Khái niệm và phân loại nguồn của luật dân sự

khai-niem-va-phan-loai-nguon-cua-luat-dan-su

Nguồn của pháp luật dân sự là một vấn đề rất quan trọng, hiểu được khái niệm nguồn của Luật Dân sự giúp đi sâu, phân tích các vấn đề pháp lý khác có liên quan cũng như việc phân loại nguồn của luật dân sự được đúng đắn và chính xác. Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu nội dung này trong bài viết dưới đây.

1. Khái niệm nguồn của Luật dân sự

Về lý thuyết, mỗi một sự vật, hiện tượng, sự kiện trên trái đất này đều có thể được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau và đều có thể thay đổi theo từng thời kỳ, từng giai đoạn nhất định. Khái niệm nguồn của pháp luật nói chung và nguồn của luật dân sự cũng được xem xét và nhận thức khác nhau cả trong từ điển và trong nghiên cứu học thuật.

Theo từ điển Legal Definition thì nguồn của luật là thứ (như là hiến pháp, điều ước, tập quán hoặc luật) cung cấp thẩm quyền cho các phán quyết tư pháp và cho pháp luật: một hợp đồng lao động được coi là nguồn của một phán quyết trọng tài.

Khác với từ điển trên định nghĩa theo hướng khái quát thì từ điển Free dictionary lại định nghĩa theo hướng liệt kê các loại nguồn của Luật bao gồm Luật rõ ràng (thành văn) và Luật ngầm (bất thành văn). Luật thành văn bao gồm Hiệp định, Hiến pháp và đạo luật được thông qua bởi Quốc hội, Hiến pháp và luật của từng bang, luật thường do các cơ quan lập pháp cấp dưới được cơ quan lập pháp trung ương ủy quyền đó là các hội đồng của các thành phố hoặc quận, các sắc lệnh được ban hành bởi Toà án. Luật ngầm (bất thành văn) bao gồm các phong tục tập quán, các nguyên tắc của Luật La Mã, giáo luật (được thông qua bởi Toà án của giáo hội), các phán quyết, quyết định của Toà án.

Ngoài ra, các học giả, các triết gia khác nhau cũng có nhiều quan điểm khác nhau về nguồn của luật. Mỗi một học giả khác nhau lại hiểu và định nghĩa khác nhau về nguồn luật.

Allen định nghĩa “nguồn luật” là “các phương tiện mà thông qua đó các quy tắc xử sự mang đặc điểm của luật trở nên xác định, thống nhất và bắt buộc”.

Theo Oppenheim, “nguồn luật” là “tên của một sự kiện lịch sử mà trong đó các quy tắc xử sự ra đời và có hiệu lực pháp lý”.

Tác giải Holland lại cho rằng thuật ngữ ‘nguồn luật’ được sử dụng để chỉ một tài liệu mà từ đó một người có được kiến ​​thức về luật, ví dụ, sách về luật, các báo cáo, các hiệp định… Nó cũng được sử dụng để chỉ cơ quan quyền lực cuối cùng có thẩm quyền mang đến hiệu lực của pháp luật, đó là là Nhà nước. Ông cũng cho rằng cũng có các tồn tại khác của luật mang tính chất cưỡng chế như tập quán, luật tôn giáo. Ông còn cho rằng các thảo luận (trao đổi) khoa học, đôi khi cũng được coi là nguồn luật. Ngoài ra, theo quan điểm của Holland, các cơ quan khác được Nhà nước trao quyền cũng có thể tạo ra luật và được nhà nước công nhận hợp pháp như các phán quyết, lẽ công bằng… Như vậy, Holland đã đưa ra bốn nghĩa khác nhau của thuật ngữ về nguồn trong định nghĩa mang tính tổng quát của mình.

John Austin cũng đưa ra nhiều cách hiểu khác nhau về nguồn của luật. Cách hiểu đầu tiên, theo ông, nguồn của luật được hiểu là nguồn gốc trực tiếp hay gián tiếp của luật ví dụ như chủ quyền quốc gia. Thứ hai, nguồn luật có thể hiểu là những tài liệu lịch sử mà từ đó các ngành luật có thể được hình thành ví dụ như tập hợp các tư tưởng, nguyên tắc pháp luật, Bộ luật của Justinian. Thứ ba, nguồn luật có thể được hiểu là cơ sở để tồn tại và hình thành các quy tắc mà sau này có hiệu lực pháp lý, ví dụ: tập quán, các phán quyết tư pháp, công bằng, v.v.

Rupert lại đưa đến một cách hiểu khác về thuật ngữ ‘nguồn luật’. Ông cho rằng nguồn,

(i) có nguồn văn học, nguồn tài liệu ban đầu về thông tin liên quan đến sự tồn tại của luật pháp, ví dụ như các báo cáo luật;

(ii) có các nguồn lịch sử, nguồn gốc đầu tiên, trung gian hoặc ngay lập tức mà từ đó các quy tắc pháp lý của luật lấy nội dung của chúng như một vấn đề lịch sử pháp lý, ví dụ: tác phẩm của các luật gia lỗi lạc như Bracton và Coke; Luật La Mã, phong tục tập quán thời trung cổ. Cách hiểu về ‘nguồn luật’ có thể được mở rộng cho bất kỳ thứ gì giải thích cho sự tồn tại của một quy tắc pháp lý theo quan điểm thông thường. Nó có thể bao gồm quan điểm của công chúng, các nguyên tắc đạo đức và đặc điểm tư pháp (một phương thức hành vi hoặc cách suy nghĩ đặc biệt đối với một cá nhân).

Như vậy, có thể nói có nhiều quan điểm khác nhau về nguồn của luật nhưng nhìn chung các quan điểm đó đều được hình thành và dựa trên những trường phái triết học khác nhau. Dựa trên tư tưởng triết học mà mỗi trường phái triết học lại có những lập luận khác nhau về nguồn và sự ra đời của luật.

Trường phái phân tích cho rằng luật được tạo từ đấng tối cao trong khi những người theo trường phái thần học tin rằng Chúa tạo ra luật. Trường pháp Luật Tự nhiên coi luật có nguồn gốc Thần thánh. Mọi luật lệ đều là quà tặng của Chúa và quyết định của nhà hiều triết. Kinh Qur’an, Hades, kinh Veda là những ví dụ điển hình. Luật Lycurgus ở Hy Lạp có nguồn gốc thần thánh. Môi-se nhận được Điều răn từ Đức Giê-hô-va và Hammurabi nhận mã của mình từ Thần Mặt trời.

Quan điểm này của trường phái phân tích, thần học và Luật Tự nhiên đã bị chỉ trích bởi những người theo trường phái Lịch sử đại diện là Savigny Sir Henry Maine, Puchta, v.v. họ cho rằng luật không được tạo ra mà được hình thành. Ý thức chung của nhân dân là nền tảng của con người được biểu hiện bằng thói quen, tập quán, phong tục. Phong tục và tập quán, chứ không phải mệnh lệnh của chủ quyền, là nguồn luật.

Trường phái luật xã hội học thể hiện một quan điểm ngược lại và cho rằng luật pháp không xuất phát từ một cơ quan quyền lực duy nhất, luật pháp được lấy từ nhiều nguồn và không phải từ một nguồn, Ehrlich cho rằng “Ở thời điểm hiện tại cũng như bất kỳ thời điểm nào khác, trọng tâm của sự phát triển của pháp luật không nằm trong pháp chế, không nằm trong khoa học pháp lý hay các quyết định tư pháp, mà nằm ở chính xã hội.” Duguit nói rằng luật không bắt nguồn từ một nguồn duy nhất và cơ sở của luật là dịch vụ công. Không cần có bất kỳ quyền hạn cụ thể nào trong một xã hội có quyền lập luật.

Ở Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Hồi cũng xem xét khái niệm nguồn một cách khá rộng. Theo TS Hồi “Nguồn của pháp luật là tất cả các căn cứ được các chủ thể có thẩm quyền sử dụng làm cơ sở để xây dựng, ban hành, giải thích pháp luật cũng như để áp dụng vào việc giải quyết các vụ việc pháp lý xảy ra trong thực tế”. Như vậy, theo TS. Hồi thì nguồn là cơ sở của mọi hoạt động liên quan đến pháp luật từ xây dựng cho tới áp dụng pháp luật.

Có thể nói, cũng như nhiều khái niệm khác trong khoa học pháp lý, khái niệm nguồn của luật dân sự cũng có thể được hiểu dưới các góc độ khác nhau, nhiều định nghĩa khác nhau. Nguồn của luật dân sự cũng có thể được hiểu là những tư tưởng, nền tảng hình thành nên pháp luật dân sự, cũng có thể hiểu là những cơ quan ban hành pháp luật dân sự, có thể được hiểu là những quy tắc mang tính chất ràng buộc, có hiệu lực áp dụng đối với các chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự… Và nguồn của Luật dân sự hiểu theo nghĩa rộng cũng rất đa dạng có thể bao gồm những tư tưởng, học thuyết, chủ quyền quốc gia, luật pháp, tôn giáo, tập quán, phán quyết của toà án, các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức, lẽ công bằng…

2. Phân loại nguồn của Luật dân sự

Theo các chuyên gia pháp lý của Việt Nam thì nguồn của pháp luật nói chung và nguồn của Luật dân sự nói riêng cũng bao gồm nguồn nội dung và nguồn hình thức, nguồn chủ yếu (nguồn cơ bản) và nguồn thứ yếu.

Nguồn nội dung của pháp luật là xuất xứ, là căn nguyên của pháp luật bởi vì nó được các chủ thể có thẩm quyền dựa vào đó để xây dựng, ban hành và giải thích pháp luật.

Nguồn hình thức của pháp luật được hiểu là phương thức tồn tại của các quy phạm pháp luật trong thực tế hay là nơi chứa đựng, nơi có thể cung cấp các quy phạm pháp luật, tức là những căn cứ mà các chủ thể có thẩm quyền dựa vào đó để giải quyết các vụ việc pháp lý xảy ra trong thực tế.

Ngoài ra, còn có một số cách phân loại khác được chỉ ra trên thế giới như nguồn thành văn và bất thành văn; nguồn rõ ràng và nguồn ngầm định; nguồn chủ yếu (nguồn cơ bản) và nguồn thứ yếu; nguồn mang tính bắt buộc và nguồn mang tính giải thích, thuyết phục; nguồn quốc gia và nguồn quốc tế…

Như vậy, là một loại nguồn của pháp luật, nguồn của Luật Dân sự cũng rất đa dạng và có thể phân chia thành nhiều loại khác nhau như trên. Tuy nhiên, những sự phân chia này chỉ có tính chất tương đối chứ không hoàn toàn tuyệt đối.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon