó. Chính vì vậy, án lệ giống như khuân mẫu để Toà án các địa phương áp dụng giải quyết tranh chấp tương tự.

Từ thời điểm Việt Nam ghi nhận việc áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử[3] đến nay, hoạt động áp dụng án lệ để giải quyết tình huống tương tự khá phổ biến và mang tính độc lập cao của Hội đồng xét xử. Điều này cũng xuất phát từ việc Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP thay thế Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP đã ghi nhận nguyên tắc áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử. Cụ thể, văn bản này quy định khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Do đó, các phán quyết của Thẩm phán dựa trên việc áp dụng án lệ là có căn cứ.

Tất cả những vấn đề trên đang tạo ra bất cập, việc áp dụng án lệ để giải quyết tình huống tương tự có phải là áp dụng tương tự pháp luật hay không? Nếu không thì cần thiết phải ghi nhận nguyên tắc áp dụng tương tự án lệ. Nếu có phải ghi nhận việc áp dụng tương tự án lệ trong nguyên tắc chung của BLDS. Điều này tạo ra “danh chính” cho việc áp dụng án lệ để giải quyết các tình huống tương tự. Đồng thời, cũng là việc mở rộng trường hợp áp dụng pháp luật để điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.

Tóm lại, bên cạnh nhiều ý nghĩa của việc ghi nhận hoạt động áp dụng tương tự pháp luật dân sự trong giải quyết tranh chấp, việc xác định nguyên nhân, điều kiện, hậu quả của việc áp dụng này, chúng tôi nhận thấy vẫn còn tồn tại một vài thực trạng cần thiết phải đề cập để kịp thời đưa ra hướng hoàn thiện. Trong nội dung bài viết này, chúng tôi đã chỉ ra một vài vướng mắc pháp lý, đồng thời đưa ra đề xuất nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về hoạt động áp dụng tương tự pháp luật dân sự./.

 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Án lệ số 04 năm 2016.
  2. Bộ luật Dân sự năm 2005.
  3. Bộ luật Dân sự năm 2015.
  4. Bốn phiên toà xử chưa xong vụ “cò mổ mắt”,
  5. Hiến pháp năm 2013.
  6. Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành.

[1] Bốn phiên toà xử chưa xong vụ “cò mổ mắt” Nguồn: Vnexpress.

[2] Khoản 1 Điều 6 BLDS năm 2015.

[3] Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon