Thừa kế là một chế định quan trọng trong pháp luật dân sự. Quyền để lại thừa kế và quyền thừa kế là những quyền cơ bản của công dân, luôn luôn được pháp luật quan tâm và bảo hộ. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, sự phát triển ngày càng đa dạng của các quan hệ xã hội, tranh chấp về phân chia di sản thừa kế có xu hướng gia tăng về số lượng và phức tạp về nội dung, bởi vì giá trị của di sản thừa kế không còn là tài sản thông thường phục vụ sinh hoạt tiêu dùng mà là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, vốn đầu tư, cổ phiếu, trang trại, doanh nghiệp… có giá trị lớn. Bộ luật Dân sự hiện hành đã quy định rất cụ thể về vấn đề chia di sản thừa kế, trong đó có quy định về thừa kế theo pháp luật. Hãy cùng tìm hiểu về thừa kế theo pháp luật qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật Dân sự năm 2015.
1. Thừa kế theo pháp luật là gì?
Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
Hàng thừa kế bao gồm các cá nhân còn sống có quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng với người để lại di sản được tính đến thời điểm mở thừa kế của người đó và những cá nhân sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.
– Thứ nhất, quan hệ hôn nhân. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì “hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi đã kết hôn”. Vợ và chồng thuộc hàng thừa kế theo pháp luật của nhau khi quan hệ hôn nhân của họ tính đến thời điểm mở thừa kế của người vợ hoặc người chồng được xác định là hôn nhân hợp pháp. Để có thể được pháp luật thừa nhận là quan hệ hôn nhân hợp pháp thì việc kết hôn phải tuân thủ các điều kiện và thủ tục do pháp luật quy định. Hôn nhân hợp pháp phải đảm bảo cả về mặt nội dung lẫn hình thức nghĩa là phải đảm bảo các điều kiện kết hôn và có đăng ký kết hôn.
– Thứ hai, quan hệ huyết thống: Quan hệ huyết thống là quan hệ giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ được xác định thông qua sự kiện sinh đẻ. Trong đó, quyền thừa kế theo pháp luật của con không phụ thuộc vào hình thức hôn nhân của cha, mẹ đẻ. Các con đẻ của người để lại di sản, không phân biệt con trai, con gái, con trong giá thủ hay con ngoài giá thú, có năng lực hành vi dân sự hay không đều thuộc hàng thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản.
– Thứ ba, quan hệ nuôi dưỡng: Theo quy định của pháp luật hiện hành, hàng thừa kế được xác định trên cơ sở quan hệ nuôi dưỡng bao gồm quan hệ giữa cha mẹ nuôi với con nuôi và ngược lại và trường hợp con riêng với bố dượng, mẹ kế nếu đáp ứng điều kiện nhất định.
+ Đối với quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi: Theo quy định tại Điều 653 BLDS năm 2015 thì “Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này”. Mối quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi được xác lập trên sự kiện nuôi con nuôi. Việc nhận nuôi con nuôi dựa trên ý chí chủ quan của các chủ thể tham gia quan hệ nuôi con nuôi và các chủ thể phải đáp ứng đủ điều kiện luật định. Việc nhận nuôi con nuôi phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và ghi vào sổ hộ tịch. Con nuôi có đầy đủ quyền như con đẻ và được coi là người thừa kế ở hàng thứ nhất của cha, mẹ nuôi.
+ Đối với quan hệ giữa con riêng với bố dượng, mẹ kế: Theo quy định tại Điều 654 BLDS năm 2015 thì pháp luật về thừa kế chỉ thừa nhận con riêng và bố dượng, mẹ kế thuộc hàng thừa kế theo pháp luật của nhau khi và chỉ khi đáp ứng điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con.
Như vậy, ngoài ba quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng với người để lại di sản thì không có bất cứ quan hệ nào khác để xác định hàng thừa kế theo pháp luật.
2. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
– Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
+ Người để lại di sản chết mà không có di chúc;
+ Người để lại di sản chết có để lại di chúc nhưng di chúc không hợp pháp;
+ Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
+ Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
– Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
+ Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
+ Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
+ Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
3. Hàng thừa kế
Hàng thừa kế là những nhóm, người thừa kế được pháp luật xếp trong cùng một hàng. Việc chia hàng thừa kế có ý nghĩa thiết thực, đảm bảo để những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, hoặc do không có quyền hưởng di sản; hoặc bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Điều 651 Bộ luật Dân sự hiện hành quy định ba hàng thừa kế theo pháp luật:
– Hàng thừa kế thứ nhất: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất dựa trên cả ba mối quan hệ bao gồm quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng. Theo quy định của pháp luật hiện hành, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất đều có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc nhau, là giám hộ và đại hàng đương nhiên của nhau khi thỏa mãn các điều kiện luật định. Theo quy định tại Điều 651 BLDS năm 2015 thì con nuôi, cha nuôi, mẹ nuôi của người chết để lại di sản thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Chỉ những trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và ghi vào số hộ tịch hoặc có đăng ký việc nuôi con nuôi tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới phát sinh quan hệ cha mẹ và con trước pháp luật.
– Hàng thừa kế thứ hai: Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
Anh ruột, chị ruột, em ruột là anh, chị, em cùng mẹ hoặc cùng cha. Nếu anh hoặc chị hoặc cả anh chị chết thì em ruột sẽ là người thuộc hàng thừa kế thứ hai đối với di sản của anh, chị đã chết và ngược lại. Con nuôi không đương nhiên trở thành anh, chị, em của con đẻ của người nuôi nên giữa con nuôi và con đẻ không phải là người thừa kế theo pháp luật của nhau. Tương tự như những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, những người thừa kế thuộc hàng thứ hai cũng được hưởng phần di sản bằng nhau, không phân biệt là người bề trên, người bề dưới hay người cùng bậc với người để lại di sản.
– Hàng thừa kế thứ ba: Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
4. Việc thừa kế trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung; vợ, chồng đang xin ly hôn hoặc đã kết hôn với người khác
Quan hệ thừa kế giữa vợ và chồng được xác định dựa trên cơ sở hôn nhân cho nên tại thời điểm một bên chết mà quan hệ hôn nhân về phương hàng pháp lý vẫn còn tồn tại thì họ vẫn có quyền thừa kế di sản của nhau. Do đó, Bộ luật Dân sự hiện hành có quy định:
Điều 655. Việc thừa kế trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung; vợ, chồng đang xin ly hôn hoặc đã kết hôn với người khác
“1. Trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
2. Trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
3. Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản.”
– Trường hợp vợ chồng đã chia tài sản chung:
Vợ chồng có thể vì những lý do nhất định mà một bên hoặc cả hai bên yêu cầu chia tài sản chung. Yêu cầu này là chính đáng bởi chủ sở hữu tài sản có quyền tự quyết định việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của mình. Vì vậy, dù đã chia tài sản chung, nhưng về mặt pháp lý vẫn là vợ chồng nên nếu một bên chết, thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản của người đã chết.
– Trường hợp vợ chồng xin ly hôn mà chưa được tòa án cho ly hôn bằng một bản án hoặc quyết định, nhưng bản án hoặc quyết định đó chưa có hiệu lực pháp luật:
Quan hệ hôn nhân chỉ được coi là chấm dứt về mặt pháp lý khi tòa án tuyên bố bằng một quyết định hoặc một bản án đã có hiệu lực pháp lý. Vì vậy, khi vợ, chồng xin ly hôn cần xác định được quan hệ thừa kế giữa họ trong hai trường hợp:
+ Nếu vợ chồng đang xin ly hôn và tòa án đang trong quá trình thụ lý giải quyết mà một bên chết, thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản của vợ (hoặc chồng đã chết).
+ Nếu tòa án đã cho ly hôn bằng một bản án hoặc quyết định nhưng bản án, quyết định đó chưa có hiệu lực pháp luật mà một bên đã chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản của người đã chết. Bởi trên thực tế về mặt pháp lý quan hệ hôn nhân của họ chưa chấm dứt.
– Trường hợp người vợ hoặc chồng đã kết hôn với người khác:
Sự kiện người đó kết hôn với người khác bao giờ cũng xảy ra sau thời điểm người chồng hay người vợ của họ chết. Nghĩa là, tại thời điểm mở thừa kế, quan hệ hôn nhân giữa người chồng hay người vợ còn sống với người đã chết vẫn còn tồn tại, vì vậy, họ vẫn là người thừa kế ở hàng thứ nhất của người vợ hoặc chồng đã chết, họ có quyền thừa kế di sản của người chết nếu họ không từ chối nhận di sản, còn việc phân chia di sản đó vào thời điểm nào là quyền của người thừa kế.
Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về thừa kế theo pháp luật. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.