Các trường hợp xác lập quyền sở hữu

cac-truong-hop-xac-lap-quyen-so-huu

Quyền sở hữu là một chế định đặc biệt quan trọng trong Bộ luật dân sự. Các trường hợp xác lập quyền sở hữu được pháp luật quy định như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý

Các trường hợp xác lập quyền sở hữu được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể như sau:

1. Đối với tài sản có được từ lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ

Quyền sở hữu được xác lập do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp được coi là căn cứ phổ biến làm phát sinh quyền sở hữu của các chủ thể. Để có thể được xác lập quyền sở hữu theo căn cứ này thì hoạt động lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh phải hợp pháp. Nói cách khác, người lao động, người tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh phải không làm các công việc hoặc không tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các đối tượng mà pháp luật cấm.

Hoạt động sáng tạo các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ được pháp luật bảo hộ. Pháp luật Việt Nam công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng; không bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ trái với đại đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh.

2. Xác lập theo hợp đồng

Quyền sở hữu có thể được xác lập thông qua sự thỏa thuận, thể hiện qua các hợp đồng mua bán, tặng cho, trao đổi, cho vay hoặc hợp đồng chuyển quyền sở hữu khác theo quy định pháp luật. Đối tượng để xác lập quyền sở hữu theo hợp đồng là các tài sản được phép giao dịch. Thời điểm phát sinh quyền sở hữu đối với người được xác lập quyền sở hữu kể từ thời điểm chuyển giao tài sản, nếu các bên không có thỏa thuận hoặc pháp luật không có quy định khác.

Quyền sở hữu được xác lập thông qua hợp đồng là căn cứ phổ biến làm phát sinh quyền sở hữu của chủ thể. Tuy nhiên, việc xác lập quyền sở hữu theo căn cứ này cũng cần lưu ý: Đối tượng của hợp đồng để xác lập quyền sở hữu của chủ thể phải là những tài sản không bị cấm trong giao dịch dân sự, việc giao kết, thực hiện hợp đồng phải thuận thủ các quy định của pháp luật về giao dịch dân sự nói chung và hợp đồng dân sự nói riêng.

3. Đối với hoa lợi, lợi tức

Hoa lợi, lợi tức là những tài sản phái sinh, tức là những tài sản có được hoàn toàn dựa trên cơ sở một loại tài sản trước đó. Hoa lợi luôn luôn là vật, phụ thuộc vào vật trước đó (là sản vật tự nhiên do vật chủ mang lại). Còn lợi tức là lợi ích có được từ việc khai thác, sử dụng tài sản (có thể là một khoản tiền hay tài sản khác).

Chủ sở hữu, người sử dụng tài sản có quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật, kể từ thời điểm thu được hoa lợi, lợi tức đó.

4. Đối với vật mới trong trường hợp sáp nhập, trộn lẫn, chế biến

Sáp nhập, trộn lẫn, chế biến tài sản là căn cứ phát sinh quyền sở hữu có những đặc thù nhật định ở đối tượng, xác định chủ sở hữu đối với vật mới và tính hoàn lại.

4.1. Đối với sáp nhập tài sản

Tùy từng trường hợp để xác định chủ sở hữu mới nếu vật đem sáp nhập có thể xác định được hoặc không xác định được là vật chính, vật phụ, động sản sáp nhập với động sản hoặc động sản sáp nhập với bất động sản. Ngoài ra, còn phải căn cứ vào ý chí của các chủ thể trong việc xác lập quyền sở hữu vật mới để xác định chủ sở hữu đối với vật được tạo thành. Thông thường, nếu vật đem sáp nhập được thực hiện theo ý chí chung của các chủ sở hữu có vật được sáp nhập thì sẽ thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu vật sáp nhập.

Ngoài ra, pháp luât còn bảo vệ quyền lợi cho người ngay tình, người có tài sản bị người khác đem sáp nhập vào tài sản của họ mà không được sự đồng ý của người có tài sản đem sáp nhập liên quan đến xác lập quyền sở hữu hoặc bồi thường thiệt hại, sáp nhập tài sản là động sản của mình vào một bất động sản của người khác (Điều 225 BLDS 2015).

4.2. Đối với trộn lẫn tài sản

Đây là các vật cùng loại với nhau. Nếu vật mới được tạo thành thông qua việc trộn lẫn tài sản theo ý chí của các chủ sở hữu tài sản trộn lẫn thì vật mới được tạo thành thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu tài sản trộn lẫn.

Nếu một người trộn lẫn tài sản của người khác mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu tài sản bị trộn lẫn, mặc dù việc trộn lẫn đó là ngay tình hay không ngay tình thì pháp luật vẫn bảo vệ quyền lợi cho chủ sở hữu tài sản bị trộn lẫn. Theo đó, chủ sở hữu tài sản bị trộn lẫn hoặc yêu cầu người đã trộn lẫn tài sản giao tài sản mới cho mình và thanh toán cho người đã trộn lẫn phần giá trị tài sản của người đó hoặc yêu cầu người đã trộn lẫn tài sản thanh toán giá trị phần tài sản của mình và bồi thường thiệt hại, nếu không nhận tài sản mới (Điều 226 BLDS 2015).

4.3. Đối với chế biến tài sản

Chế biến được hiểu là biến đổi một chất gì thành một thứ dùng được.

Về nguyên tắc, chủ sở hữu của nguyên vật liệu sẽ là chủ sở hữu của vật mới được tạo thành trên cơ sở chế biến nguyên vật liệu. Nếu một người dùng nguyên liệu của người khác chế biến tài sản thì vật mới được xác định trên cơ sở việc chế biến đó được xác định là ngay tình hay không. Cụ thể:

Nếu người dùng nguyên vật liệu của người khác chế biến thành vật mới mà việc chế biến đó là ngay tình thì người chế biến có quyền sở hữu vật mới nhưng phải thanh toán giá trị nguyên vật liệu và bồi thường thiệt hại cho chú sở hữu nguyên vật liệu;

Nếu người dùng nguyên vật liệu của người khác chế biến thành vật mới mà việc chế biến đó là không ngay tình thì vật mới thuộc sở hữu của chủ sở hữu nguyên vật liệu (nếu có nhiều chủ sở hữu nguyên vật liệu thì những người này là đồng chủ sở hữu theo phần đối với vật mới được tạo thành, tương ứng với giá trị nguyên vật liệu của mỗi người. Ngoài ra, chủ sở hữu nguyên vật liệu bị chế biến không ngay tình có quyền yêu cầu người chế biến bồi thường thiệt hại (Điều 227 BLDS 2015).

5. Do được thừa kế tài sản

Khi một người chết đi có để lại tài sản thì tài sản của người chết sẽ được để lại cho người thừa kế của họ theo di chúc hoặc theo pháp luật. Thừa kế tài sản là một trong những căn cứ làm phát sinh quyền sở hữu của những người thừa kế. Thời điểm được xác lập quyền sở hữu của những người thừa kế đối với di sản do người chết để lại được xác định là kể từ thời điểm mở thừa kế.

6. Đối với tài sản vô chủ

6.1. Đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu

Tài sản vô chủ được hiểu là tài sản mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản đó. Tùy thuộc vào tài sản vô chủ là động sản hay bất động sản mà việc xác định chủ sở hữu đối với tài sản này sẽ khác nhau: Nếu tài sản vô chủ là động sản thì người đã phát hiện, người đang quản lý tài sản vô chủ có quyền sở hữu tài sản đó, trừ trường hợp luật có quy định khác; nếu tài sản là bất động sản thì thuộc về Nhà nước.

Người phát hiện tài sản không xác định được chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gần nhất. Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản có trách nhiệm thông báo công khai để chủ sở hữu biết mà nhận lại. Trong trường hợp đã thông báo công khai mà vẫn không xác định được chủ sở hữu thì tài sản đó được giải quyết như sau:

6.2. Đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy

Tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy mà không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu thì sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản, quyền sở hữu đối với tài sản đó được xác định như sau:

Nếu tài sản được tìm thấy là di tích lịch sử, văn hóa theo quy định pháp luật thì thuộc về Nhà nước; người tìm thấy tài sản đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định.

Nếu tài sản được tìm thấy không phải di tích lịch sử, văn hóa theo quy định pháp luật và có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy;

Nếu tài sản tìm thấy có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá đó, phần còn lại thuộc về Nhà nước.

6.3. Đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên

Nếu biết địa chỉ người người đánh rơi, bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó;

Nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.

Nếu thông báo công khai sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:

Trường hợp là tài sản có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định pháp luật;

Trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước;

Trường hợp là tài sản thuộc di tích lịch sử – văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì tài sản đó thuộc về Nhà nước; người nhặt được tài sản được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định pháp luật.

6.4. Đối với gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên

Khi những động vật này bị thất lạc, người bắt được phải có nghĩa vụ thông báo công khai để chủ sở hữu biết mà nhận lại, trừ trường hợp vật nuôi dưới nước không có dấu hiệu riêng có thể xác định chủ sở hữu thì thuộc sở hữu của người có ruộng, ao hồ đó. Nếu sau thời gian thông báo công khai theo quy định mà không có người đến nhận thì những vật nuôi này và hoa lợi sẽ thuộc sở hữu của người bắt được.

Ngoài ra, nếu trả lại gia súc, gia cầm cho chủ sở hữu thì chủ sở hữu có nghĩa vụ thanh toán chi phí bảo quản, tiền công nuôi gia súc, gia cầm cũng như việc hưởng hoa lợi, trách nhiệm của người nuôi giữ khi cố ý làm gia súc, gia cầm chết.

7. Theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật

Chiếm hữu phải là chiếm hữu ngay tình. Người chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình là người chiếm hữu mà không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật.

Việc chiếm hữu tài sản phải liên tục. Việc chiếm hữu tài sản được thực hiện trong một khoảng thời gian mà không có tranh chấp về tài sản đó là chiếm hữu liên tục, kể cả khi tài sản được giao cho người khác chiếm hữu.

Việc chiếm hữu tài sản phải công khai. Việc chiếm hữu tài sản được cou là chiếm hữu công khai khi thực hiện một cách minh bạch, không giấu giếm; tài sản đang chiếm hữu được sử dụng theo tính năng, công dụng và được người chiếm hữu bảo quản, giữ gìn như tài sản của chính mình.

Đối với tài sản thuộc hình thức sở hữu của nhà nước thì căn cứ xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu không được áp dụng.

Trên đây là một số quy định về các trường hợp cứ xác lập quyền sở hữu. Nếu có bất cứ thắc mắc nào vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ!

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon