Các trường hợp phát sinh tranh chấp trong việc xác định quan hệ cha và con

cac-truong-hop-phat-sinh-tranh-chap-trong-viec-xac-dinh-quan-he-cha-va-con

Các trường hợp phát sinh tranh chấp trong việc xác định quan hệ cha và con được giải quyết theo thủ tục giải quyết vụ án dân sự. Theo qui định của pháp luật TTDS, các vụ án dân sự phải tiến hành thủ tục hòa giải, trừ các trường hợp không được hòa giải81 hoặc không hòa giải được. Thực hiện thủ tục hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự là nhằm mục đích giúp các bên đương sự thỏa thuận được với nhau cách giải quyết mâu thuẫn, đáp ứng tốt nhất quyền, lợi ích chính đáng của các bên đương sự.

Trong việc xác định quan hệ cha và con, việc hòa giải giữa các bên có tính chất khác biệt, do đặc thù của quan hệ huyết thống. Quan hệ cha con được xác định trên cơ sở có quan hệ huyết thống, có sự trùng lặp về mã gen di truyền giữa cha và con, đó là một thực tế khách quan, không thay đổi được và cũng không phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa hai bên hoặc giữa hai bên đương sự với những người có liên quan.

Trong các chứng cứ chứng minh quan hệ cha – con, kết quả giám định AND được trưng cầu giám định theo trình tự tố tụng có tính khách quan, là chứng cứ không cần bàn cãi, do đó sự thỏa thuận giữa các bên đương sự chỉ thể hiện sự đồng ý công nhận kết quả giám định và kết quả giám định đó phù hợp với thực tế khách quan của quan hệ huyết thống giữa hai bên đương sự. Trên cơ sở chứng cứ đó, Tòa án sẽ ra phán quyết về quan hệ cha – con mà không phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên.

1. Nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và sinh con nhưng cha không tự nguyện nhận con

Khi hai bên nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng, sau đó người phụ nữ có thai và sinh con là trường hợp khá phổ biến trong đời sống xã hội. Vì không có quan hệ hôn nhân, nên khi đứa con sinh ra trong Giấy khai sinh của trẻ chỉ ghi họ tên của người mẹ mà không có tên của người cha, họ tên cha bỏ trống.

Người đàn ông nghi ngờ là cha của đứa trẻ không tự nguyện nhận đứa trẻ đó là con mình, người mẹ của đứa trẻ khởi kiện yêu cầu xác định người đàn ông đó là cha của con mình. Đây là trường hợp có tranh chấp, phát sinh mâu thuẫn giữa mẹ của đứa trẻ với người đàn ông nghi ngờ là cha của đứa trẻ trong việc xác định cha cho con, là loại vụ án tranh chấp về xác định cha cho con theo qui định tại khoản 4 Điều 28 BLTTDS năm 2015.

Bản án số 09/2021/HNGĐ-ST ngày 31/8/2021 về “Xác định cha cho con và yêu cầu cấp dưỡng” của TAND huyện Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Nội dung vụ việc: Lê Thị Thùy Tr, sinh năm 2002, là nhân viên hợp đồng quán karaoke do anh Nguyễn Mạnh H làm chủ từ năm 2019.

Trong thời gian làm việc ở quán, hai bên đã có quan hệ tình dục với nhau. Đến tháng 3/2020, Tr thông báo với anh H có thai, anh H đã đề nghị Tr phá thai nhưng Tr và gia đình Tr không đồng ý. Ngày 01/10/2020 Tr sinh đôi hai cháu gái đặt tên là Lê Thị Thảo L và Lê Thị Thảo Ph. Sau khi chị sinh con, anh Nguyễn Mạnh H không thăm nom, chăm sóc, cấp dưỡng nuôi con. Ngày 17/01/2021 chị Tr có đơn tố cáo anh Nguyễn Mạnh H gửi Công an thành phố T. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố T đã thụ lý điều tra và ngày 17/5/2021 ra Quyết định số 14/ĐTTH, quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc chị Lê Thị Tr tố giác anh H có hành vi lợi dụng tình trạng say rượu, bia dùng vũ lực để quan hệ tình dục trái ý muốn và cưỡng bức chị Tr để quan hệ tình dục dẫn đến chị Tr mang thai và sinh con.

Tuy nhiên Công an thành phố T đã tiến hành giám định ADN giữa anh Nguyễn Mạnh H và hai cháu Lê Thị Thảo L và cháu Lê Thị Thảo Ph. Kết quả giám định pháp y về ADN số 1668/C09-TT3 ngày 31/3/2021 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an thì anh Nguyễn Mạnh H là cha đẻ của hai cháu Lê Thị Thảo L và cháu Lê Thị Thảo Ph. Nay chị yêu cầu Tòa án xác định anh Nguyễn Mạnh H là cha đẻ của cháu Lê Thị Thảo L, sinh ngày 01/10/2020 và cháu Lê Thị Thảo Ph, sinh ngày 01/10/2020, theo Kết luận giám định số 1668/C09-TT3 ngày 31/3/2021 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an và yêu cầu anh H cấp dưỡng nuôi hai con.

Trong quá trình Tòa án giải quyết, chị Tr và anh H đều thống nhất hai cháu Thảo L và Thảo Ph là con đẻ của chị Tr và anh H. Do đó có đủ căn cứ để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Lê Thị Thùy Tr và công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc xác định anh Nguyễn Mạnh H là cha đẻ của hai cháu Lê Thị Thảo L, sinh ngày 01/10/2020 và cháu Lê Thị Thảo Ph, sinh ngày 01/10/2020 là phù hợp với các Điều 88 và Điều 102 của Luật hôn nhân và gia đình.

Trong vụ án trên, với kết quả giám định gen của Viện khoa học hình sự Bộ Công an cho thấy có sự trùng khớp về gen giữa anh H và hai cháu L, cháu Ph, căn cứ Điều 88, Điều 101, Điều 102… Tòa án quyết định công nhận anh Nguyễn Mạnh H là cha đẻ của hai cháu Lê Thị Thảo L và cháu Lê Thị Thảo Ph.

Tuy nhiên có thể thấy rằng việc Tòa án căn cứ vào Điều 88 Luật HN&GĐ năm 2014 để xác định quan hệ cha – con giữa hai bên trong trường hợp này là chưa xác đáng và chưa hợp lý. Giữa anh H và chị Tr không có quan hệ hôn nhân hợp pháp, mà chỉ có quan hệ tình dục với nhau và sau khi sinh con hai bên cũng không đăng ký kết hôn, nên không thể áp dụng Điều 88 Luật HN&GĐ được, bởi vì điều luật này là nguyên tắc suy đoán pháp lý xác định quan hệ cha – con khi cha mẹ của đứa con có hôn nhân hợp pháp.

2. Người mẹ có quan hệ với người đàn ông khác và sinh con trong thời kỳ hôn nhân hoặc sau khi hôn nhân chấm dứt

Trong trường hợp người vợ có quan hệ với người đàn ông khác không phải là chồng mình, nhưng sinh con trong thời kỳ hôn nhân hoặc sau khi hôn nhân chấm dứt trong thời hạn 300 ngày thì về nguyên tắc đứa con đó vẫn được xác định là con chung của vợ chồng theo Điều 88 Luật HN&GĐ.

Khi người mẹ sinh con, muốn đăng ký khai sinh cho đứa trẻ theo họ tên của người đàn ông mà người mẹ đã chung sống nhưng không được, do đó người mẹ yêu cầu xác định người đàn ông mà mình đã có quan hệ là cha của con mình. Những trường hợp này việc xác định quan hệ cha – con có tranh chấp, do đó được giải quyết theo thủ tục giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình.

Theo bản án số 151/2021/HNGĐ-ST ngày 13-8-2021 về việc tranh chấp xác định cha cho con của TAND huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, chị L là nguyên đơn đã khởi kiện yêu cầu xác định anh D là cha của con chị là cháu Hương sinh ngày 11/7/2020. Theo nội dung bản án, chị L đã kết hôn với anh Q năm 2014 có đăng ký kết hôn. Chung sống đến năm 2015 thì hai anh chị phát sinh mâu thuẫn nên đã ly thân.

Trong thời gian sống ly thân, chị L đã có quan hệ với anh D và có thai. Ngày 3/4/2020, chị L và anh Q đã được Tòa án công nhận thuận tình ly hôn. Ngày 21/5/2020, chị L đăng ký kết hôn với anh D tại UBND xã. Ngày 11/7/2020, chị L sinh con gái, nhưng không đăng ký khai sinh cho cháu bé được vì chị có thai trong thời kỳ hôn nhân với anh Q. Ngày 16/4/2021, chị L có yêu cầu Tòa án ra quyết  định trưng cầu giám định gen AND giữa anh D và con gái của chị. Kết quả giám định của phòng Kỹ thuật Hình sự – Công an thành phố Hải Phòng đã kết luận con gái của chị L và anh D có quan hệ huyết thống cha – con. Trên cơ sở đó Tòa án đã xác định anh D là cha đẻ của con do chị L sinh ra ngày 11/7/2020.

Trong vụ án này, theo nguyên tắc suy đoán pháp lý tại Điều 88 Luật HN&GĐ thì anh Q và anh D đều có thể được suy đoán là cha của con do chị L sinh ra. Việc xác định tư cách cha của đứa trẻ do “người vợ có thai hoặc sinh ra trong thời kỳ hôn nhân” có tranh chấp, có mâu thuẫn, do đó thuộc loại vụ án dân sự, mặc dù trên thực tế giữa anh Q, chị L và anh D đều thừa nhận con do chị L sinh ra là con chung của anh D và chị L.

Trường hợp của chị Trần Thị Phương L và anh Trần Văn D cũng tương tự. Anh D và chị L có quan hệ tình cảm với nhau và chị L có thai trong thời gian đang ly thân với chồng là anh Trần Viết H vào cuối tháng 12/2019. Ngày 9/6/2020 Tòa án nhân dân thành phố Nam Định đã giải quyết thuận tình ly hôn giữa chị L và anh Trần Viết H. Ngày 2/9/2020, chị L sinh con, dự định đặt tên cháu là Trần Bảo Thiên A.

Chị xác định cháu Trần Bảo Thiên A là con đẻ của anh Trần Văn D. Chị đã cho cháu Trần Bảo Thiên A và anh Trần Văn D giám định ADN. Tại Phiếu kết quả phân tích ADN của Công ty cổ phần dịch vụ phân tích di truyền đã kết luận  anh Trần Văn D và cháu Trần Bảo Thiên A có quan hệ huyết thống cha – con. Chị khởi kiện đề nghị Tòa án xác định anh Trần Văn D là cha đẻ của cháu Trần Bảo Thiên A. Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định anh Trần Văn D là cha đẻ của cháu Trần Bảo Thiên A.

Trên thực tế, có những trường hợp người phụ nữ đã có quan hệ tình dục và có thai với người khác trước khi kết hôn với người chồng. Khi đứa con được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân, đã mặc nhiên được đăng ký khai sinh với họ tên bố là tên của người chồng. Khi hai vợ chồng mâu thuẫn, không thể chung sống với nhau dẫn đến ly hôn, Tòa án đã xác định đứa trẻ được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là con  chung của vợ chồng, giao con cho người mẹ nuôi và người chồng phải cấp dưỡng nuôi con.

Nếu việc xác định người cha thực của đứa con không đặt ra thì người chồng vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con cho đến khi con đủ 18 tuổi. Đó là điều không đảm bảo được lợi ích chính đáng của người chồng. Trong trường hợp này, người mẹ của đứa trẻ có quyền yêu cầu xác định người chồng không phải là cha của đứa trẻ mà người đàn ông khác mới là cha của con mình. Việc xác định lại quan hệ cha con sẽ làm cho quyết định hoặc bản án cho ly hôn của Tòa án trước đó không còn chính xác, vì có tình tiết mới về việc xác định lại quan hệ cha – con giữa người chồng với đứa trẻ.

Trong trường hợp này Tòa án sẽ xem xét lại bản án, quyết định cho ly hôn theo thủ tục tái thẩm, hủy bỏ phần quyết định về con chung. Đó là trường hợp xảy ra trong quan hệ giữa chị Nguyễn Thị T với chồng là anh Nguyễn Văn H và với người yêu cũ của chị T là anh Lê Văn S tại bản án số 54/2021/HNGĐ-ST, ngày 23/3/2021 của TAND huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định84. Việc xem xét lại một phần quyết định hoặc bản án cho ly hôn trước đó theo trình tự tái thẩm là hợp lý vì xuất hiện tình tiết mới là đứa trẻ không phải là con của người chồng, do đó đảm bảo được quyền, lợi ích chính đáng của người chồng, đồng thời củng cố cơ sở cho việc xác định quan hệ cha – con giữa người cha với đứa trẻ phù hợp với quan hệ huyết thống trên thực tế.

3. Con sinh ra do người mẹ bị hiếp dâm, cưỡng dâm

Khi người mẹ bị hiếp dâm hoặc cưỡng dâm dẫn tới có thai thì bên cạnh việc xử lý về hình sự hành vi xâm phạm quyền được tôn trọng và bất khả xâm phạm về tình dục của con người, các bên có quyền yêu cầu xác định cha cho con, hoặc xác định con cho cha. Việc xác định quan hệ cha – con trong những trường hợp này dựa trên các căn cứ giám định hình sự về hành vi hiếp dâm hoặc cưỡng dâm, và đó cũng là căn cứ để xác định quan hệ cha – con.

Quyền yêu cầu xác định cha cho con hoặc con cho cha là quyền của các bên chủ thể, do các bên tự quyết định. Do tính chất của hành vi phạm tội nên những trường hợp này nếu có mong muốn xác định quan hệ cha – con thì nhiều khi chỉ xảy ra từ một phía, mà không có sự thỏa thuận của các bên, nên có tính chất của vụ án dân sự.

Vào khoảng tháng 6 năm 2019 tại ấp Hiệp Tân, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang bị cáo Bùi Văn D E đã có hành vi lợi dụng người nhà của bị hại đi vắng và do biết rõ nạn nhân là Trần Thanh Vy bị bệnh tâm thần nặng, không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, bị cáo đã thực hiện hành vi giao cấu với nạn nhân là nạn nhân có thai và sinh ra một bé trai đặt tên là Trần Đức Hiếu. Tại Bản kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự thuộc phân Viện khoa học hình sự thành phố Hồ Chí Minh đã kết luận Bùi Văn D F và Trần Thanh Vy có quan hệ cha – mẹ – con với bé trai sinh ngày 25/2/2020.

Đây là căn cứ để xác định quan hệ cha – con. Việc xác định quan hệ cha – con còn là cơ sở để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của người được xác định là cha đối với đứa trẻ. Trong vụ việc trên, bị cáo đã phải chấp hành hình phạt tù 5 năm về hành vi hiếp dâm, nhưng việc xác định bị cáo là cha của đứa trẻ còn có ý nghĩa lâu dài đối với đứa trẻ trong việc nuôi dưỡng, cấp dưỡng trẻ vì mẹ của trẻ bị mắc bệnh tâm thần, không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon