Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

nguyen-tac-xu-ly-doi-voi-nguoi-duoi-18-tuoi-pham-toi

Hiện nay, tội phạm do người dưới 18 tuổi thực hiện ngày càng gia tăng cả về số lượng, tính chất và mức độ phạm tội. Tuy nhiên, người dưới 18 tuổi là những người có đặc điểm tâm sinh lý chưa ổn định, khi phạm tội những người dưới 18 tuổi vừa là người phạm tội, nhưng đồng thời vừa là nạn nhân của sự thiếu giáo dục, chăm sóc của gia đình, nhà trường và xã hội, hành động của những người dưới 18 tuổi ít nhiều bị chi phối bởi hoàn cảnh khách quan hoặc bị xúi giục, lừa dối… Do đó, việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải đảm bảo cho người dưới 18 tuổi được phát triển lành mạnh để sau khi tái hòa nhập cộng đồng, họ có thể trở thành công dân có ích cho xã hội. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích quy định về nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

1. Căn cứ quyết định hình phạt

Quyết định hình phạt là việc Toà án lựa chọn loại và mức hình phạt áp dụng đối với người bị kết án. Toà án lựa chọn loại hình phạt nào, mức phạt bao nhiêu, phải tuân theo những quy định của BLHS.

Cũng như đối với người phạm tội đã thành niên, khi quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, Toà án cũng phải căn cứ vào quy định của BLHS, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng TNHS (Điều 50 BLHS năm 2015).

2. Các nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

– Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

Nguyên tắc này thể hiện nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa, các biện pháp áp dụng với người dưới 18 tuổi phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục họ thấy được tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, sự nghiêm minh của pháp luật.

Khi người dưới 18 tuổi phạm tội, các cơ quan có thẩm quyền phải xác định chính xác tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Ngoài ra, còn cần làm rõ nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm để từ đó giúp người dưới 18 tuổi nhận thức rõ lỗi của mình và sửa chữa để trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội trong tương lai và giúp cơ quan có thẩm quyền có biện pháp loại bỏ cả nguyên nhân và điều kiện phạm tội từ phía chính bản thân người phạm tội cũng như từ môi trường xã hội, qua đó góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm do người chưa thành niên thực hiện, cũng như có chính sách hình sự áp dụng đối với họ khi xử lý.

– Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 91 BLHS, cụ thể là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này; người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Nguyên tắc này thể hiện sự khoan hổng đặc biệt và chính sách nhân đạo của nhà nước Việt Nam đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, phù hợp với quy định về bảo vệ quyền lợi của người dưới 18 tuổi phạm tội đã được ghi nhận trong các văn bản khác có liên quan. Như vậy, ngoài các trường hợp quy định tại Điều 29 BLHS năm 2015 thì người dưới 18 tuổi phạm tội còn có thể được miễn TNHS nếu có đáp ứng được các điều kiện sau đây:

+ Có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Điều luật không xác định tình tiết giảm nhẹ nào nên về nguyên tắc, họ chỉ cần có ít nhất từ hai tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 51 BLHS.

+ Người dưới 18 tuổi phạm tội đã tự nguyên khắc phục phần lớn hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.

– Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

Như vậy, chỉ trong trường hợp cần thiết thì cơ quan tiến hành tố tụng mới truy cứu TNHS và áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Nếu xét thấy không thật sự cần thiết phải truy cứu TNHS thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp khác nhau như xử lý hành chính, miễn TNHS,…

Khi truy cứu TNHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, những đặc điểm nhân thân và yêu cầu phòng ngừa tội phạm. Đây là những yếu tố xác định tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và khả năng cải tạo, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi. Do đó, khi truy cứu TNHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải cân nhắc đến các yếu tố này nhằm bảo đảm tốt nhất quyển con người của người chưa thành niên, thực hiện triệt để chủ trương hạn chế cưỡng chế hình sự.

– Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.

Việc quy định nguyên tắc này nhằm hạn chế việc áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội bằng việc áp dụng các biện pháp tư pháp để thay thế. Nguyên tắc này cụ thể hóa một trong những nội dung của nguyên tắc thứ ba “Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết”.

Nguyên tắc này yêu cầu Tòa án phải lựa chọn giữa việc áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc áp dụng biện pháp tư pháp đối với họ, trong đó việc áp dụng biện pháp tư pháp để thay thế cho hình phạt được ưu tiên áp đụng. Điều này đã thể hiện rõ hơn chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong đường lối đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Việc áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên chỉ được thực hiện khi thật sự cần thiết và đều nhằm đảm bảo tốt cho sự phát triển toàn diện của người chưa thành niên, cho dù họ là người phạm tội.

Biện pháp tư pháp quy định tại Điều 96 BLHS năm 2015 được áp dụng riêng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội và có tác dụng thay thế hình phạt. Nếu có đủ căn cứ về tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, các đặc điểm về nhân thân cũng như yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm mà không cần phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên thì Tòa án có thể áp dụng các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 96 BLHS. Biện pháp tư pháp được áp dụng là đưa vào trường giáo dưỡng. Ngoài ra, có thể áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục quy định từ Điều 93 đến Điều 95 BLHS năm 2015. Khi truy cứu TNHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, Tòa án có thể chỉ cần áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp giám sát, giáo dục nếu các biện pháp này đáp ứng được các yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

– Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Nguyên tắc trên cho thấy chính sách hình sự của Nhà nước ta là không áp dụng hình phạt tù chung thân, tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Quy định này không những thể hiện tính nhân đạo trong quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, mà còn phù hợp với xu hướng chung của thế giới là hạn chế áp dụng và từng bước tiến tới bãi bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình, phù hợp với các quy định của Điều ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

– Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa. Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Nguyên tắc này thể hiện chủ trương của Nhà nước ta là hạn chế tối đa việc tước đoạt tự do đối với người dưới 18 tuổi phạm tội mà luôn tạo điều kiện thuận lợi để họ có thể trở về với gia đình, được nhận sự giáo dục, chăm sóc từ gia đình để cải tạo họ thành con người có ích cho xã hội. Chủ trương này rất hợp lý bởi vì mối trường gia đình chính là nơi tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của người chưa thành niên và đây cũng chính là nơi mà người chưa thành niên được hưởng quyền được sống chung với cha mẹ, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng từ người thân trong gia đình,…

Bên cạnh đó trong trường hợp buộc phải áp dụng hình phạt tù đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì mức hình phạt mà tòa án áp dụng đối với họ phải thấp hơn so với mức hình phạt áp dụng đối với người đã thành niên. Đồng thời Tòa án không được áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và cũng không được áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Yêu cầu này xuất phát từ thực tiễn nếu áp dụng hình phạt tiền và các hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là không có ý nghĩa thiết thực, không đảm bảo tính khả thi trên thực tế

– Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

Theo quy định tại Điều 53 BLHS năm 2015, tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội rất nghiêm trọng do vô ý. Nguyên tắc này có thể được hiểu là sau khi bị kết án và chưa được xóa án tích, nếu người này phạm tội mới thì bản án đã tuyên đối với tội do họ thực hiện khi chưa đủ 16 tuổi không có ý nghĩa trong việc xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm theo Điều 53 BLHS. Như vậy nguyên tắc này đã thể hiện chính sách hình sự của Nhà nước ta là đảm bảo sự phát triển bình thường, không thành kiến, tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng cũng như xóa bỏ các mặc cảm tội lỗi của người dưới 18 tuổi phạm tội khi họ chưa đủ 16 tuổi.

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý; người bị áp dụng biện pháp tư pháp bị kết án được coi là không có án tích. Thời hạn đương nhiên xóa án tích đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là 03 năm tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon