Phân chia di sản theo pháp luật

phan-chia-di-san-theo-phap-luat

Theo quy định pháp luật Việt Nam hiện nay, việc phân chia di sản được tiến hành theo hai hình thức là phân chia di sản theo di chúc và phân chia di sản theo pháp luật. Nếu như một người chết đi mà không để lại di chúc thì tài sản của họ sẽ được chia theo pháp luật. Vậy, “Phân chia di sản theo pháp luật” là như thế nào? Và có những vấn đề gì xoay quanh quy định về việc chia di sản thừa kế theo pháp luật. Xin mời quý bạn đọc cùng Luật Dương Gia tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật Dân sự 2015

1. Di sản là gì?

Hiểu một cách đơn giản, di sản chính là tài sản mà người chết để lại cho người sống. Trong quy định tại Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

“Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.”

2. Thừa kế theo pháp luật là gì?

Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, theo điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

Việc phân chia di sản theo pháp luật được thực hiện khi người chết không để lại di chúc. Phân chia di sản phải tuân theo thứ tự của hàng thừa kế, đáp ứng các thủ tục và điều kiện liên quan theo quy định của pháp luật.

Những người thuộc các hàng thừa kế này là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng với người để lại di sản. Họ có thể là vợ chồng, con đẻ, con nuôi, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, ông bà, cô chú,…của người chết. Và họ phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.

Những người trong cùng một hàng thừa kế thì sẽ được chia phần di sản bằng nhau. Những người này có quyền yêu cầu chia di sản bằng hiện vật, nếu hiện vật không đủ để chia đều cho họ thì các bên phải tự thoả thuận với nhau. Trong trường hợp không thể thoả thuận thì tiến hành định giá hiện vật và bán ra để chia đều cho tất cả.

3. Các trường hợp thừa kế theo pháp luật

Đầu tiên, trường hợp phổ biến nhất là thừa kế theo pháp luật áp dụng khi người chết không để lại di chúc. Trong trường hợp này, không có bất kì căn cứ bằng văn bản hay lời nói nào thể hiện ý chí, nguyện vọng của người chết. Chính vì thế, buộc Toà án phải chia phần di sản dựa trên việc xem xét các điều kiện theo pháp luật, các mối quan hệ của người để lại di sản để tiến hành phân chia.

Ví dụ: Ông A chết nhưng ông không để lại bất cứ bản di chúc nào, và cũng không có di chúc bằng miệng thì tài sản của ông A sẽ được chia theo pháp luật.

Thứ hai, trường hợp người chết để lại di chúc nhưng di chúc đó không hợp pháp. Nếu toàn bộ di chúc do người chết để lại không đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 thì di chúc đó được coi là không hợp pháp.

Ví dụ: Ông A chết và có để lại di chúc nhưng nội dung của bản di chúc vi phạm điều cấm của pháp luật. Thì di chúc đó được xem là không hợp pháp và phần di sản sẽ được chia theo pháp luật.

Thứ ba là khi những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Ví dụ: Ông A lập di chúc để lại tài sản cho vợ và hai người con là C, D. Tuy nhiên, không may trong một tai nạn C đã không qua khỏi và ít lâu sau đó ông A cũng qua đời. Như vậy, khi mở thừa kế thì phần của C sẽ được chia theo quy định pháp luật do C chết trước khi người để lại di sản chết.

Tiếp theo là những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Nếu xét thấy người thừa kế không đáp ứng các điều kiện về thừa kế theo quy định của pháp luật hoặc họ từ chối nhận phần di sản của mình thì phần di sản đó sẽ phân chia theo pháp luật. Điều này nhằm đảm bảo cho lợi ích của người để lại di sản cũng như tôn trọng quyền tự do, ý chí, nguyện vọng của người được thừa kế.

Ví dụ: Ông A chết và để lại di chúc chia tài sản cho vợ và con là C, D. Nhưng vì cảm thấy bản thân không muốn nhận phần di sản của cha để lại nên C từ chối nhận di sản.

Ngoài ra, nếu có phần di sản không được định đoạt trong di chúc hoặc phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật thì cũng sẽ được chia theo quy định pháp luật.

Ví dụ: Ông A có tài sản là 01 căn nhà, 01 mảnh đất. Nhưng trong di chúc ông để lại chỉ định đoạt căn nhà cho vợ và các con còn mảnh đất thì không nói tới. Như vậy, mảnh đất đó chính là phần di sản không được định đoạt trong di chúc, nên sẽ được phân chia theo pháp luật.

4. Những người thừa kế theo pháp luật

Những người thừa kế theo pháp luật và thứ tự của từng người đều được quy định cụ thể trong Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể như sau:

– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Đây là những người có quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng gần nhất với người để lại di sản. Lý do để pháp luật xem xét đưa những người nêu trên lên hàng thừa kế đầu tiên là bởi họ là những người có mối quan hệ thân thiết, ruột thịt với người chết nhất. Khi còn sống, người để lại di sản yêu thương, có nghĩa vụ và trách nhiệm nhất đối với những người này nên khi người để lại di sản chết đi thì họ chính là người có quyền hưởng di sản thừa kế nhất.

Vi dụ: Bà A chết và không để lại di chúc thì những người như chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của bà sẽ là người được ưu tiên thừa kế di sản đầu tiên.

– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại. So với hàng thừa kế thứ nhất thì những người ở hàng thừa kế này có mối quan hệ không thân thiết bằng. Tuy nhiên, nếu những người ở hàng thứ nhất không tồn tại thì những người trên đây được coi là thân thiết nhất với người chết.

Ví dụ: Giả sử Bà A chết, không có di chúc bằng văn bản hay di chúc miệng để lại và cũng không có người thừa kế ở hàng thứ nhất. Thì những người ở hàng thừa kế thứ hai sẽ được Toà ưu tiên xem xét hưởng di sản thừa kế.

– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại. Nếu xét về mối quan hệ thì những người này có quan hệ xa hơn so với hai hàng thừa kế nêu trên. Vậy nên, chỉ trong trường hợp không có hàng thừa kế thứ nhất và hàng thừa kế thứ hai thì những người ở hàng thừa kế thứ ba mới được hưởng phần di sản mà người chết để lại.

Ví dụ: Vẫn là trường hợp của bà A nhưng ở đây cả hàng thừa kế thứ nhất và thứ hai đều không còn. Thì đương nhiên hàng thừa kế thứ ba như cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, dì ruột,… của bà sẽ được hưởng di sản nếu những người này đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định pháp luật.

Những người thừa kế trên cùng một hàng sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau. Và theo thứ tự ưu tiên thì người ở hàng thừa kế sau chỉ được thừa hưởng, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống. Trong luật đây được gọi là thừa kế kế vị.

Ví dụ: B là con trai của bà A, B có một đứa con là bé C. Do không may B đã qua đời trước mẹ mình. Nên khi bà A chết đi thì con của B là bé C sẽ được hưởng phần di sản mà cha mình được hưởng nếu còn sống.

5. Con riêng có được thừa kế di sản của bố dượng, mẹ kế không?

Theo như quy định tại Điều 654 Bộ luật Dân sự 2015 thì giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này.

Như vậy, nếu giữa họ có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì họ vẫn được hưởng di sản của nhau và còn được hưởng di sản theo diện người thừa kế kế vị, hoặc là diện quan hệ thừa kế giữa cha mẹ nuôi với con nuôi. Tuy nhiên, trên thực tế việc xác minh mối quan hệ giữa con riêng với bố dượng, mẹ kế có thật sự yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng nhau hay không là một điều rất khó thực hiện.

6. Nghĩa vụ đối với tài sản do người chết để lại

Ngoài việc được hưởng phần di sản mà người chết để lại cho mình, những người thừa kế còn phải thực hiện nghĩa vụ đối với phần tài sản đó.

Thứ nhất, những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Thứ hai, trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

Tthứ ba, trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Cuối cùng, trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến việc “Phân chia di sản theo pháp luật”. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc liên quan đến việc phân chia di sản hoặc tranh chấp phát sinh liên quan đến vấn đề phân chia di sản theo pháp luật hoặc theo di chúc cần tư vấn pháp lý, hãy liên hệ đến chúng tôi theo số Hotline 1900.6568 để nhận được sự tư vấn tốt nhất!

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon