Một số điểm mới trong BLDS năm 2015 về quyền nhân thân gắn liền với tài sản

mot-so-diem-moi-trong-blds-nam-2015-ve-quyen-nhan-than-gan-lien-voi-tai-san

Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015) bao gồm 689 Điều, quy định về địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của các chủ thể trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm. Cá nhân là chủ thể chiếm số lượng nhiều nhất, phổ biến nhất trong các quan hệ dân sự. Việc ghi nhận những quyền dân sự nói chung và quyền nhân thân nói riêng của cá nhân là vấn đề được đặc biệt quan tâm khi xây dựng Bộ luật Dân sự sửa đổi. Hệ thống quy định về quyền nhân thân trong BLDS 2015 đã có thêm những nội dung mới mẻ và có giá trị.

1. Quy định về quyền nhân thân

Tính đến thời điểm hiện tại, để đưa ra định nghĩa về Quyền nhân thân người ta vẫn dựa trên quy định tại Điều 24 Bộ luật Dân sự 2005. Quyền nhân thân được xem là một quyền dân sự gắn liền với sự tồn tại của mỗi cá nhân; có ý nghĩa quan trọng trong việc cá biệt hóa cá nhân hay thể hiện tính cách, tài năng của mỗi cá nhân. Do mối liên hệ chặt chẽ giữa quyền nhân thân với sự minh chứng tồn tại của một cá nhân mà trên thực tế quyền nhân thân của một cá nhân thường chỉ chuyển giao trong một vài trường hợp mà pháp luật có quy định. Quy định tại Điều 24 Bộ luật Dân sự 2005 được đánh giá là ngắn gọn, súc tích, cơ bản thể hiện được bản chất của quyền nhân thân của cá nhân.

Trên cơ sở quy định của Bộ luật Dân sự 2015, nhận thấy có những điểm mới như sau: đã bổ sung quy định về việc xác lập quan hệ nhân thân liên quan tới những cá nhân là người chưa thành niên, người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong việc nhận thức và làm chủ hành vi. Việc bổ sung những nội dung mới này xuất phát từ nguyên nhân: đây là nhóm người dễ bị bất lợi do không thể tự thực hiện quyền dân sự của bản thân một cách chủ động hoặc chưa có đủ nhận thức để điều chỉnh hành vi phù hợp với lợi ích chính đáng của cá nhân nên cần có người đại diện theo pháp luật quyết định những vấn đề quan trọng về nhân thân của người đó.

2. Quyền nhân thân về họ, tên của cá nhân

Họ và tên gọi là những yếu tố nhân thân nhằm cá biệt hóa cá nhân. Tên gọi của một cá nhân có ý nghĩa trong việc quản lý hộ tịch, góp phần nhận diện một cá nhân cụ thể, khẳng định sự tham gia của một cá nhân trong quan hệ dân sự nhất định. Việc sử dụng họ và tên gọi của cá nhân gắn liền với sự tồn tại, phát triển của mỗi cá nhân, từ khi sinh ra đến lúc chết. Quyền đối với họ, tên là một trong những quyền nhân thân đầu tiên pháp luật cần thừa nhận cho một cá nhân, kể từ khi họ sinh ra. Trên cơ sở quy định tại Điều 26 và Điều 27 Bộ luật Dân sự 2005, Bộ luật Dân sự 2015 tiếp tục quy định những quyền đối với họ, tên của cá nhân theo hướng mở rộng quy mô về nội dung tại các Điều 26, Điều 27 và Điều 28. Những điểm mới trong quy định về quyền đối với họ, tên của cá nhân được đánh giá cụ thể như sau:

2.1. Về Quyền có họ, tên

Điểm mới là việc thay đổi tên gọi của Điều luật, bổ sung thêm 2 khoản tại Điều 26 BLDS 2015.

 Việc thay đổi tên gọi của Điều 26 xuất phát từ nguyên nhân: tên gọi cũ chưa bám sát nội dung của Điều luật. Điều 26 BLDS 2005 có tên gọi: “Quyền đối với họ, tên”; quyền đối với họ, tên là một cách nói chung chung có ý bao hàm tất cả các quyền dân sự được thực hiện liên quan đến yếu tố họ, tên của cá nhân. Tên gọi “Quyền đối với họ, tên” đã bao quát cả Điều 26, Điều 27 BLDS 2005; do vậy việc sửa đổi theo tinh thần của Bộ luật mới là hợp lý. Điều 26 BLDS 2015 được sửa đổi với tên gọi: “Quyền có họ, tên”, tên gọi mới của Điều luật khẳng định chắc chắn về việc cá nhân phải có quyền có họ và tên.

Việc bổ sung thêm khoản 2 Điều 26 BLDS 2016 xuất phát từ nguyên nhân: Bộ luật trước đây chưa có tiêu chí để xác định họ cho cá nhân. Trên thực tế, việc chưa có quy định về cách xác định họ của cá nhân trong Bộ luật đã gây khó khăn cho cá nhân trong việc thực hiện quyền đối với họ, tên của mình. Đứa trẻ sinh ra sẽ mang họ của người cha hay họ của người mẹ; nếu như cha, mẹ không thỏa thuận được thì sẽ áp dụng tập quán địa phương, dân tộc hay áp dụng luôn tập quán mà không cần cân nhắc sự thỏa thuận của cha, mẹ là vấn đề mà Bộ luật cũ chưa giải quyết được. BLDS 2015 quy định rõ rằng họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ (theo thỏa thuận của cha, mẹ), nếu không thể thỏa thuận được để cho con theo họ của ai thì sẽ xác định họ cho đứa trẻ theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ. Việc xác định họ cho cá nhân là những đứa trẻ được nhận làm con nuôi, bị bỏ rơi, không xác định được cha, mẹ và chưa được nhận làm con nuôi là những trường hợp mới mà Bộ luật đã dự liệu. Những thay đổi mang tính bổ sung này với ý nghĩa to lớn là góp phần ghi nhận quyền và thực hiện quyền đối với họ, tên tới tất cả cá nhân trong xã hội, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tuy nhiên, BLDS mới nên cân nhắc việc có nên quy định việc xác định họ và đặt tên cho mỗi đứa trẻ thuộc về trách nhiệm phải thực hiện của người đại diện theo pháp luật, người nuôi dưỡng (đối với trẻ bỏ rơi không xác định được cha mẹ mà chưa được nhận làm con nuôi hay không)

Việc bổ sung thêm khoản 3 Điều 26 BLDS 2015 xuất phát từ nguyên nhân: thực tế, trong nhiều trường hợp việc sử dụng họ, tên của cá nhân làm ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của người khác.[1] Việc ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp về danh dự uy tín nhân phẩm danh dự của người khác là vấn đề cần cân nhắc trước khi thực hiện việc đặt tên cho đứa trẻ. Bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 26 BLDS 2015 theo hướng hạn chế việc sử dụng quyền đối với họ, tên (việc đặt tên) với những trường hợp tên gọi của đứa trẻ gây ảnh hưởng tới tinh thần, tình cảm của cá nhân khác. Quy định mới được bổ sung này hoàn toàn hợp lý và đã thể hiện được một ý nghĩa to lớn: cá nhân thực hiện quyền dân sự của mình trên cơ sở tôn trọng quyền dân sự của người khác. Tuy vậy, đáng tiếc là quy định mới được bổ sung chưa nhắc tới trường hợp việc sử dụng tên gọi của cá nhân còn gây bất lợi trực tiếp đến quyền lợi của bản thân đứa trẻ mang cái tên đó[2].

2.2. Về quyền thay đổi họ, tên

Bộ luật Dân sự 2005 quy định về quyền thay đổi họ, tên trông một Điều luật duy nhất (Điều 27 BLDS 2005). Tiếp thu và sửa đổi trên tinh thần hợp lý hơn, BLDS 2015 đã quy định quyền thay đổi họ, tên thành 02 Điều luật độc lập: Quyền thay đổi họ (Điều 27) và Quyền thay đổi tên (Điều 28). Việc thay đổi này xuất phát từ nguyên nhân: căn cứ để thay đổi họ và tên có những điểm không tương đồng. Cá nhân có quyền thay đổi tên nếu việc sử dụng tên gọi đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của người đó (quyền thay đổi được thực hiện bằng cách yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc thay đổi tên); thay đổi tên sau khi cá nhân thực hiện quyền xác định lại giới tính, chuyển đổi giới tính. Những căn cứ này không được áp dụng với trường hợp thay đổi họ, vì vậy Bộ luật mới quy định việc thay đổi họ, tên thành hai Điều luật độc lập là hợp lý; đảm bảo cách diễn đạt rõ ràng, rành mạch, dễ hiểu.

3. Quyền xác định, xác định lại dân tộc

Việc lựa chọn dân tộc, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người. Kế thừa quy định của BLDS 2005, Bộ luật mới vẫn giữ quy định về loại quyền dân sự cơ bản này của cá nhân nhưng theo hướng sửa đổi bổ sung như sau:

3.1. Tên gọi của Điều luật

Điều 29 BLDS 2015 có tên gọi: “quyền xác định, xác định lại dân tộc”, trong khi đó Điều 28 Bộ luật hiện hành lại chỉ quy định với tên gọi: “Quyền xác định lại dân tộc”. Việc bổ sung thêm quyền xác định dân tộc xuất phát từ nguyên nhân: khẳng định cá nhân khi sinh ra đã có quyền được xác định dân tộc. Quyền xác định dân tộc là tiền đề, cơ sở, điều kiện cần để cá nhân có thể thực hiện quyền xác định lại dân tộc. Chỉ khi nào pháp luật thừa nhận cho cá nhân có quyền được xác định dân tộc thì sau đó mới có thể xác định lại dân tộc mà mình đã lựa chọn hoặc pháp luật đã quy định. Sự đổi mới này được đánh giá là chặt chẽ, hợp logic.

3.2. Bổ sung quy định về căn cứ thực hiện quyền xác định dân tộc

Bộ luật dân sự mới bổ sung quy định về các trường hợp được xác định  dân tộc cho cá nhân theo hướng cụ thể hơn. Thứ nhất, trường hợp cá nhân sinh ra được xác định theo dân tộc của cha hay của mẹ; theo BLDS hiện hành thì dân tộc của một cá nhân được xác định theo dân tộc của cha hoặc mẹ, trong trường hợp cha đẻ và mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì con sinh ra được xác định theo tập quán hoặc theo thỏa thuận. Quy định như trên gây khó khăn trong việc áp dụng trên thực tiễn: khi lựa chọn dân tộc cho đứa trẻ thì ưu tiên thỏa thuận trước hay ưu tiên áp dụng tập quán trước, áp dụng tập quán thì lựa chọn tập quán của dân tộc cha hay dân tộc của mẹ. Khắc phục được khiếm khuyết này, BLDS 2015 đã bổ sung thêm quy định mang tính đổi mới căn bản: nguyên tắc áp dụng phương thức xác định dân tộc cho cá nhân là ưu tiên sự thỏa thuận giữa cha và mẹ, không thống nhất được thì xác định theo tập quán. Điều cần nhắc tới là BLDS 2015 đã đưa ra cách ứng xử chuẩn mực trong trường hợp cần xác định dân tộc cho cá nhân khi tập quán dân tộc của cha và của mẹ khác nhau. Trong hoàn cảnh này, dân tộc của người con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn; quy định mới này thể hiện sự công bằng, khách quan và mang tính nhân văn sâu sắc; khẳng định một điều là mọi cá nhân, dân tộc đều được đối xử công bằng, khách quan. Điều 29 BLDS 2015 dành thêm nội dung Khoản 2 để quy định việc xác định dân tộc đối với trẻ em được nhận làm con nuôi và trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ. Căn cứ vào tình hình thực tế cho thấy biến động của quan hệ dân sự, sự phức tạp, thách thức của việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật thì những đổi mới trong Điều 29 BLDS 2015 được đánh giá là hợp thời và có phạm vi giá trị lan rộng đến đầy đủ các tầng lớp nhân dân, dân tộc.

4. Quyền được khai sinh, khai tử

Kể từ thời điểm sinh ra đến thời điểm được xác định đã chết, cá nhân được pháp luật công nhận và bảo hộ nhiều quyền dân sự. Trong những quyền nhân thân gắn liền với cá nhân, có những quyền tồn tại cùng với sự phát triển của cá nhân, có những quyền nhân thân lại gắn với những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của mỗi cá nhân. Khi cá nhân được sinh ra, mặc dù cá nhân đó chưa thể nhận thức và chắc chắn không thể làm chủ hành vi nhưng nhu cầu được khẳng định sự tồn tại của mình trên đời là điều không phải bàn cãi. Nếu quyền được khai sinh được quy định với ý nghĩa lớn lao là cho cá nhân được khẳng định sự tồn tại của mình đối với xã hội thì quyền được khai tử cũng là một quyền nhân thân có ý nghĩa nhất định: công nhận sự chấm dứt tồn tại của một cá nhân đồng thời hướng tới sự kế thừa của thế hệ sau. Tất nhiên ngoài những ý nghĩa dựa trên khung tham chiếu là quyền con người thì những quy định về quyền khai sinh, khai tử còn có ý nghĩa lớn trong việc quản lý hộ tịch, xác định tình trạng pháp lý của các quan hệ dân sự của cá nhân sau khi được khai sinh hoặc khai tử. Quyền khai sinh, khai tử của cá nhân được quy định trong Điều 29, Điều 30 BLDS 2005; còn trong BLDS 2015 hai quyền nhân thân quan trọng này được quy định chung tại Điều 30. Bộ luật mới khi quy định về quyền khai sinh, khai tử của cá nhân cũng đã có những thay đổi: bổ sung thêm Khoản 3 với nội dung nhắc tới điều kiện để được làm thủ tục khai sinh, khai tử. Cụ thể là trẻ em sinh ra và sống được từ 24 giờ trở lên mới chết thì phải được khai sinh, khai tử; nếu sinh ra và chết trong vòng 24 giờ thì chỉ thực hiện khai sinh, khai tử cho đứa trẻ nếu được cha, mẹ yêu cầu. Quy định mới này trước đây đã được quy định trong Nghị định của Chính phủ về quản lý hộ tịch, hiện tại đã được đưa vào trở thành một khoản nội dung trong một điều luật.

5. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh

Hình ảnh của một cá nhân là một trong các yếu tố cá biệt hóa cá nhân, giúp phân biệt một cá nhân này với một cá nhân khác. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh là quyền của cá nhân được sử dụng hình ảnh của mình, bảo vệ hình ảnh của mình bằng cách ngăn chặn những hành vi sử dụng hình ảnh nhằm mục đích xấu. Quyền này bao gồm có quyền phi tài sản và quyền tài sản liên quan đến hình ảnh. Khi cá nhân sử dụng hình ảnh của mình một cách thông thường với dụng ý cá nhân không nhằm mục đích quảng cáo, kinh doanh thì quyền dân sự này được xác định là một quyền nhân thân phi tài sản thuần túy. Tuy nhiên, không giống các quyền nhân thân như quyền đối với họ, tên; quyền được khai sinh, khai tử; đối với hình ảnh của mình, cá nhân có thể có thêm được một quyền tài sản khi sử dụng hình ảnh của bản thân vào mục đích thương mại. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh được quy định trong BLDS 2015 theo hướng bổ sung nhiều nội dung mới hơn:

5.1. Quy định về quyền tài sản phát sinh từ quyền của cá nhân đối với hình ảnh

Hình ảnh là một giá trị nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân. Hình ảnh là sự phản chiếu hình thức, thần thái, điệu bộ, cử chỉ của một cá nhân. Về nguyên tắc thì những giá trị nhân thân này khác biệt với những giá trị tài sản ở chỗ nó không thể định giá được. Hình ảnh của cá nhân không thể xác định được thành tiền và hoàn toàn không có tiêu chí, chuẩn mực để định giá chung cho hình ảnh của cá nhân. Tuy vậy trên thực tế, việc hình ảnh của cá nhân nổi tiếng được sử dụng hình ảnh vào mục đích thương mại ngày một phổ biến; là quy luật tất yếu của cơ chế kinh tế thị trường. Trên cơ sở nhu cầu thực tế, Bộ luật mới đã bổ sung quy định tại Khoản 1 Điều 32 với ghi nhận rằng người sử dụng hình ảnh của một cá nhân nào đó sẽ phải trả thù lao cho người có hình ảnh. BLDS 2005 không có quy định này, tuy nhiên cũng không có quy định cấm việc sử dụng hình ảnh của một cá nhân vào mục đích kinh doanh, thu lợi nhuận. Kế thừa tinh thần của Bộ luật cũ, Bộ luật 2015 quy định bổ sung Khoản 1 Điều 32 được đánh giá là phù hợp. Việc sử dụng hình ảnh với mục đích thương mại cần được thừa nhận công khai trong Luật, tạo điều kiện cho người có hình ảnh có cơ sở pháp lý rõ ràng, chắc chắn để bảo vệ quyền lợi khi bị người sử dụng hình ảnh nhằm mục đích thương mại mà không trả thù lao.

5.2. Bổ sung quy định về việc sử dụng hình ảnh của cá nhân không cần có sự đồng ý của người đó

Quyền đối với hình ảnh của cá nhân, được hiểu là quyền của cá nhân được sử dụng hình ảnh của mình theo mong muốn, nguyện vọng bản thân; kiểm soát việc người khác sử dụng hình ảnh của bản thân mình. Việc một người sử dụng hình ảnh của người khác chỉ có thể rơi vào hai trường hợp: một là được sự đồng ý của người đó, hai là không được sự đồng thuận hoặc người đó không biết về việc đã bị sử dụng hình ảnh. Về nguyên tắc việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được sự đồng ý của người đó (Khoản 1 Điều 31 BLDS 2015 đã quy định), nhưng tại Khoản 2 cùng Điều luật này lại quy định cá nhân có thể sẽ bị sử dụng hình ảnh mà không cần sự đồng ý nếu như hình ảnh đó được lấy từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác. Trên cơ sở nội dung quy định của hai Khoản trên, nhận thấy rằng: đối với việc sử dụng những hình ảnh của cá nhân liên quan đến cuộc sống riêng tư mà cá nhân đó chưa hề có ý định công khai thì cần được sự đồng ý của người đó, còn đối với những hình ảnh được lấy từ nguồn là các hoạt động công cộng (nơi mà cá nhân khi tham gia đã ý thức được rằng mình đã sẵn sàng công khai hình ảnh và hoạt động của bản thân) thì không cần sự đồng ý của người đó. Tuy nhiên cũng cần lưu ý, mặc dù việc sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác lấy từ những hoạt động công cộng không cần phải sự cho phép của người đó nhưng vẫn cần tuân thủ nguyên tắc chung: không ảnh hưởng tới danh dự, uy tín, nhân phẩm của người có hình ảnh; nếu sử dụng vào mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người đó.

6. Quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể

 Quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể được quy định trong BLDS 2015 mang tính kế thừa quy định trong BLDS hiện hành. Về cơ bản nội dung quyền nhân thân này được ghi nhận trong hai Bộ luật là giống nhau, tuy nhiên trong quy định tại Điều 33 BLDS 2015 có chỉnh sửa quy định liên quan đến sự thể hiện ý chí của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi áp dụng phương pháp khám, chữa bệnh mới. BLDS 2015 quy định rằng trường hợp người được thử nghiệm là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc là bệnh nhân bất tỉnh thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con thành niên hoặc người giám hộ của người đó đồng ý; trường hợp có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân mà không chờ được ý kiến của những người nêu trên thì phải có quyết định của người có thẩm quyền của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trong khi đó BLDS hiện hành thì quy định người đưa ra quyết định trong trường hợp này phải là người đứng đầu cơ sở y tế. Quy định mới này được đánh giá là chưa rõ ràng, mặc dù ý tưởng đưa ra nhằm tạo điều kiện nâng cao hiệu quả công việc áp dụng phương pháp thử nghiệm mới, nhưng thực tế để xác định người có thẩm quyền của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là không dễ.

Quyền sống là một quyền nhân thân hoàn toàn mới mẻ, được ghi nhận lần đầu tiên trong một Bộ luật Dân sự. Quyền sống là một quyền con người cơ bản nhất, quyền sống là nền tảng, cơ sở của mọi quyền nhân thân được ghi nhận đối với cá nhân. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân được xác định từ thời điểm cá nhân đó sinh ra, tức là khi cá nhân sinh ra và bắt đầu khả năng sống tự nhiên của mình thì cá nhân đó sẽ được ghi nhận những quyền dân sự thực thụ. Quyền sống là một quyền nhân thân bao trùm tất cả những quyền nhân thân khác. Nếu hiểu “sống” theo nghĩa rộng nhất là bao gồm toàn bộ hành vi sống của cá nhân thì khi cá nhân thực hiện quyền nhân thân của mình tức là họ cũng đã đồng thời thực hiện quyền sống. Việc quy định Quyền sống trở thành một quyền dân sự được ghi nhận trong một văn bản pháp luật quan trọng như Bộ luật Dân sự là phù hợp với tinh thần và nhiệm vụ đặt ra khi xây dựng Bộ luật Dân sự sửa đổi: bám sát và cụ thể hóa những quyền con người đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Có nhiều ý kiến góp ý khi xây dựng Dự thảo BLDS 2015 cho rằng: nếu quy định quyền sống của cá nhân thì phải cụ thể hóa xem chất lượng sống đạt mức như thế nào. Nếu chất lượng sống không được bảo đảm một cách tối thiểu, sức khỏe và tinh thần giảm sút trầm trọng thì có nên công nhận cho họ có quyền được lựa chọn cái chết êm ái và nhẹ nhàng. Vậy nên, khi đã công nhận cho người ta có quyền sống thì cần phải có quy định giá trị của việc sống phải đạt được mức tối thiểu như thế nào, bằng không hãy nghiên cứu để thừa nhận một quyền nhân thân phù hợp tương ứng.

7. Quyền chuyển đổi giới tính

Trong suốt thời gian xây dựng Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, đã tồn tại nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc có nên công nhận quyền chuyển đổi giới tính của cá nhân tại Việt Nam. Đã có những thời điểm Dự thảo BLDS 2015 đã đưa ra hai phương án: Nhà nước không thừa nhận việc chuyển giới; và trong trường hợp đặc biệt việc chuyển giới phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật. Thực tế việc ghi nhận quyền chuyển đổi giới tính của cá nhân gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Khó khăn ở chỗ định kiến của xã hội liên quan đến những người có nhu cầu chuyển giới vẫn còn tồn tại, hệ thống các văn bản pháp luật liên quan phục vụ việc ghi nhận quyền nhân thân này chưa được sửa đổi một cách thống nhất. Do vậy, việc ghi nhận việc chuyển đổi giới tính của cá nhân trong BLDS 2015 là một bước tiến đáng ghi nhận; điều này chứng minh rằng Việt Nam đã thực sự quan tâm đến quyền con người của những cá nhân chuyển giới. Điều 37 BLDS 2015 về chuyển đổi giới tính mới chỉ dừng lại ở mức khái quát và quy định chung chung: việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của Luật, vậy Luật quy định về vấn đề này như thế nào, cá nhân muốn chuyển đổi giới tính thì cần đáp ứng được những điều kiện gì về sức khỏe, tâm sinh lý hay không; việc bảo vệ quyền chuyển đổi giới tính được quy định cụ thể ra sao. Vấn đề tiếp theo là: tại sao pháp luật đã thừa nhận cho cá nhân được chuyển đổi giới tính nhưng trong quy định tại Điều 37 BLDS 2015 lại quy định với tên gọi là “Chuyển đổi giới tính”. Nếu đã hoàn toàn ủng hộ việc ghi nhận quyền chuyển đổi giới tính thì Bộ luật nên có sự thể hiện phù hợp: quy định Điều 37 thành Quyền chuyển đổi giới tính.

8. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật đời tư, bí mật gia đình

Bộ luật Dân sự hiện hành dành riêng Điều 38 để quy định về Quyền bí mật đời tư. Trong BLDS 2015, quy định tại Điều 38 đã có những khác biệt lớn: quy định bổ sung khái niệm “quyền về đời sống riêng tư”, “bí mật gia đình”. Việc Bộ luật Dân sự quy định bổ sung những quyền liên quan tới sự riêng tư, bí mật cá nhân xuất phát từ lý do: cần bảo vệ quyền riêng tư, bí mật của cá nhân với phạm vi mở rộng hơn. Khái niệm Quyền riêng tư được dùng để chỉ một tình trạng sinh hoạt của cá nhân mà không chịu bất kỳ sự can thiệp nào từ những người xung quanh khác; quyền riêng tư là quyền được sống như mong muốn của mỗi cá nhân mà không chịu ảnh hưởng bởi bất kỳ chủ thể nào khác. Cá nhân có thể sinh hoạt theo sở thích riêng, tự do lựa chọn cách sống, cách sinh hoạt, quan điểm và lý tưởng sống riêng… Khái niệm “quyền bí mật đời tư” được hiểu với mức độ cao hơn của sự riêng tư. Đó không chỉ đơn thuần là sinh hoạt theo sở thích, thói quen, sự tự do của cá nhân nữa mà đã có những thông tin, tư liệu thuộc về mức độ “bí mật” và người sở hữu những thông tin tư, liệu đó đã có sự “bảo mật” để tránh hành vi xâm phạm từ bên ngoài. Điều này khác với quyền riêng tư bởi với quyền riêng tư có thể bản thân cá nhân không áp dụng các biện pháp bảo mật đối với những sinh hoạt, thói quen của mình nhưng không vì thế mà người khác có thể xâm phạm[3]. Quy định này của BLDS 2015 là mới mẻ, đảm bảo nguyên tắc tôn trọng cuộc sống đời tư, riêng biệt của mỗi cá nhân. Việc ghi nhận thêm quyền về đời sống riêng tư, bí mật gia đình đã thể hiện được ý thức tôn trọng sự tự do cá nhân ngày một sâu sắc và phát triển ở mức độ cao hơn: cần tôn trọng tuyệt đối những giá trị thuộc về riêng cá nhân, từ những thông tin bí mật đến những giá trị riêng tư trong cuộc sống. Tuy nhiên, Điều 38 BLDS 2015 cần có quy định rõ hơn về thuật ngữ đời sống riêng tư, bí mật gia đình, bí mật đời tư để đảm bảo quyền nhân thân này được ghi nhận và bảo hộ một cách hiệu quả hơn.

9. Thay đổi quy định liên quan đến một số quyền nhân thân khác

9.1. Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác

Quyền hiến bộ phận cơ thể, quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết, quyền nhận bộ phận cơ thể người đã được quy định ngay trong Bộ luật Dân sự 2005. Tại thời điểm xây dựng BLDS 2005 và sau đó là ban hành Bộ luật, những quyền nhân thân này là hoàn toàn mới mẻ và chưa từng được ghi nhận trong Pháp luật Dân sự. Truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam luôn khích lệ mọi người đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ nhau. Trước sự an nguy của một con người, người ta có thể sẵn sang hiến tặng những gì quý giá nhất, ngay cả đối với bộ phận trên cơ thể. Thực tế việc hiến mô, bộ phận cơ thể không mới nhưng việc ghi nhận quyền nhân thân này tại thời điểm những năm 2000 là một thành công. Tuy nhiên , trải qua thời gian quyền nhân thân của cá nhân liên quan đến việc hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác sau khi chết vẫn chưa thực sự hiệu quả vì phong tục tập quán và tín ngưỡng của người Việt Nam. Trong một chừng mực nhất định thì phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng và quan điểm về đạo đức trong nhân dân đã là những mốc giới vô hình ảnh hưởng đến việc hiến mô, bộ phận cơ thể khi còn sống và hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác sau khi chết[4]. BLDS 2015 tiếp tục kế thừa tư tưởng nhân văn của Bộ luật hiện hành khi tiếp tục thừa nhận cá nhân có quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Ưu điểm của BLDS 2015 là: đã quy định quyền nhân thân này một cách gọn gang và dễ theo dõi hơn, thay vì quy định trong 3 Điều luật độc lập giống BLDS 2005 thì Bộ luật mới chỉ tập trung quy định tại một Điều 35 duy nhất. Quan điểm sửa đổi này được đánh giá là phù hợp, dựa trên tình hình thực tế là đã có một văn bản luật chuyên ngành là Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định chi tiết và cụ thể.

9.2. Quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình

Bộ luật Dân sự 2005 quy định một loạt các quyền nhân thân trong quan hệ hôn nhân và gia đình như: quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền được hưởng sự chăm sóc giữa các thành viên trong gia đình, quyền kết hôn, quyền ly hôn, quyền được nuôi và nhận con nuôi. Trong bối cảnh Luật hôn nhân và gia đình, các văn bản pháp luật liên quan đã có những quy định chi tiết và cụ thể về những quyền nhân thân này thì việc ghi nhận các quyền trên đây thành một điều luật riêng trong Bộ luật Dân sự là điều không còn cần thiết. Việc nhóm những quyền nhân thân liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình thành một Điều luật chung (Điều 39 BLDS 2015) gặp phải những quan điểm trái ngược: Bộ luật Dân sự không cần thiết phải nhắc lại những quy định đã được luật chuyên ngành điều chỉnh với quan điểm Bộ luật Dân sự đại diện cho ngành luật gốc, cơ sở trong hệ thống luật tư nên cần thể hiện vai trò của mình bằng cách quy định lại những quyền nhân thân trên trong Bộ luật. Cách giải quyết hiện tại của BLDS 2015 theo đánh giá chủ quan của người viết là phù hợp, Bộ luật mới cần tinh gọn ở những chỗ cần súc tích, cần chi tiết cụ thể ở những nội dung mới triển khai.

[1] Xem: Hoàng Ngọc Hưng, Quyền đối với họ, tên – một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Luận văn Thạc sĩ Luật học, 2012.

[2] Xem: Hoàng Ngọc Hưng, Quyền đối với họ, tên – một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Luận văn Thạc sĩ Luật học, 2012, tr.41

[3] Xem: Lê Đình Nghị, Quyền bí mật đời tư theo quy định của Pháp luật Việt Nam, Luận án Tiến sĩ, 2008.

[4] Xem: Phùng trung Tập, Quyền hiến, lấy xác và bộ phận cơ thể người, Nxb. Hà Nội, 2013.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon