Tội cưỡng đoạt tài sản, Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015

toi-cuong-doat-tai-san

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển, tăng trưởng của kinh tế, xã hội, chính trị của đất nước thì mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng đã có những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội như tình trạng vi phạm pháp luật, tội phạm gia tăng, trong đó có các tội xâm phạm sở hữu. Các tội xâm phạm quyền sở hữu, trong đó có tội cưỡng đoạt tài sản được coi là một trong những tội có tính nguy hiểm cao cho xã hội, vừa xâm phạm quyền sở hữu vừa xâm phạm quyền được tôn trọng bảo vệ về tính mạng sức khỏe của con người. Hành vi phạm tội được thực hiện công khai, thể hiện ý thức coi thường pháp luật, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích về tội cưỡng đoạt tài sản.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

1. Cấu thành tội phạm

* Mặt khách thể của tội phạm:

Khách thể của tội cưỡng đoạt tài sản là quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân mà cụ thể hơn đó là quyền sở hữu về tài sản và quyền được tôn trọng và bảo vệ về tính mạng sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người.

Đối tượng tác động của tội cưỡng đoạt tài sản là tài sản, trừ những loại tài sản có tính chất và công dụng đặc biệt đã được quy định là đối tượng tác động của các tội phạm khác như ma túy, vũ khí quân dụng,…

* Mặt khách quan của tội phạm:

– Hành vi khách quan:

Khoản 1 Điều 170 BLHS năm 2015 quy định: Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Như vậy, tội cưỡng đoạt tài sản được thể hiện được thể hiện ở hai dạng cụ thể: một là đe dọa sẽ dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản; hai là thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.

+ Hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi dọa sẽ sử dụng sức mạnh vật chất (hay sẽ thực hiện hành động) gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản nếu không thỏa mãn yêu cầu chiếm đoạt tài sản của người phạm tội. Hành vi đe dọa có thể được biểu hiện bằng lời nói, cử chỉ, hành động…

Về tính chất của hành vi đe dọa, khác với dạng hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc của tội cướp tài sản, ở tội cưỡng đoạt tài sản hành vi đe dọa không có yếu tố “ngay tức khắc”, nói cách khác giữa hành vi đe dọa và hành vi dùng vũ lực có một khoảng cách nhất định, bản thân hành vi đe dọa cũng không thể hiện sự mãnh liệt, cũng không làm tê liệt khả năng chống cự mà chỉ khống chế ý chí của bị hại.

+ Thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần nhằm chiếm đoạt tài sản được hiểu là dùng các thủ đoạn gây áp lực rất lớn về tinh thần, khống chế ý chí của người bị hại để buộc họ phải giao tài sản. Các thủ đoạn thường sử dụng là đe dọa hủy hoại tài sản riêng của nạn nhân, dọa tố giác hành vi phạm pháp hoặc hành vi vi phạm đạo đức, dọa loan những tin thuộc về đời tư (mà người bị đe dọa muốn giữ kín),… Thủ đoạn đe dọa được thực hiện bằng mọi hình thức: dọa sẽ nói, gọi điện phát tờ rơi, nhắn tin, đăng báo, đăng bài viết lên mạng xã hội,… tác động đến đối tượng bị đe dọa với mục đích gây áp lực rất lớn về tinh thần cho người bị đe dọa, buộc họ phải giao tài sản cho người phạm tội.

– Hậu quả:

Tội cưỡng đoạt tài sản là tội có cấu thành hình thức. Tội phạm hoàn thành khi hành vi khách quan trên được thực hiện mà không phụ thuộc vào việc hậu quả của tội phạm đã xảy ra hay chưa. Hậu quả trong Tội cưỡng đoạt tài sản không phải là yếu tố bắt buộc để định tội, mà chỉ có ý nghĩa trong việc xem xét trách nhiệm hình sự trong các khung tăng nặng và quyết định hình phạt.

* Mặt chủ thể của tội phạm:

Người phạm tội cưỡng đoạt tài sản là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định.

Đối chiếu Điều 12 BLHS năm 2015 thì người từ đủ 16 tuổi trở lên khi thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự theo tất cả các khoản quy định tại Điều 170 BLHS năm 2015. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 170 BLHS.

* Mặt chủ quan của tội phạm:

Tội cưỡng đoạt tài sản được thực hiện bởi lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội nhận thức rõ hành vi đe dọa hoặc hành vi uy hiếp tinh thần của mình nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng vẫn thực hiện hành vi chiếm đoạt một cách bất hợp pháp và mong muốn thực hiện bằng được các hành vi đó.

Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc trong mặt chủ quan của Tội cưỡng đoạt tài sản. Động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội cưỡng đoạt tài sản.

2. Hình phạt của tội cưỡng đoạt tài sản

– Khung hình phạt quy định tại Khoản 1 Điều 170 BLHS năm 2015:

Khoản 1 điều 170 BLHS năm 2015 quy định: Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Đây là trường hợp phạm tội thuộc cấu thành cơ bản, thuộc loại tội nghiêm trọng và được áp dụng khi người thực hiện hành vi cưỡng đoạt không thuộc các trường hợp được quy định tại các khoản 2, 3, 4 điều 170 BLHS.

– Khung hình phạt quy định tại Khoản 2 Điều 170 BLHS năm 2015:

Khoản 2 Điều 170 BLHS có khung hình là phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Đây là khung hình phạt tăng nặng đối với người phạm tội cưỡng đoạt tài sản thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Phạm tội có tổ chức: Điều 17 BLHS năm 2015 quy định Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Phạm tội có tổ chức là một hình thức cao của đồng phạm, có sự bàn bạc, cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

+ Có tính chất chuyên nghiệp: người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội cưỡng đoạt tài sản nhiều lần (05 lần trở lên) và lấy việc phạm tội đó làm phương tiện kiếm sống thường xuyên.

+ Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người giả yếu hoặc người không có khả năng tự vệ:

Việc quy định tình tiết này là tình tiết định khung tăng nặng của Tội cưỡng đoạt tài sản cho thấy sự thay đổi về chính sách hình sự của nước ta nhằm bảo vệ tốt hơn những đối tượng yếu thể trong xã hội, ít có khả năng tự bảo vệ, cần được pháp luật hình sự bảo vệ và để răn đe cũng như xử lý nghiêm khắc những đối tượng phạm tội nhằm vào người bị xâm phạm là những người yếu thế như trẻ em, phụ nữ có thai, người già yếu.

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội: là hành vi của một cá nhân, pháp nhân làm phá vỡ trật tự, kỷ cương của xã hội một cách nghiêm trọng khiến cho một bộ phận không nhỏ người dân mất niềm tin, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, phá vỡ quy tắc xử sự chung do nhà nước ban hành, xâm phạm những giá trị xã hội, chuẩn mực đạo đức được mọi người tôn trong thừa nhận, tuân thủ.

+ Tái phạm nguy hiểm;

Trường hợp đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm Tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 170 BLHS thì đều là phạm tội trong trường hợp tái phạm nguy hiểm. Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt, Tòa án không được áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “tái phạm nguy hiểm” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS.

Do Tội cưỡng đoạt tài sản là tội phạm do lỗi cố ý trực tiếp nên đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm Tội cưỡng đoạt tài sản thì bị coi là phạm tội trong trường hợp tái phạm nguy hiểm. Khi xét xử, Tòa án áp dụng điểm c khoản 2 Điều 170 BLHS đối với bị cáo (nếu không có tình tiết nào quy định tại khoản 3 và 4 Điều 170 BLHS).

– Khung hình phạt quy định tại Khoản 3 Điều 170 BLHS năm 2015:

Khoản 3 Điều 170 BLHS có khung hình là phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Đây là khung hình phạt tăng nặng đối với người phạm tội cưỡng đoạt tài sản thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng: Đây là trường hợp tài sản bị cưỡng đoạt hoặc mục đích thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng

+ Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh: Thiên tai là những tai hoạ do thiên nhiên gây ra, thiên tai bao giờ cũng gây ra nhưng khó khăn cho xã hội. Những khó khăn này phải đáng kể nếu không nói là đặc biệt, như bị bão lụt, bị động đất. Dịch bệnh là một bệnh truyền nhiễm tràn lan, làm cho nhiều người, nhiều gia súc mắc phải, trong đó có thể có những bệnh nguy hiểm như HIV, dịch hạch, dịch tả nhưng cũng có những bệnh không nguy hiểm như dịch cúm, dịch sốt sét… Chỉ áp dụng tình tiết tăng nặng định khung này đối với người phạm tội khi họ có hành vi lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. Nếu người phạm tội trong hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh nhưng họ không lợi dụng những sự kiện này để phạm tội thì không được áp dụng tình tiết định khung tăng nặng này.

– Khung hình phạt quy định tại Khoản 3 Điều 170 BLHS năm 2015:

Khoản 4 Điều 170 BLHS có khung hình là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Đây là khung hình phạt tăng nặng đối với người phạm tội cưỡng đoạt tài sản thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên: Đây là trường hợp tài sản bị cưỡng đoạt hoặc mục đích thực hiện hành vi cuống đoạt tài sản có giá trị có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên.

+ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp:

Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh là việc người phạm tội phải thật sự lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh để thực hiện hành vi phạm tội được thuận lợi hơn khó bị phát hiện hoặc có thể đạt được mục đích lớn hơn, nếu họ phạm tội trong lúc đang có chiến tranh nhưng không có ý thức và hành vi lợi dụng hoàn cảnh đó thì không áp dụng tình tiết tăng nặng định khung này đối với họ.

Tình trạng khẩn cấp là tình trạng gấp gáp, cấp bách của xã hội và của mỗi người, khi ở trong tình trạng đó mọi người đều phải tập trung giải quyết ngay, không thể trì hoãn được nhằm thoát ra khỏi tình trạng đó. Tình trạng khẩn cấp này không phải do thiên tai, địch hoạ hoặc do dịch bệnh gây nên mà do chính con người hoặc do hoàn cảnh xã hội, do cuộc sống gây nên như do bị tai nạn, bị hoả hoạn, bị cấp cứu,… Người phạm tội phải lợi dụng tình trạng khẩn cấp để thực hiện hành vi phạm tội thì mới áp dụng tình tiết này.

– Hình phạt bổ sung:

Đối với Tội cưỡng đoạt tài sản, BLHS quy định cụ thể về hình phạt bổ sung tại khoản 5 Điều 170: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Như vậy, ngoài hình phạt chính là hình phạt tù có thời hạn thì người phạm tội cưỡng đoạt tài sản có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền và tịch thu tài sản.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về tội cưỡng đoạt tài sản. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon