Đăng tin sai sự thật bị xử lý như thế nào

dang-tin-sai-su-that-bi-xu-ly-nhu-the-nao

Hiện nay, mạng xã hội là phương tiện kết nối, chia sẻ thông tin nhanh và hiệu quả. Tuy nhiên, thời gian qua có một số cá nhân sử dụng mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ những thông tin sai sự thật, trái pháp luật. Để không gian mạng được thông suốt, lành mạnh, thật sự là nơi để chia sẻ tri thức, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, bên cạnh việc quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trách nhiệm của các tổ chức doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng thì bản thân mỗi công dân khi thực hiện các hành vi trên không gian mạng cần tôn trọng, tuân thủ pháp luật, thực hiện hành vi, ứng xử phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Nếu vi phạm thì sẽ bị xử lý như thế nào, mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Căn cứ pháp lý:

– Luật an ninh mạng năm 2018

– Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017

– Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

​1. Mạng xã hội là gì?

Mạng xã hội có thể hiểu là một nền tảng trực tuyến với rất nhiều dạng thức và tính năng khác nhau, giúp mọi người dễ dàng kết nối từ bất cứ đâu.

Mạng xã hội có thể truy cập dễ dàng từ nhiều phương tiện, thiết bị như máy tính, điện thoại,…

Ví dụ một số mạng xã hội đang được sử dụng phổ biến ở Việt Nam: Facebook; YouTube; Zalo; Instagram; Tiktok…

2. Đặc điểm của mạng xã hội

Mạng xã hội tuy tồn tại dưới nhiều hình mô hình khác nhau nhưng nhìn chung, mạng xã hội đều có những điểm chung sau:

+ Mạng xã hội là một ứng dụng được sử dụng trên nền tảng Internet.

+ Tất cả nội dung trên mạng xã hội đều do người dùng tự tạo ra, tự chia sẻ.

+ Mỗi người dùng trên mạng xã hội đều phải tạo tài khoản, hồ sơ riêng.

+ Mạng xã hội sẽ kết nối tài khoản người dùng đến các tài khoản cá nhân, tổ chức khác thông qua các tài khoản ảo do người dùng tạo ra.

3. Mục tiêu của mạng xã hội

Mục tiêu của mạng xã hội là tạo ra một hệ thống cho phép người dùng có thể kết nối, giao lưu, chia sẻ những thông hữu ích trên nền tảng Internet.

Ngoài ra, mạng xã hội còn có mục tiêu là tạo nên một cộng đồng có giá trị, nâng cao vai trò của mỗi người dùng trong việc xây dựng các mối quan hệ.

Với những gì mà mục tiêu đưa ra, mạng xã hội đã mang lại cho con người rất nhiều những lợi ích như: Cập nhật tin tức, kết nối các mối quan hệ, kinh doanh, quảng cáo trên mạng xã hội,…

Ngày nay, nhu cầu sử dụng mạng xã hội tại nước ta ngày càng tăng tuy nhiên, đi kèm với phát triển rộng rãi của mạng xã hội đó lại không tránh khỏi việc nhiều người đang sử dụng mạng xã hội sai cách làm ảnh hưởng xấu đến bản thân như mất ngủ, giảm sức khoẻ, suy nghĩ tiêu cực…Có một số trường hợp lạm dụng mạng xã hội để đưa những thông tin sai sự thật, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự xã hội.

Ví dụ: Bà Nguyễn Thị B bị chị Huỳnh Thị L dùng trang cá nhân facebook đưa những thông tin sai sự thật về bà B lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của bà B.

4. Quy định của pháp luật để xử lý hành vi đưa thông tin sai sự thật trên không gian mạng xã hội

Để xử lý các hành đưa thông tin sai sự thật trên không gian mạng được quy định tại Điều 8 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và Điều 9 Luật An ninh mạng năm 2018 bao gồm: Tính chất, mức độ vi phạm mà người thực hiện hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Như vậy, tùy từng tính chất và mức độ mà người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị áp dụng một, hai hoặc nhiều chế tài đối với một hành vi vi phạm. Chế tài xử lý hành chính và hình sự đối với hành vi đưa thông tin sai sự thật trên không gian mạng, cụ thể như sau:

4.1. Chế tài xử lý hành chính

Đối với các hành vi mà Bộ luật Hình sự chưa quy định là tội phạm hoặc hành vi đó chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 15) thì cá nhân sẽ bị xử phạt hành chính nếu có một trong các hành vi sau:

Hành vi vi phạm quy định về trang thông tin điện tử

Tại khoản 2 Điều 99 của Nghị định 15 quy định:

“…

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung vi phạm quy định của pháp luật;

b) Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;

b) Đăng, phát, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hoặc thể hiện sai chủ quyền quốc gia;

c) Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm;

d) Giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác;

đ) Đăng, phát các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc không được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu”.

Hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội

Tại khoản 3 Điều 100 Nghị định 15 quy định:

“…

3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

b) Chủ động cung cấp thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

c) Chủ động cung cấp thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;

d) Chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;

đ) Chủ động lưu trữ, truyền đưa nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước;

e) Chủ động đăng, phát, truyền đưa, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hoặc thể hiện sai chủ quyền quốc gia;

g) Chủ động đăng, phát các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc không được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;

h) Chủ động quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm;

i) Không thực hiện việc ngăn chặn, loại bỏ thông tin vi phạm theo quy định pháp luật”.

Hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội

Theo quy định của Điều 101 Nghị định 15:

“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

c) Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;

d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;

đ) Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;

e) Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;

g) Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;

h) Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.”

Ngoài ra, chủ thể vi phạm còn bị tịch thu công cụ, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm. Mức phạt tiền đối với các hành vi trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức.

Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức (khoản 3 Điều 4 Nghị định 15). Ví dụ: Hành vi quy định tại khoản 2 Điều 99 như đã nêu trên có mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng là áp dụng đối với tổ chức vi phạm, nếu cá nhân vi phạm thì mức phạt là từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

4.2. Chế tài xử lý hình sự

Chế tài hình sự được áp dụng đối với cá nhân vi phạm nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm mà Bộ luật Hình sự quy định. Hiện nay Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đang có hiệu lực thi hành, quy định một số tội liên quan đến các hành vi đăng tải, chia sẻ những thông tin sai sự thật, trái pháp luật lên mạng xã hội. Tuy nhiên, tùy theo tính chất, mức độ, loại hành vi mà sẽ phạm một tội hoặc một số tội theo quy định của Bộ luật này, cụ thể:

Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Tại Điều 117 Bộ luật Hình sự quy định về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như sau:

“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;

c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Tội làm nhục người khác

Tại Điều 155 Bộ luật Hình sự quy định về tội làm nhục người khác như sau:

“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Tội vu khống

Tại Điều 156 Bộ luật Hình sự quy định về tội vu khống như sau:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với 02 người trở lên;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;

đ) Đối với người đang thi hành công vụ;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

h) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Vì động cơ đê hèn;

b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông

Tại Điều 288 quy định về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông như sau:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của Cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này;

b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;

c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông;

c) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

d) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam;

g) Dẫn đến biểu tình.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

Tại Điều 331 Bộ luật Hình sự quy định về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như sau:

“1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.

Chế tài hình sự là biện pháp xử lý nghiêm khắc nhất đối với cá nhân có những hành vi vi phạm pháp luật. Nếu bị xử lý hình sự cá nhân vi phạm có thể đối diện với các mức án nghiêm khắc nhất và khi chấp hành án xong hình phạt của bản án, cá nhân đó còn phải mang án tích cho đến khi được xóa án tích theo quy định của pháp luật.

5. Bồi thường dân sự

Ngoài việc bị xử lý về hành chính và hình sự thì cá nhân đăng tải, chia sẻ các thông sai sự thật, trái pháp luật gây thiệt hại danh dự, nhân phẩm, uy tín cho người khác thì cá nhân, tổ chức bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu cá nhân đó bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015.  Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm gồm:

– Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

– Thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài chịu trách nhiệm bồi thường các khoản thiệt hại trên, người có trách nhiệm bồi thường còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng.

Hiến pháp và pháp luật cho phép tổ chức, cá nhân được quyền tự do thể hiện chính kiến nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật cho phép, không được lợi dụng quyền này để làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Đặc biệt, hiện nay nước ta đang trong giai đoạn chống dịch Covid-19 hết sức căng thẳng, phức tạp nên chúng ta hãy đăng tải, chia sẽ lên mạng xã hội những thông tin chính thống, những hình ảnh đẹp về công tác phòng, chống dịch của đội ngũ y bác sĩ, những chiến sĩ Công an, Quân đội, các tình nguyện viên,….nhằm tiếp thêm tinh thần, động lực cho toàn dân tích cực tham gia vào công cuộc phòng chống dịch bệnh.

Không nên đăng tải những thông tin sai sự thật, chưa được công bố với mục đích câu view, câu like làm ảnh hưởng đến công tác chống dịch của địa phương và cả nước, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong Nhân dân; gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân khác. Mọi hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho mỗi chúng ta khi tương tác trong cuộc sống hàng ngày cần cân nhắc một cách kỹ lưỡng khi thực hiện bất cứ một hành vi nào để không bị vướng vào vòng lao lý.

Trên đây là quy định của pháp luật hiện hành về hành vi đăng tin sai sự thật và các chế tài xử lý mà Luật Dương Gia – Chi nhánh Đà Nẵng gửi đến quý khách hàng. Trường hợp cần được tư vấn khác vui lòng liên hệ theo số hotline 19006568 để được hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon