Thực tiễn giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một trong những loại tranh chấp dân sự phổ biến hiện nay. Trong đó, tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm; do tính mạng bị xâm phạm, do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm đã có Nghị quyết Hội đồng Thẩm phán Tòa án tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật nên việc giải quyết tranh chấp của các cấp Tòa án khá toàn diện, triệt để, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên đương sự. Tuy nhiên, việc xác định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm việc xác định mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần còn khó xác định. Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu về các vấn đề trong bài viết dưới đây.
1. Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì?
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm dân sự của bên có lỗi (cố ý hoặc vô ý) gây hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, gây hại đến danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc các chủ thể khác.
Tranh chấp dân sự được hiểu là những tranh chấp xảy ra giữa các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự về các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản được pháp luật bảo vệ.
Như vậy, tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại tranh chấp dân sự xảy ra giữa các bên trong quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Hiểu ngắn gọn là tranh chấp giữa bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại về vấn đề bồi thường.
2. Về xác định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm
Bộ luật dân sự quy định xác định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Ví dụ về thực tiễn áp dụng như sau:
Ông K làm đơn tố cáo ông C với lý do là ông C khi tham gia đơn vị D10 (Tiểu đoàn 10) được vài ngày thì bỏ trốn. Ông C khởi kiện ông K vì hành vi tố cáo sai sự thật của ông K và yêu cầu ông K phải công khai xin lỗi trước nhân nhân và bồi thường thiệt hại số tiền 13.000.000 đồng vì xúc phạm danh dự và uy tính của ông C.
Toà án cấp sơ thẩm đã nhận định: Ông Nguyễn Văn K thừa nhận có làm đơn tố cáo nguyên đơn ông Võ Văn C, cho rằng nguyên đơn có tham gia cách mạng tại đơn vị D10 (Tiểu đoàn 10) được vài ngày thì bỏ trốn. Tuy nhiên, việc bị đơn tố cáo nguyên đơn nhưng không có căn cứ mà chỉ nghe lời đồn đại trong quần chúng nhân dân. Trong khi đó, tại biên bản xác minh, nguyên đơn có tham gia cách mạng tại đơn vị D10, tham gia du kích trong thời gian dài là thực tế, không bỏ trốn như bị đơn đã tố cáo. Do đó, hành vi tố cáo sai sự thật của bị đơn đối với nguyên đơn đã xúc phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của nguyên đơn. Tuy nhiên, nguyên đơn không chứng minh được chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại cũng như thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Do đó, nguyên đơn chỉ được bồi thường thiệt hại một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà nguyên đơn gánh chịu. Mức bồi thường được chấp nhận là 02 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, tương đương số tiền 2.600.000 đồng.
Theo Khoản 1 và Khoản 5 Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015, Bị đơn có hành vi tố cáo không đúng sự thật làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của nguyên đơn là căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng “nguyên đơn không chứng minh được chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại cũng như thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút”. Từ đó, Tòa án buộc nguyên đơn chỉ được bồi thường thiệt hại một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà nguyên đơn gánh chịu.
Bộ luật dân sự hiện hành quy định xác định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được hiểu có thiệt hại về vật chất là chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại và thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại về tinh thần là một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu mức tối đa không quá mười lần mức lương cơ sở. Nếu Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng “nguyên đơn không chứng minh được chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại cũng như thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút” thì phải xử không chấp nhận khoản bồi thường thiệt hại về vật chất này.
3. Về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra khi người thi công có lỗi
Theo Khoản 2 Điều 605 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường”. Như vậy, “người thi công” được hiểu là người tiến hành xây dựng nhà cửa, công trình xây dựng khác; người thi công phải có lỗi gây ra thiệt hại một cách vô ý là “để” nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại và người thi công không phải chịu hoàn toàn trách nhiệm bồi thường mà trong trường hợp này là trách nhiệm liên đới giữa người thi công và chủ sở hữu nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại.
Theo Điều 605 BLDS 2015 thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thi công được xác định trên cơ sở có lỗi của họ đối với thiệt hại xảy ra.
Đối với tài sản bị mất, bị hủy hoại, bị hư hỏng sẽ được xác định trên cơ sở giám định của cơ quan có thẩm quyền là toàn bộ giá trị còn lại của nhà cửa, công trình xây dựng đó là giá thị trường tại thời điểm giải quyết bồi thường.
Đối với lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút được hiểu là toàn bộ lợi ích chủ sở hữu không thu được do tài sản bị xâm phạm, nếu tài sản không bị xâm phạm thì chủ sở hữu chắc chắn sẽ thu được những khoản lợi ích này từ việc sử dụng tài sản, khai thác tài sản là lợi ích gián tiếp như chi phí thuê nhà.
Đối với chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại được bồi thường thì trước hết, đây phải là những chi phí thực tế mà người bị thiệt hại phải bỏ ra để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại. Ví dụ về thực tiễn áp dụng như sau:
Bà N là chủ sở hữu ngôi nhà và đất, hiện nay bà đang ở và cho thuê. Liền kề bên cạnh là khách sạn V do Công ty TNHH Tiếp Vận S (gọi tắt là Công ty S) làm chủ đầu tư và đơn vị thi công. Trong quá trình xây dựng khách sạn nói trên Công ty Q đã gây ra thiệt hại làm lún, nứt dầm, nứt trụ, tường ngôi nhà của bà làm ảnh hưởngnghiêm trọng đến kết cấu ngôi nhà và gây thiệt hại đến cuộc sống của bà N cũng như việc cho thuê nhà của bà. Bà N khởi kiện, yêu cầu Tòa án buộc Công ty Q bồi thường thiệt hại do việc thi công xây dựng công trình khách sạn liền kề gây lún, nứt đối với công tình nhà ở của bà.
Bà có yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định thiệt hại. Chi phí khắc phục các tổn thất tổng cộng là 1.058.128.936 đồng. Bà thay đổi hình thức bồi thường thiệt hại, yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty Q bồi thường thiệt hại cho bà bằng việc: Sửa chữa khắc phục căn nhà của bà trở về hiện trạng như ban đầu. Bồi thường số tiền thuê nhà bị giảm sút vì ông Phan Việt H buộc bà phải giảm tiền thuê nhà trong 02 tháng do việc kinh doanh thua lỗ. Trường hợp ông Phan Việt H chấm dứt hợp đồng thuê nhà với bà và có yêu cầu bồi thường thiệt hại thì Công ty Q có trách nhiệm bồi thường toàn bộ những thiệt hại theo yêu cầu của ông Phan Việt H. Ngoài ra, Công ty Q còn phải bồi thường toàn bộ số tiền thuê nhà bà bị mất trong thời hạn còn lại theo hợp đồng cho thuê nhà bà đã ký với ông Phan Việt H.
Quá trình giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm chỉ chấp nhận yêu cầu của bà N đối với số tiền của Công ty CV đề nghị xử lý các tổn thất của căn nhà là 1.058.128.936 đồng và số tiền chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và chi phí giám định là 75.000.000 đồng là chưa xác định đầy đủ những thiệt hại do tài sản bị xâm phạm.
4. Về bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra
Theo Điều 587 Bộ luật Dân sự 2015 quy định BTTH do nhiều người cùng gây ra: “Trường hợp nhiều người cùng gây ra thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người, nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau”. Theo đó, trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại được hiểu là nhiều người cùng gây thiệt hại; trách nhiệm từng người xác định theo mức độ lỗi; nếu không xác định mức độ lỗi thì trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau. Ví dụ về thực tiễn áp dụng như sau:
Cháu H (con của anh D, cháu của ông B) và cháu E (con của anh F) trèo lên cổng và đu đổ cổng nhà anh D, làm cổng đổ vào người cháu K dẫn đến cháu K chết. Gia đình ông B đã đưa cho anh A là bố cháu K số tiền 10.000.000 đồng. Nguyên đơn là anh A khởi kiện yêu cầu gia đình ông B, anh D (giám hộ cho cháu H) và anh F (giám hộ cho cháu E) liên đới bồi thường thiệt hại là 70.000.000 đồng; trong đó có 25.000.000 đồng tiền mai táng.
Tòa án cấp sơ thẩm nhận định, Mặc dù lỗi do cháu H và cháu E gây ra nhưng các cháu chưa đến tuổi thành niên để chịu trách nhiệm, do đó anh D, chị I là bố mẹ đẻ của cháu H và anh F, chị G là bố mẹ đẻ của cháu E phải có trách nhiệm giám hộ và đứng ra bồi thường cho gia đình cháu K.
Căn cứ vào mục 2.2 của Nghị quyết số: 03/2006/NQ-HĐTP, ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì chỉ có cơ sở chấp nhận khoản chi phí hợp lý cho việc mai táng bao gồm: các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng để khâm niệm, tiền thuê ô tô, tiền chi phí cho việc chôn cất cháu K là 12.000.000 đồng. Không chấp nhận các khoản tiền chi cho ăn uống, lễ bái, xây mộ… Ngoài ra, cần xem xét thêm khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho gia đình cháu K bằng 28 tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định được tính như sau: 28 x 1.210.000đ = 33.880.000 đồng. Như vậy tổng cộng số tiền phải bồi thường cho gia đình anh A là 45.880.000 đồng.
Sự việc diễn ra tại nhà anh D, trong đó có cháu H chưa thành niên là con trai anh D và chị I tham gia du đẩy cổng nên dẫn đến cái chết của cháu K. Do đó anh D và chị I là người chịu trách nhiệm chính. Anh D vừa là người chủ nhà, vừa là người giám hộ cho cháu H nên anh D và chị I phải có trách nhiệm bồi thường cho gia đình anh A với mức 4/5 của số tiền 45.880.000đ. Anh F và chị G phải có trách nhiệm liên đới bồi thường cho gia đình anh A thay cho cháu E. Tuy nhiên trách nhiệm bồi thường của anh F và chị G với mức 1/5 của số tiền 45.880.000đ
Về đánh giá mức độ lỗi, Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng vợ chồng anh D vừa là chủ sở hữu nhà và cổng, vừa là người đại diện theo pháp luật cho cháu H phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường 4/5 thiệt hại. Còn vợ chồng anh F là người đại diện theo pháp luật cho cháu E chịu trách nhiệm liên đới bồi thường 1/5 thiệt hại cho gia đình anh A là chưa có sức thuyết phục. Trong khi Tòa án nhận định cháu H và cháu E cùng tham gia kéo, đẩy cánh cổng dẫn đến cổng đổ và đè chết cháu K. Lẽ ra, Tòa án cần xác định lỗi của cháu H và cháu E dẫn đến cái chết của cháu K là ngang nhau.
5. Về bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng
Theo Khoàn 1 Điều 3 Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 thì:“Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hoá, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức” và Điều 14 Luật thương mại quy định về nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. Theo điều 608 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”. Như vậy, việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng mà gây thiệt hại là vi phạm đến quyền lợi người tiêu dùng thì người sản xuất, kinh doanh hàng hóa phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng của hàng hóa mình đã bán. Ví dụ về thực tiễn áp dụng như sau:
Vợ chồng bà T có mua 2.000kg phân bón NPK 18-12-8 của Đại lý phân bón G với giá 24.000.000đ. Sau khi mua phân về, ông bà bón phân cho cây cà phê, tiêu, cây ăn quả trong vườn. Sau khi bón phân được 10 ngày thì phát hiện cây bị vàng lá và chết hàng loạt, Vợ chồng bà T cho rằng: Lý do cây chết là do phân bón NPK 18-12-8 mua tại Đại lý phân bón G. Gia đình bà T đã báo sự việc cho chủ đại lý G, sau đó ông G cùng với đại diện công ty phân bón Q mang 2.000kg vôi đến yêu cầu cho vào gốc cây và tưới nước liên tục, công ty có lập biên bản cam kết bồi thường cho gia đình bà T số cây cà phê bị thiệt hại không thể phục hồi.
Ông bà đã làm đơn yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện K làm rõ xử lý vụ nhưng không đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự. Do vậy, bà T làm đơn khởi kiện yêu cầu Công ty G phải bồi thường số cây cà phê bị chết.
Tòa án cấp phúc thẩm nhận định: Việc bà T và ông V cho rằng cây cà phê chết là do phân bón giả nhưng ông bà không cung cấp được chứng cứ chứng minh, cụ thể là mẫu phân bón mà ông bà cho rằng đó là phân bón kém chất lượng nên theo quy định tại Điều 584 của Bộ luật dân sự thì không phát sinh trách nhiệm bồi thường. Từ đó, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều quyết định: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Bà T cung cấp kết quả phân tích mẫu phân NPK của Trung tâm nghiên cứu quan trắc môi trường nông nghiệp Miền trung và Tây nguyên thì Tòa án các cấp lại cho rằng việc bà T lấy mẫu phân đi kiểm tra không đúng trình tự, thủ tục theo quy định để xử bác yêu cầu của nguyên đơn là không đúng. Hiện nay, Bộ luật dân sự năm 2015 mới quy định chung bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng, nhưng cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như thế nào được xác định là không bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ, cũng như xác định như thế nào được coi là thiệt hại cho người tiêu dùng để phải bồi thường chưa có văn bản hướng dẫn.
Kết luận
Các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Bộ luật dân sự năm 2015 về cơ bản kế thừa các quy định của Bộ luật dân sự năm 2005. Do đó, Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn Bộ luật dân sự năm 2005 vẫn được Tòa án các cấp tham khảo áp dụng trong giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại trong một số trường hợp cụ thể mới phát sinh như đề cập ở trên cũng cần có Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn để phù hợp với các quy định mới của Bộ luật dân sự năm 2015 và để thống nhất công tác xét xử trong toàn hệ thống Tòa án nhân dân.