Quyền thừa kế là gì

quyen-thua-ke-la-gi

Quyền thừa kế là một chế định trong hệ thống pháp luật dân sự của nước ta, là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh việc chuyển dịch tài sản của người chết cho người khác theo di chúc hoặc theo một trình tự nhất định, đồng thời quy định phạm vi, quyền, nghĩa vụ và phương thức bảo vệ các quyền, nghĩa vụ của người thừa kế. Cùng Luật Dương Gia tìm hiểu các quy định xoay quanh “Quyền thừa kế” thông qua bài viết sau.

Căn cứ pháp lý:

1. Khái niệm thừa kế

Quyền thừa kế là pháp luật về thừa kế, là tổng hợp các quy phạm pháp luật quy định trình tự dịch chuyển tài sản của người chết cho những người còn sống. Thừa kế là một chế định pháp luật dân sự, là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh việc chuyển dịch tài sản của người chết cho người khác theo di chúc hoặc theo một trình tự nhất định đồng thời quy định phạm vi quyền, nghĩa vụ và phương thức bảo vệ các quyền và nghĩa vụ của người thừa kế.

Thừa kế với tư cách là một quan hệ pháp luật dân sự trong đó các chủ thể có những quyền và nghĩa vụ nhất định. Trong quan hệ này, người có tài sản, trước khi chết có quyền định đoạt tài sản của mình cho người khác. Những người có quyền nhận di sản có thể nhận hoặc không nhận di sản (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác).

Đối tượng của thừa kế là các tài sản, quyền tài sản thuộc quyền của người đã chết để lại (trong một số trường hợp người để lại tài sản có thể chỉ để lại hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản). Tuy nhiên, một số quyền tài sản gắn liền với nhân thân người đã chết không thể chuyển cho những người thừa kế ( như tiền cấp dưỡng,…) vì pháp luật quy định chỉ người đó mới có quyền được hưởng.

2. Một số quy định chung về thừa kế

2.1. Người để lại di sản thừa kế

Là người có tài sản sau khi chết để lại cho người còn sống theo ý chí của họ được thể hiện trong di chúc hay theo quy định của pháp luật. Người để lại di sản chỉ có thể là cá nhân, không phân biệt bất cứ điều kiện nào (thành phần xã hội, mức độ năng lực hành vi…).

Công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở… Khi còn sống họ có quyền đưa các loại tài sản này vào lưu thông dân sự hoặc lập di chúc cho người khác hưởng tài sản của mình sau khi chết. Trường hợp công dân có tài sản thuộc quyền sở hữu riêng, không lập di chúc sau khi chết, tài sản này sẽ chia theo quy định của pháp luật.

Đối với pháp nhân, tổ chức. Không một cá nhân nào có quyền định đoạt tài sản của pháp nhân, tổ chức. Khi pháp nhân, tổ chức đình chỉ hoạt động của mình (giải thể, phá sản…), tài sản được giải quyết theo quy định của pháp luật. Pháp nhân, tổ chức tham gia vào quan hệ thừa kế với tư cách là người được hưởng di sản theo di chúc.

2.2. Người thừa kế

Là người được thừa hưởng di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế theo pháp luật chỉ có thể là cá nhân và phải là người có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng đối với người để lại di sản. Người thừa kế theo di chúc có thể là cá nhân hoặc tổ chức hoặc Nhà nước. Những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại.

Người thừa kế là cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế; người đã thành thai vào thời điểm mở thừa kế và sinh ra mà còn sống cũng là người thừa kế. Người thừa kế là pháp nhân, tổ chức thì phải còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế (Diều 613 Bộ luật Dân sự năm 2015). Người thừa kế phải thực hiện các nghĩa vụ sau:

+ Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Trường hợp này pháp luật khuyến khích người thừa kế thực hiện toàn bộ nghĩa vụ của người chết để lại kể cả những trường hợp không còn di sản để lại. Đây là nghĩa vụ mang tính đạo lí của các con đối với cha mẹ…

+ Trong trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thoả thuận của những người thừa kế.

+ Trong trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

+ Trong trường hợp Nhà nước, cơ quan, tổ chức hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

– Người thừa kế có quyền nhận di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Ngoài ra, người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

Ví dụ: Người thừa kế đang có món nợ phải trả hoặc đang phải bồi thường thiệt hại cho người khác, họ viện cớ không có tài sản để thực hiện nghĩa vụ nhưng lại từ chối quyền hưởng di sản thừa kế để không chịu trả nợ hoặc bồi thường thiệt hại…

3. Thời điểm, địa điểm mở thừa kế

3.1. Thời điểm mở thừa kế

Thời điểm mở thừa kế là thời điểm phát sinh quan hệ thừa kế. Theo quy định tại khoản 1 Điều 611 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trong trường hợp toà án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 71 Bộ luật Dân sự 2015.

Việc xác định thời điểm mở thừa kế rất quan trọng. Kể từ thời điểm đó, xác định được chính xác tài sản, quyền và nghĩa vụ về tài sản của người để lại thừa kế gồm có những gì và đến khi chia di sản còn bao nhiêu. Thời điểm mở thừa kế là căn cứ xác định những người thừa kế của người đã chết, vì người thừa kế là cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.

Trong trường hợp toà án tuyên bố một người là đã chết thì tuỳ từng trường hợp, toà án xác định ngày chết của người đó; nếu không xác định được ngày chết thì ngày mà quyết định của Toà án tuyên bố người đó là đã chết có hiệu lực pháp luật được coi là người đó chết.

3.2. Địa điểm mở thừa kế

Theo khoản 2 Điều 611 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại tài sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản”. Địa điểm mở thừa kế được xác định theo đơn vị hành chính cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn).

Bộ luật Dân sự 2015 quy định địa điểm mở thừa kế, vì ở nơi đó thường phải tiến hành những công việc như: kiểm kê ngay tài sản của người đã chết (trong trường hợp cần thiết); xác định những ai là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật; người từ chối nhận di sản… Ngoài ra, nếu có người trong diện thừa kế từ chối nhận di sản thì phải thông báo cho cơ quan công chứng nhà nước hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản. Hơn nữa, trong trường hợp có tranh chấp thì toà án nhân dân nơi mở thừa kế có thẩm quyền giải quyết.

Bộ luật Dân sự 2015 quy định địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản. Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ hoặc phần lớn di sản.

4. Di sản thừa kế

Di sản thừa kế là tài sản của người chết để lại cho những người còn sống. Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”.

Như vậy, di sản thừa kế là toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người đã chết, quyền về tài sản của người đó. Quyền sở hữu tài sản là một trong những quyền cơ bản của công dân được Nhà nước bảo hộ. Điều 32 Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. 2. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”. Tất cả tài sản thuộc quyền sở hữu của người để lại thừa kế theo quy định của Hiến pháp đều là di sản. Di sản thừa kế bao gồm:

4.1. Tài sản riêng của người chết

Tài sản riêng của người chết là tài sản do người đó tạo ra bằng thu nhập hợp pháp (như tiền lương, tiền được trả công lao động, tiền thưởng,…); tài sản được tặng cho, thừa kế; nhà ở; tư liệu sản xuất các loại, vốn dùng để sản xuất kinh doanh.

4.2. Phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác

Nếu một trong các đồng sở hữu chết thì di sản thừa kế của người chết là phần tài sản thuộc sở hữu của người đó đã đóng góp trong khối tài sản chung.

Tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhần là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng. Việc quản lý, phân chia tài sản chung của vợ chồng, khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Toà án tuyên bố là đã chết thì được thực hiện theo Điều 66 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

4.3. Quyền về tài sản do người chết để lại

Đó là các quyền dân sự được phát sinh từ các quan hệ hợp đồng hoặc do việc bồi thường thiệt hại mà trước khi chết họ đã tham gia vào những quan hệ này (như quyền đòi nợ, đòi lại tài sản cho thuê hoặc cho mượn, chuộc lại tài sản đã thế chấp, cầm cố,…)

Ngoài ra, quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp cũng được coi là di sản thừa kế.

Để được tư vấn pháp luật qua điện thoại, hãy gọi ngay cho Luật sư theo số điện thoại 1900.6568. Mọi nhu cầu tư vấn pháp luật qua điện thoại sẽ được chúng tôi giải đáp !

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon