Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng – Những điểm mới của BLDS năm 2015

trach-nhiem-boi-thuong-thiet-hai-ngoai-hop-dong-nhung-diem-moi-trong-blds-nam-2015

Một trong những điểm mới đầu tiên của Bộ luật Dân sự năm 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là về kết cấu. Số lượng các điều luật giảm so với Bộ luật dân sự năm 2005. Trong Bộ luật dân sự năm 2005, các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trải dài trên 27 điều luật khác nhau. Nhưng trong Bộ luật dân sự năm 2015, số lượng điều luật giảm xuống còn 25 điều. Tuy nhiên, nội dung các quy định còn được mở rộng hơn. Chúng ta hãy cùng nhau đi sâu phân tích từng nội dung trong bài viết dưới đây.

1. Về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Thứ nhất, trong Bộ luật dân sự năm 2005, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định bắt đầu với cụm từ “Người nào có lỗi cố ý hoặc vô ý …”. Trong Bộ luật dân sự năm 2015, quy định này lại được bắt đầu với cụm từ “Người nào có hành vi xâm phạm …”. Như vậy, trong Bộ luật dân sự năm 2005, yếu tố lỗi có một vai trò quan trọng trong việc xác định các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, còn trong Bộ luật dân sự năm 2015, hành vi gây thiệt hại lại được chú trọng hơn. Sự thay đổi này là hợp lý, bởi vì lỗi luôn gắn với hành vi trái pháp luật, và không thể có lỗi tồn tại ngoài hành vi trái pháp luật của một chủ thể. Hơn nữa, lỗi trong trách nhiệm dân sự nói chung, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói riêng là lỗi suy đoán. Tức là không cần phải chứng minh lỗi, mà chỉ cần chứng minh hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật là đủ. Do đó, chỉ cần xác định được hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật thì đương nhiên sẽ xác định được yếu tố lỗi của chủ thể nhất định.

Thứ hai, Bộ luật dân sự năm 2015 đưa ra các căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người gây thiệt hại, được áp dụng đối với mọi trường hợp. Cụ thể, khoản 2 Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”. Trong Bộ luật dân sự năm 2005, các căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường được xác định ở từng trường hợp cụ thể.

Thứ ba, Bộ luật dân sự năm 2015 đưa ra quy định khái quát nhất về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra tại khoản 3 Điều 584 “Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này”. Đây quy định mới mà trong Bộ luật dân sự năm 2005 không đề cập. Quy định này giúp cho các chủ thể mở rộng được phạm các trường hợp có thể yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi các quyền và lợi ích đó bị xâm phạm bởi tài sản của một chủ thể nhất định. Tuy nhiên, quy định này có một số điểm hạn chế cần khắc phục như sau:

Một là, mục đích của quy định này là đưa ra cơ sở pháp lý cho việc xác định chủ thể phải bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra nói chung. Tuy nhiên, quy định này chỉ xác định hai chủ thể phải bồi thường thiệt hại đó là chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản. Điều này là không phù hợp với thực tế, đặc biệt là trường hợp động vật gây thiệt hại. Bởi vì thực tế, động vật có thể gây thiệt hại khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu chuyển giao đang quản lý, thậm chí có thể là người thứ ba tác động làm động vật gây thiệt hại, hoặc do người khác chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật. Do đó, quy định này phải được sửa đổi theo hướng bổ sung các chủ thể có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi tài sản nói chung, động vật nói riêng gây ra thiệt hại.

Hai là, quy định này dẫn chiếu đến khoản 2 để xác định các trường hợp chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản không phải bồi thường thiệt hại bao gồm trường hợp thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng và hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại. Tuy nhiên, tinh thần của khoản 2 Điều 584 chỉ có thể áp dụng với trường hợp thiệt hành do hành vi của con người gây ra. Do đó, để đảm bảo sự phù hợp của khoản 3 khi dẫn chiếu áp dụng khoản 2 thì quy định tại khoản 2 phải được sửa đổi cho phù hợp.

Ngoài ra theo tinh thần của khoản 2 thì nếu xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại mà có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác thì người gây thiệt hại vẫn phải bồi thường. Điều này là không hợp lý, bởi vì quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là quan hệ phát sinh giữa các chủ thể chưa từng có quan hệ hợp đồng hoặc có quan hệ hợp đồng nhưng thiệt hại xảy ra không liên quan đến các thỏa thuận trong hợp đồng. Trước khi xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc lỗi hoàn toàn thuộc về bên bị thiệt hại, giữa các bên chưa tồn tại bất kì một thỏa thuận nào. Do đó, nếu xảy ra một trong hai căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại này, thì chẳng có chủ thể nào lại tham gia vào việc thỏa thuận với người bị thiệt hại nhằm hướng tới việc mình sẽ phải bồi thường. Tức là đoạn “trừ trường hợp có thỏa thuận khác” trong khoản 2 Điều 584 là không có tính thực tế và cần được loại bỏ. Theo quan điểm của chúng tôi, khoản 2 Điều 584 phải được sửa lại như sau:

“Trách nhiệm bồi thường thiệt hại được loại trừ trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp luật có quy định khác”.

Khoản 3 Điều 584 phải được sửa lại như sau:

“Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trường hợp tài sản gây thiệt hại do tác động của người thứ ba thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại. Nếu tài sản bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường.     

Người bị thiệt hại không được bồi thường trong trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này”

2. Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại

Thứ nhất, trong Bộ luật dân sự năm 2005, trong nguyên tắc bồi thường thiệt hại có ghi “thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời”. Tuy nhiên, trong Bộ luật dân sự năm 2015 lại quy định: “Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời”. Sự thay đổi này cho thấy chỉ những thiệt hại thực tế mới được bồi thường. Những thiệt hại do suy đoán hoặc không có căn cứ xác định thì không được bồi thường.

Thứ hai, về việc giảm mức bồi thường, có hai sự thay đổi, cụ thể:

Một là, theo Bộ luật dân sự năm 2005, người được giảm mức bồi thường là “người gây thiệt hại”. Tuy nhiên, theo Bộ luật dân sự năm 2015, người được giảm mức bồi thường được xác định là “người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại”. Sự thay đổi này là phù hợp, bởi vì người phải bồi thường thiệt hại đôi khi không phải là người gây thiệt hại. Hơn nữa, nếu theo quy định trong Bộ luật dân sự năm 2005, nhiều người sẽ cho rằng chỉ những người nào trực tiếp gây thiệt hại mà phải bồi thường thì mới có thể được giảm mức bồi thường, còn những người không gây thiệt hại nhưng phải bồi thường (ví dụ cha mẹ bồi thường thiệt hại do con dưới 15 tuổi gây thiệt hại) thì không được giảm mức bồi thường.

Hai là, theo Bộ luật dân sự năm 2005, chỉ những người có “lỗ vô ý” mới được giảm mức bồi thường. Theo Bộ luật dân sự năm 2015, người được giảm mức bồi thường có thể là “người không có lỗi” hoặc “có lỗi vô ý”. Sự thay đổi này là hoàn toàn phù hợp, bởi vì nếu quy định như Bộ luật dân sự năm 2005 là không phù hợp, điều này dẫn đến sự khó khăn trong việc áp dụng nguyên tắc giảm mức bồi thường trong trường hợp người chịu trách nhiệm bồi thường mà “không có lỗi”.

Thứ ba, Bộ luật dân sự năm 2015 bổ sung thêm hai nguyên tắc bồi thường thiệt hại:

Một là, “Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra”. Đây không phải là quy định mới xuất hiện trong Bộ luật dân sự năm 2015, mà quy định này đã được đề cập trong Bộ luật dân sự năm 2005. Tuy nhiên, điểm mới thể hiện ở chỗ, trong Bộ luật dân sự năm 2005, quy định này được coi là một trong các trường hợp bồi thường cụ thể và thuộc nội dung của mục 3. Đến Bộ luật dân sự năm 2015, đây lại là một nguyên tắc bồi thường thiệt hại. Điểm mới này là hoàn toàn phù hợp, bởi quy định này có thể áp dụng chung cho mọi trường hợp bồi thường thiệt hại trên thực tế.

Hai là, “Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình”. Đây là nguyên tắc bồi thường thiệt hại mới trong đề cập trong Bộ luật dân sự năm 2015. Điểm mới này là một sự tiến bộ so với Bộ luật dân sự năm 2005. Nó cụ thể hóa một trong các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định tại khoản 3 Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2005 đó là: “Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực”. Tuy nhiên, quy định này cũng có hạn chế ở chỗ, nếu thiệt hại đã xảy ngay khi có hành vi xâm phạm mà việc ngăn chặn, hạn chế cũng không thể làm cho những thiệt hại “đã xảy ra” trở thành “chưa xảy ra” thì việc không ngăn chặn, hạn chế chỉ nên coi là một trong những yếu tố để giảm mức bồi thường. Do đó, theo đó quy định này nên được sửa đổi theo hướng như sau: “Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường một phần hoặc toàn bộ nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình”. Tức là nên thêm cụm từ “một phần hoặc toàn bộ” vào giữa cụm từ “không được bồi thường” và cụm từ “nếu thiệt hại xảy ra”.

Ngoài ra, nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 585 Bộ luật dân sự năm 2015 có những mâu thuẫn mà khi áp dụng vào trường hợp cụ thể sẽ khó xác định được nguyên tắc nào sẽ được áp dụng. Trong đó, khoản 2 xác định các điều kiện để giảm mức bồi thường thiệt hại, trong đó có trường hợp người bị thiệt hại không có lỗi. Khoản 4 lại xác định nguyên tắc bên bị thiệt hại phải chịu phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình. Hai quy định này khi gắn với bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra sẽ có mâu thuẫn. Nếu trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại mà người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi nhưng là lỗi vô ý thì việc bồi thường thiệt hại sẽ tuân theo nguyên tắc ở khoản 2 (người phải bồi thường thiệt hại được giảm mức bồi thường) hay khoản 4 (người bị thiệt hại không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra) Điều 585 là vấn đề chưa rõ ràng. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi thì không thể áp dụng khoản 4, bởi vì nếu áp dụng khoản 4 thì người bị thiệt hại hoàn toàn không được bồi thường (vì họ hoàn toàn có lỗi vô ý), đồng nghĩa với việc chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng sẽ được loại trừ trách nhiệm bồi thường, điều này mâu thuẫn với điểm a khoản 3 Điều 601 Bộ luật dân sự năm 2015 (chủ sở hữu, người chiếm hữu, người sử dụng chỉ được loại trừ nếu hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại). Do đó, chỉ có thể áp dụng khoản 2 để xem xét việc có giảm mức bồi thường thiệt hại cho người phải bồi thường hay không. Ngoài ra, để đảm bảo sự thống nhất giữa các quy định với nhau, theo quan điểm của chúng tôi, khoản 4 Điều 585 phải được sửa đổi cho phù hợp, cụ thể như sau: “Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra, trừ trường hợp luật có quy định khác”. Chúng tôi cho rằng nên thêm đoạn “trừ trường hợp luật có quy định khác” bởi vì điều này sẽ tránh được những mâu thuẫn với quy định tại điểm a khoản 3 Điều 601 Bộ luật dân sự năm 2005. Đồng thời, có thể coi điểm a khoản 3 Điều 601 Bộ luật dân sự năm 2015 chính là một trong những trường hợp luật có quy định khác mà khoản 4 Điều 585 Bộ luật dân sự năm 2015 nhắc đến.

3. Về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân

Quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân trong Bộ luật dân sự năm 2015 có một số điểm mới so với Bộ luật dân sự năm 2005, cụ thể:

Thứ nhất, cụm từ “người chưa thành niên dưới 15 tuổi” trong Bộ luật dân sự năm 2005 được thay đổi thành bằng cụm từ “người chưa đủ 15 tuổi” trong Bộ luật dân sự năm 2015. Sự thay đổi này là hợp lý, bởi vì người người chưa đủ 15 tuổi đương nhiên được hiểu là người “chưa thành niên” nên việc quy định cụm từ này  là thừa. Hơn nữa, Bộ luật dân sự năm 2015 sử dụng cụm từ “chưa đủ 15 tuổi” thay vì cụm từ “dưới 15 tuổi” cũng hợp lý, bởi vì quy định như trong Bộ luật dân sự năm 2005 sẽ có thể dẫn đến cách hiểu rằng người dưới 15 tuổi là người từ đủ 14 tuổi trở xuống, và sẽ không bao gồm người đã đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 15 tuổi.

Thứ hai, Bộ luật dân sự năm 2015 bổ sung thêm việc xác định năng lực bồi thường thiệt hại của “người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi”. Sự bổ sung này là hệ quả tất yếu của việc bổ sung quy định về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi trong nội dung chế định cá nhân.

4. Về vấn đề liên đới bồi thường thiệt hại

Trong Bộ luật dân sự năm 2015, vấn đề liên đới bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 587. Tuy nhiên, theo tinh thần của Điều 587, vấn đề bồi thường liên đới chỉ đặt ra đối với trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại, tức là thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra. Đối với trường hợp tài sản gây thiệt hại, vấn đề liên đới bồi thường hiện nay chỉ được quy định trong trường hợp bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ hoặc do súc vật gây. Nếu giữ nguyên quy định như trong Bộ luật dân sự năm 2015, mà trong trường hợp các loại tài sản khác gây thiệt hại, nhiều chủ thể cùng có lỗi, việc xác định trách nhiệm liên đới phải dựa vào nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật. Chúng tôi cho rằng, thay vì phải vận dụng nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật, nên sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan cho phù hợp, đồng thời nên có quy định chung cho cả trường hợp hành vi gây thiệt hại và tài sản gây thiệt hại. Theo đó, chúng tôi kiến nghị sửa đổi tên Điều 587 Bộ luật dân sự năm 2015 là “Trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại”, đồng thời nội dung của Điều này nên sửa lại như sau:

“Trường hợp thiệt hại xảy ra mà nhiều người cùng có lỗi thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau”

5. Về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại

Trong Bộ luật dân sự năm 2015, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 3 năm thay vì quy định 2 năm như trong Bộ luật dân sự năm 2015. Sự thay đổi này là phù hợp với một số quy định có liên quan (thời hiệu khởi kiện yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại là 3 năm kể từ thời điểm mở thừa kế). Ví dụ cụ thể về sự phù hợp này:

Ngày 01/01/2013 A gây thiệt hại về sức khỏe cho B. Ngay trong ngày hôm đó A gặp tai nạn và chết, có để lại di sản. Như vậy, thời hiệu khởi kiện về bồi thường thiệt hại và thời hiệu khởi kiện yêu cầu người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại đề bắt đầu từ ngày 01/01/2013. Theo quy định về thời hiệu khởi kiện về thừa kế, đến trước ngày 01/01/2016, B có thể nộp đơn khởi kiện yêu cầu người thừa kế của A phải bồi thường thay cho A. Nếu thời hiệu khởi kiện về bồi thường thiệt hại chỉ kéo dài 2 năm thì lúc này việc khởi kiện theo quy định về thừa kế của B đối với người thừa kế của A là không còn giá trị. Như vậy là không hợp lý, vì nghĩa vụ bồi thường cũng là một loại nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.

Thời điểm tính thời hiệu khởi kiện về bồi thường thiệt hại cũng có sự thay đổi. Theo quy định trong Bộ luật dân sự năm 2005, thời điểm đó là “thời điểm quyền và lợi ích bị xâm phạm”. Theo quy định trong Bộ luật dân sự năm 2015, thời điểm đó là thời điểm “biết hoặc buộc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm”. Sự thay đổi này là phù hợp, bởi vì không phải trường hợp này người có quyền yêu cầu cũng có thể biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm ở thời điểm nào. Do đó, nếu quy định như Bộ luật dân sự năm 2005, rất nhiều trường hợp khi người có quyền yêu cầu biết hoặc buộc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì thời hiệu khởi kiện có thể đã hết.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon