Các quy định của BLDS 2015 chưa khắc phục được các bất cập về sự đồng ý và từ chối của người thứ ba khi người thứ ba không phải là một người cụ thể mà là một nhóm người, về sửa đổi hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba và về người thứ ba hoặc hoàn cảnh của người thứ ba thay đổi.
1. Về sự đồng ý và từ chối của người thứ ba
Phân loại “người thứ ba”. BLDS 2005 cũng như BLDS 2015 sử dụng khái niệm “người thứ ba” trong rất nhiều quy định khác nhau, nhưng không hề đưa ra định nghĩa thế nào là “người thứ ba”. Khảo sát BLDS 2005 và 2015 chúng tôi thấy có ba loại “người thứ ba”. Loại thứ nhất là những người không trực tiếp ký kết hợp đồng nhưng can thiệp vào quá trình này. Đó là người thứ ba và giao dịch có điều kiện (quy định tại Điều 120 BLDS 2015[1]), người thứ ba thực hiện hành vi lừa dối hoặc đe dọa một bên trong hợp đồng (Điều 127 BLDS 2015[2]). Loại thứ hai là những người không có bất kỳ mối quan hệ nào với hợp đồng nhưng lại bị ảnh hưởng bởi việc thực hiện hợp đồng đó. Đó là người thứ ba nạn nhân của giao dịch dân sự bị vô hiệu do giả tạo (Điều 124 BLDS 2015[3]), người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu (Điều 133 BLDS 2015[4]) và người thứ ba trong các giao dịch bảo đảm (các điều 292 và tiếp theo BLDS 2015[5]). Loại thứ ba là những người không ký kết hợp đồng nhưng lại được hưởng lợi từ hợp đồng.
Ý chí của “người thứ ba”. Sự thiếu vắng định nghĩa về “người thứ ba” đặt ra một số vấn đề về xác định ý chí của người này trong việc chấp nhận hay từ chối thụ hưởng lợi ích. Trong thực tế, người thứ ba có thể là một người cụ thể nhưng cũng có thể là một nhóm người. Trong trường hợp người thứ ba là một người cụ thể thì việc xác định ý chí của người này không đặt ra khó khăn. Tuy nhiên, sẽ không phải như vậy khi người thứ ba là một nhóm người. Liệu có cần tất cả các thành viên trong nhóm biểu đạt ý chí của mình không? Điều gì sẽ xảy ra nếu một hoặc một vài người trong nhóm đồng ý, trong khi những người còn lại từ chối, hoặc ngược lại? Trong trường hợp bên có nghĩa vụ phải thực hiện các nghĩa vụ khác nhau đối với các thành viên khác nhau trong nhóm thì hợp đồng liệu có phát sinh hiệu lực theo phần (đối với những người chấp nhận thụ hưởng) và không phát sinh hiệu lực (đối với những người không chấp nhận)? BLDS 2015 không có câu trả lời cho các câu hỏi này.
Trách nhiệm của người thứ ba?Điều 416 BLDS 2015 quy định người thứ ba có quyền từ chối nhận các lợi ích mà hợp đồng mang lại. Ở đây cần phân biệt hai trường hợp.
Thứ nhất, nếu người thứ ba từ chối lợi ích của mình sau khi bên có nghĩa vụ đã thực hiện nghĩa vụ thì nghĩa vụ được xem là đã hoàn thành và bên có quyền vẫn phải thực hiện cam kết đối với bên có nghĩa vụ (khoản 2). Quy định này không có gì mới so với Điều 420 BLDS 2005. Nội dung mới mà khoản 2 đưa vào là “Trong trường hợp này, lợi ích phát sinh từ hợp đồng thuộc về bên mà nếu hợp đồng không vì lợi ích của người thứ ba thì họ là người thụ hưởng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Tuy nhiên, theo chúng tôi, quy định mới này vừa không cần thiết vừa mâu thuẫn về tư duy lô-gic. Không cần thiết là vì khi người thứ ba từ chối một lợi ích phát sinh từ hợp đồng thì lợi ích đó đương nhiên thuộc về bên có quyền trong hợp đồng đó. Mâu thuẫn là vì việc người thứ ba từ chối nhận lợi ích sau khi bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ không thể làm thay đổi bản chất từ “hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba” thành “hợp đồng không vì lợi ích của người thứ ba”. Sự từ chối này không làm thay đổi bản chất pháp lý của hợp đồng mà chỉ làm thay đổi hậu quả pháp lý của hợp đồng mà thôi.
Thứ hai, người thứ ba thể hiện sự từ chối của mình trước khi bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ. Trong trường hợp như vậy, bên có nghĩa vụ không phải thực hiện nghĩa vụ, nhưng phải thông báo cho bên có quyền và hợp đồng được coi là bị huỷ bỏ, các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận (khoản 1). Tuy nhiên, điều luật này lại không cho biết cách xử lý thiệt hại do việc hủy bỏ hợp đồng gây ra.
Chúng ta hãy xét trường hợp sau: Ngày 01/04/2016, A và B ký một hợp đồng theo đó B phải thực hiện việc chăm sóc trang trại cho C (người thứ ba thụ hưởng). Thời gian thực hiện nghĩa vụ là 02 năm, bắt đầu từ 01/05/2016. Để thực hiện nghĩa vụ của mình đối với A vì lợi ích của C, B đã mua một số máy móc, thiết bị và thuê một số công nhân. Tuy nhiên, ngay trước khi B có thể thực hiện được nghĩa vụ của mình, chẳng hạn ngày 30/04/2016, C thông báo không muốn thụ hưởng lợi ích từ hợp đồng ký giữa A và B mặc dù trước đó đã đồng ý thụ hưởng. Theo khoản 1, Điều 416, việc từ chối này làm cho hợp đồng bị hủy bỏ và các bên (A và B) phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Tuy nhiên, việc hủy bỏ hợp đồng này gây thiệt hại cho B (vì đã phải mua máy móc, thuê công nhân…), trong khi vẫn phải “hoàn trả những gì đã nhận” từ A. Vậy ai là người phải chịu thiệt hại này: A, B hay C? Theo Khoản 3, Điều 427 Bộ luật dân sự 2015, “Bên bị thiệt hại do hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên kia được bồi thường”. Tuy nhiên, không thể coi người thứ ba là bên “có có hành vi vi phạm” vì người này không phải là một “bên” trong hợp đồng. Nếu dựa vào chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì có thể viện dẫn điều 584 BLDS 2015, theo đó “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”. Như vậy, nếu muốn người thứ ba bồi thường thì phải chứng minh “hành vi xâm phạm”, tức hành vi trái pháp luật của người này. Tuy nhiên, Điều 416 BLDS 2015 lại coi từ chối lợi ích là một “quyền” của người thứ ba. Khi đó là một quyền thì người thứ ba có thể thực hiện (chấp nhận thụ hưởng lợi ích) hoặc không thực hiện quyền đó (từ chối thụ hưởng lợi ích). Như vậy việc thực hiện quyền từ chối của người thứ ba không thể coi là một “hành vi xâm phạm” dẫn tới trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Sự thiếu vắng các quy định này trong BLDS khiến cho bên bị thiệt hại không phải bởi hành vi của mình mà bởi sự từ chối của người thứ ba không biết đòi ai (bên kia của hợp đồng hay người thứ ba).
2. Về sửa đổi hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba
Điều 417 BLDS 2015 không cho phép các bên tự ý sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Thật vậy, “khi người thứ ba đã đồng ý hưởng lợi ích thì dù hợp đồng chưa được thực hiện, các bên giao kết hợp đồng cũng không được sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng, trừ trường hợp được người thứ ba đồng ý”.
Quy định này dường như đã mâu thuẫn với Điều 420 của chính Bộ luật về “Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản”. Thật vậy, Điều 420 được đặt trong phần “Thực hiện hợp đồng” nói chung, nghĩa là có thể áp dụng cho mọi loại hợp đồng mà việc thực hiện kéo dài trong thời gian, từ hợp đồng cung cấp sản phẩm, đến hợp đồng hợp tác kinh doanh và cả hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba… Tuy nhiên, Điều 417 lại cấm các bên tự ý sửa đổi hợp đồng trong bất kỳ hoàn cảnh nào nếu không được người thứ ba đồng ý.
Ngoài ra, quy định như Điều 417 cũng chưa trù liệu được các hoàn cảnh có thể phát sinh trong thực tế. Thực vậy, việc sửa đổi hợp đồng có thể có hai hậu quả khác nhau. Thứ nhất, sửa đổi hợp đồng chỉ có hậu quả làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng đối với nhau, chứ không làm thay đổi lợi ích mà người thứ ba được thụ hưởng. Ví dụ hài lòng với kết quả công việc mà B thực hiện vì lợi ích của C, A đã tăng thù lao cho B. Việc sửa đổi hợp đồng này rõ ràng không có ảnh hưởng gì đến lợi ích của C. Thứ hai, sửa đổi hợp đồng làm thay đổi lợi ích của người thứ ba. Chẳng hạn, A và B thỏa thuận điều chỉnh hợp đồng theo đó B sẽ thực hiện ít hơn (hoặc nhiều hơn) dịch vụ dành cho C. Như vậy, lợi ích của C bị ảnh hưởng (giảm sút hoặc gia tăng) từ sự sửa đổi này. Đối với trường hợp thứ nhất, thiết nghĩ không nên cấm các bên sửa đổi hợp đồng, bởi hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên nhằm “xác lập, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ dân sự”[6] và các bên có toàn quyền sửa đổi hợp đồng của mình (Điều 421). Trong trường hợp thứ hai, đã có ý kiến cho rằng khi việc sửa đổi hợp đồng làm tăng lợi ích của người thứ ba thì việc sửa đổi đó có thể được thực hiện theo thỏa thuận của các bên mà không cần sự đồng ý của người thứ ba[7]. Tuy nhiên, theo chúng tôi, việc đánh giá thế nào là tăng hay giảm lợi ích cho người thứ ba là rất khó khăn vì phụ thuộc vào ý chí chủ quan của từng người.
3. Về người thứ ba hoặc hoàn cảnh của người thứ ba thay đổi
Người thứ ba thay đổi. Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba có thể là loại hợp đồng thực hiện một lần hoặc kéo dài trong thời gian. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, có thể xảy ra trường hợp người thứ ba thay đổi, hoặc hoàn cảnh của người thứ ba thay đổi, làm cho việc thực hiện hợp đồng này trở nên thuận lợi hơn hoặc khó khăn hơn. BLDS 2015 mới chỉ quy định không cho phép các bên sửa đổi hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba, chứ chưa có quy định về trường hợp người thứ ba thay đổi hoặc hoàn cảnh của người thứ ba thay đổi làm cho việc thực hiện hợp đồng trở nên thuận lợi hoặc khó khăn hơn. Trong thực tế, người thứ ba thay đổi có thể bắt nguồn từ ý chí của của các chủ thể hoặc không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các bên.
Trường hợp thứ nhất xảy ra khi người có quyền chỉ định một người thứ ba mới, thay thế cho người thứ ba ban đầu và được sự chấp nhận của người này. Tương tự, người thứ ba có thể chỉ định một người khác thay mình thụ hưởng các lợi ích từ hợp đồng. Thiết nghĩ, có thể coi đây là một sự thay đổi điều kiện thực hiện hợp đồng nên việc thay đổi phải được sự đồng ý của người có nghĩa vụ.
Trường hợp thứ hai xảy ra khi người thứ ba chết. Lúc này vấn đề cần xem xét là liệu những người thế quyền của người thứ ba có được hưởng lợi ích từ hợp đồng này không? Nói cách khác, hợp đồng có mặc nhiên tiếp tục có hiệu lực hay không? Do hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba có các biểu hiện rất đa dạng (có thể là hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng vận tải, hợp đồng tặng cho, hợp đồng độc quyền phân phối…) nên khó có thể có một giải pháp chung cho tất cả các biểu hiện này. Thiết nghĩ, khi người thứ ba chết thì lợi ích mà người thứ ba này sẽ được chuyển sang cho những người thừa kế theo chế định thừa kế theo pháp luật, nếu việc này không làm thay đổi điều kiện thực hiện nghĩa vụ của người có nghĩa vụ. Ví dụ: A ký hợp đồng bảo hiểm với công ty bảo hiểm B theo đó người thụ hưởng là C con của A khi A chết. Tuy nhiên, C lại chết trước A. Lúc này, người được thụ hưởng lợi ích từ hợp đồng ký giữa A và B có thể được chuyển sang cho D là con của C theo quy định về thừa kế. Tuy nhiên, lập luận tương tự sẽ khó có thể thỏa mãn trong trường hợp đối tượng của hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là một công việc mà người có nghĩa vụ phải thực hiện đối với cá nhân người thứ ba. Ví dụ: A và B ký hợp đồng chăm sóc y tế mà người thụ hưởng là C, bố của A. Trong trường hợp C chết trước thời hạn của hợp đồng thì hợp đồng này nên chấm dứt vì đối tượng của hợp đồng là công việc mà B phải thực hiện đối với cá nhân C không thể thực hiện được nữa. Khi cá nhân này không còn thì việc thực hiện hợp đồng nên được chấm dứt chứ không thể được chuyển giao theo nguyên tắc thừa kế. Để thận trọng, các bên trong hợp đồng cần thỏa thuận cách thức xử lý hậu quả của việc người thứ ba thụ hưởng chết trước thời hạn hợp đồng.
Hoàn cảnh của người thứ ba thay đổi. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, có thể xảy ra trường hợp hoàn cảnh của người thứ ba thay đổi so với thời điểm các bên giao kết hợp đồng, làm cho việc thực hiện hợp đồng này trở nên thuận lợi hơn hoặc khó khăn hơn. Vẫn trong ví dụ vừa nêu ở trên, bệnh tình của ông C có thể trở nên trầm trọng hơn và công việc chăm sóc mà B phải thực hiện đối với ông trở nên nặng nề hơn hoặc phát sinh nhiều chi phí hơn. Thiết nghĩ, trong trường hợp như vậy, B có thể yêu cầu A đàm phán lại hợp đồng để tái cân bằng lợi ích theo quy định của điều 420 BLDS 2015
[1] Ứng với Điều 125 BLDS 2005.
[2] Ứng với Điều 132 BLDS 2005.
[3] Ứng với Điều 129 BLDS 2005.
[4] Ứng với Điều 138 BLDS 2005.
[5] Ứng với các điều 322 và tiếp theo BLDS 2005.
[6] Điều 385 BLDS 2015.
[7] Kiều Thị Thùy Linh, Hợp đồng dịch vụ vì lợi ích của người thứ ba, tạp chí Dân chủ & Pháp luật, số tháng 4 năm 2014.