Những điểm mới của BLDS năm 2015 về các hợp đồng dân sự thông dụng

nhung-diem-moi-theo-blds-nam-2015-ve-cac-hop-dong-dan-su-thong-dung

BLDS năm 2015 được Quốc Hội khóa 13 thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2015 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 1 năm 2017. Trong phần các hợp đồng dân sự thông dụng, BLDS năm 2015 có nhiều điểm mới so với BLDS năm 2005 và được đánh giá sẽ có những tác động nhất định đối với thực tiễn các quan hệ hợp đồng trong tương lai.

Quy định pháp luật về hợp đồng dân sự thông dụng trong BLDS năm 2015 có những điểm mới cơ bản sau:

1. Điểm mới trong kết cấu quy định pháp luật về các hợp đồng dân sự thông dụng

1.1. Hợp đồng mua bán nhà, hợp đồng thuê nhà, hợp đồng bảo hiểm không quy định trong phần hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng thuê nhà và hợp đồng có đối tượng công việc.

Trong BLDS năm 2005, hợp đồng mua bán nhà, hợp đồng thuê nhà được quy định lần lượt trong các tiểu mục của hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng thuê tài sản. Hợp đồng bảo hiểm được quy định với vị thế của một hợp đồng dân sự thông dụng có đối tượng là công việc.

Tuy nhiên, trong BLDS năm 2015, các hợp đồng này không được quy định trực tiếp trong BLDS. Điều này xuất phát từ các cơ sở:

Hợp đồng mua bán nhà và hợp đồng thuê nhà là hai hợp đồng chịu sự điều chỉnh bởi các quy định chung về hợp đồng, các quy định riêng của hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng thuê tài sản và quy định riêng của Luật Nhà ở (luật chuyên ngành). Do đó, việc quy định hai hợp đồng này trong BLDS với tư cách là các hợp đồng riêng của hợp đồng mua bán tài sản và hợp đồng thuê tài sản sẽ vừa không đảm bảo tính chất thông dụng của hợp đồng dân sự, vừa dẫn đến chồng chéo trong quy định của luật gốc trong lĩnh vực luật tư với các luật chuyên ngành.

Hợp đồng bảo hiểm là một hợp đồng đặc thù trong nhóm các hợp đồng dân sự có đối tượng công việc. Bên cạnh các quy định tại BLDS, hợp đồng bảo hiểm được quy định cụ thể trong luật chuyên ngành là Luật kinh doanh bảo hiểm cũng như các văn bản luật liên quan đến các loại bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm tự nguyện dành cho nhiều hợp đồng đặc thù như bảo hiểm dành cho chủ xe cơ giới. Tránh sự chồng chéo giữa BLDS với các luật chuyên ngành, văn bản dưới luật thì nhà làm luật không quy định về hợp đồng bảo hiểm trong luật gốc trong lĩnh vực luật tư.

Như vậy, các hợp đồng không được quy định trực tiếp trong BLDS năm 2015 đều là các hợp đồng đã được luật chuyên ngành điều chỉnh. Việc thay đổi này sẽ giảm thiểu tính chất chồng chéo giữa luật gốc (BLDS) với các luật chuyên ngành.

1.2. Bổ sung hợp đồng về quyền sử dụng đất, hợp đồng hợp tác là một hợp đồng dân sự thông dụng

(Mục 7 và mục 8 Hợp đồng dân sự thông dụng)

BLDS năm 2015 bổ sung quy định mới dành cho hai hợp đồng là hợp đồng về quyền sử dụng đất và hợp đồng hợp tác.

Hợp đồng về quyền sử dụng đất: Thực chất đây là các quy định mang tính chất khung, nguyên tắc chung dành cho các hợp đồng có đối tượng là quyền sử dụng đất. Những nguyên tắc này được áp dụng cho nhiều hợp đồng như hợp đồng chuyển đổi, hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng cho thuê, hợp đồng cho thuê lại… Quyền sử dụng đất là một quyền tài sản quan trọng, có giá trị lớn trong đời sống kinh tế – xã hội của Việt Nam. Điều chỉnh các vấn đề pháp lý xoay quanh các giao dịch về quyền sử dụng đất bao gồm các quy định của BLDS cũng như trong Luật đất đai (luật chuyên ngành) và các văn bản dưới luật hướng dẫn Luật đất đai. Thực tiễn cho thấy các giao dịch về quyền sử dụng đất đa dạng cả về số lượng, nội dung nhưng quy định chung dành cho các giao dịch này thì chưa được ghi nhận. Do đó, BLDS năm 2015 quy định các nguyên tắc riêng biệt dành cho nhóm các giao dịch về quyền sử dụng đất. Những quy định này trước mắt thể hiện sự ghi nhận của văn bản luật gốc lĩnh vực luật tư (BLDS) đối với nhóm các hợp đồng có đối tượng là quyền sử dụng đất và cũng là cơ sở để luật chuyên ngành quy định cụ thể đối với từng hợp đồng riêng biệt của các hợp đồng này.

Hợp đồng hợp tác: BLDS năm 2005 đã quy định về hợp đồng hợp tác trong phần quy định về chủ thể “tổ hợp tác”. Tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa các thành viên phù hợp với điều kiện, quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong phần quy định pháp luật dành cho chủ thể này, hợp đồng hợp tác không được điều chỉnh với tư cách là một hợp đồng dân sự mà pháp luật trọng tâm quy định về sự hình thành, hoạt động và chấm dứt của tổ hợp tác cũng như tư cách thành viên của tổ hợp tác. Trong khi đó, cơ sở pháp lý cơ bản xác định phạm vi hoạt động, tư cách thành viên, quyền nghĩa vụ của các thành viên của tổ hợp tác… nằm trong nội dung thỏa thuận hợp tác này. Do vậy, BLDS năm 2015 quy định hợp đồng hợp tác với tư cách là một hợp đồng dân sự cụ thể thông dụng cho thấy tính phù hợp với bản chất của tổ hợp tác. Đây cũng là lần đầu tiên trong văn bản luật gốc, nhà làm luật ghi nhận một loại hợp đồng được sử dụng rất phổ biến với tư cách là căn cứ pháp lý hình thành các mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế – xã hội.

Trên đây là các điểm mới thuộc về kết cấu đối với nhóm hợp đồng dân sự thông dụng được quy định trong BLDS năm 2015. Nhiều hợp đồng không được quy định trong văn bản luật này nhưng cũng có những hợp đồng lần đầu tiên được ghi nhận trong BLDS. Những điểm mới này bước đầu cho thấy tính hợp lý, tránh chồng chéo trong các hệ thống các văn bản luật của lĩnh vực luật tư.

2. Điểm mới trong các quy định pháp luật về hợp đồng dân sự thông dụng

Đối với mỗi hợp đồng dân sự thông dụng, BLDS năm 2015 có chỉnh sửa, sửa đổi một số quy định nhất định phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Cụ thể

2.1. Hợp đồng chuyển quyền sở hữu tài sản
2.1.1. Hợp đồng mua bán tài sản (HĐMBTS)

Điểm mới trong quy định về HĐMBTS gồm:

Định nghĩa: BLDS năm 2015 đưa ra định nghĩa mới về HĐMBTS tại Điều 430 như sau: “HĐMBTS là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bán”. Như vậy, định nghĩa về HĐMBTS thể hiện được đặc trưng chuyển giao quyền sở hữu tài sản của bên bán cho bên mua. Tuy nhiên, trong định nghĩa này không quy định về nghĩa vụ chuyển giao tài sản (bên bán giao tài sản và bên mua nhận tài sản) và nhấn mạnh “nghĩa vụ trả tiền” của bên mua. Đây là hai đặc trưng rất cơ bản của HĐMBTS so với các hợp đồng khác trong nhóm hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu tài sản.

Đối tượng: BLDS năm 2015 quy định mới về đối tượng của HĐMBTS tại Điều 431 như sau: “1. Tài sản được quy định tại Bộ luật này đều có thể là đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản. Trường hợp theo quy định của luật, tài sản bị cấm hoặc bị hạn chế chuyển nhượng thì tài sản là đối tượng của hợp đồng mua bán phải phù hợp với quy định đó.

Tài sản bán thuộc sở hữu của người bán hoặc người bán có quyền bán”.

Quy định tại Điều 431 BLDS năm 2015 có tính khái quát cao hơn so với quy định trong BLDS năm 2005, thể hiện ở các góc độ: Một là, BLDS năm 2015 khẳng định mọi tài sản đều là đối tượng của HĐMBTS trừ trường hợp luật quy định cấm. Trong quy định này, BLDS năm 2015 không sử dụng thuật ngữ “được phép giao dịch” (khoản 1 Điều 429 BLDS năm 2005) mang tính chung chung, khó xác định; Hai là, BLDS năm 2015 quy định khái quát về yêu cầu dành cho bên bán phải là “chủ sở hữu” hoặc “có quyền bán”. Trong BLDS năm 2005, Điều 429 quy định yêu cầu riêng dành cho hai loại đối tượng của HĐMBTS là vật và quyền tài sản, không đề cập đến các loại tài sản khác. Như vậy, nếu so sánh với BLDS năm 2005, quy định đối tượng trong HĐMBTS tại BLDS năm 2015 có tính khái quát, áp dụng cho mọi loại tài sản.

Chất lượng: BLDS năm 2015 quy định về chất lượng tài sản mua bán trong Điều 432 đảm bảo tính khái quát cao và phù hợp với thực tiễn hơn, cụ thể:

Quy định về chất lượng được áp dụng cho mọi tài sản là đối tượng trong HĐMBTS, không bó hẹp đối với “vật” như trong BLDS năm 2005 (Điều 430). Điều này hoàn toàn phù hợp vì vật chỉ là một trong các loại tài sản được mua – bán trong thực tiễn giao dịch giữa các chủ thể.

Phương thức xác định tiêu chuẩn chất lượng tài sản trong HĐMBTS: Chất lượng tài sản mua bán được xác định theo nhiều phương thức khác nhau. Đầu tiên là qua sự thỏa thuận của các bên. Tuy nhiên, khi chất lượng của tài sản đã được công bố hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì thỏa thuận chất lượng tài sản trong HĐMBTS không được thấp hơn so với chất lượng đã được công bố hoặc quy định này. Đây là điểm mới của BLDS năm 2015 so với BLDS năm 2005 vì vẫn thừa nhận sự thỏa thuận của các bên và coi tiêu chuẩn được công bố hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định là cơ sở để các bên thỏa thuận về chất lượng tài sản. Tiếp theo, trường hợp các bên không có thỏa thuận thì tiêu chuẩn chất lượng tài sản mua bán được xác định theo “tiêu chuẩn chất lượng tài sản đã được công bố, quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo tiêu chuẩn ngành nghề”. Nếu BLDS năm 2005 quy định phương thức xác định tiêu chuẩn chất lượng tài sản trong HĐMBTS khi các bên không có thỏa thuận dựa vào “mục đích sử dụng và chất lượng trung bình của vật cùng loại” rất chung chung, khó định tính và định lượng thì BLDS năm 2015 quy định cụ thể các dạng tiêu chuẩn làm cơ sở để xác định chất lượng tài sản. Tuy nhiên, bản thân quy định BLDS năm 2015 vẫn chưa ghi nhận trường hợp các bên không có thỏa thuận và không có tiêu chuẩn được công bố, cơ quan nhà nước có thẩm quyền không quy định cũng như không có tiêu chuẩn ngành nghề thì chất lượng tài sản trong HĐMBTS sẽ được xác định như thế nào để tránh tranh chấp xảy ra.

Giá và phương thức thanh toán:Tại Điều 433 BLDS năm 2015, quy định về giá, phương thức thanh toán có một số điểm mới gồm: Một là, giá và phương thức thanh toán được điều chỉnh cùng một nội dung và cách thức. Trong BLDS năm 2005, giá được điều chỉnh tại khoản 1, 2 và 3 của Điều 431, phương thức thanh toán được điều chỉnh tại khoản 4 của điều luật này. BLDS năm 2015 điều chỉnh song song giá và phương thức thanh toán trong cùng một nội dung. Điều này phản ánh sự tương thích giữa việc xác định giá và phương thức thanh toán trong thực tiễn các giao dịch; Hai là, cơ sở xác định giá, phương thức thanh toán khi các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì giá được áp dụng theo giá thị trường, phương thức thanh toán được áp dụng theo tập quán tại địa điểm và thoài gian giao kết hợp đồng. BLDS năm 2015 quy định cụ thể hơn so với BLDS năm 2005. Tuy nhiên, BLDS năm 2015 vẫn chưa có quy định về trường hợp tài sản trong HĐMBTS không có giá chung trên thị trường hoặc không có tập quán để xác định phương thức thanh toán.

Thời hạn thực hiện: BLDS năm 2015 quy định cụ thể hơn trường hợp các bên có thỏa thuận nhưng thỏa thuận không rõ ràng thời gian thanh toán thì bên mua phải thanh toán ngay tại thời điểm nhận tài sản mua hoặc nhận giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản (khoản 3 Điều 434). Tuy nhiên, quy định này có thể quy định cụ thể từng loại tài sản áp dụng thời điểm thanh toán. Theo đó, với tài sản không không đăng ký quyền sở hữu thì bên mua thanh toán ngay tại thời điểm nhận tài sản còn tài sản có đăng ký quyền sở hữu thì bên mua thanh toán khi nhận giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản.

Phương thức giao tài sản: BLDS năm 2015 bổ sung quy định mới về trường hợp các bên có thỏa thuận giao tài sản nhiều lần nhưng thực hiện không đúng nghĩa vụ ở một lần nhất định thì bên mua có thể hủy bỏ phần hợp đồng liên quan đến vi phạm đó và yêu cầu bồi thường thiệt hại (khoản 2 Điều 436).

Giao tài sản không đúng số lượng:Điều 437 BLDS năm 2015 có các quy định mới:

Thay thuật ngữ “tài sản” cho “vật” trong BLDS năm 2005. Như vậy sẽ đảm bảo tính khái quát cao hơn so với quy định trong BLDS năm 2005.

Thay đổi thứ tự quyền của bên mua khi bên bán giao tài sản ít hơn số lượng đã thỏa thuận (khoản 2 Điều 437). Cụ thể: “a. Nhân tài sản đã giao và định thời hạn bên bán giao tiếp phần còn thiếu; b. Nhận phần đã giao và yêu cầu bồi thường thiệt hại; c. hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại”. Sự thay đổi trình tự đảm bảo phù hợp hơn với thực tế giao dịch giữa các chủ thể và trình tự áp trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ.

Bổ sung điều kiện hủy bỏ hợp đồng và bồi thường thiệt hại tại khoản 3 Điều 437 là “nếu việc vi phạm làm cho bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng”. Quy định này buộc các bên có ý thức cao hơn trong thực hiện hợp đồng, đặc biệt bên mua không hủy bỏ hợp đồng khi việc vi phạm giao không đúng số lượng không làm ảnh hưởng đến mục đích giao kết hợp đồng của mình.

Giao tài sản không đúng chủng loại: BLDS năm 2015 bổ sung hai điểm mới:

Bổ sung điều kiện hủy bỏ hợp đồng, yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu việc giao không đúng chủng loại làm cho bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng.

Trường hợp tài sản gồm nhiều chủng loại mà bên bán không giao đúng với thỏa thuận với một hoặc một số loại thì bên mua có thể hủy bỏ hợp đồng liên quan đến loại tài sản đó và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Nghĩa vụ trả tiền:BLDS năm 2015 quy định các điểm mới sau

Nghĩa vụ thanh toán tiền của bên mua được thực hiện theo thời hạn, địa điểm và mức tiền được quy định trong hợp đồng. Như vậy, Điều 440 bổ sung thêm điều kiện về mức tiền trong nghĩa vụ thanh toán tiền của bên mua.

Khoản 2 Điều 440 BLDS năm 2015 bổ sung quy định về thời hạn thanh toán tiền tương ứng với thời hạn giao tài sản. Theo đó, nếu các bên có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản thì thời hạn thanh toán tiền cũng được xác định tương ứng với thời hạn giao tài sản. Nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản và thời hạn thanh toán tiền thì bên mua phải thanh toán tiền tại thời điểm nhận tài sản.

Khoản 3 Điều 440 bổ sung nghĩa vụ trả lãi nếu bên mua không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền. Lãi này được áp dụng trên số tiền chậm trả của bên mua.

Chi phí vận chuyển và chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu: Kế thừa quy định “trong trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định về chi phí vận chuyển và chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu thì bên bán phả chịu chi phí vận chuyển đến địa điểm giao tài sản và chi phí liên quan đến quyền sở hữu” từ BLDS năm 2005, BLDS năm 2015 bổ sung các điểm mới sau:

Cơ sở đầu tiên để xác định chi phí vận chuyển và chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu là sự thỏa thuận của các bên (khoản 1 Điều 442).

Trường hợp các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì sẽ xác định theo mức phí đã được công bố, quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo tiêu chuẩn ngành nghề.

Trường hợp không có thỏa thuận, không có mức phí được công bố, quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì sẽ được xác định theo tiêu chuẩn thông thường hoặc theo tiêu chuẩn riêng phù hợp với mục đích giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, quy định tại khoản 3 Điều 442 này sẽ gây khó khăn trong việc xác định thế nào là tiêu chuẩn thông thường hoặc tiêu chuẩn riêng phù hợp với mục đích giao kết hợp đồng.

Nghĩa vụ cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng:BLDS năm 2015 bổ sung thêm điều kiện “làm cho bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng” khi không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng thì bên mua có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Các quy định khác về HĐMBTS

Quy định về bán đấu giá tài sản: BLDS năm 2015 quy định chung về bán đấu giá tài sản trong Điều 451, trong đó ghi nhận nguyên tắc bán đấu giá tài sản: “việc bán đấu giá tài sản phải đảm bảo nguyên tắc khách quan, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia và được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản”. BLDS năm 2015 không quy định chi tiết về thông báo bán đấu giá tài sản, thực hiện bán đấu giá tài sản, bán đấu giá bất động sản như BLDS năm 2005. Điều này phù hợp với thực tiễn quy định pháp luật vì bán đấu giá tài sản được quy định chi tiết trong nghị định, thông tư hướng dẫn.

Quy định về mua sau khi dùng thử: BLDS năm 2015 bổ sung xác định thời hạn theo tập quán trong giao dịch có đối tượng cùng loại nếu các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về thời hạn dùng thử (Điều 452).

Chuộc lại tài sản đã bán: BLDS năm 2015 bổ sung thêm quy định “trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác” khi xác định thời hạn được phép chuộc lại tài sản hoặc chuyển quyền sở hữu, chịu rủi ro đối với tài sản. Như vậy, về nguyên tắc, thời hạn có quyền chuộc lại tài sản đã bán là 5 năm với bất động sản và 1 năm với động sản. Trong thời hạn có quyền chuộc lại, bên mua tài sản không có quyền chuyển giao cho chủ thể khác và phải chịu rủi ro về tài sản.

2.1.2. Hợp đồng vay tài sản

BLDS năm 2015 có một số quy định bổ sung về nghĩa vụ trả nợ của bên vay, lãi suất, và hụi, họ, biêu, phường. Cụ thể:

Nghĩa vụ trả nợ của bên vay:

Bên vay có nghĩa vụ “trả tiền lãi với mức lãi suất” đối với khoản tiền vay không có lãi mà khi đến hạn không trả nợ hoặc trả không đầy đủ trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Các loại lãi áp dụng đối với khoản vay có lãi mà đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ bao gồm: Một là, lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; Hai là, lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Lãi suất: BLDS năm 2015 quy định cách tính lãi suất cụ thể như sau:

Trường hợp các bên có thỏa thuận: Các bên trong hợp đồng vay tài sản thỏa thuận lãi suất nhưng không được vượt quá 20% /năm so của khoản tiền vay trừ trường hợp luật có quy định khác; Phần lãi suất vượt quá so với mức lãi suất này bị vô hiệu. Như vậy, nếu so với BLDS năm 2005, quy định BLDS năm 2015 rõ ràng và thuận lợi hơn cho việc áp dụng. Tuy nhiên, mức lãi suất 20%/ năm là mức lãi suất cao và được quy định cố định sẽ dẫn lối cho các tổ chức tín dụng cũng như các chủ thể cho vay đồng loạt tăng mức lãi áp cho bên vay.

Trường hợp các bên không có thỏa thuận về trả lãi nhưng không xác định lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì BLDS năm 2015 quy định mức lãi được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn được quy định (tức là 10%/năm).

Hụi, họ, biêu, phường: Đây là hình thức được áp dụng phổ biến trong đời sống của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hình thức hụi, họ, biêu, phường đang dần dần bị biến tướng thành hình thức cho “vay nặng lãi” nên trong BLDS năm 2015 đã bổ sung hai quy định mới về hình thức này. Cụ thể:

Mục đích của hụi, họ, biêu, phường: BLDS năm 2015 ghi nhận mục đích của hình thức này mang tính “tương trợ trong nhân dân”. Như vậy, các quan hệ hụi, họ, biêu, phường không đảm bảo tính tương trợ cho nhân dân sẽ không có hiệu lực pháp luật.

Mức lãi suất áp dụng cho hụi, họ, biêu, phường: Tại khoản 3 Điều 471 BLDS năm 2015 quy định, mức lãi suất của hụi, họ, biêu, phường phải tuân thủ theo quy định về mức lãi suất, cách xác định mức lãi suất trong hợp đồng vay tài sản.

2.2. Hợp đồng chuyển quyền sử dụng tài sản
2.2.1. Hợp đồng thuê tài sản

Phạm vi áp dụng quy định hợp đồng thuê tài sản: Trong BLDS năm 2015 quy định, hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác sẽ tuân thủ các quy định của hợp đồng thuê tài sản cũng như quy định trong Luật nhà ở chuyên ngành. Xác định nguyên tắc áp dụng quy định pháp luật đối với hai hợp đồng cụ thể trên phù hợp với thực tế vì hai loại hợp đồng này không còn quy định trực tiếp trong BLDS năm 2015 mà được quy định trong luật chuyên ngành.

Giá thuê tài sản: So với BLDS năm 2005, giá thuê trong hợp đồng thuê tài sản có bổ sung các quy định mới sau:

“Giá thuê có thể do người thứ ba xác định theo yêu cầu của các bên” được bổ sung là một trong các cách thức xác định giá thuê. (khoản 1 Điều 473).

Trường hợp không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì giá thuê được xác định theo giá thị trường tại thời điểm và địa điểm giao kết hợp đồng thuê. Tuy nhiên, pháp luật không có dự liệu cho trường hợp nếu không có giá thị trường đối với tài sản thuê thì sẽ áp dụng phương thức nào để tính giá.

Thời hạn thuê: Khoản 2 Điều 474 BLDS năm 2015 bổ sung quy định hậu quả pháp lý khi các bên không có thỏa thuận về thời hạn thuê và thời hạn thuê không xác định theo mục đích thuê thì mỗi bên đều có quyền chấm dứt hợp đồng thuê vào bất cứ thời điểm nào nhưng phải thông báo trước một khoảng thời gian hợp lý.

Bảo đảm giá trị sử dụng của tài sản thuê: Điều 477 BLDS năm 2015 đã bổ sung quy định mới tại khoản 2 và 3. Quy định mới cụ thể:

Làm rõ các biện pháp mà bên thuê tài sản có thể thực hiện khi tài sản thuê bị giảm sút giá trị nghiêm trọng bằng cụm từ “thực hiện một hoặc một số biện pháp sau đây”.

Làm rõ hậu quả pháp lý đối với hợp đồng thuê tài sản trong trường hợp tài sản thuê có khuyết tật mà bên thuê không biệt hoặc tài sản thuê khoogn thể sửa chữa được mà do đó mục đích thuê không đạt được. Trong trường hợp này, bên thuê tài sản có quyền đổi tài sản hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, yêu cầu bồi thường thiệt hại.

BLDS năm 2015 bổ sung chi phí sửa chữa tài sản thuê mà bên thuê tài sản bỏ ra để sửa chữa tài sản trong trường hợp bên cho thuê tài sản không sửa chữa hoặc không kịp thời sửa chữa phải là “chi phí hợp lý” và buộc bên cho thuê phải thanh toán phần chi phí này.

Nghĩa vụ bảo quản tài sản thuê: So với BLDS năm 2005, BLDS năm 2015 bỏ quy định bên thuê phải bảo quản tài sản thuê “như tài sản của chính mình”. Do quy định này khó định lượng nên khó khăn cho việc áp dụng nên BLDS năm 2015 chỉ quy định có nghĩa vụ bảo quản tài sản thuê là hợp lý.

Chấm dứt hợp đồng thuê: Hợp đồng thuê chấm dứt theo các căn cứ chấm dứt hợp đồng dân sự nên trong phần quy định dành cho hợp đồng thông dụng, nhà làm luật đã bỏ quy định này. Như vậy sẽ đảm bảo không bị trùng lặp trong quy định của pháp luật về hợp đồng thuê tài sản.

2.2.2. Hợp đồng thuê khoán tài sản

BLDS năm 2015 có một số điểm mới cơ bản trong quy định về hợp đồng thuê khoán tài sản, cụ thể:

Thời hạn thuê khoán: Tại Điều 485 BLDS năm 2015, thời hạn thuê khoán được xác định dựa trên sự thỏa thuận của các bên. Bên thuê khoán và bên cho thuê khoán không bị ràng buộc trong chu kỳ sản xuất kinh doanh. Quy định này phù hợp với thực tiễn vì nhiều hoạt động kinh doanh không có chu kỳ sản xuất. Đồng thời cũng phù hợp với nguyên tắc tự do thỏa thuận của các bên chủ thể trong hợp đồng dân sự.

Điều 485 BLDS năm 2015 bổ sung quy định về trường hợp không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về thời hạn thuê khoán thì sẽ xác định theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh phù hợp với tính chất của đối tượng thuê khoán.

Giá thuê khoán: BLDS năm 2015 điều chỉnh về giá thuê khoán theo kết quả đấu thầu thay vì quy định trong BLDS năm 2005 là giá thuê khoán được “xác định khi đấu thầu” (Điều 504). Quy định theo BLDS năm 2015 tránh tranh chấp xảy ra khi trong quá trình đấu thầu đưa ra nhiều mức giá.

Trả tiền thuê khoán và phương thức trả: Điều 488 BLDS năm 2015 kế thừa toàn bộ Điều 506 BLDS năm 2005 nhưng bổ sung điểm mới tại khoản 6 “thời hạn trả tiền thuê khoán do các bên thỏa thuận, trường hợp các bên không có thỏa thuận thì bên thuê khoán phải thanh toán vào ngày cuối cùng của mỗi tháng; trường hợp thuê khoán theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh thì phải thanh toán chậm nhất khi kết thúc chu kỳ sản xuất, kinh doanh đó”. Quy định này giúp các chủ thể xác định thời điểm trả tiền thuê khoán khi không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng. Điều này đồng nghĩa tránh tranh chấp xảy ra giữa các bên chủ thể khi thực hiện hợp đồng thuê khoán.

Trong quy định về hưởng hoa lợi, chịu thiệt hại về tài sản thuê khoán, BLDS năm 2015 sử dụng thuật ngữ “gia súc” thay cho “súc vật” tại Điều 491. Sự thay đổi này đảm bảo sự thống nhất trong thuật ngữ với một số quy định như xác lập quyền sở hữu đối với gia súc đi lạc.

2.3. Hợp đồng có đối tượng công việc
2.3.1. Hợp đồng dịch vụ (HĐDV)

Trong quy định về HĐDV, BLDS năm 2015 có ba điểm mới trong quy định pháp luật, cụ thể:

Thay đổi tên gọi “bên thuê dịch vụ” thành “bên sử dụng dịch vụ”: Quy định này nhằm tránh nhầm lẫn với “bên thuê tài sản” trong hợp đồng thuê tài sản. Tuy nhiên tác giả cho rằng, “sử dụng dịch vụ” có thể được hiểu là người có quyền hưởng lợi ích từ dịch vụ đem lại mà đối tượng hưởng lợi ích có thể là chính người tham gia giao kết HĐDV hoặc là người thứ ba. Nếu sử dụng thuật ngữ “bên sử dụng dịch vụ” sẽ gây nhầm lẫn giữa chủ thể tham gia giao kết, thực hiện HĐDV với người thứ ba hưởng lợi từ thực hiện hợp đồng.

Yêu cầu đối với đối tượng hợp đồng từ “không vi phạm điều cấm của pháp luật” thành “không vi phạm điều cấm của luật”: Sự điều chỉnh này nhằm đảm bảo thống nhất, xuyên suốt trong quy định của BLDS năm 2015.

Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng: Trong điều kiện đơn phương chấm dứt HĐDV, khoản 2 Điều 520 BLDS năm 2015 thay đổi từ điều kiện “Bên thuê dịch vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện không đúng theo thỏa thuận” (BLDS năm 2005) thành “Bên sử dụng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ”. Quy định này khắc phục được hai vấn đề: Một là, nghĩa vụ bị vi phạm có thể là nghĩa vụ các bên thỏa thuận hoặc nghĩa vụ do pháp luật quy định. Trong BLDS năm 2005 chỉ ghi nhận nghĩa vụ do các bên thỏa thuận bị vi phạm, không đề cập đến nghĩa vụ luật định; Hai là, hành vi vi phạm nghĩa vụ phải là “nghiêm trọng” nên buộc bên cung ứng dịch vụ phải xem xét và đánh giá mức độ vi phạm trước khi đưa ra quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Quy định tại Điều 520 BLDS năm 2015 phù hợp hơn với bản chất của bên cung ứng dịch vụ. Bên cung ứng dịch vụ với tư cách nhà cung ứng chuyên nghiệp, có chuyên môn chỉ được chấm dứt hợp đồng với khách hàng khi khách hàng vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình.

2.3.2. Hợp đồng vận chuyển

Hợp đồng vận chuyển hành khách:

BLDS năm 2015 bổ sung hình thức xác lập hợp đồng vận chuyển hành khách bằng “hành vi” cụ thể (Khoản 1 Điều 523). Quy định này phù hợp luật hiện hành về các hình thức xác lập giao dịch dân sự nói chung đồng thời cũng phù hợp với thực tiễn thực hiện các giao dịch của các chủ thể trong đời sống kinh tế – xã hội.

BLDS năm 2015 bỏ quy định “văn minh, lịch sự” trong nghĩa vụ của bên vận chuyển hành khách. Theo đó, BLDS năm 2005 quy định chủ thể này phải vận chuyển hành khách đến đúng giờ “văn minh, lịch sự”. Tuy nhiên, để định tính, định lượng “văn minh, lịch sự” rất khó khăn trong thực tiễn nên BLDS năm 2015 bỏ quy định này hoàn toàn hợp lý.

BLDS năm 2015 sửa đổi từ “giá trị loại vé” (Điều 532 BLDS năm 2005) sang “giá trị theo cước phí vận chuyển” (Điều 527). Quy định này cũng phù hợp vì nhiều loại hình vận chuyển không sử dụng vé là bằng chứng giao kết hợp đồng. Do đó, tiền cước vận chuyển cần quy định theo thỏa thuận hoặc theo bảng giá của nhà dịch vụ đưa ra.

Hợp đồng vận chuyển tài sản:

BLDS năm 2015 bổ sung hình thức “hành vi” bên cạnh hai phương thức xác lập hợp đồng đã được ghi nhận trong BLDS năm 2005 là phương thức miệng và văn bản. Việc bổ sung này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn xác lập giao dịch dân sự ngày nay.

BLDS năm 2015 không quy định về nghĩa vụ “nộp phạt theo thỏa thuận” trong trường hợp bên thuê vận chuyển chậm chuyển giao không đúng thời hạn, địa điểm đã thỏa thuận. Trong trường hợp này, bên thuê vận chuyển phải thanh toán chi phí chờ đợi và tiền vận chuyển tài sản đến địa điểm đã thỏa thuận trong hợp đồng cho bên vận chuyển (khoản 2 Điều 532).

Bổ sung nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến tài sản của bên thuê vận chuyển cho bên vận chuyển nhằm đảm bảo an toàn cho tài sản trong quá trình vận chuyển (khoản 2 Điều 536).

2.3.3. Hợp đồng gia công

Trong BLDS năm 2015 bổ sung điểm mới cơ bản liên quan đến nghĩa vụ của bên  nhận gia công tại Điều 546. Theo đó, bên nhận gia công không phải chịu trách nhiệm đối với sản phẩm tạo ra khi không báo hoặc không từ chối (khoản 2). Đây là điểm khác cơ bản so với khoản 2 Điều 551 BLDS năm 2005.

2.3.4. Hợp đồng gửi giữ tài sản

Điểm mới cơ bản trong quy định BLDS năm 2015 so với BLDS năm 2005 về hợp đồng gửi giữ tài sản là nghĩa vụ của bên giữ tài sản. Theo đó, bên giữ tài sản có nghĩa vụ “thông báo kịp thời” cho bên gửi tài sản về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn (khoản 3 Điều 557). Quy định này phù hợp với thực tiễn thực hiện hợp đồng gửi giữ tài sản so với BLDS năm 2005. BLDS năm 2005, khoản 3 Điều 562 yêu cầu thông báo bằng văn bản cho bên gửi tài sản.

2.3.5. Hợp đồng ủy quyền

So với BLDS năm 2005, quy định về hợp đồng ủy quyền trong BLDS năm 2015 có một số điểm mới cơ bản:

Điểm b khoản 1 Điều 564 bổ sung trường hợp được phép ủy quyền lại là “do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được”. Quy định này đảm bảo sự linh hoạt trong thực tế thực hiện các giao dịch cũng như đảm bảo quyền lợi cho bên ủy quyền, bên được ủy quyền.

Xác định rõ điều kiện “hưởng thù lao” của bên được ủy quyền là phải có “thỏa thuận” (khoản 2 Điều 566 BLDS năm 2015). Trong BLDS năm 2005 chỉ quy định “hưởng thù lao, được thanh toán chi phí hợp lý mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc ủy quyền” nên dễ phát sinh tranh chấp trong trường hợp hợp đồng ủy quyền không đề cập đến việc hưởng thù lao của bên được ủy quyền.

Khoản 2 Điều 569 bổ sung từ “nếu có” góp phần xác định điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi nên được ủy quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng vào bất cứ thời gian nào trong hợp đồng ủy quyền có thù lao khi có thiệt hại xảy ra.

2.4. Hợp đồng thông dụng khác
2.4.1. Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất (HĐCQSDĐ)

HĐCQSDĐ là một trong hai hợp đồng dân sự thông dụng mới được quy định trong BLDS năm 2015 so với BLDS năm 2005. Quy định đối với HĐCQSDĐ bắt đầu từ Điều 500 đến Điều 503 BLDS năm 2015. Thực chất nội dung quy định về HĐCQSDĐ là các quy định chung dành cho các hợp đồng cụ thể có đối tượng là quyền sử dụng đất. BLDS năm 2015 quy định về HĐCQSDĐ với các nội dung sau:

Phạm vi các hợp đồng cụ thể thuộc nhóm HĐCQSDĐ

Theo Điều 500 BLDS năm 2015, HĐCQSDĐ thực chất là tập hợp các hợp đồng cụ thể có đối tượng là quyền sử dụng đất gồm: hợp đồng chuyển đổi, hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng cho thuê, hợp đồng cho thuê lại, hợp đồng tặng cho, hợp đồng thế chấp, hợp đồng góp vốn quyền sử dụng đất hoặc thực hiện quyền khác theo quy định của Luật đất đai cho bên kia. Các hợp đồng này được hình thành trên cơ sở thỏa thuận của các bên chủ thể và phải làm phát sinh các quyền, nghĩa vụ của các bên.

Nội dung của HĐCQSDĐ

Khoản 2 Điều 501 BLDS năm 2015 đặt ra yêu cầu đối với nội dung HĐCQSDĐ. Theo đó, nội dung HĐCQSDĐ không được trái mục đích sử dụng, thời hạn sử dụng đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quyền nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật về đất đai và quy định của pháp luật có liên quan.

Luật áp dụng đối với HĐCQSDĐ

HĐCQSDĐ phải tuân thủ theo các quy định chung dành cho hợp đồng dân sự. Quyền sử dụng đất là quyền tài sản gắn liền với tài sản đặc biệt “đất đai” nên HĐCQSDĐ phải tuân thủ các quy định của Luật đất đai về tài sản này (quy định tại Khoản 1 Điều 501 BLDS năm 2015).

Hình thức, thủ tục thực hiện HĐCQSDĐ

Hình thức của HĐCQSDĐ: Theo khoản 1 Điều 502 BLDS năm 2015, hình thức của HĐCQSDĐ phải lập bằng văn bản và có hình thức phù hợp với quy định của pháp luật đất đai và các luật khác có liên quan. Quy định của BLDS năm 2015 đã quy định thống nhất, tập trung hình thức HĐCQSDĐ. Trước khi BLDS năm 2015 được ban hành, BLDS năm 2005 cũng như các văn bản khác có liên quan đều ghi nhận hình thức văn bản có công chứng chứng thực đối với hợp đồng có đối tượng là quyền sử dụng đất trừ trường hợp pháp luật quy định riêng biệt.

Thủ tục thực hiện HĐCQSDĐ: BLDS năm 2015 quy định nguyên tắc buộc các bên chủ thể tham gia xác lập, thực hiện HĐCQSDĐ phải tuân thủ trình tự, thủ tục của pháp luật đất đai và các quy định khác có liên quan.

Hiệu lực của việc chuyển quyền sử dụng đất

Điều 503 BLDS năm 2015 quy định thống nhất thời điểm có hiệu lực của việc chuyển quyền sở hữu là thời điểm đăng ký theo quy định của pháp luật đất đai. Tuy nhiên, cần làm rõ thời điểm có hiệu lực của HĐCQSDĐ với thời điểm có hiệu lực của chuyển quyền sử dụng đất. Thời điểm có hiệu lực của HĐCQSDĐ là thời điểm các bên hoàn tất thủ tục công chứng, chứng thực đối với hợp đồng. Thời điểm chuyển quyền sử dụng dất (chính là thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với quyền sử dụng đất) phải là thời điểm hoàn tất thủ tục đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2.4.2. Hợp đồng hợp tác

Trong BLDS năm 2005, hợp đồng hợp tác không được quy định là một hợp đồng dân sự thông dụng nhưng thực tế đã thừa nhận là cơ sở để hình thành nên tổ hợp tác. Mọi hoạt động tổ hợp tác được thực hiện qua tổ trưởng tổ hợp tác với tư cách là người đại diện cho các thành viên của tổ hợp tác. Tuy nhiên, bản chất của tổ hợp tác là tập hợp nhiều cá nhân (từ 3 người trở lên) trên cơ sở thỏa thuận, bình đẳng nên BLDS năm 2015, nhà nước thừa nhận hợp đồng hợp tác với tư cách một hợp đồng dân sự thông dụng là hoàn toàn hợp lý.

Quy định BLDS năm 2015 về hợp đồng hợp tác gồm các nội dung cụ thể sau:

Khái niệm hợp đồng hợp tác

Theo Điều 504, hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận của các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.

Như vậy, hợp đồng hợp tác không chỉ áp dụng cho các cá nhân cùng góp vốn, góp sức để thành lập tổ hợp tác mà còn được áp dụng đối với các pháp nhân với nhau hoặc giữa cá nhân với pháp nhân. Mục tiêu của các bên chủ thể trong hợp đồng hợp tác là cùng thực hiện công việc nhất định và cùng hưởng lợi.

Nội dung của hợp đồng hợp tác

Theo Điều 505 BLDS năm 2015, nội dung hợp đồng hợp tác được quy định với các nội dung cơ bản:

Mục đích, thời hạn hợp tác;

Họ, tên, nơi cư trú của cá nhân; tên, trụ sở của pháp nhân;

Tài sản đóng góp, nếu có.

Đóng góp bằng sức lao động, nếu có;

Phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức;

Quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp tác;

Quyền, nghĩa vụ của người đại diện, nếu có;

Điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác của thành viên, nếu có;

Điều kiện chấm dứt hợp tác.

Tài sản chung của các thành viên hợp tác

Tài sản chung của thành viên hợp tác gồm các tài sản do đóng góp, cùng tạo lập và tài sản khác theo quy định của pháp luật là tài sản chung theo phần của các thành viên hợp tác.

Trường hợp thành viên hợp tác chậm góp tiền theo nội dung đã thỏa thuận thì phải có trách nhiệm trả lãi đối với phần tiền chậm trả. Quy định về trả lãi tuân thủ theo quy định lãi trong trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền (Điều 357 BLDS năm 2015).

Định đoạt đối với quyền sử dụng đất, nhà, xưởng sản xuất, tư liệu sản xuất khác trên cơ sở thỏa thuận bẳng văn bản của tất cả các thành viên. Đối với các loại tài sản khác thì phải do đại diện các thành viên quyết định trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Nguyên tắc không phân chia tài sản chung trước khi hợp đồng hợp tác chấm dứt trừ trường hợp các thành viên cùng thống nhất thỏa thuận. Việc phân chia này không làm chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các thành viên theo nội dung hợp đồng. Tuy nhiên, trong BLDS năm 2015 không quy định về hình thức thống nhất phân chia tài sản chung là văn bản hay hình thức khác.

Quyền và nghĩa vụ của các thành viên hợp tác

Thành viên hợp tác có các quyền, nghĩa vụ cơ bản:

Quyền được hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ hoạt động hợp tác.

Tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến thực hiện hợp đồng hợp tác, giám sát hoạt động hợp tác.

Bồi thường thiệt hại cho các thành viên hợp tác khác do lỗi của mình gây ra. Tuy nhiên, quy định này không xác định rõ hành vi gây thiệt hại đối với thành viên khác, có lỗi là loại hành vi nào. Trong hợp đồng hợp tác chỉ nên quy định về hành vi vi phạm hợp đồng hợp tác gây thiệt hại cho các thành viên khác thì phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Thực hiện các quyền, nghĩa vụ khác theo hợp đồng.

Xác lập, thực hiện giao dịch dân sự

Để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, các thành viên tổ hợp tác thực hiện một trong hai cách thức:

Nếu các thành viên cùng cử đại diện thì người đại diện sẽ có quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

Nếu các thành viên không cử ra người đại diện thì các thành viên hợp tác phải cùng tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trường hợp giao dịch dân sự được xác lập theo một trong hai cách thức trên đều làm phát sinh các quyền, nghĩa vụ đối với các thành viên hợp tác.

Trách nhiệm dân sự của thành viên hợp tác

Về nguyên tắc, trừ trường hợp các thành viên hợp tác có thỏa thuận khác, còn trách nhiệm của các thành viên hợp tác được xác định theo hai bước:

Bước một, các thành viên chịu trách nhiệm trong phạm vi tài sản đóng góp theo hợp đồng hợp tác.

Bước hai, nếu tài sản đóng góp không đủ thì các thành viên phải chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình theo tỉ lệ đóng góp ghi nhận trong hợp đồng hợp tác.

Rút khỏi hợp đồng hợp tác

Trường hợp rút khỏi hợp đồng hợp tác: Các thành viên của hợp đồng hợp tác có quyền rút theo các điều kiện đã thỏa thuận hoặc có lý do chính đáng và được sự đồng ý của hơn một nửa tổng số thành viên hợp tác.

Hậu quả pháp lý khi rút khỏi hợp đồng hợp tác: Thành viên của hợp đồng hợp tác sau khi rút khỏi hoạt động hợp tác có quyền yêu cầu nhận lại tài sản, được chia phần tài sản trong khối tài sản chung và phải thanh toán các nghĩa vụ đã thỏa thuận.

Việc rút khỏi hợp đồng hợp tác không làm chấm dứt các quyền, nghĩa vụ của thành viên này được xác lập trước thời điểm rút khỏi hợp đồng.

Pháp luật quy định, trừ trường hợp rút khỏi hợp đồng theo thỏa thuận được ghi nhận trong hợp đồng hợp tác hoặc có lý do chính đáng và được sự đồng ý của hơn một nửa tổng số thành viên hợp tác, các trường hợp khác đều bị coi là hành vi vi phạm hợp đồng hợp tác và phát sinh trách nhiệm dân sự.

Gia nhập hợp đồng hợp tác

Một cá nhân, pháp nhân muốn gia nhập hợp đồng hợp tác với tư cách là thành viên mới phải được sự đồng ý của một nửa tổng số thành viên hợp tác. Pháp luật không quy định về hình thức ghi nhận sự đồng ý của thành viên hợp đồng hợp tác.

Chấm dứt hợp đồng hợp tác

Điều 512 BLDS năm 2015 quy định về các trường hợp chấm dứt hợp đồng hợp tác, gồm:

Các trường hợp chấm dứt hợp đồng hợp tác:

+ Theo thỏa thuận của các tahnfh viên hợp tác;

+ Hết thời hạn ghi trong hợp đồng hợp tác;

+ Mục đích hợp tác đã đạt được;

+ Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

+ Trường hợp khác theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.

Hậu quả pháp lý khi hợp đồng hợp tác chấm dứt:

+ Phải thanh toán các khoản nợ phát sinh từ hợp đồng khi chấm dứt hợp đồng. Khoản nợ được thanh toán bằng tài sản chung hợp tác. Trường hợp tài sản chung không đủ sẽ buộc các thành viên hợp tác chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng theo tỉ lệ đóng góp vào hợp đồng hợp tác.

+ Sau khi thanh toán các nghĩa vụ tài sản mà tài sản chung vẫn còn thì sẽ chia cho các thành viên theo tỉ lệ đóng góp ghi nhận trong hợp đồng hợp tác trừ khi các bên có thỏa thuận khác.

Như vậy, trong phần các hợp đồng dân sự thông dụng, BLDS năm 2015 kế thừa phần lớn các nội dung đã được quy định trong BLDS năm 2005. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế – xã hội, BLDS năm 2015 đã sửa câu chữ hoặc bổ sung, điều chỉnh nhiều quy định mới. Các điểm mới này dự đoán sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi của các bên chủ thể cũng như thúc đẩy các hoạt động giao lưu dân sự./.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon