Thực tiễn xác định và áp dụng căn cứ lý hôn khi giải quyết thuận tình ly hôn

thuc-tien-xac-dinh-va-ap-dung-can-cu-ly-hon-khi-giai-quyet-thuan-tinh-ly-hon

Khi giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn, Tòa án xác định căn cứ ly hôn theo qui định tại khoản 4 Điều 397 Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 55 Luật HN&GĐ. Việc xác định căn cứ ly hôn trong trường hợp thuận tình ly hôn được thực hiện qua thủ tục hòa giải. Theo qui định của pháp luật hiện hành, hòa giải các vụ việc dân sự, trong đó có hòa giải yêu cầu thuận tình li hôn, có thể được thực hiện trước khi thụ lý vụ việc dân sự hoặc hòa giải sau khi thụ lý theo qui định của pháp luật tố tụng dân sự.

Căn cứ pháp lý:

1. Hòa giải tại Tòa án

1.1. Căn cứ pháp lý của việc hòa giải

Theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020, trước khi thụ lý yêu cầu thuận tình ly hôn của các đương sự, Tòa án nơi đã nhận đơn yêu cầu thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu biết về quyền được lựa chọn hòa giải, lựa chọn Hòa giải viên và phân công Thẩm phán phụ trách hòa giải nếu người yêu cầu đồng ý hòa giải.

Trong trường hợp người yêu cầu không đồng ý hòa giải thì Tòa án chuyển đơn để xử lý theo qui định của pháp luật tố tụng. Việc hòa giải đối với yêu cầu thuận tình ly hôn cũng dựa trên các căn cứ qui định tại Điều 55 Luật HN&GĐ năm 2014.

Theo qui định tại điểm d khoản 1 Điều 31 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì “trường hợp các bên thuận tình ly hôn thì thỏa thuận của các bên phải có đầy đủ nội dung về việc ly hôn, việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, chồng, con theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình”. Đây cũng là căn cứ để kết quả hòa giải thành được Tòa án công nhận theo qui định tại khoản 4 Điều 33 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Việc hòa giải tại Tòa án chỉ được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các đương sự. Các đương sự có quyền đồng ý hoặc từ chối tham gia hòa giải hoặc chấm dứt hòa giải.36 Việc hòa giải được thực hiện theo thủ tục tại Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, dù hòa giải thành cũng chỉ được ghi nhận kết quả hòa giải bằng biên bản mà chưa có giá trị pháp lý, và chỉ có giá trị pháp lý khi được Tòa án có thẩm quyền ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành theo yêu cầu của các bên đương sự.

1.2. Một số ví dụ cụ thể

Ví dụ, căn cứ Biên bản ghi nhận kết quả hòa giải tại Tòa án ngày 11 tháng 8 năm 2021, về việc các bên thỏa thuận được với nhau về giải quyết toàn bộ vụ việc ly hôn, tranh chấp về nuôi con và chia tài sản khi ly hôn, Tòa án nhân dân Quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng đã ra Quyết định số 64/2021/QĐHG-HNGĐ ngày 27/8/2021 công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án giữa các bên hòa giải là chị Nguyễn Thị Minh P, sinh năm 1982 và anh Hoàng Tuấn N, sinh năm 1981; cùng nơi cư trú: Số 4/67/48 T, phường T, quận L, thành phố Hải Phòng38. Nội dung quyết định công nhận bao gồm: Công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án của các bên cụ thể như sau:

i) Về quan hệ hôn nhân: Chị Nguyễn Thị Minh P và anh Hoàng Tuấn N thuận tình ly hôn.

ii) Về con chung: Vợ chồng có một con chung là Hoàng Minh T, sinh ngày 13/9/2011. Hai bên thống nhất giao con chung cho chị Nguyễn Thị Minh P trực tiếp nuôi dưỡng đến khi con chung đủ 18 tuổi hoặc có sự thay đổi khác theo quy định của pháp luật.

ii) Về cấp dưỡng nuôi con, hai bên tự thỏa thuận, không yêu cầu Tòa án giải quyết. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

iv) Về tài sản chung: Hai bên thống nhất không có tài sản chung, không yêu cầu Tòa án giải quyết. Quyết định này có hiệu lực pháp luật, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Như vậy, có thể thấy việc hòa giải tại tòa án ngoài tố tụng vẫn dựa trên các căn cứ ly hôn luật định, nhưng không phải là thủ tục bắt buộc. Các bên có đồng ý hòa giải hay không và ngay cả khi hòa giải thành, có yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận hay không hoàn toàn phụ thuộc vào quyền tự quyết định, ý chí của các bên.

Trong trường hợp các bên thỏa thuận, thống nhất được các nội dung có liên quan nhưng Hòa giải viên vẫn có quyền “từ chối việc lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại nếu có đủ căn cứ xác định thỏa thuận, thống nhất đó vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”. Trên cơ sở qui định trên, trong trường hợp thuận tình ly hôn, Hòa giải viên cũng có quyền từ chối lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải nếu sự thỏa thuận giữa các bên không đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con theo các nguyên tắc chung luật định.

Theo qui định tại khoản 2 Điều 397 BLTTDS măm 2015, các yêu cầu thuận tình ly hôn bắt buộc tiến hành hòa giải và việc hòa giải được thực hiện theo thủ tục tố tụng dân sự, sau khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự.

Trong thực tế, khi đã muốn ly hôn và đưa ra yêu cầu ly hôn, các bên vợ chồng có thể dễ dàng thỏa thuận để mong nhanh chóng được ly hôn, kể cả khi biết rằng sự thỏa thuận đó không đảm bảo được lợi chính đáng của bản thân hoặc của con cái.

2. Đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con

Trong quá trình tố tụng giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn tại Tòa án, về nguyên tắc, Tòa án tôn trọng quyền tự định đoạt và quyết định của đương sự. Tuy nhiên, trong quan hệ hôn nhân gia đình, đặc biệt liên quan đến những đối tượng trong việc ly hôn là phụ nữ và trẻ em, thì sự tự nguyện thỏa thuận của hai bên là chưa đủ, mà sự thỏa thuận đó phải “đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con”.

Để đánh giá thể nào là “đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con” không hề đơn giản. Nếu trong trường hợp, vợ chồng có thỏa thuận nhưng Thẩm phán được phân công giải quyết việc ly hôn nhận thấy sự thỏa thuận đó không “đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con” thì có quyền không công nhận sự thỏa thuận đó. Trường hợp đó có mâu thuẫn với quyền tự quyết, tự định đoạt của đương sự  hay không

Có thể thấy, quyền tự quyết, tự định đoạt của đương sự phải phù hợp với lợi ích chung, phù hợp với qui định của pháp luật, đặc biệt phải đảm bảo được lợi ích tốt nhất của con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động để tự nuôi mình và quyền lợi chính đáng của người vợ thì Tòa án mới công nhận; nếu không đảm bảo được quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án có quyền không công nhận và điều đó cũng không mâu thuẫn với quyền tự định đoạt của đương sự. Bởi vì quyền tự định đoạt của đương sự không phải là một quyền tuyệt đối, mà chỉ là một quyền tương đối, bị giới hạn bởi quyền, lợi ích của các chủ thể khác. Tòa án là cơ quan xét xử nên có quyền ra quyết định phù hợp với các nguyên tắc chung, qui định chung của pháp luật.

Xác định căn cứ ly hôn trong trường hợp thuận tình ly hôn cũng gặp những khó khăn nhất định, đặc biệt trong trường hợp các bên thuận tình ly hôn giả để nhằm mục đích khác. Để xác định căn cứ ly hôn khi giải quyết yêu cầu ly hôn, Tòa án thường xem xét các điều kiện sau:

Xác định ý chí tự nguyện thật sự của hai bên vợ chồng khi yêu cầu ly hôn: Khi thuận tình ly hôn, các bên thường bàn bạc, thống nhất với nhau về lý do, nguyên nhân… để yêu cầu li hôn. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp, chỉ có một bên vợ hoặc chồng thật sự muốn li hôn còn kia không muốn li hôn, nhưng do bị bên muốn li hôn vận động, thuyết phục, thậm chí là ép buộc… nên khi ra tòa, họ cũng thể hiện sự đồng ý ly hôn.

Thực tế giải quyết các vụ việc ly hôn cho thấy, lúc đầu chỉ có một bên yêu cầu ly hôn nhưng sau đó việc li hôn lại được giải quyết theo trường hợp thuận tình li hôn, do cả hai vợ chồng cùng đồng ý li hôn. Trong những trường hợp này, Tòa án tiến hành hòa giải nhưng không thành, các bên đồng ý ly hôn, thỏa thuận được các vấn đề về tài sản, con chung nên Tòa án lập Biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và hòa giải thành. Sau 7 ngày không có sự thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó, Tòa án ra Quyết định Công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự.

Điều đó có thể thấy rõ qua Quyết định số 85/2021/QDDST-HNGĐ ngày 11/8/2021 của TAND huyện Bảo Lâm tỉnh Lâm Đồng về vụ án ly hôn của nguyên đơn là chị Hoàng Thị H với bị đơn là anh Phạm Tài Q. Chị H có đơn yêu cầu ly hôn anh Q, nhưng sau đó cả hai anh chị đã thuận tình ly hôn, thỏa thuận được các vấn đề về con chung, về án phí, tài sản chung không có yêu cầu Tòa án giải quyết nên Tòa án đã ra Quyết định Công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự.

Có thể thấy, trong những trường hợp tương tự trên Tòa án khó có thể đánh giá được thực trạng quan hệ vợ chồng ở mức độ nào, có thật sự đã đến mức cần ly hôn chưa hay vẫn có khả năng hàn gắn… Tuy nhiên khi cả hai bên vợ chồng đều thể hiện ý chí đồng ý li hôn và thỏa thuận được với nhau về việc chấm dứt hôn nhân thì Tòa án sẽ công nhận việc thuận tình ly hôn nếu các bên thỏa thuận được các vấn đề khác có liên quan. Trong một số trường hợp, chính những điều này là kẽ hở mà các đương sự có thể lợi dụng việc thuận tình ly hôn để giải quyết nhanh chóng việc ly hôn nhằm những mục đích khác như tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ tài sản đối với nhà nước hoặc đối với người khác…

Một trong những cách thức để Tòa án xác định căn cứ ly hôn trong trường hợp thuận tình li hôn là “tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn và nguyện vọng của vợ, chồng, con…”41. Qui định này cũng là cơ sở pháp lý để Tòa án thu thập, tài liệu chứng cứ cần thiết để giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn của các đương sự. Trong thực tiễn giải quyết, Tòa án thường tham khảo ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi vợ chồng chung sống về tình trạng hôn nhân của vợ chồng để xác định nguyên nhân, mức độ mâu thuẫn, thực trạng quan hệ vợ chồng… để củng cố thêm căn cứ giải quyết.

3. Sự thỏa thuận về tài sản

Trong các trường hợp thuận tình ly hôn, các bên có thể thỏa thuận về việc chia hoặc không chia tài sản chung. Việc chia tài sản chung trên cơ sở thỏa thuận thường được lập thành văn bản và được công chứng tại cơ quan công chứng. Tại Tòa án, các Quyết định công nhận thuận tình ly hôn của Tòa án thường chỉ ghi: “về tài sản các bên tự thỏa thuận nên không yêu cầu Tòa án giải quyết”.

Ví dụ tại Quyết định số 117/2021/QĐST-HNGĐ ngày 6/9/2021 của TAND huyện Tân Yên, Bắc Giang: Công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự giữa ông Nguyễn Văn C và bà Phạm Thị T, về tài sản chung của hai vợ chồng có ghi: “Về tài sản chung, nghĩa vụ chung về tài sản, ruộng canh tác, công sức đóng góp trong thời gian ở chung: tự thỏa thuận, không yêu cầu Tòa án giải quyết”44. Nếu sau khi ly hôn, các bên không thỏa thuận được về tài sản chung thì có quyền yêu cầu chia tài sản chung sau khi ly hôn.

Chính vì sự ghi nhận của Tòa án như vậy về tài sản chung nên rất khó để xác định việc thỏa thuận về tài sản đó có “đảm bảo được quyền lợi chính đáng của vợ và con” hay không. Có thể có trường hợp, người vợ mong muốn được ly hôn nhanh chóng vì những lý do khác nhau (như bị chồng bạo lực, chồng có hành vi ngoại tình, hoặc người vợ đã có quan hệ với người khác…) nên chấp nhận mọi quyết định về tài sản của người chồng, mặc dù có thể bị thiệt thòi, không đảm bảo được sự bình đẳng về tài sản giữa vợ và chồng. Tuy nhiên, vì sự thể hiện ý chí của cả hai vợ chồng tại Tòa án là đã thỏa thuận được và không yêu cầu Tòa án giải quyết, nên Tòa án cũng tôn trọng quyết định đó của các bên đương sự mà không thể can thiệp được.

4. Sự thỏa thuận về con chung

Khi ly hôn, vấn đề quan trọng nhất đối với hai bên vợ chồng là quyền trực tiếp nuôi con và gắn liền với quyền này là việc cấp dưỡng nuôi con, quyền thăm nom con. Do đó sự thỏa thuận liên quan đến con chung phải bao hàm tất cả những nội dung liên quan này.

Trong thực tế giải quyết yêu cầu ly hôn, vợ chồng thường thỏa thuận về việc ai là người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ cấp dưỡng của người không trực tiếp nuôi con. Ví dụ: Quyết định số 76/2021/QĐST-HNGĐ ngày 03/8/2021 Công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự của TAND huyện Văn Bàn tỉnh Lào Cai đã công nhận sự thỏa thuận của hai vợ chồng anh Hà Văn Q và chị Lương Thị M về con chung như sau:

“Chị Lương Thị M được trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cháu Hà Lương Đình Ng sinh ngày 17/5/2016 đến khi cháu Ng trưởng thành đủ 18 tuổi. Anh Hà Văn Q có nghĩa vụ cấp dưỡng tiền nuôi con chung cùng chị Lương Thị M theo định kỳ nuôi cháu Ng mỗi tháng 3.000.000 đ/tháng cho đến khi cháu Ng trưởng thành đủ 18 tuổi. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”.

Tuy nhiên thỏa thuận về việc ai thực hiện quyền trực tiếp nuôi con trong không ít trường hợp có thể không dựa trên quyền lợi mọi mặt của con, nhưng vì những lý do nhất định, hai bên vợ chồng vẫn thỏa thuận nên Tòa án vẫn công nhận.

Điều này dẫn đến việc giao con cho người trực tiếp nuôi có thể sẽ không đảm bảo quyền lợi chính đáng của con. Mặt khác, trong trường hợp vợ chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nhưng con từ đủ 7 tuổi trở lên lại không muốn ở với người mà vợ chồng đã thỏa thuận thì giải quyết như thế nào để phù hợp với quyền có tiếng nói của trẻ em cũng là vấn đề còn vướng mắc. Nếu không có cách giải quyết thỏa đáng, thấu tình đạt lý thì qui định về “tham khảo nguyện vọng của con” về việc con muốn ở với ai chỉ có tính chất hình thức.

Trong nhiều trường hợp hai bên vợ chồng đều thể hiện ý chí về việc không yêu cầu bên không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng nuôi con, hoặc thỏa thuận về việc người không trực tiếp nuôi con được tạm hoãn nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con… Khi các bên đương sự tự nguyện thỏa thuận thì Tòa án thường công nhận sự thỏa thuận đó. Việc người không trực tiếp nuôi con không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của con, đồng thời còn ảnh hưởng đến tình cảm, quan hệ giữa đứa trẻ với người cha hoặc người mẹ không trực tiếp nuôi con.

Thực tế cho thấy, nhiều khi vì muốn giải quyết ly hôn nhanh chóng, nên vợ chồng thỏa thuận về việc người không trực tiếp nuôi con không cần thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Xét về bản chất, việc thỏa thuận đó ngay từ đầu đã ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của con, vì quyền được cấp dưỡng là quyền của con, chứ không phải là quyền của cha, mẹ, nên cha, mẹ không thể thỏa thuận xóa bỏ quyền được cấp dưỡng của con. Nghĩa vụ cấp dưỡng cho con là nghĩa vụ của cha mẹ, không phụ thuộc vào việc cha mẹ có muốn hay không muốn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, do đó người không trực tiếp nuôi con vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con khi ly hôn, trừ trường hợp họ không có khả năng kinh tế.

5. Không đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con

Sự thỏa thuận của hai vợ chồng phải trên cơ sở đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con. Đây là yếu tố rất quan trọng và có ý nghĩa thiết thực khi giải quyết các việc thuận tình ly hôn. Tuy nhiên việc tòa án xác định sự thỏa thuận của hai vợ chồng có trên cơ sở đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con hay không lại là một vấn đề không đơn giản, đặc biệt đối với các trường hợp thuận tình ly hôn do bị cưỡng ép, lừa dối… Sự thỏa thuận giữa hai bên vợ chồng có thể không đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con trong những trường hợp sau:

+ Sự thỏa thuận không đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ: đó là những trường hợp người chồng cưỡng ép vợ ly hôn hoặc người vợ muốn ly hôn nên chấp nhận mọi yêu cầu mà người chồng đưa ra, dù biết rằng mình sẽ bị thiệt thòi về tài sản, về quyền đối với con chung…

+ Sự thỏa thuận không đảm bảo quyền lợi chính đáng của con. Đó là những trường hợp mà thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con không căn cứ vào lợi ích mọi mặt của con. Ví dụ: do bị người chồng đánh đập, hành hạ, người vợ đã cương quyết ly hôn nhưng người chồng chỉ đồng ý ly hôn khi người vợ không đòi quyền nuôi con, chấp nhận con để cho chồng nuôi. Mặc dù trong những trường hợp này, người vợ có thể lo lắng cho con khi sống cùng người chồng vũ phu, nhưng vì không thể tiếp tục sống chung nên người vợ đã chấp nhận để người chồng nuôi con, để có thể giải quyết thuận tình li hôn. Có trường hợp, người vợ vì muốn ly hôn nên không yêu cầu người chồng không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng nuôi con, hoặc chấp nhận mức cấp dưỡng nuôi con rất thấp, không thể đảm bảo được nhu cầu sống tối thiểu của con…

Vấn đề đặt ra là, nếu sự thỏa thuận của hai vợ chồng về người trực tiếp nuôi con, cấp dưỡng nuôi con mà không đảm bảo quyền lợi chính đáng của con thì Tòa án có công nhận không? Thực tế cho thấy, hầu như chưa có trường hợp nào Tòa án không công nhận sự thỏa thuận của các bên đương sự về người trực tiếp nuôi con, việc cấp dưỡng nuôi con.

Đối với những trường hợp sự thỏa thuận của vợ chồng về người trực tiếp nuôi con, về việc cấp dưỡng nuôi con mà có căn cứ rõ ràng về việc vi phạm quyền lợi ích chính đáng của con thì Tòa án cần không công nhận thỏa thuận đó. Nếu các bên không thỏa thuận được về các nội dung đó sao cho phù hợp với quyền lợi chính đáng của con thì Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự và thụ lý vụ án để giải quyết ly hôn theo thủ tục chung.

Thực tế giải quyết các trường hợp thuận tình ly hôn cho thấy, trong các  quyết định công nhận thuận tình ly hôn chỉ nêu sự thỏa thuận của các bên vợ chồng về các vấn đề liên quan mà không nêu rõ cơ sở của các thỏa thuận đó. Điều đó chưa phản ánh được thực chất công tác tiến hành hòa giải tại Tòa án cũng như hòa giải của các Hòa giải viên theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Trong quá trình tiến hành hòa giải, dù trước hay sau khi thụ lý, thì Hòa giải viên hoặc Thẩm phán đều  đã làm việc kỹ với các bên đương sự, xem xét, đánh giá sự thỏa thuận của các bên dựa trên các căn cứ luật định để lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải hoặc lập Biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và hòa giải thành của các đương sự. Để có cơ sở ra Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành hoặc Quyết định Công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự, Tòa án có quyền “yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp cho Tòa án tài liệu làm cơ sở cho việc ra quyết định, nếu xét thấy cần thiết”.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon