Áp dụng tương tự pháp luật là gì? Nguyên nhân, điều kiện, hậu quả của áp dụng tương tự pháp luật dân sự

ap-dung-tuong-tu-phap-luat-la-gi-nguyen-nhan-dieu-kien-hau-qua-cua-ap-dung-tuong-tu-phap-luat-dan-su

Áp dụng tương tự pháp luật là hoạt động giải quyết các vụ việc thực tế cụ thể của các chủ thể có thẩm quyền áp dụng pháp luật khi trong hệ thống không có quy phạm pháp pháp luật nào trực tiếp điều chỉnh vụ việc đó. Nội dung bài viết đề cập tới khái niệm, cách hiểu, áp dụng, nguyên nhân, điều kiện, hậu quả của việc áp dụng tương tự pháp luật dân sự.

1. Khái niệm áp dụng tương tự pháp luật dân sự

Áp dụng tương tự pháp luật được hiểu là một trong các cách phân tích mở rộng quy định của pháp luật. Việc phân tích, chỉ dẫn áp dụng này thường được thực hiện trong khuôn khổ các cơ quan, cá nhân thực thi pháp luật. Hay nói cách khác, hoạt động này được thực hiện trong quá trình vận dụng các quy tắc, quy định của pháp luật để tiến hành giải quyết các vụ việc dân sự phát sinh trong đời sống xã hội. Dưới góc độ tổng quát hơn, áp dụng tương tự pháp luật được hiểu là hoạt động giải quyết các vụ việc thực tế cụ thể của các chủ thể có thẩm quyền áp dụng pháp luật khi trong hệ thống không có quy phạm pháp pháp luật nào trực tiếp điều chỉnh vụ việc đó. Theo đó, nếu như áp dụng pháp luật là hoạt động giải quyết các vụ việc thực tế, cụ thể trên cơ sở quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh vụ việc đó nhằm cá biệt hoá quy phạm pháp luật đó vào trường hợp cụ thể thì áp dụng tương tự pháp luật lại là hoạt động giải quyết các vụ việc thực tế, cụ thể khi trong hệ thống pháp luật không có quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh, không có khuôn mẫu định sẵn để áp dụng giải quyết vụ việc đó.

So với BLDS năm 2005, BLDS năm 2015 đã có những điều chỉnh về cách sử dụng thuật ngữ pháp lý liên quan đến hoạt động áp dụng tương tự pháp luật dân sự. Cụ thể, BLDS năm 2015 không dùng cụm từ “áp dụng quy định tương tự của pháp luật[1] mà thay vào đó là cụm từ “áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự[2]. Với sự thay đổi này, “tương tự” phải được hiểu là hoàn cảnh tương tự mà không phải là quy định tương tự. Sự thay đổi này là phù hợp, vì nếu có quy định tương tự thì đó là việc áp dụng luật để giải quyết tranh chấp. Như vậy, quan hệ đó có quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh. Còn trường hợp không có quy phạm pháp luật, không có tập quán được áp dụng thì sẽ áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự. Theo đó, áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự là việc dùng những quy phạm pháp luật đang có hiệu lực đối với những quan hệ tương tự như quan hệ cần xử lý để điều chỉnh quan hệ cần xử lý đó nhưng không có quy phạm trực tiếp điều chỉnh quan hệ đó.

Dưới góc độ lý luận, việc áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự có thể được hiểu theo hai cách thông thường:

1.1. Một là, áp dụng quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ tương tự

Áp dụng quy phạm pháp luật để điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự là hoạt động giải quyết các vụ việc thực tế cụ thể của các chủ thể có thẩm quyền áp dụng pháp luật dựa trên cơ sở quy phạm pháp luật điều chỉnh vụ việc khác có nội dung tương tự như vậy.Việc áp dụng quy phạm pháp luật để giải quyết vấn đề tranh chấp của quan hệ tương tự chỉ có thể được tiến hành khi có đủ những điều kiện nhất định. Đó là những điều kiện sau đây:

– Chủ thể có thẩm quyền áp dụng phải xác định được tính chất pháp lý của vụ việc; tức là vụ việc đó phải thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật. Hay nói cách khác; đó là quan hệ xã hội cần phải được điều chỉnh bằng pháp luật bởi vì nó liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của Nhà nước; tập thể hoặc cá nhân. Nếu vụ việc không có tính chất pháp lý thì đương nhiên các chủ thể có thẩm quyền không cần thụ lý và giải quyết.

–  Chủ thể có thẩm quyền áp dụng phải xác định được một cách chắc chắn rằng trong hệ thống pháp luật không có quy phạm pháp luật nào trực tiếp điều chỉnh vụ việc đó (vì có như vậy thì mới có thể được phép áp dụng quy phạm pháp luật để điều chỉnh quan hệ tương tự) nhưng có quy phạm điều chỉnh vụ việc khác có nội dung tương tự như vậy (vì khi đó thì mới có thể áp dụng tương tự quy phạm pháp luật). Đồng thời, phải xác định được một cách cụ thể quan hệ tương tự đó giống quan hệ đã được điều chỉnh bởi quy phạm pháp luật ở chỗ nào, các điều khoản của văn bản quy phạm pháp luật nào đã được dùng là cơ sở pháp lý để giải quyết vụ việc. Kết quả của vụ việc được giải quyết như thế nào. Từ đó, người áp dụng gắn kết vào vụ việc tương tự để đưa ra phán quyết giống như áp dụng quy phạm pháp luật.

1.2. Hai là, áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ tương tự

Áp dụng pháp luật để giải quyết quan hệ dân sự tương tự là hoạt động giải quyết các vụ việc thực tế cụ thể của các chủ thể có thẩm quyền áp dụng pháp luật dựa trên cơ sở các nguyên tắc chung của pháp luật và ý thức pháp luật.

Khi tiến hành giải quyết một vụ việc có tính chất pháp lý mà trong hệ thống pháp luật hiện hành không có quy phạm pháp luật nào có thể dựa vào để áp dụng. Cả trong trường hợp không quy phạm trực tiếp điều chỉnh vụ việc đó lẫn quy phạm điều chỉnh vụ việc khác có nội dung tương tự như vậy thì các chủ thể có thẩm quyền phải giải quyết bằng cách áp dụng pháp luật để giải quyết quan hệ tương tự. Việc áp dụng tương tự pháp luật đòi hỏi sự sáng tạo rất cao của người áp dụng, song cũng rất dễ dẫn đến sự tuỳ tiện của người áp dụng. Vì vậy, nó chỉ được tiến hành khi có đủ những điều kiện nhất định:

– Giống như hình thức áp dụng tương tự quy phạm pháp luật, tức là chủ thể có thẩm quyền áp dụng phải xác định được tính chất pháp lý của vụ việc vì nếu vụ việc không có tính chất pháp lý thì không cần giải quyết.

–  Chủ thể có thẩm quyền áp dụng phải xác định được một cách chắc chắn rằng trong hệ thống pháp luật không có quy phạm pháp luật nào trực tiếp điều chỉnh vụ việc đó (bởi vì nếu có thì đương nhiên phải áp dụng pháp luật) và cũng không có quy phạm pháp luật nào điều chỉnh vụ việc khác có nội dung tương tự như vậy (vì nếu có thì phải áp dụng tương tự quy phạm pháp luật).

2. Nguyên nhân, điều kiện, hậu quả của áp dụng tương tự pháp luật dân sự

Quan hệ pháp luật dân sự là những quan hệ có xuất phát điểm từ nhu cầu, mong muốn, lợi ích của các chủ thể trong xã hội nên các quan hệ này luôn thể hiện sự đa dạng, phong phú về nhiều mặt. Từ chủ thể, đối tượng, khách thể, nội dung đến chế tài của quan hệ đều rất đa dạng. Sự thay đổi, biến thiên của từng loại quan hệ dân sự luôn thể hiện tính liên tục, không ngừng. Mà các quy phạm pháp luật được ban hành phải dựa vào trình tự, thủ tục nhất định nên chưa đảm bảo tính kịp thời trong việc điều chỉnh giải quyết tranh chấp của các quan hệ dân sự. Một trong các điểm mới mang tính đột phá của BLDS năm 2015 quy định Toà án không được quyền từ chối giải quyết vụ án dân sự[3]. Điều này là phù hợp vì Toà án là cơ quan có thẩm quyền duy nhất để xét xử, giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền dân sự của các chủ thể. Toà án không được quyền thụ lý giải quyết hoặc từ chối giải quyết sẽ tạo ra nhiều vấn nạn xã hội, nhiều hậu quả xấu dẫn đến khó kiểm soát hơn cho công tác quản lý của các cơ quan nhà nước.

Hiến pháp năm 2013 đã quy định ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng[4].

Điều 2 BLDS năm 2015 đã cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, theo đó, ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Tuy nhiên, dù các nhà làm luật có làm tốt đến đâu cũng không thể quy định hết các quan hệ dân sự phát sinh trong đời sống hằng ngày. BLDS năm 2015 cũng đã dự liệu quan hệ dân sự phát sinh chưa có điều luật điều chỉnh: Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của BLDS; Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự; Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 6 BLDS năm 2015  thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của BLDS 2015, án lệ, lẽ công bằng.

Mục đích lớn nhất của việc áp dụng tương tự pháp luật là nhằm khắc phục những lỗ hổng trong pháp luật dân sự, khi đó các quan hệ dân sự phát sinh sẽ phát sinh dù chưa có quy phạm pháp luật điều chỉnh vẫn được giải quyết nếu có tranh chấp. Việc áp dụng này sẽ tạo tiền đề để các nhà lập pháp hoàn thiện và bổ sung hệ thống pháp luật.

Theo quy định tại Điều 6 BLDS năm 2015, để áp dụng tương tự pháp luật phải thoả mãn các điều kiện sau đây:

Một là, quan hệ tranh chấp phải thuộc lĩnh vực mà luật dân sự điều chỉnh;

Hai là, các bên không có thoả thuận. Việc không có thoả thuận cần được hiểu dưới hai góc độ: (i) Các bên không có thoả thuận về việc giải quyết tranh chấp. (ii) Khi tranh chấp xảy ra, các bên không đạt được sự thoả thuận về việc giải quyết tranh chấp.

Ba là, trong hệ thống pháp luật chưa có quy phạm nào trực tiếp điều chỉnh;

Bốn là, không có tập quán được áp dụng giải quyết tranh chấp.

Năm là, hiện có các quy phạm (chế định) khác trong luật dân sự hoặc các quy định pháp luật khác điều chỉnh các quan hệ tương tự (gần giống các quan hệ cần điều chỉnh);

Giống như hậu quả của việc áp dụng quy phạm pháp luật hay tập toán để giải quyết các tranh chấp, việc áp dụng quy định của pháp luật để điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự cũng sẽ làm phát sinh các hậu quả như sau:

Thứ nhất, công nhận hoặc bác bỏ một quyền dân sự nào đó đối với một chủ thể xác định. Ví dụ: Công nhận quyền sở hữu, quyền thừa kế, quyền đòi nợ, quyền yêu cầu…

Thứ hai, xác lập một hoặc nhiều nghĩa vụ cho một chủ thể nhất định (bồi thường thiệt hại, trả nợ, giao vật, trả tiền, chấm dứt hành vi vi phạm…)

Thứ ba, áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích của các chủ thể khác, của Nhà nước. Ví dụ: Kê biên, tịch thu tài sản, bán đấu giá tài sản…

[1] Điều 3 BLDS năm 2005.

[2] Điều 6 BLDS năm 2015.

[3] Điều 12 BLDS năm 2015.

[4] Điều 14 Hiến pháp năm 2013

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon