Các hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

cac-hinh-phat-ap-dung-doi-voi-nguoi-duoi-18-tuoi-pham-toi

Xuất phát từ những đặc thù của đặc điểm tâm sinh lý chưa hoàn thiện của người dưới 18 tuổi, nên người dưới 18 tuổi có hành vi phạm tội bị xử lý hình sự theo những quy định riêng tại Phần chung của Bộ luật Hình sự, trong đó có quy định về các hình phạt. Có thể nói hệ thống hình phạt được quy định áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội đã thể hiện rõ xu hướng phát triển của chính sách hình sự nước ta, nhằm mục đích giáo dục, giúp người chưa thành niên nhận thức rõ được sai lầm của mình, từ đó cải tạo họ trở thành công dân có ích cho xã hội. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích về các hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

1. Hình phạt cảnh cáo

– Cảnh cáo là sự khiển trách công khai của nhà nước đối với người phạm tội, đây là hình phạt ít nghiêm trọng nhất trong tất cả các loại hình phạt áp dụng đối với người phạm tội dưới 18 tuổi.

– Hình phạt cảnh cáo được áp dụng với người dưới 18 tuổi như những trường hợp thông thường và phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 34 BLHS năm 2015, cụ thể:

+ Người đó phạm tội ít nghiêm trọng. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với người phạm tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, vì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu TNHS về mọi tội phạm, còn người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong sổ 28 điều được quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015 nên không thể áp dụng hình phạt cảnh cáo.

+ Người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 51 BLHS, nhưng chưa đến mức được miễn hình phạt.

– Hình phạt cảnh cáo được Tòa án tuyên một cách công khai khi tuyên án tại phòng xét xử. Khi Hội đồng xét xử tuyên phạt công khai tại phiên tòa thì tại thời điểm đó người dưới 18 tuổi bị kết án đã chấp hành xong hình phạt. Đối với hình phạt cảnh cáo, thì trường hợp người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng sẽ được xóa án tích nếu kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính mà không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn 06 tháng.

2. Hình phạt tiền

BLHS hiện hành quy định về hình phạt tiền áp dụng đối với người dưới 18 tuổi như sau:

Điều 99. Phạt tiền

“Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng.

Mức tiền phạt đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai mức tiền phạt mà điều luật quy định.”

– Hình phạt tiền chỉ được áp dụng là hình phạt chính đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng người phạm tội rất nghiêm trọng trong xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính và một số tội phạm khác do BLHS quy định.

– Hình phạt tiền chỉ áp dụng là hình phạt chính đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội nếu người đó có thu nhập hoặc tài sản riêng vì người từ đủ 16 tuổi đã được pháp luật cho phép tham gia vào một số quan hệ xã hội độc lập nên họ có thể lao động, có nghề nghiệp và thu nhập. Có thu nhập được hiểu là khoản tiền họ kiếm được trên thực tế từ hợp đồng lao động hoặc từ các hoạt động sản xuất kinh doanh do chính họ thực hiện. Tài sản riêng của người dưới 18 tuổi là tài sản họ có được do thừa kế hoặc tặng cho. Hình phạt chỉ được áp dụng đối với cá nhân người phạm tội nên khi áp dụng hình phạt tiền đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì đòi hỏi họ phải có thu nhập hoặc tài sản riêng để đảm bảo cho việc thi hành án.

– Khi quyết định mức phạt tiền cụ thể, Tòa án dựa trên cơ sở tính chất và mức độ nghiêm trọng của tội phạm, tình hình tài chính của người chưa thành niên bị kết án và sự biến động giá cả để quyết định hình phạt tiền nhằm đảm bảo hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự và hoàn cảnh của người dưới 18 tuổi phạm tội để đảm bảo tính khả thi của hình phạt tiền trên thực tế. 

– Theo quy định tại khoản 3 Điều 35 BLHS năm 2015 thì mức phạt tiền được Tòa án quyết định tùy theo tính chất và mức độ nghiêm trọng của tội phạm được thực hiện đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động giá cả, nhưng không thấp hơn 1.000.000 đồng. Bên cạnh đó, Điều 99 BLHS năm 2015 quy định về mức phạt tiền được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là Không quá một phần hai mức phạt tiền mà điều luật quy định”. Như vậy, khi quyết định hình phạt tiền đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì Tòa án quyết định mức phạt tiền không quá một phần hai mức tối đa của hình phạt tiền mà điều luật quy định. Chẳng hạn như người 17 tuổi thực hiện hành vi được quy định tại khoản 1 Điều 188 BLHS năm 2015 về tội buôn lậu với khung hình phạt là “Phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng… thì Tòa án chỉ được quyết định mức phạt tiền tối đa là năm mươi triệu đồng.

3. Hình phạt cải tạo không giam giữ

BLHS hiện hành quy định về hình phạt cải tạo không giam giữ như sau:

Điều 100. Cải tạo không giam giữ

“1. Hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng.

2. Khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, thì không khấu trừ thu nhập của người đó.

Thời hạn cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai thời hạn mà điều luật quy định.”

– Việc quyết định hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định tại Điều 36 và Điều 100 BLHS năm 2015. Theo quy định tại Điều 36 BLHS năm 2015 thì hình phạt cải tạo không giam giữ có thể được Tòa án áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu đáp ứng được các điều kiện sau:

– Tội phạm do người dưới 18 tuổi thực hiện phải là loại tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng. Theo quy định tại Điều 8 BLHS năm 2015 thì tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến 3 năm tù, còn tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất khung hình phạt đối với tôi ấy là đến 7 năm tù. Như vậy, khi đối chiếu với quy định tại Khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015 về tuổi chịu TNHS thì hình phạt cải tạo không giam giữ chỉ áp dụng cho người phạm tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. – Người phạm tội đang có nơi làm việc ổn định hoặc nơi thường trú rõ ràng. Đây là điều kiện để Tòa án có thể cân nhắc việc giao người dưới 18 tuổi bị kết án cho cơ quan, tổ chức người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi họ cư trú, sinh sống nhằm đảm việc theo dõi, giám sát, giáo dục tại cơ sở đối với họ trong thời gian chấp hành hình phạt.

– Tòa án xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội ra khỏi xã hội. Khi xem xét điều kiện này, Tòa án sẽ phân tích, đánh giá một cách toàn diện những tình tiết ảnh hưởng đến tính chất mà mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội của người dưới 18 tuổi, những đặc điểm nhân thân của người dưới 18 tuổi phạm tội có ảnh hưởng đến khả năng tự cải tạo giáo dục của họ. Như vậy, khi người dưới 18 tuổi phạm tội đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên thì Tòa án sẽ xem xét, đánh giá toàn diện để quyết định áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với họ.

– Thời hạn cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai thời hạn mà điều luật quy định và không thấp hơn mức tối thiểu của loại hình phạt này là 6 tháng. Chẳng hạn như người 17 tuổi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản được quy định tại Khoản 1 Điều 173 BLHS có khung hình phạt là “Cải tạo không gian giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Nếu Tòa án quyết định loại hình phạt được áp dụng đối với người 17 tuổi này là hình phạt cải tạo không giam giữ thì mức hình phạt cụ thể mà Tòa án có thể quyết định là từ sáu tháng đến một năm sáu tháng cải tạo không giam giữ. Đồng thời, nếu người phạm tội đã bị tạm giam, tạm giữ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì thời gian tạm giam, tạm giữ được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ theo nguyên tắc một ngày tạm giam, tạm giữ bằng ba ngày cải tạo không giam giữ. Ngoài ra, khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì không khẩu trừ thu nhập của họ. Quy định này xuất phát từ việc người dưới 18 tuổi vẫn còn phụ thuộc vào gia đình, họ chưa tham gia lao động, sản xuất, chưa có công ăn việc làm hoặc nếu có thì thu nhập cũng thấp và không ổn định. 

4. Hình phạt tù có thời hạn

Trong những loại hình phạt có thể áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì hình phạt tù có thời hạn là hình phạt mang tính cưỡng chế cao nhất nên việc quyết định hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được BLHS quy định rất chặt chẽ tại Điều 101 BLHS năm 2015. Mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định như sau:

– Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quả 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.

– Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.

Như vậy, hình phạt tù có thời hạn được coi là hình phạt nghiêm khắc nhất đối với người dưới 18 tuổi phạm tội vì việc áp dụng hình phạt này sẽ tước đi sự tự do của họ trong một khoảng thời gian nhất định, buộc họ phải cách ly khỏi xã hội, phải lao động, học tập trong trại giam, trại cải tạo với chế độ giam giữ, cải tạo rất chặt chẽ. Việc áp dụng hình phạt tù chỉ được thực hiện khi người dưới 18 tuổi phạm tội không đủ điều kiện để áp dụng các hình phạt khác như cảnh cáo, phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ và họ có nhiều tình tiết tăng nặng TNHS, có đặc điểm nhân thân xấu và môi trường sống không thuận lợi cho việc giáo dục, cải tạo nếu để người chưa thành niên ở ngoài xã hội. Vì vậy, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy sự cần thiết phải cách ly họ khỏi xã hội để tạo điều kiện tốt nhất cho việc giáo dục, cải tạo họ.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về các hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon