Trong cuộc sống, mọi điều có điều có thể xảy ra. Có một số vấn đề con người có thể thu lại được lợi ích hoặc rất nhiều lợi ích. Nhưng cũng có một số trường hợp không thể thu lại lợi ích mà ngược lại còn mang về thiệt hại. Thuật ngữ “thiệt hại” đã được nhắc đến rất nhiều. Nhưng có thể bạn vẫn chưa thực sự hiểu thiệt hại là gì và những vấn đề xoay quanh nó. Bài viết này nhằm giúp bạn đọc có những kiến thức cụ thể hơn về thiệt hại và một số vấn đề liên quan.
Căn cứ pháp lý
- Bộ luật Dân sự năm 2015.
1. Thiệt hại là gì?
Theo Từ Điển Tiếng Việt Phổ Thông của Viện Ngôn Ngữ học thì thiệt hại là danh từ chỉ sự “bị mất mát về người, về của cải vật chất hoặc tinh thần“. Theo giáo trình Luật Dân sự tập 2 trường Đại học Luật Hà Nội thì: “Thiệt hại là những tổn thất thực tế được tính thành tiền do việc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, tài sản của cá nhân, tổ chức”, định nghĩa này dựa trên đối tượng bị xâm phạm và chủ thể bị xâm phạm bao gồm cá nhân, tổ chức, theo đó chỉ ghi nhận những thiệt hại thực tế, những thiệt hại đã xảy ra hoặc chắc chắn sẽ xảy ra và có thể tính toán chính xác được thành tiền. Dù vậy, với các trường hợp khác về thiệt hại như thiệt hại do xâm phạm thi thể, thiệt hại các lợi ích hợp pháp khác mà luật bảo vệ như bí mật kinh doanh, quan hệ khách hàng, cơ hội học tập, phát triển bản thân của người bị thiệt hại.. .thì định nghĩa này chưa bao hàm được hết.
Theo tác giả Phùng Trung Tập: Thiệt hại được hiểu là sự giảm bớt những lợi ích vật chất và phi vật chất của một chủ thể xác định được trên thực tế bằng một khoản tiền cụ thể. Tuy nhiên, không phải mọi thiệt hại đều có thể định giá được thành tiền. Một cách định nghĩa khác: “Thiệt hại là những tổn thất về mặt vật chất và tinh thần mà một chủ thể phải gánh chịu khi có hành vi trái pháp luật xâm phạm tới các đối tượng được pháp luật bảo vệ” Cách định nghĩa này của tác giả Nguyễn Văn Hợi đã chỉ ra được những dấu hiệu để nhận diện thiệt hại xảy ra:
(1) có sự giảm sút, mất mát giá trị của những đối tượng được pháp luật bảo vệ bao gồm cả những đối tượng về mặt vật chất và tinh thần;
(2) nguyên nhân của sự giảm sút giá trị là do hành vi trái pháp luật xâm phạm tới những lợi ích hợp pháp được pháp luật bảo vệ. Do đó, chúng tôi cho rằng định nghĩa này là hợp lý. Bên cạnh đó, theo quy định của điều 361, BLDS năm 2015, thiệt hại bao gồm: Thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Thiệt hại về vật chất bao gồm: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm tại khoản (khoản 1, điều 589, BDLS năm 2015); thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm (khoản 1, điều 590, BLDS năm 2015; thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm quy định tại khoản 1, điều 591, BLDS năm 2015; thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm quy định tại khoản 1, điều 592, BLDS năm 2015.
Còn thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể. Ví dụ: Người bị thiệt hại do hành vi nhận hối lộ gây ra có thể phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, bị giảm sút hoặc mất uy tín, bị bạn bè xa lánh do bị hiểu nhầm… và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu.
Cũng giống như quy định của BLDS năm 2015 của Việt Nam Bộ luật dân sự của Đức cũng có sự ghi nhận các thiệt hại mà một chủ thể khác do vô ý hay cố ý gây ra như: tính mạng, cơ thể, sức khỏe, tài sản thông qua quy định tại Điều 823.
Thiệt hại trong các vụ án dưới góc độ của nhà nghiên cứu khoa học pháp luật hình sự được hiểu là hậu quả của tội phạm nói chung biểu hiện dưới hình thức thiệt hại về thể chất, thiệt hại về tinh thần hoặc các biến đổi khác . Trong trách nhiệm hình sự, thiệt hại trong các vụ án được hiểu là những hậu quả tiêu cực mà người thực hiện hành vi phạm tội gây ra cho các quan hệ xã hội là khách thể của tội phạm
Như vậy, thông qua việc phân tích cách định nghĩa về thiệt hại nói trên chúng ta có thể xác định thiệt hại là những tổn thất được tính thành tiền do tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân hoặc tài sản, uy tín, danh dự, lợi ích hợp pháp khác của pháp nhân, Nhà nước bị xâm phạm. Như vậy, thiệt hại được xác định dựa trên các dấu hiệu cơ bản sau: (1) Thiệt hại là những tổn thất đã xảy ra hoặc chắc chắn sẽ xảy ra do các lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; (2) có thể tính toán được thành tiền; (3) do hành vi hoặc sự kiện gây thiệt hại trái pháp luật của con người hoặc tài sản gây ra.
2. Phân loại thiệt hại
Việc phân loại thiệt hại nhằm xác định chính xác các thiệt hại có thể phát sinh, cách tính, cách định lượng mức thiệt hại được bồi thường và văn bản pháp luật áp dụng trong từng trường hợp cụ thể thông qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động xác định thiệt hại tại Việt Nam. Cụ thể:
2.1. Căn cứ vào khách thể bị xâm hại, thiệt hại bao gồm
(1) Thiệt hại về tài sản: là sự giảm sút giá trị tài sản, hư hỏng, mất mát tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của cá nhân, pháp nhân.
(2) Thiệt hại về sức khỏe: Là những chi phí vật chất mà người bị thiệt hại phải bỏ ra để chữa trị, thăm khám khi thân thể của người bị thiệt hại bị xâm phạm và một phần chi phí bù đắp tổn thất tinh thần cho người bị thiệt hại.
(3) Thiệt hại về tính mạng: Là sự tổn thất khi tính mạng của người bị thiệt hại bị xâm phạm, bao gồm các chi phí mai táng, một số nghĩa vụ tài sản gắn liền với nhân thân của người bị thiệt hại, bù đắp tổn thất cho người thân của người bị thiệt hại.
(4) Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm: Là những chi phí mà người bị thiệt hại phải bỏ ra để khắc phục do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị tác động tiêu cực.
(5) Các lợi ích hợp pháp khác bị xâm phạm: Đây là những chí phát sinh do những lợi ích được pháp luật bảo vệ, thông thường đây là những chi phí được dự tính mới. Ví dụ: Tại thời điểm hiện nay có một số khách thể xuất hiện mang lại lợi ích cho chủ thể chiếm hữu như: quan hệ khách hàng, tài khoản mạng xã hội, tên vlogger hay những giá trị mà khi bị xâm phạm hậu quả gây ra rất nghiêm trọng.
2.2. Căn cứ cách xác định thiệt hại
(1) Thiệt hại trực tiếp: Thiệt hại trực tiếp là thiệt hại đã xảy ra do hành vi trái pháp luật, sự kiện gây thiệt hại trái pháp luật của tài sản gây ra và có thể tính toán được thành tiền. Ví dụ: Gía trị tài sản bị mất do tai nạn giao thông.
(2) Thiệt hại gián tiếp: Là những thiệt hại phát sinh do thiệt hại trực tiếp xảy ra. Ví dụ: Lợi ích có được từ tài sản bị thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất của người bị thiệt hại.
(3) Thiệt hại suy đoán: Là thiệt hại chưa xảy ra và không có căn cứ khoa học chứng minh thiệt hại sẽ xảy ra. Thiệt hại suy đoán là thiệt hại không được bồi thường. Ví dụ: A kiện B yêu cầu B bồi thường thiệt hại cho B do A nhận hối lộ của B khiến B không có tiền mua được nhà, nên không có nhà cho thuê, B không thể buộc A bồi thường tiền cho thuê nhà cho B.
Lưu ý: Mặc dù thiệt hại suy đoán không được bồi thường nhưng trên thực tế, khi xác định mức thiệt hại cũng có thể cần được xem xét kỹ lưỡng, đề phòng trường hợp xuất hiện căn cứ mới chứng minh đó là thiệt hại gián tiếp. Trong pháp luật của Pháp, thiệt hại không được được bồi thường là những thiệt hại có thể nhưng chưa chắc sẽ xảy ra, thiệt hại giả định, không chắc chắn. Tuy nhiên, pháp luật Pháp cho phép bồi thường do mất cơ hội.Một người chịu thiệt hại xuất phát từ việc mất cơ hội được đền bù thiệt hại đó. Ví dụ: một sinh viên bắt đầu học luật với mong muốn trở thành giảng viên luật, cuối năm học đầu tiên, trước ngày thi, anh ta bị tai nạn.
Trong trường hợp này anh ta không được bồi thường do mất cơ hội để trở thành giáo sư luật vì đây chỉ là một giả thuyết xa vời so với thời điểm chịu thiệt hại. Đó không phải là một cơ hội thực sự mà chỉ là sự hi vọng. Ngược lại, một sinh viên đã ra trường đang trải qua kỳ thi để trở thành giảng viên luật và đã vượt qua 4/5 vòng thi tuyển, cơ hội anh ta đã tiến đến trở thành giảng viên là rất gần thì bị tai nạn trước ngày thi vòng cuối cùng. Như vậy, sinh viên này trong trường hợp này có thể được bồi thường thiệt hại do mất cơ hội để trở thành giảng viên vì cơ hội này có thực và có khả năng xảy ra.
Ngày nay, theo pháp luật của Pháp, để được bồi thường thiệt hại, chỉ cần chứng minh rằng chúng ta đã chịu thiệt hại chắc chắn, có thể là một thiệt hại trong tương lai hoặc đơn giản là mất cơ hội9. Có thể thấy rằng, trong quy định của pháp luật Pháp, mất cơ hội chính đáng và có cơ sở thì cũng được nhìn nhận là một dạng thiệt hại mà bên gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm bồi thường.
2.3. Căn cứ vào tính chất, thiệt hại trong các vụ việc
(1) Thiệt hại vật chất: BLDS năm 2015 đã có quy định về thiệt hại vật chất, theo đó: “Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút” . Ví dụ: Hành vi phạm tội trong các nhóm tội danh có thể gây thất thoát ngân sách nhà nước.
(2) Thiệt hại tinh thần: Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể. Hành vi của các chủ thể làm mất lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước; làm giảm sút uy tín của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân, khiến quá trình thi hành, áp dụng các chính sách mới của Đảng không được nhân dân ủng hộ.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Dương Gia về thiệt hại. Trường hợp có thắc mắc bạn vui lòng liên hệ theo số hotline 19006568 để được hỗ trợ.